Review phân tích phim DEVS (series): tự do hay tất định?

DEVS (Mã Lệnh Chết Người – ss1 – 2020) là phim giả tưởng thuộc loại tâm lý, nội dung đào sâu vào các câu hỏi mang tính triết học đại loại như con người có một ý chí tự do hay cuộc sống là tất định, nhưng điều đó cũng chỉ là phụ, mục đích thật sự là niềm tin đó sẽ tác động thế nào lên tinh thần và sự lựa chọn trong đời sống. Nội dung phim đơn giản nhưng vẫn kịch tính, tuy nhiên, vì mang đậm tính triết lý nên phim không phải loại xem để giải trí và không dành cho những người xem bình thường. Tiêu đề bài viết ghi “phân tích” nên nội dung bị hé lộ một phần và có nhiều quan điểm chủ quan từ người viết nhé. IMDb 7.9 , đạo diễn cho phim này là Alex Garland, cũng là đạo diễn của 2 phim Người Máy Trỗi Dậy – Ex Machina, và Vùng Hủy Diệt – Annihilation

Giải thích cách thức hoạt động của máy chủ DEVS:

chúng ta sống trong một thế giới vật chất, mọi sự vận động của nó đều mang tính nhân – quả; ví dụ cây bút đang nằm yên trên mặt bàn, khi ta dùng tay đẩy nhẹ thì nó sẽ lăn, nó lăn bao xa tùy vào lực đẩy; kể cả những sự lựa chọn của con người, chỉ là để diễn giải cho đầy đủ thì nó vô cùng phức tạp, liên quan hoàn cảnh sống, giáo dục, tính duy truyền này nọ. Để cho dễ hiểu, bạn hãy tưởng tượng cả thế giới này là một cỗ máy khổng lồ gồm hàng tỉ bánh răng lớn nhỏ liên kết nhau, một bánh răng quay thì mọi bánh răng còn lại đều quay, và trong cỗ máy này có một loại bánh răng nhỏ nhất và cơ bản nhất, đó là các hạt lượng tử; giả sử có một máy chủ có thể theo dõi chính xác sự vận động ở cấp độ vi mô của các hạt cơ bản này, sau đó họ sẽ dùng máy để quét các “đồ vật” đang tồn tại trong thế giới của chúng ta như con bọ – viên đường – bông hoa … (được xem là vĩ mô khi so với hạt lượng tử) biến đổi theo thời gian; nhờ vào quá trình đó, máy sẽ tìm ra được quy luật vận động từ vi mô đến vĩ mô.

Sau khi máy đã có được quy luật vận động, họ sẽ cho máy thực hiện mô phỏng trong khoản thời gian dài hơn trong chương trình của nó, sau đó mang kết quả đó so với thực tế, nếu mô phỏng và thực tế trùng khớp, máy đã hoạt động tốt. Tiếp tục, trong phim thì máy chủ DEVS có tốc độ và bộ nhớ cực lớn, sau khi thí nghiệm thành công, Forest – ông chủ tập đoàn đã cho máy tiếp tục “ngoại suy” từ kết quả có được, nó đã vẽ ra chính xác cả một thế giới giống như thế giới hiện thực; khi tôi nói “vận động” nghĩa là có yếu tố thời gian, Forest cho máy “ngoại suy” thế giới mô phỏng đó theo hướng ngược về quá khứ, thế là họ có thể truy xuất được “ảnh” của bất kỳ thời điểm và địa điểm trong quá khứ, “ảnh” ở đây là một đoạn video những gì xẩy ra khi đó, họ chứng kiến được lịch sử nhờ máy mô phỏng. Nó là mô phỏng chứ không phải quay về quá khứ để chứng kiến, nhưng vì máy làm việc với độ chính xác xem như tuyệt đối nên có thể nói nó là những gì đã diễn ra thật sự trong lịch sử.

Nếu máy có thể “ngoại suy” về quá khứ thì nó cũng có thể “ngoại suy” đến tương lai, và vì nó chính xác tuyệt đối nên những gì sẽ diễn ra cũng sẽ trùng khớp. Đây mới là vấn đề của toàn bộ câu chuyện, vì ai làm chủ được bộ máy này thì gần như trở thành Thượng Đế. Tất nhiên đó chỉ là phim.

Thuyết tất định, thuyết tự do ý chí, và sự tác động do niềm tin

Khi nhắc đến một chủ thuyết, nó sẽ vô cùng phức tạp, bạn có thể tìm hiểu thêm trên google, tôi sẽ giải thích theo cách đơn giản. Thuyết tất định cho rằng mọi chuyện xẩy ra là tất yếu và không thể tránh khỏi, nó dựa vào luật nhân quả, như cách mà tôi giải thích ở trên. Thuyết tự do ý chí cho rằng sự lựa chọn của con người phụ thuộc vào ý thức và ý chí của người đó nhằm đạt được một mục đích nào đó. Thoạt nhìn thì 2 thuyết này đối lập nhau, nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì thuyết tất định đã bao hàm luôn thuyết tự do ý chí rồi, vì ý thức của một con người được hình thành từ những hoàng cảnh tác động đến nó, ý thức không tự nhiên mà có – đây là nhận định cá nhân, nếu bàn sâu hơn thì vượt qua khả năng của tôi, các triết gia hoặc nhà thần học cứ tranh luận suốt về sự đối lập này.

Trở lại phim, Forest từng có một gia đình vô cùng hạnh phúc, nhưng tất cả đã tan vỡ sau khi vợ và con gái bị chết trong một tai nạn gần nhà, trong lúc ông ấy đang gọi điện cho vợ. Forest tự hỏi liệu thế giới này hoạt động theo phương cách nào? Nếu là tất định thì tai nạn diễn ra là do sự tất yếu chứ không phải vì cuộc gọi của ông, nếu là tự do ý chí, thì trách nhiệm đó thuộc về lỗi lầm của ông ấy. Không khó để thấy rằng Forest cố tin vào thuyết tất định vì nỗi đau của ông ấy vô cùng lớn, ông ấy sẽ không thể chấp nhận nỗi việc cho rằng chính ông ấy đã giết chết họ.

Ngay tại điểm này, chúng ta thấy được tính 2 mặt của niềm tin. Nhờ vào thuyết tất định, Forest chấp nhận sự ra đi của đứa con gái mà ông ấy thương yêu vô cùng, đó là một sự tha thứ cho bản thân để có thể tiếp tục sống, nhưng mặt khác, Forest cực kỳ vô tình đối với sự sống chết của người khác, xem cái chết của họ cũng là sự tất yếu của cuộc sống dành cho họ. Dù biết trước sự việc sẽ diễn ra thế nào, ông ấy cũng không ngăn họ lại, kể cả những sự việc đến với chính ông ấy cũng vậy. Không chỉ Forest, hầu như tất cả các thành viên trong nhóm DEVS đều là như thế. Tất cả đều thể hiện một sự vô cảm khủng khiếp.

Tuy rằng bản thân mỗi người đều có một niềm tin, nhưng bản thân người đó cần có sự chứng minh bởi sự thật, với Forest cũng thế. Từ đó dẫn đến việc họ cho Lily biết trước tương lai của cô, để xem sự việc có diễn ra đúng như kết quả dự đoán mà máy đã đưa ra, như chúng ta đã biết, bộ máy này hoạt động hoàn toàn theo nguyên lý tương đồng với thuyết tất định. Và kết quả cuối cùng là: sự việc đã diễn ra có một phần khác với dự đoán, tuy nhiên nó vẫn không phủ nhận thuyết tất định, vì nguyên nhân cho sự biến đổi là do Lily đã biết trước sự việc. Nghĩa là cái máy thì chỉ là một cái máy, nó không phải là Chúa trời, nhưng bản thân Forest và nhiều người khác lại xem nó là Chúa trời (DEVS = DEUS: Thần – Chúa Trời)

Nhìn vào bức tượng để thấy sự sống mà nó thể hiện, chứ không phải sự chết của nó

Ý nghĩa thông điệp phim

Những gì xẩy ra với Lily trong cảnh cái thang máy cho thấy rằng thuyết tất định và thuyết tự do ý chí lồng vào nhau, nhưng bản thân Forest đã hạ cấp 2 thuyết này thành một thứ hoạt động kiểu máy móc như chính bộ máy mà ông ấy đã tạo ra, hoặc nói cách khác, bộ máy đó là biểu tượng cho niềm tin của Forest, nó vô tình và vô cảm, tràn đầy chết chóc.

Vấn đề không phải con người tin vào thuyết gì, mà là họ theo đuổi điều gì, là sự sống hay cái chết. Toàn bộ diễn biến trong phim đều thể hiện sự chết chóc, không chỉ với Forest mà còn với những người khác và toàn bộ loài người. Bức tượng con gái Forest, cô bé đã chết; 7 “vật phẩm” thí nghiệm của bộ máy gồm con bọ chết – bông hoa – viên đường – đồng hồ – lông vũ – vỏ ốc và trung tâm là xác con chuột chết, ấy vậy mà bộ máy mô phỏng ra cả thế giới, nghĩa là cả thế giới cũng mang trong nó sự chết. Hoặc khi họ “truy cập” về quá khứ, họ xem cảnh Đức Jesus bị đóng đinh, cảnh tòa án dị giáo thiêu người, cảnh chiến tranh.

Tất cả các nhân vật trong phim xem cái chết như là sự hiển nhiên và dùng phương thức đó để giải quyết vấn đề của họ. Sau đó họ bình thản nhìn vào cái chết của người khác như một thứ không liên quan và nói rằng đó là tất định. Khi xét kỹ hành động của từng cá nhân, mỗi người có vô số sự lựa chọn nhưng tất cả họ đều lựa chọn đâm đầu vào chỗ chết, kể cả bản thân Lily, cô ấy đến DEVS với mục đích giết người, dù trước đó người cứu cô ấy đã vạch ra cho cô ấy nhiều sự lựa chọn khác mang đến sự sống. Nói cách khác, ngăn người khác chết hoặc cứu người cũng là tất định và tự do ý chí. Nhưng người ta lại dùng một học thuyết để làm lý do ngụy biện cho sự vô cảm của họ.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Điều đó giống như những gì đã diễn ra với cậu thiếu niên, cậu ấy tin vào thuyết đa thế giới, và để chứng minh niềm tin đó, cậu ấy đã đứng bên bờ vực để cảm nhận cái khả dĩ rằng cậu ấy có thể rơi hoặc không rơi và từ đó tạo ra những thế giới song song khác nhau theo từng khả dĩ. Đó là một trò chơi, một niềm tin cực kỳ ngu ngốc và ngây thơ, tự mang bản thân đến với cái chết, và với những người như vậy, sự chết sẽ đến với họ. Điều mà con người nên làm không phải là chứng minh hoặc theo đuổi hoặc bảo vệ một học thuyết nào đó, mà là luôn chọn lựa những thứ mang đến hạnh phúc cho mình như tình yêu – sự sống – tự do – sự thật.

Giải thích kết phim

Nhiều người xem phim xong nghĩ rằng Forest và Lily đã không chết mà sống lại trong hệ thống DEVS, nó phức tạp hơn nhiều. Khi DEVS thực hiện chạy mô phỏng thế giới thật, lúc này có 2 thế giới hoàn toàn giống nhau đang diễn ra song song, thế giới thật và thế giới mô phỏng trong máy. Forest và Lily trong mô phỏng đã chết như những gì mà Lily của thế giới thật đã thấy, vì vậy cô ấy đã lựa chọn khác, nhưng Forest và Lily trong thế giới thật vẫn chết, tuy nhiên bởi vì sự lựa chọn khác đó, DEVS đã reset lại, mọi thứ được trở lại thời điểm ban đầu, riêng Forest và Lily trong mô phỏng được thêm vào đoạn ký ức của Forest và Lily trong thế giới thật. Như vậy, chỉ những người sống trong mô phỏng mới sống lại, những người đã chết trong thế giới thật thì không.

Như vậy, tuy hành động từ bỏ việc giết người của Lily trong thế giới thật không cứu được cô ấy, nhưng lại cứu được biết bao người trong thế giới mô phỏng và có thể sẽ khiến cho cả thế giới ấy thay đổi, vì qua kinh nghiệm từ thế giới thật, DEVS sẽ chạy hoàn hảo hơn, những con người trong đó sẽ có thêm phần “ý chí tự do” mà trước đó bộ máy chưa có. Ngoài thế giới mô phỏng gần như tuyệt đối so với đời thực, trong máy cũng đang chạy những thế giới song song với độ lệch cực nhỏ – đó là những cảnh mà chúng ta thường thấy trong phim. Như vậy, thế giới thật có hiện hữu những thế giới song song hay không thì chúng ta không biết, nhưng trong hệ thống DEVS là có các thế giới song song.

Từ đó có thể suy đoán, nếu có các phần tiếp theo của phim, thì nó sẽ là sự va chạm của các thế giới song song trong DEVS, và vì DEVS có thể được điều khiển bởi những người trong thế giới thật, nên khi này con người trong thế giới thật sẽ đóng vai trò là Thượng Đế đối với những con người trong các thế giới của DEVS, vì họ có thể khiến DEVS làm sống lại ai đó trong máy. Như vậy bộ phim này có độ mở rộng rất lớn cho các phần sau nếu nó được tiếp tục đầu tư.

Ngoài lề: còn có rất nhiều điều để nói về bộ phim này, nhưng bởi vì đề tài của nó gắn liền với các vấn đề liên quan đến triết học, rất phức tạp và khó lòng diễn giải nên tạm thời dừng ở đây, mong là có cơ hội tiếp tục phân tích ở mùa sau. Nếu qua bài viết này mà các bạn còn chưa thấy được sự khác biệt giữa Chí Blog và phần lớn các Trang còn lại thì quả thật là tôi không biết nói thêm gì nữa, vì chỉ có thể khóc. Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

……………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Kẻ Đào Tẩu Giấc Mơ – Coma (Koma – 2019): con người không dám mơ

Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng

7 tội lỗi chết người – Se7en (1995): đời mà! phải không?!

Vân Đồ – Cloud Atlas (2012): Con đường của nhân loại

Giấc Mơ – Donnie Darko (2001): bẫy sâu cho người xem

Thành Phố Bóng Đêm – Dark City (1998): khi quá khứ là mộng ảo

Mật Mã Gốc – Source Code (2011): siêu thực tại trong từng khoảnh khắc

Nâng Cấp – Upgrade (2018): nâng cấp hay hạ cấp?

Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần

Không Chốn Dung Thân – No Country for Old Men (2007): số phận hay luật lệ ? Không gì cả!

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim A Beautiful Mind: vượt lên số phận

T6 Th5 1 , 2020
A Beautiful Mind (Một Tâm Hồn Đẹp – 2001) đoạt nhiều giải Oscar và Quả Cầu Vàng là bằng chứng về giá trị của phim, tuy phim dựa trên cuộc đời của nhà toán học thiên tài John Nash nhưng phần lớn nội dung được hư cấu, vậy về mặt […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese