The Suicide Squad (2021) là phim giải trí rất hay, Chí Blog khắt khe khi đánh giá thể loại này nhưng phải công nhận là phim xứng đáng được khen ngợi, không chỉ có vậy, phim còn có vô số điều thú vị và ý nghĩa để chia sẻ cùng bạn đọc. IMDb 7.8 , bài viết tiết lộ một số nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Tôi sẽ không nói về các pha hành động sẽ hoành tráng và ấn tượng thế nào, vì bạn sẽ đọc được điều đó ở các bài viết trên những trang khác, và khi xem phim thì bạn sẽ cảm nhận được rất rõ ràng, tôi chỉ tập trung phân tích những điều thú vị mà có khả năng bạn sẽ bỏ qua.
Cảnh đầu tiên sẽ khiến bạn cảm thấy rất ấn tượng, một gã tù nhân tóc dài với trái bóng nhỏ, anh ta giết chết con chim theo cách rất đặt biệt, bạn sẽ phải thốt lên kinh ngạc “Waaa! Một sự tính toán vô cùng chính xác!”, sau đó khi xem đến những gì xẩy đến cho anh ta thì bạn cảm thấy như bị té ngửa. Tại sao chuyện lại thành như vậy? Nếu nghĩ sâu xa hơn, bạn sẽ cảm thấy muốn cười, vì xét cho cùng thì anh ta giống như một “sát thủ” chỉ giỏi … giết chim – một loài thú hiền hòa và yếu ớt, đã vậy anh ta còn không giết chúng theo lối trực diện, những gì chúng ta thấy lúc đầu chỉ là biểu diễn và phô trương, khi gặp thực tế, bản chất thật sẽ lộ ra. Anh ta dùng miếng bánh để dụ chim, sau đó anh ta trở thành “chim mồi” để dụ địch, anh ta bị cầm tù nhưng giết chết con chim tự do, anh ta không quý trọng tự do, những gì xẩy đến là nhân quả.
Khi bạn xem hết phim, bạn sẽ nhận ra phim xoay quanh một chủ đề là tính tương phản – sai chức năng, ví như gã “cá mập” lên bờ và giả bộ trở thành trí thức nhưng cầm quyển sách ngược, gã “chuột” thì rơi xuống biển và mém chết đuối, hoặc đứa con gái vào tù vì ăn cắp đồng hồ có chức năng xem tivi (haha), trong khi như ông bố đã nói, người ta có thể có mọi chức năng trên điện thoại.
Toàn bộ nội dung phim là một thế giới ngược, tội phạm trở thành siêu anh hùng, cá mập thì bị sứa lai cá vàng tấn công, nhiệm vụ không phải cứu thế giới mà để bịt đầu mối, sau đó lại trở thành cứu thế giới, phá ngục không phải để cứu người mà là giải phóng “trùm cuối”, rồi thì “người mình” giết “người mình”, một người “cân” một đám, bộ phim sẽ khiến bạn cười bò ra bằng những chi tiết rất tinh tế lại rất hoành tráng.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Nếu bạn đọc nhiều bài tôi viết, sẽ hiểu rằng những phim Mỹ luôn có biểu tượng mang tính chính trị – xã hội – con người, không khó để nhận ra đội A là tập hợp những cá nhân thuộc về “cánh hữu” – tính cá nhân, đội B thuộc về “cánh tả” – tính tập thể. Tính cách của từng cá nhân cũng được thể hiện rất rõ nét trong suy nghĩ và hành động của họ.
Mỗi cái chết trong phim cũng phù hợp với bản tính của mỗi người, “cực hữu” xấu – kẻ phản bội sẽ chết trước tiên, “cực hữu” tốt – người đề cao sự thật và công lý cũng sẽ chết, “cực tả” xấu – kẻ dùng cứu cánh biện minh cho phương tiện, vì lợi ích chung mà bất chấp thủ đoạn cũng sẽ chết vì tội ác của hắn, “cực tả” tốt sẽ sống vì hành động không rơi vào cực đoan và được nhiều người bảo vệ (ít ra thì trong phim là vậy).
Hoặc với những nhân vật khác ở đội A, 2 kẻ sống là 2 kẻ biết chủ động và bảo vệ nhau, thiếu kỹ năng – chết, quá điên cuồng – chết, kỹ năng không thực tế – chết, nói chung thì ai dại sẽ chết trước, không những vậy còn kéo theo đồng đội chết chùm.
Phần lớn các phim hài của phương tây đều mang hàm ý châm biếm xã hội, những lời thoại tưởng như đùa nhưng phản ánh sâu sắc những gì đang diễn ra trong xã hội, ví như 3 câu nói của cô gái, “đi xe bảng số cá nhân – chết, kỳ thị người da đen – chết, ho không dùng tay che miệng – chết”, lời đó nói về sự cực đoan của “cánh tả”, giàu quá thì bị người ta ghét, thể hiện một chút sự kỳ thị cũng sẽ bị tấn công, trong mùa dịch Corona mà lỡ ho cũng có khả năng bị tấn công – vụ này diễn ra không ít ở Mỹ, đặt biệt là với người châu Á.
Tôi sẽ không nói đám chuột đó là biểu tượng cho điều gì, nhưng ở cảnh cuối, các bạn có thấy cô gái giơ cái đèn có giống tượng nữ thần tự do? Còn Harley Quinn là biểu tượng của nữ thần chiến tranh Athena với cây giáo dài. Hoặc màu sắc của lá cờ và “trùm cuối”, nó liên quan đến cờ nhiều nước như Mỹ – Pháp – Đức – Trung Quốc – Nga, rồi cái đảo quốc ở nam Mỹ rất giống Cuba. Hoặc “nhà tư tưởng” có cái đầu như con virus Corona đã nghiêng cứu và phát triển “trùm cuối” suốt 30 năm, các bạn cứ nghĩ theo cách đảo ngược là hiểu thâm ý của kịch bản; “trùm cuối” không chỉ ám chỉ cái quốc gia kia, nó còn ám chỉ châm biếm cả nước Mỹ khi Mỹ trở thành một quốc gia bảo thủ.
Trong phim có vô số thông điệp được cài cắm, ví dụ như kẻ thù của kẻ thù thì chưa chắc là bạn hữu, nó còn tùy vào lý tưởng và mục đích, đó là câu chuyện phá ngục, hoặc chuyện của Harley Quinn, cô ấy chống lại luật pháp của Mỹ vì cô ấy muốn sống tự do, điều đó không đồng nghĩa với việc cô ấy muốn trở thành một con chim bị nhốt trong lồng của một quốc gia nhỏ bé, tuy yêu chuộng tự do nhưng luôn có một “vạch đỏ” không thể vượt qua, ai phạm vào sẽ chết, đó là việc giết trẻ em – đây là cấm kỵ lớn nhất của xã hội phương tây, dù là Mỹ hoặc liên Âu.
Phim cũng giúp chúng ta phân biệt về tính chất đám đông, một đám đông (chuột) tụ hợp khi được hiệu triệu thì khác với một đám đông bị đồng hóa và hành động như những con rối (ám chỉ chủ nghĩa Mao). Câu thoại đắt giá nhất phim là của người cha của cô gái, ông ấy nói rằng chủ thành phố là của đám chuột nếu “chúng” sống có mục đích và có ý thức, và khi 2 đám đông này va chạm, “trùm cuối” sẽ bị diệt.
Nếu bạn từng mê chơi game nhập vai nhiều người, sẽ thấy rằng đội hình trong phim được chọn lựa rất tốt khi đánh “phó bảng”; 5 người đội B gồm 1 giáp – thủ cao máu nhiều, 2 súng – sát thương lớn với “quái” thường, 1 pháo – sát thương lớn với “Boss” hoặc đánh diện rộng, 1 hệ điều khiển/ pháp sư – đánh diện rộng và dứt điểm “Boss”; đây là đội hình hoàn mỹ khi đánh “quái” thường, nhưng nếu đánh “Boss” thì không được, đội cần có sự thay thế, đó là hệ “sát thủ” – hệ nhân vật rất quan trọng với tuyệt chiêu rút máu cực mạnh giúp cho hệ pháp sư tiêu diệt Boss, và như chúng ta thấy Harley Quinn thuộc hệ sát thủ, hệ này đánh bất ngờ trong hoàn cảnh chật hẹp là vô địch vì “nhanh nhẹn” max.
Hoặc nói về sự đối đầu giữa 2 súng với nhau, khi 2 kẻ có cùng kỹ năng, kẻ thông minh hơn sẽ thắng vì biết học hỏi kinh nghiệm từ đối phương. Cả 2 người họ đều biết đội mũ để bảo vệ đầu, nhưng một người mang nửa cái mũ trắng – sự phô trương và nửa thông minh, một người đội toàn mũ đen – đây mới là thông minh thật sự.
Bài viết này có thể nói là hơi rời rạc, bởi vì có quá nhiều thông điệp được cài trong phim, có đủ mọi mặt về thực tế như tính cách con người, chính trị xã hội, chính trị thế giới, biểu tượng thần thoại, cổ tích công chúa và hoàng tử, kể cả game nhập vai. Nhưng điều đáng nói là biên kịch và đạo diễn đã tạo ra một bộ phim hành động / giải trí rất hoàn mỹ, tôi vô cùng khâm phục; và không thể không khen ngợi cô diễn viên Margot Robbie của chúng ta, cô ấy xứng đáng khi được ưu ái trong bộ phim này, và cũng nhờ đó mà bộ phim đạt được sự thành công như chúng ta thấy, vì vai Harley Quinn rực rỡ và sáng chói, vượt xa vô số nữ siêu anh hùng trong những phim khác.
P/s: về bệnh của nhân vật “chấm bi”, anh ta nhìn đâu cũng thấy “mẹ”, hiểu theo cách châm biếm là, trong xã hội bây giờ ai cũng muốn làm “mẹ” hết, họ thử sức chịu đựng của đối phương, giống như đối phương là “siêu anh hùng” vậy, giống người mẹ muốn “chấm bi” thành siêu anh hùng nhưng lại khiến anh ta giống như quái vật. Hoặc cảnh “trùm cuối” thả ra đám con từ dưới “nách” cứ như “làn hương” vậy, sau đó “làn hương” chụp vào mũi mọi người (haha), cách châm biếm rất bá đạo, cũng may là “làn hương” chỉ phun ra từ 2 chi trên của “ngôi sao”, nếu phun ra cả 5 chỗ thì còn ác ôn hơn, đặt biệt là giữa 2 chi làm chân, vì xét cho cùng thì 5 vị trí đó đều là như nhau với con sao biển.
Nhớ ủng hộ “cà phê” cho Chí Blog trong mùa dịch khó khăn này nhé.
Một số phim giải trí nhưng sâu sắc khác:
Top 250 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Bí Mật Trái Đất Diệt Vong – Oblivion (2013): thì ra trái đất diệt vong là do UFO
Trò Chơi Ảo Giác – TRON: Legacy (2010): trò chơi – sự sống – hủy diệt
Cuộc Chiến Luân Hồi – Edge of Tomorrow (2014): hòa bình cho ngày mai
Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)
Chuyến Tàu Băng Giá – Snowpiercer (2013): sự cân bằng dối trá
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning