Coma (Kẻ Đào Tẩu Giấc Mơ – Koma – 2019) là phim giả tưởng của Nga, nội dung thể hiện rất sát với thế giới ý tưởng của con người, điều mà chúng ta gọi là mơ hoặc ký ức trong tiềm thức. Ý nghĩa phim là sự kết hợp mang tính tổng hợp của rất nhiều kiến thức về triết học – tâm linh – khoa học. Tuy nhiên, vì kết cấu cốt truyện có phần đơn giản nên khó có thể trở thành một siêu phẩm về giả tưởng như Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception hoặc Ma Trận – The Matrix. Nhưng cũng không vì thế mà thông điệp trở nên kém sâu sắc, xét về thực chất thì phim này mang tính căn bản hơn rất nhiều phim cùng thể loại, và hoàn toàn có thể trở thành kinh điển hoặc nền tảng cho nhiều bộ phim khoa học giả tưởng khác sau này. Dạo gần đây tôi khá thích các phim của Nga về các thể loại như giả tưởng, thần thoại và nghệ thuật, nền điện ảnh nước này phát triển đáng kinh ngạc. Coma nếu được xem dạng 3D thì cực đẹp, IMDb 6.6
Giải thích về cách thức hoạt động của thế giới ý tưởng
Vài thế kỷ trước Công Nguyên, nhiều triết gia Hy Lạp đã nói về sự tồn tại của một thế giới ý tưởng bên trong tâm thức của con người, câu chuyện ngụ ngôn Cái Hang của Plato là một ví dụ, hoặc giấc mơ của Trang Chu (TQ), ông ấy nói rằng “Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu”. Sau đó đến thời cận đại và hiện đại, nhờ sự phát triển của khoa tâm lý học và phân tâm học, chúng ta phát hiện ra sự hoạt động của tiềm thức.
Còn đối với tâm linh thì sao? Đức Phật từng kể về việc Ngài đã chu du trong 3000 thế giới và trải qua vô vàn kiếp sống, nhiều vị cao tăng cũng nói về điều này khi họ chìm sâu vào thiền định, và có nhiều truyền thuyết về pháp lực của những người tu hành. Còn có những thuyết khoa học về các thế giới song song, các chiều không gian 5-6-7-…, vài nhà tâm linh hiện đại tin rằng tinh thần (linh hồn) của những vị như Đức Jesus hoặc Đức Phật đang tồn tại ở những chiều không gian cao hơn của chúng ta. Tóm lại thì tuy có những sự khác biệt về mặt lý luận nhưng tất cả đều có những sự tương đồng nào đó với thế giới ý tưởng mà phim đã xây dựng.
Thế giới trong mơ của phim hoạt động như thế nào? Khi trí não của nhiều người đang chìm vào hôn mê sâu được kết nối với nhau, thì những ký ức của họ cũng được kết nối và hòa vào nhau. Nhưng nó chỉ được thể hiện như một bản chụp 3D của vật thể chứ không phải là vật chất thật sự, mọi thứ được tạo nên trong mơ đều được xây dựng dựa trên những hiểu biết từ thế giới hiện thực. Ví dụ khi bạn có ký ức về 1 con dao bằng thép, nó sẽ hiện ra trong mơ, và vì bạn có ý tưởng về độ cứng của thép, nên con dao đó cũng cứng như thép. Nghĩa là những thứ trong mơ tuy không phải vật chất nhưng nó vẫn thể hiện những định lý vật lý mà bạn đã biết. Ví dụ như đoạn khi Viktor nhảy từ bờ sông ở Venice, nếu anh ấy vẫn nhìn con sông thì anh ấy sẽ rơi xuống sông, nhưng nếu ngước lên nhìn theo chiều của tòa nhà, khi đó anh ấy thấy mình đang ở khoản không trên đỉnh của nó nên sẽ rơi xuống theo hướng tòa nhà.
Giải thích về năng lực của con người trong mơ
Tại sao nhà khoa học Yan cần một kiến trúc sư? Ký ức chỉ là một bản chụp 3D theo những gì ta nhìn thấy, giống như khi nhìn sàn nhà có tấm thảm, thứ ta thấy là phần sàn lộ ra và tấm thảm, dưới tấm thảm sẽ không có gì cả, nhưng nếu kéo tấm thảm lên, ta biết dưới nó phải là sàn nhà nên sàn nhà sẽ được hình thành dần dần, hoặc ký ức về con người, ta chỉ thấy được 1 bên, phần không thấy sẽ trống rỗng, nhưng nếu ta xoay họ qua, phần trống đó sẽ được lắp đầy. Do đó, Yan cần Viktor vì những sản phẩm do anh ấy “tạo nên” sẽ hoàn chỉnh về kết cấu và tổng thể chứ không chỉ là bản chụp 3D một mặt của ký ức. Và cũng vì thế, Viktor chỉ tạo được sản phẩm khi “tưởng tượng” về một bản vẽ chi tiết đầy đủ trên giấy.
Những năng lực của con người trong mơ đều phụ thuộc vào kỹ năng của họ từng có trong hiện thực, khác biệt là trong mơ họ chỉ cần dùng ý tưởng hoặc trí tưởng tượng là đủ. Ví dụ như cô gái có khả năng cảm nhận được thần chết ở gần và biến ra ảo ảnh, bởi vì cô ấy là một nhà tâm linh trong hiện thực, cô ấy tin rằng con người có linh hồn, cho nên cô ấy có thể mang những năng lực đó vào mơ, niềm tin vô cùng quan trọng trong mơ. Còn những người bình thường trong mơ chỉ là bởi vì trong hiện thực họ không có kỹ năng, lại thiếu niềm tin và trí tưởng tượng, nên họ không có bất kỳ năng lực gì. Tưởng tượng xa hơn, nếu một đứa trẻ chưa học qua môn vật lý và nghĩ rằng có thể bay như chim, thì trong thế giới này đứa trẻ ấy có thể bay thật.
Giải mã ý nghĩa thông điệp
Tại sao tôi nói phim này mang tính nền tảng? Vì phim đang cố gắng đào sâu vào câu hỏi triết lý quan trọng nhất của con người, đó là “sự sống có ý nghĩa gì với tất cả chúng ta?” và đưa ra một câu hỏi thực tế hơn “chúng ta sẽ chọn cái nào giữa một bên là đời sống thực đau khổ và bên kia là một thế giới trong mơ lý tưởng?”. Nhiều nhà tu hành nói rằng thế giới mà ta gọi là thực này cũng chỉ là hư ảo mà thôi, và tôi có phần nào đồng quan điểm với họ. Vì ngay những từ ngữ như “ý nghĩa đời sống”, “hạnh phúc”, “tình yêu” , “sự bình yên” … đều thuộc về tinh thần. Xét theo khoa học, những sự thỏa mãng của cơ thể chỉ là những tín hiệu điện từ đến não, khi này cái ranh giới giữa thực và ảo ngày càng trở nên mờ nhạt. Hiện tại chưa có ai thật sự dám đưa ra câu trả lời khẳng định điều nào là tốt hơn.

Tạm thời gạt qua vấn đề đó, phim nói về một vấn đề thực tế hơn, tại sao chúng ta vẫn chưa tạo ra được thiên đường? Yan từng nói, thần chết chính là hiện thân của những nhà độc tài khi họ xâm nhập vào thế giới ý tưởng, họ tìm cách săn giết con người trong mơ, ngăn cản con người thực hiện lý tưởng, điều đó cũng diễn ra trong hiện thực. Nói đúng hơn thì thế giới ý tưởng của phim này chỉ là sự phản chiếu của hiện thực. Yan cố gắng xây dựng một thế giới lý tưởng chỉ có trong mơ, nhưng thế giới thực với sự tồi tệ của nó đã ngăn cản ông ấy, nó khiến cho những giấc mơ về sự tốt đẹp lụi tàn, nó buộc con người phải sống trong một thực tế khắc nghiệt và buồn tẻ. Giống như cách nó đã đối xữ với những công trình của Viktor, trong khi chỉ có Yan là nhìn ra được giá trị của nó.
Nhưng điều gì khiến cho giấc mơ của Yan sụp đổ? Khát vọng xây dựng thế giới lý tưởng của Yan rất lớn, vì vậy mà ông ấy là người đầu tiên tìm được con đường để bước vào mơ, nhưng phương thức mà ông ấy thực hiện đã đi ngược lại với những yếu tố căn bản nhất tạo nên cuộc sống, đó là sự thật, tự do và yêu thương. Khi không có những điều này, dù “đảo thiên đường” đã được xây dựng xong thì cũng không có ai dám bước vào, khi nhìn ra sự dối trá và độc ác thì người khác sẽ không có niềm tin là nó thật sự mang đến hạnh phúc. Trong hiện thực cũng giống như vậy, nhiều người đã nói về “giấc mơ Mỹ” hoặc “thiên đường gì gì đó” nhưng thực tế thì nó khác lắm (cười).
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Kết phim cho ta thấy một sự thật vô cùng đau đớn, đó là cái thành phố lý tưởng của Viktor đã bị dẹp bỏ, cái card (ý tưởng) của Yan cùng bản thiết kế bị cất vào tủ và khóa lại, Viktor phải vẽ những căn nhà chung cư như những cái hộp để có chi phí sống. Đời sống thực tế đang giết chết những thiên tài khi bản thân họ không có niềm tin mãnh liệt để theo đuổi lý tưởng. Đó cũng là lý do thần chết Phantom chỉ giết Yan và thả Viktor trở về với hiện thực, vì sau khi Phantom nhìn sâu vào mắt Viktor, hắn thấy không cần phải giết anh ấy, hắn biết anh ấy đã đầu hàng hiện thực cuộc sống, hắn cho anh ấy trở về hiện thực. Chính tại đoạn kết này, tôi tự hỏi cái nào “thật” hơn? Là Viktor thoát ra khỏi giấc mơ hay đang bước vào giấc mơ về một thế giới đau khổ?
Vậy, thông điệp đặt trọng tâm ở bản chất con người. Dù là đời sống hiện thực hay đời sống trong thế giới ý tưởng, thì con người không bao giờ có được một cuộc sống trong mơ nếu khát vọng và niềm tin của họ quá ít, nếu họ không tôn trọng những yếu tố căn bản làm nên đời sống, nếu họ không biết kết hợp và chia sẻ cùng nhau. Khi không có những thứ đó, những nhà độc tài – thần chết – hiện thực sẽ hiện ra và giết chết họ.
Bạn có nhớ chi tiết về chiếc xe Bus như cánh cửa xuyên không để vào căn cứ? Cánh cửa đó chỉ cần sự kết hợp ký ức của 2 người, một người thấy chiếc xe Bus ở nơi nào đó, một người thấy chiếc xe Bus ở căn cứ, nó mang tính ẩn dụ, nghĩa là chỉ cần 2 người có cùng mục tiêu, họ sẽ tạo ra được sự kỳ diệu. Và khi bị các thần chết bao vây, họ tìm chiếc máy bay cũng vì lý do đó, đó là lối thoát. Xe Bus hoặc máy bay là biểu tượng cho cầu nối giữa người với người, giữa nơi này và nơi kia, nó kéo gần con người lại với nhau.
Việc Yan tìm được Viktor vì họ có chung khát vọng lý tưởng, nhưng sự việc “phá sản” khi họ khác biệt về niềm tin và quan điểm về các giá trị đạo đức. Phantom trở thành thần chết vì tính cách anh ta giống với những kẻ độc tài nên khi bị thương, cái độc tính đó dần ăn mòn và cải hóa tinh thần anh ta.
Phim cũng nói về tình yêu, tại sao trong biết bao người thì chỉ có Fly giúp được Viktor điều khiển được năng lực? Vì chỉ có những người thật sự yêu chúng ta mới chú tâm vào những việc chúng ta làm, sau Fly có thể kể đến Yan vì ông ấy có cùng lý tưởng với Viktor.
Bạn có nhìn thấy cái kết cấu của thế giới trong phim? Nó cũng thể hiện cho hiện thực, thế giới ngày nay cũng giống như vậy, thành phố này cách thành phố kia chỉ một quản ngắn (vài giờ bay) – như mấy cây cầu ta thấy. Con người có thể từ nơi này đến nơi kia rất nhanh, và tất nhiên là thần chết cũng sẽ đuổi theo ta rất nhanh. Có vẻ bộ phim này đoán trước được sự xuất hiện của mấy con virus Corona cũng nên, và cách duy nhất để ngăn chặn là phá cầu như họ đặt bom nổ các con đường vào căn cứ.
Tóm lại, nếu bạn muốn hiểu bản chất thế giới hiện thực của chúng ta như thế nào thì hãy xem bộ phim này, phim cụ thể hóa hết mức những thứ trừu tượng khó hình dung. Hãy xem phim này, vì phim hay, đẹp và ý nghĩa.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:

………………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Tân Giáo Hoàng – The New Pope (2020): con người cần phép màu
Kẻ Ngoại Cuộc – The Outsider (2020): “con quỷ” đói khát sự sống
Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng
Giấc Mơ – Donnie Darko (2001): bẫy sâu cho người xem
Thành Phố Bóng Đêm – Dark City (1998): khi quá khứ là mộng ảo
Chuyến Tàu Băng Giá – Snowpiercer (2013): sự cân bằng dối trá
Giác Quan Hoàn Hảo – Perfect Sense (2011): thảm họa hay lời cảnh báo
Mật Mã Gốc – Source Code (2011): siêu thực tại trong từng khoảnh khắc
Nửa Đêm Ở Paris – Midnight In Paris (2011): cảm xúc thật vs vẻ bề ngoài
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?