review suy diễn phim TENET: thế chiến 3 sẽ thế nào nếu có?

TENET (2020) là phim giả tưởng và hack não, tôi giải thích lại theo cách dễ hiểu nhất, bài chủ yếu diễn giải những thứ không có trong phim để các bạn hiểu trọng tâm vấn đề là gì, ví như thế chiến thứ 3 sẽ thế nào nếu nó thật sự diễn ra, và ý nghĩa trọng tâm trong toàn bộ lý thuyết khoa học mà bộ phim này lấy làm cơ sở. Tuy dịch đang diễn ra nhưng các bạn có thể đến rạp để trải nghiệm vô tư và đừng sợ, vì hôm tôi đi xem là chiều thứ 7 nhưng chỉ có duy nhất mình tôi trong rạp (cười), nó còn an toàn hơn là bạn đi ăn ngoài phố. Tuy nhiên đừng cố mà hiểu, đừng kỳ vọng quá nhiều như Inception hoặc vài phim khác của Nolan, đừng quá chú tâm đọc phụ đề, đến cả tôi xem còn không thật sự hiểu (cười), chủ yếu là trải nghiệm cái mới lạ, xem xong rồi tìm bài review trên mạng đọc sẽ hiểu thôi – họ giải thích rất chi tiết. IMDb 8.0 – điểm này có xu hướng giảm vì nó không đến tầm đó. Bài này rất quan trọng nếu các bạn muốn hiểu phim có liên quan đến thời gian.

Chuyện kể rằng có một nhân viên mật vụ đã thất bại trong nhiệm vụ, sau đó anh ấy được cử đi ngăn chặn sự phát sinh của thế chiến thứ 3. À tuy nói phim khó hiểu nhưng về mặt tổng thể thì vẫn có thể hiểu, cái khó hiểu nằm trong chi tiết của hành động, bỏ qua việc cố để hiểu lúc xem sẽ giúp bạn trải nghiệm phim thoải mái hơn và không cảm thấy nặng nề. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết, đọc bài này rồi xem phim cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Giải thích, suy diễn và ý nghĩa thông điệp

Chúng ta sẽ đi từ cái cơ bản nhất nhé. Khi bạn sống, bạn chỉ biết được một thực tại duy nhất và chưa bao giờ chạm mặt với chính bạn – đây là 2 yếu tố cốt lõi nếu muốn xây dựng lý thuyết về thời gian, ta gọi nó là X – hiện thực phải đảm bảo với bất cứ giá nào. Cho nên câu hỏi tiếp theo là: giả thuyết, chuyện gì xẩy ra khi người A có thể đi ngược về quá khứ ? Gọi A’ là A đã trở về quá khứ.

(1) Khi đó A’ sẽ tham gia vào quá khứ của A như một phần của nó, sinh ra lý thuyết về ‘tất định’, những gì đã xẩy ra là không thể thay đổi, và A không thể chạm mặt A’. X đảm bảo

(2) Vài người muốn có ‘tự do ý chí’, tức có thể thay đổi quá khứ, họ xóa bỏ ‘tất định’, nhưng A sẽ quên đi mọi thứ từng diễn ra, chỉ biết được thực tại duy nhất sau khi thế giới đã bị thay đổi. X đảm bảo

(3) Vài người khác không đồng ý với giả thuyết (1,2), họ bảo rằng 1 sự thay đổi quá khứ sẽ tạo ra 1 nhánh khác mà ta gọi là thế giới song song (lý thuyết đa thế giới), mỗi sự thay đổi là thực tại duy nhất của người đó trong thế giới đó. X đảm bảo

Lý thuyết khoa học có một lập luận khác: những gì chưa từng diễn ra vẫn có thể diễn ra, không cần đảm bảo X, nên A có thể nhớ nhiều thực tại khác nhau khi nó thay đổi, hoặc A có thể chạm mặt A’, A có thể chạm mặt A ở thế giới song song, hoặc mọi sự kết hợp khác mà người ta có thể nghĩ ra; nhưng xây dựng lý thuyết theo khả năng này thì không thể vi phạm những logic khác, ví như A không thể trở về quá khứ để giết chính mình trong cùng một thế giới. Những điều này thì đã đi quá xa hiện thực. Tôi sẽ dẫn link các review phim liên quan đến ‘thời gian’ và phim của Nolan ở phía dưới bài.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Phim này vận dụng ‘lập luận khác’ mà tôi vừa nói, ở chỗ A thấy mọi vật vận hành theo lối chuyển ngược. Lấy (1) làm cơ sở, một thế giới, luật ‘tất định’, nhưng không phải du hành thời gian mà là đảo chiều thời gian, bạn cứ tưởng tượng thời gian như con đường 2 chiều, chiều thuận, người A đi từ 7h đến 8h, khi đến móc 8h thì A bước qua cánh cửa và đi theo chiều ngược lại từ 8h đến 7h, bước qua cánh cửa theo chiều ngược lại thì thời gian thành thuận chiều.

Bây giờ phân tích đến vật chất có pha vật liệu tồn tại thuật toán nghịch đảo thời gian, những vật chất này giống như A sau khi đi qua cánh cửa, tức quá khứ của nó từ tương lai và tương lai của nó là dịch chuyển về quá khứ, và mọi sự chỉ diễn ra một lần duy nhất, bởi tính nghịch đảo đó, nó chỉ bị tác động bởi cùng loại vật liệu có pha thuật toán, ví như cái bao tay và bánh răng, ở thời gian thuận chiều chụp bao tay lại bánh răng từ dưới bay lên bao tay, nhưng khi xét theo chiều thời gian của chính nó, như video tua ngược, chụp bao tay trở thành buông bánh răng và nó rơi xuống; khẩu súng và viên đạn cũng vậy, theo chiều nghịch đảo của nó, viên đạn bắn từ tương lai về quá khứ, nếu người bắn đang trong chiều thời gian thuận sẽ thấy viên đạn quay ngược vào khẩu súng.

Việc gì xẩy ra khi bị đường đạn ngược làm bị thương? Khó chữa vì vết thương được tạo bởi 2 nguyên lý thuận nghịch xoắn vào nhau, chỉ có cách mang người bị thương qua cửa đảo chiều, khi đó cùng một hệ mới chữa được; người đang đi ngược chiều thời gian bị khẩu súng thuận chiều bắn cũng thế. Tuy nhiên giải thích này còn rất nhiều lỗ hổng logic, vì sự kết hợp của 2 nguyên lý nghịch chiều nhau có thể tạo ra một hệ nguyên lý thứ 3 riêng biệt, nhưng tạm thời cho qua.

Giờ đến phần trọng tâm của bài, vì sao nếu nguyên lý đảo chiều này kích hoạt trong phạm vi lớn sẽ gây ra tận thế? Giả sử A trở về quá khứ thành A’ rồi gặp được B, họ lao vào giết nhau thì chuyện gì xẩy ra? Tương lai của A’ là quá khứ của B, do đó B ở trạng thái vô địch, A’ không thể giết B, nhưng B có thể giết A’; trong góc nhìn ngược lại, B gặp A’, tương lai của B là quá khứ của A’ nên B không thể giết A’, nhưng A’ có thể giết B. Bạn thấy lời tôi nói có mâu thuẫn (cười), để tôi diễn tả tình huống xẩy ra nhé:

B chạy vào con đường, thấy xác chết của A’ đang có súng trong tay, B rút súng ra, bỗng nhiên xác chết đứng lên ở trước mặt, B nổ súng, vết thương của A’ biến mất, B và A’ đánh nhau (cả 2 đều đang cầm súng), sau đó B thấy A’ bóp cò, viên đạn bay ngược về khẩu súng của A’ khiến B bị thương và gục chết; tả theo góc nhìn ngược lại, A’ chạy đến vào con đường, thấy xác chết của B đang có súng trong tay, A’ rút súng ra, bỗng nhiên xác chết đứng lên ở trước mặt, A’ nổ súng, vết thương của B biến mất, A’ và B đánh nhau (cả 2 đều đang cầm súng), sau đó A’ thấy B bóp cò, viên đạn bay ngược về khẩu súng của B khiến A’ bị thương và gục chết. Hợp lý không?

Như vậy bất cứ ai trong hai người là A’ và B, nếu gặp người đang đi theo hướng thời gian ngược lại với bản thân mà muốn giết họ thì đều là đồ ngu cả, lúc đó khôn ngoan nhất không phải là tìm cách giết đối phương mà là nỗ lực lớn nhất để không bị đối phương giết chết, vì bản thân đang tiến vào trạng thái bất tử (quá khứ) của đối phương. Trong trường hợp thấy xác chết vùng dậy và đã nổ súng thì cũng vậy, sau đó chỉ nên tìm cách đừng bị giết. Còn chuyện có thoát ra được hay không thì hên xui (cười). Trường hợp A’ gặp A và xẩy ra chuyện lao vào giết nhau, nghĩa là cùng 1 người, thì A chắc chắn sẽ sống, còn A’ có tỉ lệ sống – chết là 50-50, vì A’ chỉ tồn tại khi A còn sống, nếu A thấy xác A’ thì tự hiểu rồi đấy, tương lai sẽ bị bản thân hoặc người khác giết chết.

Từ mô tả tôi vừa nói thì chuyện gì xẩy ra khi nguyên lý đảo chiều bị kích hoạt trong phạm vi lớn? Là tận thế, bạn biết tại sao không? Vì quá khứ của những người đang sống thuận chiều thời gian chưa từng chứng kiến một đám đông đang sống theo cách nghịch đảo thời gian, mà chưa từng thấy thì xẩy ra 2 trường hợp, hoặc không có sự giao nhau giữa đám đông thuận – nghịch, hoặc đám đông nghịch chiều đều chết cả, điều đó sẽ thấy được trong tương lai nhưng không biết là khi nào. Nói chung thì tổ chức Tenet ngăn được chuyện đó càng lâu càng tốt.

Các bạn hoàn toàn hiểu những gì tôi vừa phân tích không? Như vậy chuyện Sator muốn mang 9 thiết bị của thuật toán về quá khứ để cho nổ sẽ rơi vào 3 trường hợp, thứ nhất là lập luận trong nội dung kịch bản của Nolan có lỗ hổng logic; thứ 2 là Sator ngu ngốc nên không hiểu rằng khi quá khứ đã định hình thì không có chuyện thuật toán sẽ nổ ở quá khứ; thứ 3 là Sator hiểu hành động của ông ta sẽ thất bại, nhưng sự thất bại đó là phần không thể thiếu trong mảnh ghép trong bức tranh tận thế của tương lai, nghĩa là sau thành công lần này của Tenet và thuật toán chia 3 thì lại có kẻ tập hợp nó lại lần nữa để cho nổ trong tương lai. Vì tận thế chỉ có thể diễn ra ở tương lai, nó là điểm cực hạn trong tương lai loài người.

Nếu nó diễn ra thì sẽ như sau: ban đầu loài người sẽ thấy sự thối rữa trước, sau đó sự thối rữa của xác chết giảm dần, xác chết lành lặn, xác chết sống lại và di chuyển ngược, hỗn loạn, người thuận chiều chết hàng loạt, người còn sống đến điểm cực hạn (thuật toán kích hoạt nổ) thì bị rơi vào trạng thái đảo chiều, họ đi ngược về quá khứ và va chạm với người thuận chiều rồi bị giết, xác họ hướng về quá khứ tan rã và bốc mùi hôi thối (tức tương lai của họ). Đó là thế chiến thứ 3 và là tận thế!

Các bạn thấy sao? Tôi giải thích có dễ hiểu không? Còn những chi tiết khác trong phim thì những bài review của người khác giải thích rất tốt, tôi không cần lặp lại hen, trong bài này, trừ chi tiết như quay ngược thời gian chứ không phải ‘nhảy’ về quá khứ và việc đi qua cánh cửa là giống những bài khác, phần còn lại thì hoàn toàn do tôi tự suy luận nhé, và 2 cái chi tiết đó hoàn toàn có thể hiểu khi xem phim. Tuy nhiên vẫn cảm ơn nhiều bài review khác, nhờ tham khảo nên mới có lập luận vững chắc để suy luận và viết bài này, và chắc chắn bài này sẽ không giống bất cứ bài nào khác từ tiếng Việt cho đến tiếng nước ngoài. Nếu trong bài này còn lỗ hổng thì cho qua vì tôi lười xem phim lại lần nữa (cười).

Vấn đề cuối cùng, ý nghĩa thông điệp là gì? Loài người không chỉ đề phòng những ‘viên đạn’ bắn vào tương lai giống như ‘thuật toán’ – biểu tượng của khoa học, mà còn phải đề phòng những ‘đường đạn từ tương lai bắn vào quá khứ’, tức là những sai lầm trong quá khứ hoặc hiện tại ví dụ như bức tranh giả mà Sator trao cho vợ, nó trở thành thứ dùng để khống chế cô ấy trong tương lai, có rất nhiều hình thái khác nhau cho ‘đường đạn’ loại này. Một điều khác, dù bất cứ ‘đường đạn’ loại nào thì điều mà chúng mang lại sẽ là hủy diệt – đau đớn – cái chết.

Tuy bài của tôi hoặc nhiều người khác phân tích có vẻ ghê gớm nhưng xét về mặt kịch bản phim của Nolan thì ông ấy hoàn toàn làm chưa tới, thể hiện chưa tới, vì như các bạn thấy, tất cả các bài viết đều xoay quanh các lý thuyết khoa học mà ông ấy mang vào phim, chưa có bài viết nào của tôi mà phần ý nghĩa thông điệp lại gói gọn ngắn như trong bài viết này. Cho nên tôi đánh giá phần cốt lõi của phim này thua những phim khác của Nolan, những đánh giá đồng quan điểm thì người khác cũng có rồi nên tôi không nói lại. Tuy nhiên phim vẫn có giá trị để đến rạp trải nghiệm, nhưng nhớ những gì tôi có nói ở trên, coi với tâm thái bình thản nhất có thể. Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

P/s (18h-01/09/2020): À, phim còn có một hàm ý nữa, cuộc thế chiến thứ 3 có thể tượng trưng cho cuộc chiến giữa nam giới và nữ giới, thuật toán do một nữ khoa học gia tạo ra, tổ chức muốn kích hoạt nó là một phụ nữ, người vợ bị Sator bắn sau đó cô ấy trở về bắn Sator, thế giới nếu đảo ngược thời gian và đi đến tận cùng thì trở về xã hội nguyên thủy là ‘mẫu hệ’, hít vào CO2 và thở ra O2 là cải thiện môi trường. Vẫn có thể không xẩy ra ‘cuộc thế chiến’ nếu con người không lao vào giết nhau, nói cách khác thì nếu bỏ qua yếu tố khoa học làm nền, và nhìn thuật toán như một hàm ý thì tương lai loài người có thể dùng ‘thuật toán’ để đi tiếp, nghĩa là thay vì tiếp tục tàn phá môi trường thì hãy ngừng chuyện đó lại và nghĩ cách làm nó tốt đẹp hơn, giống như việc đảo ngược về quá khứ khi mà trái đất còn tươi đẹp.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

…………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng

Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ?

Tiền Định – Predestination (2014): 2 thế giới, 2 vòng lặp giao nhau

Hố Đen Tử Thần – Interstellar (2014): nơi nào có tình yêu thì có sự sống

Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning

Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần

Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn – Arrival (2016): món quà quý nhất – trí tuệ

Giấc Mơ – Donnie Darko (2001): bẫy sâu cho người xem

Tam GIác Quỷ – Triangle (2009): làm tổn thương chính mình

Mật Mã Gốc – Source Code (2011): siêu thực tại trong từng khoảnh khắc

Ảo Ảnh – Mirage (Durante la tormenta – 2018): thâm thúy như búp bê Matryoshka

Ngài Không Ai Cả – Mr Nobody (2009): đâu là điều ta mong muốn?

Tua Thời Gian – Time Lapse (2014): điều gì quyết định tương lai?

12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate

Hồi Kết – AVENGERS Endgame (2019): tất cả là lừa dối, là cái bẫy

Cuộc Chiến Luân Hồi – Edge of Tomorrow (2014): hòa bình cho ngày mai

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

review phim Minority Report: mắt thấy chưa hẳn là thật

T4 Th9 2 , 2020
Minority Report (Báo Cáo Thiểu Số – 2002) là phim giả tưởng về một thế giới tương lai khi mà con người có được hệ thống dự đoán có thể ngăn chặn tội ác phát sinh. Điều này có thể trở thành hiện thực nhờ sự phát triển của khoa […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese