Chí Blog – “website chỉ dành cho người ở tầng không” viết bài này để bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn lý do thị trường phim VN lại “khó đoán” đến vậy, có phim “chết” thê thảm, có phim thành công vượt mong đợi như của 2 vị đạo diễn là Lý Hải và Trấn Thành – sau bộ phim Mai thì mình cũng không gọi là “anh chàng MC” nữa hen, cái gì đáng được công nhận thì nên công nhận. Đã có khá nhiều phân tích về sự thành công của 2 vị này nhưng nó thật sự chưa đủ, hoặc người ta chỉ thấy cái ngọn mà chưa thấy gốc rễ của vấn đề, nếu bạn quan tâm nền điện ảnh Việt hoặc làm việc trong ngành thì nên đọc bài này để hiểu rõ hơn.
Ngoài bài này, sắp tới (5-10 ngày nữa) mình sẽ viết 2 bài review phim là Anatomy of a Fall – đoạt cành cọ vàng, và Perfect Days để cảm ơn những bạn đang và đã mời “cà phê” Chí Blog, thu nhập từ Chí blog “rất cao” nhé, trung bình 2 tháng được 1 “ly cà phê”, may mắn lắm mỗi tháng được 1 “ly”, cho nên ai bảo là tôi nhận tiền PR cho người này người kia thì tôi cực kỳ căm hận luôn, và mời họ ra khỏi trang vĩnh viễn kkkk.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Vấn đề mà tôi chỉ ra cực kỳ đơn giản, nhưng không chỉ ra thì không ai biết và có vô số người cứ thích nhảy “hố” rồi lỗ sặc gạch, thế mới tức cười.
Là một công dân VN thì bạn xem phim điện ảnh và truyền hình của nước ngoài thường nói về nội dung gì? Phương tây thì chủ yếu phim hành động – giả tưởng – kinh dị của Mỹ, nội dung độc đáo, bối cảnh hoành tráng sang trọng nên kinh phí thường rất cao; phương đông chủ yếu là phim hài – hành động – tình cảm – kinh dị của Hàn – Trung – Thái, nội dung khá, bối cảnh tuy không hoành tráng nhưng khá sang trọng về “chủ tịch” nọ hoặc “tổng tài” kia, mâu thuẫn trong các gia đình thuộc giới tài phiệt bla .. bla .., kinh phí sẽ thấp hơn phim Mỹ rất nhiều.
Khi các “chuyên gia bình luận” nhìn vào đó thì họ mặc định rằng những gì nằm trong khuôn khổ đó – cái khuôn khổ mà họ luôn nhìn thấy thì mới là phim, từ đó họ chê phim của anh Lý Hải hoặc Trấn Thành là phim “hàng chợ” dành cho giới bình dân hoặc thị dân (dân thường ở thành thị). Thế nhưng các “chuyên gia” này quên rằng phim mà họ xem được thì phần lớn đều thuộc về những nước giàu có và phát triển, bối cảnh phim họ phản ánh đúng với thực tế đời sống họ. Vậy bối cảnh đời sống và nền kinh tế ở các nước phát triển là gì? Là một người dân bình thường vẫn có thể đến những nơi như Las Vegas nếu họ muốn, còn nền kinh tế thì hầu hết là các tập đoàn đa quốc gia, những công ty hạng trung và nhỏ khá ít, dân họ thường làm trong những công ty có hàng ngàn nhân viên, chúng thường là ngành dịch vụ hoặc tài chính hoặc xuất nhập khẩu hoặc bán hàng hoặc quản lý các nhà máy sản xuất ở các nước thuộc thế giới thứ 3 (có VN trong này); còn về phương diện cá nhân, việc sở hữu hoặc thuê một căn chung cư rộng là bình thường, đi du lịch (hoặc công tác) khắp thế giới cũng bình thường. Như vậy phim họ phản ánh đúng thực tế đời sống BÌNH THƯỜNG của họ, nói cách khác thì trong mắt chúng ta bối cảnh phim họ là “cao cấp” nhưng thực chất cũng là dành cho “thị dân” mà thôi, là phim “hàng chợ” đấy!
Còn hoàn cảnh ở VN thì thế nào? VN là một nước đang phát triển, 70-80% đều là dân nghèo, ở nhà thuê, là học sinh hoặc sinh viên, là công nhân hoặc nhân viên phục vụ, dân văn phòng thì làm trong các công ty nhỏ và trung với chỉ khoản vài chục đến vài trăm nhân viên; đây là thành phần chủ yếu rất thích xem phim Việt, nó cùng một bản chất với mấy nước giàu có kia thôi, cái gì bối cảnh “gia đình tài phiệt”, rồi tập đoàn này hay giới thượng lưu kia, tất cả đều là nhảm nhí với phần lớn “thị dân” VN, mà đã là “thị dân” thì phải thích xem phim “hàng chợ”, vì chỉ có phim “hàng chợ” họ mới thấy được họ trong đó và cảm được phim. Cho nên tôi mới nói là các “chuyên gia bình luận” này chỉ thấy được cái ngọn mà không hiểu được gốc rễ của vấn đề, cái mà họ chê phong cách phim của anh Lý Hải và Trấn Thành thì lại đúng với cái gốc rễ đó nên phim của họ thành công thì không có gì là lạ hết!
Lại nói đến thành phần biên kịch – đạo diễn – nhà sản xuất phim của VN, cái lối tư duy của họ cũng y chang những “chuyên gia bình luận” kia, tức họ làm phim theo những gì họ thấy, một lối tư duy theo thói quen và quán tính, một dạng ăn theo và bắt chước; đã vậy cái họ bắt chước thì họ cũng chẳng biết bản chất thực tế đó ra sao luôn, làm phim theo kiểu Mỹ thì VN không có khả năng về kinh phí, làm theo kiểu phim Hàn – Trung – Thái – Đài Loan với kiểu gia đình tài phiệt hoặc “tổng tài” của tập đoàn lớn thì có được bao nhiêu biên kịch hoặc đạo diễn có được kinh nghiệm thực tế? Vì ở VN làm gì có dạng hoàn cảnh này, toàn là sao chép từ phim nước ngoài, biên kịch và đạo diễn ở chung cư hoặc nhà phố hoặc “biệt thự” – thực chất không so được với biệt thự thật của các nước kia, lại ngồi văn phòng tưởng tượng về giới thượng lưu và tài phiệt, không có kinh nghiệm thực tế thì có làm hay hơn phim của nước ngoài không đây?! Đã vậy mấy thứ đó lại quá xa lạ với “thị dân” VN, mấy bộ phim đó giống như phim nước ngoài mà diễn viên là người Việt thôi.
Cho nên sau khi xem xong mấy cái trailer phim sắp ra mắt trong năm nay thì tôi nghĩ phần lớn sẽ lỗ sặc gạch, trừ phi nội dung nó thật sự hay – để bù lại với việc không phù hợp với thị hiếu của khán giả VN, có vẻ như các biên kịch – đạo diễn – nhà sản xuất phim ở VN chưa bao giờ ngồi lại để phân tích xem những khán giả mua vé xem phim Việt thuộc thành phần nào hay sao ấy! Hoặc cái phim nào đó nói về loại hình nghệ thuật “cải lương”, phim điện ảnh nói về “cải lương” phải là phim có cái chất “điện ảnh”, chứ không phải phim nói về “cải lương” có cái chất “cải lương”, phải phân biệt rõ sự khác biệt đó mới có thể tạo ra một phim điện ảnh thành công.
À! Vậy một bộ phim điện ảnh nói về “cải lương” nhưng có chất “điện ảnh” sẽ khác thế nào với chất “cải lương”? Muốn hiểu chính xác thì điều bạn cần có là 3 thứ sau, một bộ cải lương, một video phỏng vấn nghệ sĩ cải lương trên truyền hình, một video thực của nghệ sĩ đó trong đời thật – tôi nhớ nhiều năm trước từng xem một video quay cảnh nghệ sĩ Vũ Linh trong một bữa tiệc nhậu nào đó, khi xem video đó tôi cảnh thấy anh ấy không giống như một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng … hiện tại thì tôi phải công nhận rằng anh mới chính là một nghệ sĩ lớn thật sự! Vì sao? Vì sau thế hệ như Thanh Sang hoặc Minh Phụng thì không có nghệ sĩ nào nổi tiếng như Vũ Linh, ấy thế mà trong đời sống thực thì anh ấy sống thật với bản tính anh ấy, anh ấy đã vượt qua được cái bóng của danh vọng trong quá khứ – đó là một con người vượt qua được chính mình, không giả tạo, không làm màu, một nghệ sĩ thật sự. Trở lại vấn đề, khi kết hợp 2 cái video là cuộc nhậu của nghệ sĩ Vũ Linh và vở cải lương, chúng ta có bộ phim điện ảnh về “cải lương” có chất “điện ảnh”; khi kết hợp video phỏng vấn của nghệ sĩ nào đó trên TV với vở cái lương, thì chúng ta có bộ phim điện ảnh về “cải lương” nhưng có chất “cải lương” – vì cái video phỏng vấn kia là không thật á, nó được sắp xếp rồi.
Mặc dù chưa coi phim Mai của Trấn Thành, nhưng với những gì có thể được xem qua trailer và các cảnh hậu trường, thì phim này tràn đầy ngôn ngữ điện ảnh, đó là gì? Cách chơi chữ trong tên của nhân vật, màu sắc của trang phục – xanh và đỏ trong bữa tiệc “ra mắt”, sự thay đổi trang phục của nhân vật, 2 con cá, chung cư khép kín, mưa tình yêu và mưa tiền, lên xuống cầu thang, té cầu thang, hồ trong khu massage và con sông lớn, cây với đèn điện và cây với ánh sáng tự nhiên, hướng ngồi trong bàn ăn, rời khỏi thành phố để hướng tới miền “cao” là Đà Lạt, cảnh Mai và Sâu nơi con sông – phía Mai là nhiều tòa nhà còn hướng Sâu là 1 tòa nhà, khiêu vũ giữa 2 màu đen trắng trong giấc mơ, cảnh Mai và Sâu trong quán bar – phía sau Mai là những chai rượu và treo ảnh 2 người đàn ông, và rất nhiều cái khác nữa, đạo diễn Trấn Thành chơi “ngôn ngữ điện ảnh” rất tốt – đây là điều tối thiểu cần có để tạo ra một bộ phim xuất khẩu ra thị trường thế giới hoặc tham gia vào các LHP quốc tế.
Đã nói đến Trấn Thành thì không thể bỏ qua anh Lý Hải, cái hạn chế của vị đạo diễn này chính là … góc nhìn điện ảnh và cảm thụ về cái đẹp, kịch bản của anh ấy khá OK, nhưng màu sắc và tính thẩm mỹ còn kém, vậy lời khuyên chân thành của tôi là khi làm phim thì anh ấy cần có một đạo diễn về hình ảnh thuộc loại đỉnh cấp ở kề bên để tư vấn, nếu không thì phim của anh Lý Hải rất khó để xuất khẩu và dễ dàng bị các đạo diễn khác (có con mắt thẩm mỹ) vượt qua như Victor Vũ – Vũ Ngọc Đãng – Phan Gia Nhật Linh – Nguyễn Quang Dũng … và nhiều đạo diễn mới nổi gần đây, hoặc sự tham gia của những đạo diễn trước đây thường làm phim nghệ thuật như Lương Đình Dũng – Bùi Thạc Chuyên – Phan Đăng Di … đang bắt đầu chú tâm đến dòng phim đáp ứng nhu cầu thị trường của quốc dân, hoặc sự tham gia của đạo diễn Trần Anh Hùng – tất nhiên anh ấy không làm những bộ phim thuần giải trí, rồi thì phim do nhà nước đặt hàng bắt đầu có sự chuyển hướng nghen, sẽ dần được nâng cao về kinh phí – chất điện ảnh – đáp ứng nhu cầu quốc dân – tính nghệ thuật … mà nói thật là nguồn lực mạnh nhất thì không ai qua nhà nước hết; còn những đạo diễn khác như Võ Thanh Hòa – Nhất Trung – cặp đôi ĐD Nam Cito Bảo Nhân … mà không cố gắng vượt lên khỏi cái dạng làm phim chỉ vì “lợi nhuận” thì rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi, đừng bảo là tôi không cảnh báo trước, cạnh tranh rất khốc liệt luôn!
Tóm lại thì lời khuyên chân thành nhất của tôi với những ai muốn tạo ra bộ phim có thể đạt doanh thu cao – xuất khẩu ra nước ngoài – tham gia các LHF quốc tế: đọc thật chậm và kỹ mọi bài viết từ cũ nhất đến mới nhất trên website Chí Blog, sau đó tích cực mời mình “cà phê” kkkkkkk. Thú thật là khi thấy một reviewer có nhiều hứa hẹn phát triển thì tôi đã khuyên như thế, nhưng … 1 phút sau bình luận đó của tôi bị xóa mất (haha), Chí Blog nói thật thì không tin, nhiều người khác toàn nói nhảm lại tin sái cổ – đời là vậy! Nhưng nó rất thú vị đúng không? Chúng ta nhìn đời như xem một vở kịch vô cùng tận!
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức