The Sacrifice (1986): ngụ ngôn châm biếm văn minh châu Âu

The Sacrifice (Sự Hy Sinh) là phim cuối cùng của đạo diễn Andrei Tarkovsky, có thể đây không phải là bộ phim vĩ đại nhất hoặc đẹp nhất trong 7 phim của ông ấy, nhưng chắc chắn nó thể hiện tâm tình sâu sắc nhất dành cho thế giới này, bạn nghĩ đó sẽ là gì? Niềm tin và hy vọng, hay sự tuyệt vọng đối với nền văn minh châu Âu nói riêng và nền văn minh thế giới nói chung? Bởi vì là bộ phim cuối cùng, nên xét về mặt sữ dụng “ngôn ngữ điện ảnh” cũng là đặc sắc nhất, siêu hình nhất, từ đó sẽ khiến người xem cảm thấy khó hiểu hoặc khó có thể chấp nhận nhất – đó là tôi đang nói với những khán giả nghiêm túc hoặc yêu thích những bộ phim của ông ấy, còn với những khán giả hời hợt, họ sẽ nghĩ rằng phim này sáo rỗng và mê tín. Thật sự mà nói là dù khán giả thuộc bất kỳ nhóm nào đi nữa, sau khi xem xong phim này đều lọt hố như thường. IMDb 7.9 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Như đã nói ở lần trước trên Facebook, bài này tôi sẽ phân tích rất sâu, nên cũng sẽ rất dài, trải dọc theo từng cảnh quay của bộ phim gần 2.5h, phân tích các hình ảnh và hàm ý của nó, ngoài ra cũng sẽ lượt qua một số vấn đề về văn hóa phương Tây hiện nay để giúp bạn hiểu phim. Chính vì thế, sau khi bạn đọc xong bài này, rồi quay ngược lại đọc 6 bài review phim của Andrei Tarkovsky mà tôi đã viết, bạn sẽ hiểu vị đạo diễn này hơn, và cũng hiểu tại sao tôi đánh giá ông ấy thuộc loại hàng đầu thế giới và chỉ cần nghiên cứu về ông ấy là các bạn có thể hiểu phần lớn phim của phương tây.

Tóm lượt nõi dung – cách hiểu thông thường – văn minh phương tây

Phim kể về Alexander vốn là một diễn viên nhưng sau đó bỏ nghề để trở thành một nhà báo, anh ấy sống cùng vợ là Adelaide, con gái riêng của vợ là Marta, con chung của 2 người là “Little Man” – cậu bé bị bệnh không nói được, trong nhà có 2 người hầu gái là Julia và Maria, ngoài ra thì Alexander còn có 2 người bạn là Otto và Victor. Như vậy phim có 8 nhân vật, bối cảnh là trong thời kỳ diễn ra chiến tranh lạnh giữa 2 phe là CNTB và CNXH, nó có thể bị thúc đẩy thành chiến thanh thế giới lần 3 với vũ khí hạt nhân và tạo ra tận thế cho loài người, Otto được xem là một nhà huyền bí học đã khuyến khích Alexander thực hiện một sự “hy sinh” thông qua nghi lễ quan hệ “xác thịt” với cô hầu gái Maria vốn bị xem như “phù thủy”, và sau đó “từ bỏ” mọi thứ mà anh ấy đang có, mục đích của sự “hy sinh” này là cứu thế giới thoát khỏi tận thế, xem phim để biết thêm chi tiết.

Phần đông khán giả sẽ hiểu theo cách thông thường như nội dung phim, để hiểu rõ hơn thì các bạn có thể đọc các bài viết phân tích của nước ngoài, hoặc những đánh giá trên trang Tomatoes, có nhiều lời khen là bộ phim mang tính triết học sâu sắc, tính “thiền định”, thể hiện niềm tin cứng rắn vào thần học Kito giáo, là một câu chuyện “ngụ ngôn” sâu sắc cần chiêm nghiệm…; mặt khác, sẽ có nhiều người chê hành động của Alexander là cực đoan, chuyện phim sáo rỗng và mê tín. Tóm lại điều thiết yếu ở đây là họ đều chấp nhận theo ý nghĩ mà bộ phim đã thể hiện, Otto là nhà “huyền học”, Maria là một “phù thủy”, và sự “hy sinh” của Alexander là đúng đắn, sau đó họ chỉ phê phán cấp độ của sự “hy sinh” đó. Thật ra thì tất cả những gì họ hiểu điều là sự lầm lạc, và đó cũng là thông điệp chính mà bộ phim này muốn thể hiện, đạo diễn Andrei Tarkovsky đã châm biếm cả nền văn minh phương tây.

