Losing Alice (series 2020) là phim kinh dị – tâm lý, nói về điều mà con người luôn muốn hiểu rõ, là những chiều sâu tăm tối, đam mê và dục vọng, hoặc những khao khát về sự chết. Thời gian gần đây có khá nhiều phim lẻ phản ánh vấn đề này khi giới trí thức phương tây (biên kịch, đạo diễn) nhìn vào thực trạng nền điện ảnh thế giới, nó bao phủ một màu tối tăm và chết chóc, hãy thử khảo sát hàng loạt phim, phim nào cũng bắt đầu từ cái chết, kinh dị và bạo lực. IMDb 6.6 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Losing Alice cũng được bắt đầu bằng cái chết, một cô bé vị thành niên vào phòng của cha ở khách sạn để tự sát, nếu phán đoán theo cách thông thường, màu sắc của phim sẽ u tối và toàn là chết chóc. Nhưng sau khi xem trọn bộ phim, bạn sẽ biết rằng đó chỉ là cảnh của một bộ phim trong phim này, cái chết đó là giả, nhân vật Alice của chúng ta là đạo diễn, và bộ phim đó là kịch bản mà cô ấy thích, còn người chồng David là một diễn viên nổi tiếng.
Trên chuyến xe điện ngầm, Alice gặp một cô gái trẻ tên Sophie làm nghề biên kịch, cô ấy có kịch bản đang trong quá trình tiền sản xuất. Bạn có biết tại sao Alice vô cùng thích kịch bản của Sophie? Hiểu điều này đồng nghĩa với bạn hiểu thông điệp phim, tôi sẽ giải thích đơn giản, ví dụ bạn là một người vợ ở tuổi trung niên, gia đình bạn thuê một cô giữ trẻ hoặc người làm vô cùng trẻ trung và xinh đẹp, thì chắc chắn bạn (người vợ) luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ rằng người chồng sẽ có những ý nghĩ đen tối với cô gái trẻ ấy, và bạn sẽ khát khao muốn đọc được suy nghĩ đó từ chồng; về mặt thực tế thì điều đó là đúng về tính cách của đàn ông, và nhiều phim cũng phản ánh cái suy nghĩ mang tính kinh điển này, cho nên có rất nhiều kịch bản về ngoại tình và phản bội.
Đó là lý do Alice bảo rằng kịch bản của Sophie là “chân thực”, vì nó phản ánh đúng điều mà cô ấy thường nghĩ về chồng. Câu chuyện trong kịch bản của Sophie kể về chuyện ngoại tình của người chồng với bạn của con gái ông ấy, sau đó đứa con gái biết được nên tự sát trong phòng của khách sạn để người cha cảm thấy tội lỗi và hối hận vì hành vi phản bội gia đình. Đó chẳng phải là điều mà chúng ta luôn muốn đó sao? Một sự trừng phạt thích đáng đối với những kẻ ngoại tình, “hắn” sẽ phải ray rức cả đời, sau khi xem cái giá mà kẻ phản bội nhận, chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy vô cùng thỏa mãn vì được “trả thù”, đúng không?
Thật ra đó là một căn bệnh của tinh thần đấy các bạn! Và chính vì cái thứ suy nghĩ bệnh hoạn đó lại là cái “nhân” thúc đẩy cái “quả” là sự ngoại tình và gia đình tan nát. Bản tính con người là đam mê tiền tài, danh vọng, xác thịt, nhưng không phải ai cũng trở nên sa ngã. Điển hình là nhân vật David, anh ấy là một diễn viên nổi tiếng, kể cả khi mua trang phục thì vẫn có những nhân viên xinh đẹp muốn “hiến thân” nhưng anh ấy đã lạnh lùng từ chối, anh ấy là một người chồng tốt và có trách nhiệm. Nhưng cũng vì cái sự ám ảnh về phản bội luôn tồn tại trong đầu Alice, cô ấy đã thúc đẩy David ngoại tình ngay “trước mặt” cô ấy khi David đóng phim.
Điều đáng ra phải làm là nên tránh những cái “hố” như vậy, nhưng Alice lại đào sẵn cái “hố” cho chồng, bằng quyền đạo diễn, cô ấy thúc đẩy David, rằng anh ấy diễn chưa thật, rằng anh ấy phải diễn như thật, phải bộc lộ cái “bản chất” thật ra bên ngoài, vậy thì David đã làm đúng điều mà Alice mong muốn, kiểu như “tôi biết rõ dục vọng của tôi, tôi cố gắng kiềm nén nó để làm một người chồng có trách nhiệm, vì tôi yêu gia đình, nhưng nếu cô muốn tôi bộc lộ nó ra thì tôi sẽ làm cho cô xem”. Những sự việc như thế này xuất hiện không ít trong xã hội, nhiều người đã tạo ra những “cái bẫy” để thử lòng người yêu hoặc vợ/chồng, đó cũng là cách mà họ tự hủy hoại tình yêu của chính họ, đó là sự ngu muội.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Điều tôi vừa nói là một góc nhìn hẹp, phim này cho chúng ta thấy một góc nhìn rộng về sự ám ảnh “tội lỗi”, các bộ phim thi nhau trưng bày những tội lỗi của con người, những dục vọng đớn hèn trong tâm hồn, thế là khán giả sau khi xem xong thì vỗ tay hoan hô, họ sẽ bảo rằng mô tả như thế là đúng quá, vì sao? Vì trong thâm tâm họ cũng có những dục vọng đó, và khi đứng ở góc nhìn “nạn nhân” thì họ khát khao được trả thù, đơn giản vậy thôi. Thành ra kịch bản của Sophie được nhà sản xuất yêu thích và Alice muốn làm đạo diễn cho nó.
Nhưng cuộc sống có “thật” như những gì mà chúng ta thường nghĩ, hoặc như Alice nghĩ? Cứ mỗi lần Alice phán đoán một chi tiết về Sophie theo kiểu thông thường như thế là một lần sự thật chứng minh điều đó sai. Giống như việc sau khi đọc kịch bản của Sophie, rồi thấy cô ấy chụp ảnh với bạn và một người đàn ông lớn tuổi, chúng ta và Alice nghĩ rằng người đàn ông đó là cha của cô bạn, rồi khi biết cô bạn tự dưng mất tích, chúng ta sẽ nghĩ y như kịch bản của Sophie, rằng cô bạn đó đã tự sát hoặc bị Sophie giết chết.
Kể cả tôi khi xem phim này cũng bị lọt “hố”, và chính vì thế, tôi cũng cười như nhân vật Alice khi phát hiện ra người đàn ông đó không phải cha của cô bạn, như việc ông ta mở cuốn sách viết về “độc giả xấu”, đó là những người chỉ muốn biết kết thúc của câu chuyện, rồi sau đó phán xét theo lối bảo thủ, họ chỉ thấy cái hình thức bên ngoài chứ chả hiểu gì về sự thật diễn ra trong sách, ví như họ xem tác giả Lolita là kẻ “ấu dâm” vì viết một cuốn sách về ấu dâm, tôi có đọc cuốn này và viết review về cuốn sách này nên hiểu rất rõ điều mà phim đề cập.
Hoặc như chuyện về người mẹ của cô bạn của Sophie, bà ta cho rằng chính Sophie đã giết con gái bà ta, nhưng sự thật có phải là như vậy? Hay tất cả mọi điều diễn ra đều xuất phát từ một người mẹ bệnh hoạn khiến con gái bà ấy phải bỏ trốn, và sau đó bà ấy đổ mọi trách nhiệm lên vai kẻ khác?
Những sự tha hóa của Alice sau khi gặp Sophie cũng bộc lộ rất rõ về bản chất tăm tối bên trong con người, Sophie đã đào nhiều cái “hố” cho Alice và thế là Alice cứ tự động nhảy vào đó, vì chúng khơi lên những khát vọng trong mỗi con người. Hoặc những điều mà Sophie đã làm với những gã đàn ông và những người mà cô ấy gặp, Sophie đúng là đào “hố”, nhưng cô ấy không xô họ hay buộc họ xuống “hố”, chính ham muốn của họ khiến họ nhảy vào đó, rồi sau đó họ đổ lỗi cho Sophie, dục vọng khiến họ vượt qua giới hạn mà Sophie đã đặt ra. Giống như chuyện về người đàn ông ở nhà bên cạnh Alice, ông ta không làm chủ được bản thân nên biến thành kẻ bạo hành Sophie.
Vậy cuối cùng thì sự thật là gì? Cha của Sophie có quan hệ với người bạn mất tích, nhưng những gì diễn ra không như cách mà chúng ta thường nghĩ, nó trái ngược hoàn toàn với kịch bản của Sophie. Cha mẹ của Sophie đều là người tốt, nên khi cô bạn trốn khỏi người mẹ tâm thần, họ đã chăm sóc cô ấy, người mẹ của Sophie khi nói chuyện thường có những quan điểm về tôn giáo nhưng không cực đoan như mô tả của kịch bản, người cha có vẻ trung thực và có lẽ vì thế nên khi an ủi cô bạn thì sẽ phát sinh nhiều chuyện không nên xẩy ra, mà có khi vì quá cần tình yêu thương nên cô bạn đã “phải lòng” người cha đáng kính đó, và dù Sophie biết được chuyện của 2 người nhưng cũng cảm thông cho họ, khi người cô bạn có bầu thì cô ấy đã ra nước ngoài để sinh con.
Như vậy thì khi so với kịch bản phim, Sophie là đại diện cho nhân vật trong vai cô bé tự sát khi phát hiện cha ngoại tình với bạn thân. Nếu sự thật không như kịch bản thì tại sao cô ấy lại viết một kịch bản đầy u tối và chết chóc? Vì đó là điều mà khán giả muốn thấy, họ muốn con người bộc lộ ra tội lỗi, sau đó họ muốn kẻ gây tội phải trả giá đắt bằng cái chết của đứa con, họ muốn thấy cô bạn ngoại tình hối hận và phá thai.
Hầu như tất cả những bộ phim của phương tây đều được dựng theo cách này, cái kiểu bi kịch như Romeo Và Juliet của Shakespeare, nói về tình yêu nhưng cả 2 nhân vật yêu nhau đều chết, hoặc như chuyện phim Titanic bị châm biếm trong phim A Classic Horror Story (2021), rằng tấm ván có đủ chỗ cho 2 người nhưng cuối cùng thì Jack chết còn Rose thì sống. Hoặc vô số phim bắt đầu bằng cái chết của ai đó, hoặc khi nói về sự sống thì kiểu nào cũng là bị ung thư hoặc bệnh sắp chết, toàn là sự chết, văn minh nhân loại rất thích chết á!
Sau khi Alice hy sinh mọi thứ để chứng minh những ám ảnh trong tâm trí và đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất thì cô ấy có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu bạn thật sự hiểu những gì tôi viết trong bài viết này thì bạn sẽ hiểu và cười như 2 nhân vật Alice và David như trong phim, một nụ cười chua chát, sự ngộ ra và sự tha thứ cho nhau.
Tên của 3 nhân vật chính cũng có thâm ý, Alice là tên của nhân vật trong truyện Alice Lạc Vào Xứ Sở Thần Tiên, một ngụ ngôn về sự ngây thơ, truyện này thuộc loại siêu thực đấy, kể về thế giới thực thông qua góc nhìn trẻ thơ; David có thể liên hệ câu chuyện của người Do Thái, một David bé nhỏ chiến thắng kẻ thù to lớn, một diễn viên nổi tiếng nhưng có thể làm người chồng và người cha có trách nhiệm; Sophie trong tiếng Pháp nghĩa là sự khôn ngoan, cô ấy là người trong cuộc nên hiểu rõ sự thật và cách nhìn cực đoan của xã hội đối với cô ấy, đó cũng là lý do cô ấy viết một kịch bản như những gì xã hội muốn, cũng là một dạng trả thù, kiểu như – nếu xã hội nghiện sự chết thì sẽ được thưởng thức nó để sớm tìm đến cái chết.
Bộ phim tâm lý này rất sâu nhé các bạn, và bởi vì thế nên có điểm số thấp, chuyện tưởng đơn giản nhưng nó không đơn giản đâu. Chúc bạn xem phim vui vẻ, nếu có khả năng thì nhớ ủng hộ “cà phê” cho Chí qua Sacombank hoặc momo nhé!
Những phim tương tự:
Top 250 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Đằng sau Đôi Mắt – Behind Her Eyes (series 2021): phim siêu tâm lý nếu bạn hiểu
Hòn Đảo Bí Ẩn – The Third Day (series 2020): treo cổ thần học – quỷ học lên ngôi – new
Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ? – new
Ấn Quỷ – The Unholy (2021): phép màu trong thế giới không đức tin
Review phim Elephant: bản giao hưởng sự giận dữ của voi
Review phân tích phim Katla: vòng lặp – luân hồi – tái sinh
Review phim Pig: hạnh phúc của heo kết thúc khi bị trộm
Review phim The Empty Man: thêm lần nữa, khán giả bị lừa