Không phải khi không mà tôi muốn nói về nền văn minh phương tây, nó xuất phát từ “trò chơi” về những cái tên của các nhân vật trong bộ phim này, đặt biệt là 4 cái tên Alexander – Otto – Adelaide – Maria đều có liên quan đến lịch sử – văn hóa – chính trị – tôn giáo của châu Âu. Nếu các bạn đã đọc qua thần thoại hoặc triết học Hy Lạp cổ đại, sẽ thấy quan điểm của nó có phần giống với học thuyết của Phật giáo là vòng luân hồi, lịch sử cổ đại cũng có sự ảnh hưởng từ tôn giáo này, và cả đạo giáo phương đông – hình thái cực; sau đó là sự thay đổi vô cùng lớn lao khi Kito giáo được truyền bá vào đế chế La Mã.

Với cái tên Alexander thì các bạn sẽ nghĩ đến ai? Đó là Alexandros Đại đế, người đã chinh phục đế chế Ba Tư và dựng lên đế quốc Byzantine (đế quốc đông La Mã); còn với cái tên Otto? Chúng ta sẽ liên tưởng đến đế quốc Ottoman sau khi Byzantine sụp đổ; ngoài ra khi kết hợp 2 cái tên là Otto và Adelaide, các bạn sẽ tìm thấy câu chuyện về vị hoàng đế người Đức trở thành hoàng đế của đế chế La Mã sau khi ông ấy lấy nữ hoàng Adelaide, sau đó ông ta phế truất một vị giáo hoàng, nâng cao vị thế của giới tăng lữ trong chính quyền, tạo tiền đề cho cuộc ly giáo đông – tây của Kito giáo, hệ phái Kito giáo phương đông là tiền thân của chính thống giáo đông phương. Như vậy lúc này thế giới chia làm 3 phần, phương tây với Công giáo La Mã, Chính Thống giáo Đông phương, và phần còn lại của châu Á là Hồi giáo và Phật giáo cùng Đạo giáo. Để tìm hiểu sâu hơn thì các bạn có thể xem trên Wikipedia.

Tại sao Andrei Tarkovsky lại liên hệ đến lịch sử tôn giáo trong bộ phim này? Vì ông ấy thấy rằng văn minh phương tây thời nay đang chịu sự ảnh hưởng vô cùng lớn lao từ học thuyết của Phật giáo và Đạo giáo, điều đó được thể hiện trong bộ phim với những suy tư của Alexander, và trong các cuộc trò chuyện với Otto, văn minh phương tây đang bỏ rơi niềm tin Kito giáo nguyên bản, hoặc đang trở nên lầm lạc; nếu bạn đọc các bình luận trên các trang quốc tế đủ nhiều thì sẽ thấy khá nhiều những bình luận dạng như “bộ phim này thể hiện tính thiền định” khi người viết cảm thấy khó hiểu về bộ phim đó. Nói như vậy không phải Andrei Tarkovsky xem nhẹ học thuyết của Phật giáo và Đạo giáo, mà ngược lại, với Andrei Tarkovsky thì học thuyết Kito giáo nguyên bản đã bao hàm luôn 2 học thuyết còn lại, chỉ là con người ngày nay đến cả học thuyết của Phật và Đạo mà còn hiểu sai, các bạn sẽ hiểu ý tôi khi đọc tiếp phần dưới.

Phân tích chi tiết phim

Bộ phim được bắt đầu với phần giới thiệu cùng việc quay cận cảnh bức tranh, camera di chuyển từ dưới lên trên dọc theo thân cây, nếu nhìn kỹ thì bạn sẽ thấy bức tranh này sẽ được phân là 2 phần đối lập nhau theo chiều dọc và chiều ngang; với chiều dọc, bên trái là người mẹ bồng đứa bé và thiên thần, bên phải là một người đàn ông cùng khổ và sự loạn lạc; với chiều ngang, phía dưới là mặt đất và phía trên là bầu trời; bức tranh mang hàm ý này giống như hình thái cực. Nhưng phải chăng bức tranh chỉ có 2 phần? Không! Chính xác thì nó có 3 phần, phần thứ 3 ở giữa chính là giếng nước và cây tươi tốt, đứa bé đưa tay tiếp nước từ giếng cho người đàn ông đang khát, còn cây thì như nối liền trời và đất.

Tiếp theo là cảnh Alexander đang cắm một cây khô trên nền đá sỏi, gọi đứa bé đến giúp và kể cho nó nghe về ngụ ngôn của giáo phụ trong Chính Thống giáo, rằng vị giáo phụ này đã mang một cây khô trồng vào khe đá ở triền núi và muốn vị đệ tử đến tưới nước mỗi ngày cho nó, sau 3 năm thì cây khô đó đã nở hoa đầy cành. Sau đó thì Otto đến để giao thư, ông ta nói về cái chết, sự tái sinh, và vòng luân hồi, trong khi nói thì ông ấy đạp chiếc xe ngoằn ngoèo vòng quanh 2 cha con, sau khi Otto rời đi thì Alexander tự sự về nền văn minh, về sự tàn phá thiên nhiên , sự sa đọa đạo đức, bạo lực và chiến tranh, anh ấy cảm thấy quá mệt mỏi vì phải suy tư về nó, anh ấy khao khát được hành động để thay đổi mọi thứ, những khao khát này hoàn toàn tương ứng với câu chuyện ngụ ngôn và việc cùng đứa trẻ cắm thân cây khô xuống nền đá rồi tưới nước. Như vậy phải chăng Alexander đã thật sự “giác ngộ”? Có lẽ nhưng chờ xem chúng ta đã thấy gì, khi đứa trẻ “lạc mất”, anh ấy tìm kiếm nó, rồi khi đứa trẻ chợt hiện ra thì anh ấy ném nó dập mặt chảy máu.  Đoạn này có thâm ý, suy nghĩ thì tốt đẹp nhưng hành động thì tương phản, cái thâm ý này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim.

 Alexander ngất đi và gặp “thị kiến” lần thứ nhất, nó thể hiện một thế giới hoang tàng đổ nát và sự phản chiếu hình ảnh những tòa nhà cao qua “tấm thủy tinh”. Trong phim của Andrei Tarkovsky chúng ta sẽ thường thấy 2 sự phản chiếu, từ nước – nguồn gốc tự nhiên, sẽ phản chiếu Thiên Giới, từ “tấm thủy tinh” – nguồn gốc nhân tạo, sẽ phản chiếu tâm hồn con người và bản chất xã hội loài người. Lần “thị kiến” này giúp Alexander nhận ra sự xa hoa phù phiếm thực chất chỉ là một đống rác rưởi, hoặc tương lai nó sẽ sụp đổ và trở thành đổ nát. Các loại phản chiếu này tôi cũng có nêu trong 6 bộ phim kia.

Alexander lật xem những bức tranh thánh và Đức Jesus của Chính Thống giáo trong quyển sách, nhận xét về vẻ đẹp thánh thiện và thuần khiết, anh ấy tiếc nuối, và nhận xét “nhưng tất cả những thứ này đã biến mất rồi, chúng ta thậm chí không còn cầu nguyện được nữa”, anh ấy mang cuốn sách đặt cạnh cửa sổ – đó là nguồn ánh sáng tự nhiên. Khi Alexander nói với Victor về đứa trẻ, anh ấy cảm thấy nó là một thứ xiềng xích, ngăn cản anh ấy đến với một cuộc sống cao hơn, đó là nghiên cứu triết học – lịch sử – tôn giáo – mỹ học, ngay tại điểm này, tôi muốn đặt một câu hỏi, đạt được tự do cá nhân và làm theo điều mình muốn thì có phải là “đến với một cuộc sống cao hơn”? Alexander mở lá thư, trong đó có nhắn đến 2 nhà văn và là nhà tư tưởng lớn trên thế giới, Shakespeare là đại diện cho thời kỳ phục hưng – đào lại nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, Dostoyevsky là đại diện cho thời kỳ khai sáng – mang tư tưởng hiện sinh tôn giáo (Chính Thống giáo), mặt nào đó thì tư tưởng của 2 vị này đối lập nhau, đối lập giữa sự chết và sự sống. Alexander từ bỏ sân khấu vì anh ấy không muốn phải “giả vờ” thành những nhân vật trong các tác phẩm, anh ấy muốn cuộc sống thật hơn, sợ đánh mất bản thân vì vai diễn.

Giờ thì tôi sẽ giúp bạn hiểu cái gì gọi là “điêu khắc thời gian” của Andrei Tarkovsky, đó là những diễn biến mang ngụ ý chỉ diễn ra trong một khoản thời gian nào đó, nó có thể rất ngắn, thậm chí diễn ra không đến 1 giây, ví như cảnh 2 người hầu ở “nhà sau”, khi đó cửa sau mở cả 2 cánh, 2 người hầu là biểu tượng cho ánh sáng tự nhiên, vì tầng lớp này chưa bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu như chủ nhân của họ, đức tin và sự phát triển của Kito giáo xuất phát từ những con người “hèn mọn” nhưng có tâm hồn thuần khiết này, nhưng khi Julia nhìn thấy Otto đến thì cô ấy chạy ra khỏi nhà đến đón ông ấy, lúc này chúng ta thấy cánh cửa một bên đóng sầm lại, ánh sáng chỉ còn tồn tại bên phía Maria đang đứng, khoảnh khắc “cánh cửa đóng sầm lại” chính là “điêu khắc thời gian”.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Hoặc khi Marta thấy Otto, cánh cửa sổ từ từ khép lại, lúc này bạn hãy nhìn vào lớp kính cửa sổ, nó phản chiếu khuôn mặt của Marta trở nên méo mó quái dị như bị quỷ ám (nhìn hình phía trên), có nhớ phần trên tôi nói về sự phản chiếu của thủy tinh và nước?! Để nhìn thấy những ngụ ý này từ “điêu khắc thời gian” thì bạn phải có khả năng nắm bắt hình ảnh cực nhanh, hoặc phải thả chậm hoặc dừng lại khung hình; tiếp theo là khung cửa sổ che mất khuôn mặt của Marta, nhìn xéo qua trái, trong tủ, bạn sẽ thấy nửa khuôn mặt phụ nữ trên tạp chí bị bóng tối bao phủ và phần miệng cũng bị hình ảnh khác che đi, nhìn rất quái dị; tất cả những bóng tối và méo mó đó gắn liền với sự xuất hiện của Otto.

Trong cảnh Otto đến, chúng ta lại thấy khung hình bị phân làm 2, bên này là cây xanh tươi tốt, bên kia là đất hoang với hàng cột điện, và phần đầu của Otto chưa bao giờ vượt quá đường chân trời phân đất và trời; lúc này chúng ta thấy 6 nhân vật tập trung vào tấm bản đồ, không có Maria và đứa trẻ, hãy nhìn vào màu sắc trang phục của họ và màu sắc tấm bản đồ, 3 người gia đình Alexandar là “tấm bản đồ”, Victor – Otto – Julia là “cái khung” màu đen bao quanh, tấm bản đồ châu Âu chẳng khác chi cái áo khoác sờn cũ của Alexander, nó cũng có cùng tông màu của bức tường căn nhà. Sau khi Otto bước vào nhà, ông ấy đã nói đến món quà cũng là sự dâng hiến, rồi ông ấy kể về những câu chuyện huyền bí gắn liền với cái chết, hãy chú ý đoạn Otto đi lại gần cửa sổ, phía bên trái có một cánh cửa tủ có kính, nhưng trước khi ông ấy đến thì ngã xuống té xỉu – do đó chúng ta sẽ không biết được ông ấy là ai khi bị phản chiếu qua lớp kính, Victor và Adelaide chạy đến, chúng ta thấy 2 bóng đen phản chiếu từ lớp kính.

Trong cảnh tiếp theo, chúng ta thấy Maria đang đi từ hướng đông sang tây hướng về phía căn nhà, khi đó bạn sẽ nghe được âm thanh như tiếng nhạc phát ra từ sự va chạm của những cái ly, thế giới rung chuyển, bình sữa rơi xuống sàn phủ trắng, bầu trời phát ra tiếng rì rầm như chiến đấu cơ lướt qua, liệu Maria có phải là “phù thủy”,và những âm thanh đó báo hiệu tận thế sắp đến? Nhiều người sẽ nghĩ vậy, giống như cách họ nghĩ sự xuất hiện của tấm bảng đen trong phim 2001: A Space Odyssey báo hiệu “ bình minh của nhân loại”, nhưng như tôi đã phân tích, nó là “bình minh của sự chết”; còn trong phim này, bạn cũng cần hiểu ngược lại, tất cả sự rung chuyển đó là tiếng chào mừng mà Thiên Giới dành cho Maria, hãy chú ý đến viền của chiếc khăn trên đầu cô ấy, nó giống như mão gai, và hoa văn trên đó, nó giống với hoa văn trên trang phục hoặc bó hoa trên tay của một trong những vị nữ thánh bảo trợ nước Nga.

Otto tặng Alexander bản đồ châu Âu, cả châu Âu giờ trong tâm trí của Alexander bị thu nhỏ lại như tấm bản đồ, sau đó Otto giúp đứa trẻ làm ngôi nhà đồ chơi để tặng anh ấy, thêm lần nữa, ngôi nhà – “gia đình” bị thu nhỏ lại như món đồ chơi, nó tạo ra một sự “ám thị” nào đó len lõi vào tâm trí anh ấy.

Khi Otto nhìn vào bức tranh thánh của Leonardo, ông ấy sợ hãi, vậy thì “ai” sẽ kinh sợ khi nhìn vào tranh thánh? Câu trả lời nằm ở hình phía trên, các bạn thấy cái bóng như hình đầu lâu ở trên tấm kính? Nó được tạo ra từ hơi thở của Otto lên tấm kính, bạn sẽ khó nắm bắt được cảnh này lúc xem phim vì nó lướt qua rất nhanh, đó là “điêu khắc thời gian”.

Khi tất cả mọi người nghe bản tin về việc sắp xẩy ra chiến tranh, nếu để ý kỹ, hoặc làm chậm lại tốc độ phát của phim (tôi đã thực hiện nó), thì bạn sẽ nhận ra một điều rất thú vị, đó là ánh chớp tắt chiếu vào các nhân vật không đồng nhất, mặc dù tất cả họ đều xem tin tức từ 1 màn hình TV, cái ánh chớp đó thể hện tâm trạng hoảng loạn của từng người, nếu để ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy cái đèn chùm treo giữa nhà cũng biến mất. Trong cơn hoảng loạn đó họ đã làm gì? 2 người đàn ông uống rượu, người vợ ôm chầm lấy bạn của chồng và muốn anh ta làm gì đó, Vicror làm gì? Anh ấy tiêm thuốc an thần cho 2 người phụ nữ. Ngay tại lúc này, lần đầu tiên bạn sẽ thấy một ngọn đèn được thắp lên để soi sáng căn nhà, sau khi được “soi sáng”, và trải qua cơn sợ hãi cùng cực, tâm trạng những người phụ nữ đều thay đổi, họ nói thật những gì họ nghĩ, họ thể hiện tình yêu thương.

Riêng đối với Alexander thì bắt đầu cầu nguyện và nguyện “hy sinh” tất cả những gì anh ấy có để mọi chuyện qua đi, tất cả sống sót, anh ấy sẽ từ bỏ gia đình, căn nhà, đứa trẻ, sẽ chịu sự câm lặng; thêm lần nữa, tôi muốn hỏi các bạn, những gì anh ấy nói có phải là “sự hy sinh”? Nhiều người sẽ nói phải, vì Đức Jesus từng nói rằng “ai theo ta thì từ bỏ tất cả những gì mình có mà vác thập giá để theo ta”, câu này hàm ý rằng hy sinh cái mình mong muốn để phục vụ tha nhân, “thập giá” ở đây chính là trách nhiệm, hãy trở lên đoạn trên, điều mà Alexander mong muốn là gì? Là được tự do, thoát khỏi xiềng xích từ gia đình và đứa trẻ, lúc này anh ấy nguyên cầu rũ bỏ họ để “hy sinh”, điều này có buồn cười quá không?!

Mặc dù như vậy, Thiên Chúa vẫn đáp ứng nguyện cầu chân thành của anh ấy qua “thị kiến” lần 2, anh ấy mơ thấy đứa con riêng của vợ đang quyến rũ Victor, Alexander bỏ chạy khỏi ngôi nhà, anh ấy đi và nhìn thấy một ngôi nhà giống như nhà nguyện, hãy nhìn hình trên, các bạn có thấy chỗ tôi đánh dấu? Một mảng tuyết trắng trên thân cây có dáng như thân thể con người  nhưng không có đầu và đang hướng về nhà nguyện, trong khi cái đầu của anh ấy thì hướng theo phía ngược lại, anh ấy bước đi theo con đường của những đồng tiền rơi vãi trên bùn lầy, chợt có tiếng hỏi “con ta đâu?”, và cánh cửa mở toang mà phía trong bị bít lại.

Để hiểu ngụ ý của “thị kiến” này thì chúng ta cần xem xét những mối quan hệ trong gia đình Alexander, đó là Victor đã lấy vợ bạn, sau đó con gái riêng của cô ấy quyến rũ Victor, và một cái đầu rời khỏi thân thể, các bạn thấy nó giống với câu chuyện nào trong kinh thánh? Đó là câu chuyện vua Herode đã lấy vợ của anh trai mình và bị Gioan chỉ ra đó là phạm tội; như vậy lúc này Victor đóng vai trò là Herode, còn Alexander trở thành vị tiên tri loan báo tin mừng – sự thật đúng là như vậy vì anh ấy đã được “thị kiến” đến 2 lần.

Điều buồn cười không dừng lại ở đó, trong cảnh tiếp theo chúng ta thấy Otto đã trèo lên tầng trên, gõ cửa gọi Alexander mở để vào nhà, Otto đề nghị anh ấy thực hiện một nghi lễ “xác thịt” với Maria như một “sự hy sinh” cứu chuộc nhân loại, lúc này chúng ta hãy nhớ đến lời Đức Jesus từng cảnh báo về những tiên tri giả và chủ chăn giả: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp”. Như vậy, chúng ta thấy mọi chuyện lẫn lộn tùng phèo, Maria – “người được chọn” lại bị xem là “phù thủy”, Alexander trong vai trò là tiên tri lại không biết bản thân là tiên tri, lại đi mở cửa sổ quỷ dữ vào nhà và đội lốp “tiên tri”. Sau khi vào phòng, họ đã uống rượu để tỉnh táo hơn, Alexander đốt đèn nhưng bị Otto thổi tắt, ông ấy hành động như một kẻ trộm, hãy chú ý khi Otto đi qua chiếc gương, bóng của ông ấy trong gương là một vệt đen kéo dài, dù hơi xéo phía trước ông ấy có cửa sổ chiếu sáng, Otto đứng ngay vệt sáng – ông ấy không phải “ánh sáng”, đó chỉ là ánh sáng phản chiếu – “ánh sáng” giả dối, sau đó thì chúng ta thấy bóng của Alexander phản chiếu khá rõ. Thế là sau đó vị tiên tri thật của chúng ta nghe theo lời “tiên tri” giả, lén lút như một kẻ trộm đi thực hiện nghi lễ “hy sinh”, tôi cảm thấy đạo diễn Andrei Tarkovsky rất hài hước.

Trên con đường đến nhà Maria, chúng ta thấy 2 cái hố – đó là 2 cuộc thế chiến, khi Alexander té vào cái hố – đó là sự nhắc nhở loài người có thể rơi vào cái hố cũ và tạo thành thế chiến thứ 3. Khi Alexander đã đến được căn nhà, chúng ta nghe thấy tiếng chó sủa, một đàn cừu chạy từ tây sang đông, sau đó một khoản thời gian thì chúng ta thấy con chó lại lùa đàn cừu chạy từ đông sang tây; tại sao tôi chỉ ra điều này? Vì nếu bạn xem xong phim, sẽ thấy rằng hành trình của Alexander đi theo chiều ngược lại, đầu phim anh ấy đi từ đông sang tây, cuối phim anh ấy đi từ tây sang đông, anh ấy thua cả con chó chăn cừu. Bầy cừu và con chó thể hiện rằng Maria mới thật sự là vị chủ chăn tốt lành, vì khi cô ấy mở cửa thì đàn cừu đã chạy qua trước mặt cô ấy điều đó thể hiện 1 câu của Đức Jesus “chiên ta biết ta, và ta biết chiên ta”.

Khi Alexander bước vào căn nhà (hình trên), các bạn hãy quan sát kỹ căn phòng, dù rất đơn sơ nhưng những vật dụng tương đối đầy đủ và bày trí hợp lý, bàn để những tượng thánh và tranh thánh rất đẹp – tôn giáo, chiến đàn piano – nghệ thuật, bàn giữa căn phòng – nơi đặt bình cắm hoa và đèn chiếu sáng khắp phòng, chậu cây bên cửa sổ, giường ngủ với 2 bên là cửa sổ và phía trên giường có theo thánh giá – Chúa sẽ bảo vệ bạn khi bạn ngủ mê, cái bàn nhỏ đặt bình nước rửa tay, căn phòng chỉ thiếu lò sưởi vì nhà cô ấy nghèo, tuy nhiên chúng ta thấy rằng căn phòng luôn được chiếu sáng đầy đủ và có cảm giác ấm cúm; ngược lại, căn nhà của Alexander dù sang trọng nhưng cách bày trí hoàn toàn sai, nó luôn lạnh lẽo và tối tăm, lò sưởi là nơi đốt lửa giữ ấm căn nhà nhưng lại đặt TV, những cây đèn lại đặt nơi cửa sổ vốn đã có ánh sáng chiếu vào, phía trên cái bàn giữa phòng có đèn chùm nhưng nó chưa bao giờ sáng.

Trong cuộc trò chuyện, Alexander kể về cách anh ấy làm vườn để tặng mẹ, và chuyện người chị đã cắt tóc theo ý muốn của cô ấy, nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược với điều mà họ mong muốn lúc ban đầu, vẻ đẹp bị tàn phá bởi bạo lực và cưỡng bức; Alexander hiểu được điều đó, nhưng tiếp theo anh ấy đã làm gì? Anh ấy rút súng ra và dọa sẽ tự sát nếu Maria không cứu tất cả mọi người, anh ấy “cưỡng bức” cô ấy giúp anh ấy hoàn thành “sự hy sinh” thông qua nghi lễ “xác thịt” – đạo diễn Andrei Tarkovsky rất biết đùa.

Sau khi hoàn thành “nghi lễ”, Alexander đạt được “thị kiến” lần thứ 3, có vô số người đã chạy ra khỏi đường hầm tối tăm – họ đã được cứu, sau đó là cảnh Maria ngoái đầu về phía ngôi nhà, nó đã biến mất nhưng còn lại lò sưởi – ngụ ý rằng Maria chính là biểu tượng của lò sưởi, đó là nơi giữa ấm và cũng là nơi soi sáng căn nhà khi bên trong có ngọn lửa của tự nhiên. “thị kiến” lần này ngụ ý rằng hãy để Maria làm chủ ngôi nhà ấy, vì cô ấy là vị “chủ chăn” nhân từ, và cái tên Maria giúp chúng ta liên tưởng đến Đức Mẹ Maria, cô ấy sẽ dạy dỗ tốt cho đứa trẻ, về phần người vợ và con gái riêng thì để họ đến với Victor, vì họ yêu Victor chứ không phải là Alexander.

Bàn sâu hơn nữa, cái nghi lễ “xác thịt” này có ý nghĩa thiên liêng không? Có! Nó giống với bữa tiệc ly cuối cùng của Đức Jesus, Ngài và các môn đệ ăn bánh và uống rượu, bánh và rượu dùng để nuôi thân xác, nhưng Ngài cũng nói rằng “đây là thịt ta và máu ta” là thức ăn cho tâm hồn; với cùng một phương thức, nghi lễ “xác thịt” mang lại hạnh phúc cho thân xác, nhưng bên trong đó là sự thể hiện của tình yêu – thứ khiến tâm hồn đạt được hạnh phúc, nhưng Alexander không hiểu điều đó vì tâm hồn anh ấy đã bị Otto và những người khác (trừ Maria và đứa trẻ) đầu độc, anh ấy chỉ thấy được cái hình thức bên ngoài.

Alexander là biểu tượng cho văn minh châu Âu nói riêng và thế giới loài người nói chung, kể cả những khán giả xem phim, thông qua bộ phim, đạo diễn Andrei Tarkovsky đã châm biếm tất cả dựa vào câu chuyện các môn đệ hỏi Đức Jesus vì sao Ngài chỉ nói ngụ ngôn, Ngài trả lời rằng :

“Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành” – Phúc Âm Mt 13, 10-17

Tiếp theo phim, chúng ta thấy Alexander đã trở về nhà và thức dậy, có thể tất cả chỉ là mơ, nhưng dù là mơ hay thực thì nó vẫn là một “thị kiến” dành cho anh ấy, và vì anh ấy hiểu sai ngụ ý của “thị kiến”, nên anh ấy tiếp tục hoàn thành “sự hy sinh” đã đặt ra lúc ban đầu như lời hứa khi cầu nguyện. Alexander đóng lại cửa tủ nơi có cái radio – tách trà – cái gương soi, anh ấy uống rượu và mặc vào chiếc áo có hình thái cực, lúc này chúng ta thấy cánh cửa tủ có chiếc gương tự động mở ra, trong gương chúng ta thấy sự phản chiếu tâm hồn anh ấy, ban đầu tân hồn và thân xác còn có khoản cách, khi anh đi đi qua bên trái, 2 thứ đã hòa làm một .

Buổi sáng bên ngoài căn nhà, Victor thông báo rằng sẽ đến nước Úc – tiền thân là một hòn đảo để giữ tù nhân, Adelaide muốn giữ anh ấy ở lại; trong đoạn này chúng ta thấy một chi tiết khá thú vị, đó là cảnh quay liên tục từ Adelaide sang Victor khi Julia dọn dẹp các đĩa thức ăn, khi camera ở bên trái, Julia đến từ bên trái Adelaide, khi camera di chuyển sang phải, Julia đến từ bên phải Victor, sẽ thuận tiện hơn rất nhiều nếu cô ấy đi từ trái qua phải dù xét theo hoàn cảnh trong phim hay kỹ thuật dựng phim, như vậy cảnh này phải có một ngụ ý, khi Julia xuất hiện từ bên phải Victor cũng là lúc anh ấy đang nói về quyết tâm rời bỏ nơi này để sang Úc, nghĩa là Julia và Victor có thể có quan hệ mờ ám sau lưng Adelaide. Trong khi đó thì Alexander vừa trốn tránh vừa nghe họ nói chuyện, tâm tình anh ấy chập chờn, có 2 lần hoàn toàn chìm trong “bóng tối”, và lần thứ 3 chìm vào “bóng tối” qua việc thể hiện hành động: đốt nhà!

Đọc đến đây hẳn bạn đọc đã hiểu được điều mà tôi muốn nói, bộ phim này đúng là một ngụ ngôn mà đạo diễn Andrei Tarkovsky dành cho tất cả mọi người, nhưng nó không phải là thứ ngụ ngôn họ đang hiểu, sau tất cả những gì đã trải qua trong đời, ở tại nước Nga, anh ấy muốn phục vụ cho những mục đích cao cả nhưng người ta không cho anh ấy phục vụ, anh ấy đặt hy vọng ở các nước theo CNTB, lần nữa, khi được tự do ở nước ngoài, anh ấy chỉ tìm thấy sự thất vọng và tuyệt vọng, đó là nỗi buồn và sự đau đớn vô cùng sâu sắc.

Nếu các bạn vẫn còn không tin những gì tôi viết thì chúng ta sẽ bàn tiếp, chuyện chưa chấm dứt ở đây. Phim bắt đầu bằng chuyện ngụ ngôn trồng cây, theo bạn thì cây khô đó có thể nở hoa hay không sau 3 năm được đứa trẻ tưới nước mỗi ngày? Sẽ không! Dù tưới nước 100 năm nó cũng không thể nở hoa, vì sao? Vì cây đó đã chết chứ không phải khô héo. Vị giáo phụ trồng một cây bị khô héo bên vách núi và muốn đệ tử tưới nước mỗi ngày để học được sự hy sinh, hy vọng, niềm tin, hành động, và sự kiên trì, cho nên cây đó phải còn sống và có rễ, nó chỉ khô héo mà thôi; còn cái cây mà Alexander chọn là cây không rễ và nó đã chết, tưới nước cho một cây đã chết là hành động vô nghĩa, dù về mặt hình thức thì hành động đó rất “đẹp”. 2 hành động của giáo phụ và Alexander có hình thức giống nhau nhưng bản chất khác biệt nhau.

Nó cũng tương ứng với toàn bộ những gì Alexander đã trải qua trong suốt bộ phim, ngay từ đầu thì anh ấy đã muốn từ bỏ gánh vác trách nhiệm, những diễn biến sau đó chỉ hoàn thành cái mục đích ban đầu mà anh ấy mong muốn; hoặc trong câu chuyện về hoàng tử Hamlet, ngay từ đầu anh ấy đã muốn trả thù cho vua cha, vậy thì việc anh ấy suy tư và đau khổ, nghĩ về tình yêu của người mẹ, về tất cả mọi thứ, để rồi cuối cùng kết thúc vẫn là sự chết, ngày xưa Hamlet tỉnh nhưng giả điên, văn minh ngày nay còn khủng khiếp hơn, nó biến Alexander từ tỉnh biến thành điên nhưng không biết bản thân bị điên; hoặc khi bàn đến những vỡ bi kịch của Shakespeare, ông ấy cho chúng ta thấy những tình yêu rất đẹp, để rồi cuối cùng điều chúng ta thấy được là sự chết, văn hóa châu Âu đào lại nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, nó mang nhiều cái đẹp nhưng cũng mang đến sự chết, bởi vì trong nó thiếu 1 nhân tố thứ 3 mà Kito giáo đã mang đến, đó là tình yêu mang đến sự sống.

Cái hình thái cực đó là một “bản thiếu”, thiếu tình yêu cho nên mới xuất hiện cái vòng luân hồi, trong khi Kito giáo là một đường thẳng, khi chiếc xe màu trắng có hình chữ thập chạy đến để rước Alexander về nhà thương điên, chúng ta thấy nó đánh một vòng lớn, trong khi Maria dùng xe đạp chạy thẳng một đường là bắt kịp chiếc xe. Hình thái cực thiếu tình yêu giống như bối cảnh thực tế mà đạo diễn Andrei Tarkovsky đang sống, CNTB muốn cứu thế giới bằng cách tiêu diệt CNXH, và cũng y như thế, CNXH muốn cứu thế giới bằng cách tiêu diệt CNTB, cứu thế giới theo cách đó là bị điên như hành động đốt nhà của Alexander, hoặc giống như Thanos, búng ngón tay là nửa nhân loại biến thành tro bụi, sau đó thì sao? Nhân loại vẫn tăng lên, và lại giết, lại giết, lại giết, vòng luân hồi cứ xoay mãi. À! Vòng luân hồi không hẳn sẽ xoay mãi, thế chiến 1 diễn ra, luân hồi là thế chiến 2, nếu luân hồi lần 3 thì tận thế hen, vì bánh xe luân hồi nát bét thì làm sao mà xoay nữa.

Cảnh cuối phim thật buồn, Maria trở về một mình, đứa trẻ nằm dưới cái cây không có bóng mát, nhờ cuộc phẩu thuật nên giờ nó đã nói được, và nó tự hỏi “Bắt đầu đã có Ngôi Lời, tại sao lại như thế, hả Bố?”, nhưng giờ đây đâu còn ai để nói cho nó hiểu. Các bạn nghĩ sao về câu hỏi của đứa trẻ, và các bạn có câu trả lời không? Tôi có câu trả lời nhưng không biết đúng hay sai, bắt đầu đã có Ngôi Lời vì Ngôi Lời là “ánh sáng” trong tâm trí, là ánh sáng trí tuệ của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, vì chỉ khi có được ánh sáng trong tâm trí thì chúng ta mới phân biệt được đúng sai, “nghe có thể hiểu và nhìn có thể thấy”, nếu không có ngôi lời thì rất dễ biến thành kẻ điên trong thế giới điên loạn ngày nay, thứ điên loạn tập thể và truyền nhiễm, điên mà không biết mình điên. Ngôi Lời là gì? Là “sự giác ngộ” mà Đức Phật đã nói đến vậy!

Bài viết đến đây là kết thúc, chúc các bạn xem phim vui vẻ, nhớ đọc bài trên Chí Blog nhiều hơn, khi tôi nói rằng đọc các bài viết của tôi là có thể hiểu được các bộ phim nghệ thuật hoặc làm phim nghệ thuật cũng không phải là nói đùa, đôi khi đúng là tôi nói đùa đấy, vì tôi hiểu được sự khiêm tốn là gì, với lại trong cách tôi nói nó cũng thể hiện là đùa, nhưng trong cái đùa cũng có cái thật, như bộ phim này, nó như một trò đùa của đạo diễn Andrei Tarkovsky, nhưng sự đau đớn cùng cực của ông ấy cũng là thật.

Các bạn nhớ chia sẻ Chí Blog đến nhiều người hơn, và nhớ mời mình “cà phê”, vì mình nghèo như người hầu Maria trong phim, những bài mình viết chỉ với một mục đích, mang lại sự thật và sự tốt đẹp cho tất cả mọi người.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức

Thời Thơ Ấu Của Ivan – Ivanovo detstvo (1962): đừng sang bờ sự chết – Nghệ Thuật – Sư Tử

Cuộc Đời Của Andrey Rublyov – Andrei Rublev (1966): một trong những phim hay nhất mọi thời đại – Nghệ Thuật

Solaris (1972): đại dương tinh thần của thế giới – Nghệ Thuật

Hồi Ức – Zerkalo – Mirror (1975): lạc mất lối về – Nghệ Thuật

Kẻ Rình Mò – Stalker (1979): không còn ai để dẫn đường – Nghệ thuật

Thương Nhớ Cố Hương – Nostalghia (1983): khi sự sống phân đôi – Nghệ Thuật

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Điện ảnh Việt: những điều đạo diễn cần lưu ý khi làm phim

T2 Th10 16 , 2023
Bài này tôi sẽ nêu lên một số điểm mà các đạo diễn Việt khi làm phim cần lưu tâm nếu không sẽ rất dễ thất bại về mặt doanh thu, có lẽ sẽ thêm vào một số điểm góp ý, nếu các bạn thấy hợp lý thì có thể […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese