Review phim Squid Game: thức ăn của con mực hệ thống

1

Squid Game (series – 2021), nhiều người đã bàn luận về phim này, nhưng Chí Blog sẽ phân tích phim ở cấp độ sâu hơn, để cho bạn đọc thấy nền điện ảnh Hàn đã tiến đến mức nào so với phương tây, và từ đó hiểu tại sao phim Hàn lại trở nên hấp dẫn như vậy, nó không chỉ thuộc về mặt hình thức hoặc bởi những biểu hiện bề ngoài như nhiều người đã nghĩ, đó là sự phát triển về chiều sâu tư tưởng và nhận thức của giới biên kịch và đạo diễn của quốc gia này. IMDb 8.1 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Thời gian qua đã có vô số bài trên mạng phân tích điểm cộng và trừ của phim này về phương diện hình thức, ví như tổ chức bí ẩn hoạt động không được chuyên nghiệp lắm, nên tôi sẽ không nhắc lại; còn về những thử thách không đòi hỏi nhiều trí tuệ thì có thể bỏ qua, vì mục đích phim không nhắm vào yếu tố này.

Khi xem phim, câu hỏi đầu tiên mà tôi đặt ra là, tại sao các thành viên của tổ chức lại phân cấp từ thấp đến cao theo biểu tượng tròn – tam giác – vuông? Tại sao mặt nạ nhân viên có độ cong, còn của vị chỉ huy lại góc cạnh? Vì sao mặt nạ của ông chủ tổ chức được kết từ đá quý? Sự sắp xếp thứ tự các trò chơi mang ý nghĩa gì? Tại sao tên phim là “trò chơi con mực”? Tại sao người chơi mặc áo màu xanh, còn nhân viên mặc áo màu đỏ? Nếu bạn trả lời chính xác những câu hỏi trên, nghĩa là bạn đã tìm thấy nền tảng cốt lõi nhất tạo thành khung xương và “hệ thần kinh” cho bộ phim Squid Game này.

Tiêu đề bài viết tôi ghi là “con mực hệ thống”, nghĩa là hệ thống quản lý xã hội của con người được thể hiện qua biểu tượng trò chơi con mực, chúng ta cũng thấy hình dạng nó, đầu tròn, thân tam giác, đuôi vuông. Vậy việc phân cấp thành viên tổ chức cho chúng ta thấy sự lộn ngược, đầu cắm xuống đất còn đuôi thì chổng lên trời. Bất cứ hệ thống quản lý xã hội nào, thuộc bất cứ chế độ nào, đều nói rằng bản thân nó hoạt động theo tính dân chủ, nhưng phim chỉ ra rằng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, cái này là thông điệp của phim chứ không phải của tôi nhé!

Vì sao áo người chơi màu xanh? Nếu tổ chức là con mực, thì người chơi là thức ăn của nó, màu xanh là màu của tảo hoặc Oxy, hoặc sinh vật phù du; màu đỏ của nhân viên là màu của máu; còn quá trình trải qua 6 trò chơi là sự tiêu hóa thức ăn trong thân thể con mực. Hãy nhớ lại diễn biến trong phim, sau trò chơi đầu tiên, mái vòm đóng lại – miệng của con mực đóng lại, sau đó thì mọi thứ đều diễn ra trong bụng con mực.

Trò chơi đầu tiên, ý nghĩa của nó là nếu người nào bị nhìn thấy đang chuyển động như một cơ thể sống thì sẽ trở thành thức ăn cho “con mực”, họ bị giết chết và bị thiêu xác – “tiêu hóa”, người nào bất động khi nó nhìn đến thì thoát được. Sau đó thì những người còn sống có cơ hội thứ 2 để rời khỏi bụng con mực để trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng như đã nói, tổ chức đó là biểu tượng cho hệ thống, nên việc thoát khỏi trò chơi để trở lại xã hội là không có gì khác nhau; sự khác nhau nếu có thì khi tham gia trò chơi, người chơi ý thức được vai trò của họ, còn khi ở ngoài xã hội thì họ không ý thức được điều đó. Con người cứ nghĩ rằng họ có quyền chọn lựa, nhưng thực tế thì họ không có bất kỳ sự chọn lựa nào cả đối với cuộc sống của chính họ.

Giờ bàn về 6 trò chơi, quá trình tiến hóa của sinh vật trên trái đất là từ chất vô cơ trở thành chất hữu cơ, từ vật chất vô tri vô giác trở thành vật thể sống, với con người thì từ vô cảm tiến đến có cảm xúc; còn quá trình tiêu hóa thì ngược lại, từ cơ thể sống biến thành cặn bã và thải ra ngoài. Trò chơi thứ nhất quyết định ai sẽ trở thành thức ăn cho con mực; trò chơi thứ 2, con người được phát chiếc bánh và muốn còn sống phải dùng đến trí tuệ; trò chơi thứ 3, con người muốn vượt qua thì chỉ cần sức mạnh mà không cần trí tuệ; trò chơi thứ 4, phá hủy sự gắn kết vốn là nền tảng xã hội như gia đình, bạn bè, niềm tin, đạo đức, luân lý; trò chơi thứ 5, lúc này sự sống chết chỉ còn là may rủi; trò chơi thứ 6, là trò nền tảng nhất và quyết định con người là con người có cảm xúc hay chỉ sống bằng bản năng máy móc như động vật.

Khi chúng ta đảo ngược 6 trò chơi này, chúng trở thành con đường tiến hóa của loài người, từ việc sống theo bản năng như loài vật phát triển đến có cảm xúc như con người và cuối cùng là sự tự do trong lựa chọn cuộc sống của mỗi người. Bạn có thấy kịch bản phim rất thâm thúy không? Hoặc ở  trò chơi thứ 5, cây cầu đó giống thứ gì? Là chuỗi ADN, sự phá hủy cấu trúc ADN khi xét về tính vật chất. Còn trò thứ 6 thể hiện về phương diện tinh thần. Như vậy bạn có thấy sự tương đồng trong 6 trò chơi với hình ảnh con mực lộn ngược? Nghĩa là cách vận hành của hệ thống mà chúng ta đang theo đã đi ngược lại quá trình tiến hóa của loài người.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Con đường “đi lên” màu vui tươi nhưng mang người chơi vào sự chết

Đến đây thì không thể bỏ qua trò chơi con mực của con nít, trong vai trò người tấn công chỉ được “đi” bằng 1 chân, nếu tiến được vào thân con mực sẽ đi bằng 2 chân, sau đó tiến về đầu con mực có hình tròn thì chiến thắng, khi ấy người thắng sẽ tràn đầy cảm xúc hạnh phúc, nghĩa là sự cố gắng tranh đấu đó để đạt được hạnh phúc. Ngược lại, trò chơi con mực của người lớn thì đi từ cảm xúc đến vô cảm, xã hội của chúng ta đang vận hành theo cách đó. Ở đầu phim, đứa trẻ nói rằng nếu ngã ra khỏi con mực thì sẽ chết, ở trong con mực là còn sống, đó là con mực của đứa trẻ – con mực tiến hóa và hạnh phúc.

Chiếc mặt nạ của ông chủ kết từ đá quý giống như gai nhọn, nó như chất vô cơ, như là thứ cặn bã cuối cùng mà con mực của người lớn thải ra, vì đây là con mực ngược nên thứ cặn bã này đang làm chủ con mực; hoặc chiếc mặt nạ góc cạnh của gã chỉ huy, hoặc căn nhà chỉ toàn những mô hình đồ chơi máy móc, đó là sự vô cảm; hoặc người chơi bị đánh số chứ không được gọi tên, đối với hệ thống thì con người chỉ như một con số hoặc chỉ là tập hồ sơ lý lịch trên trang giấy và không có cảm xúc gì cả.

Nếu hệ thống là con mực, vậy thì con mực này bắt mồi bằng gì? Chính là thứ mực nó phun ra để biến con mồi của nó trở thành mù quáng, mực là tiền. Chúng ta bỏ công sức ra để kiếm tiền vì nghĩ rằng tiền sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng xã hội này hoạt động theo cách lấy hạnh phúc để có được nhiều tiền, và khi đó mới có thể tiếp tục tồn tại mà không bị loại bỏ. Xét cho cùng thì những gì người lớn đang làm chả khác chi trò chơi của con nít, nhưng trò chơi này khiến con người ngày càng đau khổ chứ không phải hạnh phúc.

Những gì vừa phân tích là hàm ý tổng quát, giờ chúng ta nói về những chi tiết thể hiện sự lộn ngược của con mực hệ thống. Seong là người đàn ông ở tuổi trung niên có một cuộc sống thất bại toàn tập, có lẽ anh ấy từng cố gắng vươn lên, nhưng kế hoạch đầu tư đó thất bại và rơi vào ham mê cờ bạc đã để lại khoản nợ hơn 400 triệu yên, vợ mang theo con gái ra đi, người mẹ mắc bệnh tiểu đường. Câu hỏi đặt ra lúc này là ngoài yếu tố may mắn thì điều gì đã khiến anh ấy sống sót sau 6 trò chơi? Seong khác với những người chơi khác ở điểm nào?

Người chơi là thức ăn của con mực “ngược”, vậy sự sống sót cuối cùng phụ thuộc vào 3 yếu tố là may mắn – kỹ năng sinh tồn – không thể tiêu hóa. Ở đây chúng ta chạm đến một vấn đề khá phức tạp khi nói về kỹ năng sinh tồn, ví như sự dối trá và phản bội, trong một số trường hợp nó giúp con người sống sót, nhưng ở vài trường hợp khác thì nó mang đến cái chết, chúng ta thấy điều đó qua cái chết của gã ma cô và gần như phần lớn những kẻ chết đi; ngoài ra thì kỹ năng sinh tồn theo chiều hướng “sai” lại là thứ thức ăn mà con mực “ngược” cần hấp thu vì phù hợp với bản chất của nó.

Bản chất của Seong khác với đa số người khác là anh ta mê cá cược chính yếu là vì cảm giác mà cá cược mang lại, tiền chỉ là phụ, điều đó chỉ ra trong cách mà anh ấy sữ dụng đồng tiền, ví như thay vì mua quà cho con gái, anh ấy chơi trò “gắp thú”, hoặc tặng 10.000 yên cho nhân viên cá cược sau khi thắng giải đua ngựa. Còn người em kết nghĩa cũng có hành động giúp anh chàng Pakistan, dù khi ấy hành động vì lòng trắc ẩn nhưng sau đó anh ta sữ dụng nó như một khoản đầu tư để kiếm lời, và anh ta gặt hái bằng mạng sống của anh chàng Pakistan.

Kỹ năng sinh tồn “sai” mang đến sự sống nhất thời nhưng nó lấy đi mạng sống trong tương lai, kỹ năng sinh tồn “đúng” như sự đoàn kết, niềm tin, lòng trắc ẩn, sẽ mang đến sự sống bền vững ở những chặn sau, đây là điều vẫn còn tồn tại trong tâm hồn Seong, cộng với cảm xúc, chúng là những thứ mà con mực “ngược” không thể tiêu hóa được.

Còn về cách mà xã hội đang hoạt động ngày nay khi so với quá khứ thì sao? Ngày xưa bọn trẻ chơi trò chơi chỉ vì được vui vẻ hạnh phúc, và phần thắng nếu có thì cũng mang tính tượng trưng, vật chất là tượng trưng cho tinh thần. Ngày nay trò chơi cho bọn trẻ thiên về vật chất, để chơi trò “gắp thú” thì phải mua bằng tiền, nếu thắng thì được phần quà có giá trị gấp mấy chục lần, người thắng hạnh phúc không phải vì được chơi mà vì được phần thắng có giá trị cao, đó không phải là trò chơi, đó là cờ bạc, xã hội đang dạy trẻ nhỏ mê cờ bạc. Phần quà mà Seong nhận được là khẩu súng bật lửa, nó dạy trẻ nhỏ về bạo lực và hút thuốc, mọi trò chơi ngày nay đều là hình thức cờ bạc trá hình.

Phim cũng cho chúng ta thấy nhiều cặp đối lập, ông già (đỉnh xh) – Seong (đáy xh), hoặc Seong và người em kết nghĩa, cùng một thế hệ nhưng kẻ thất bại và kẻ “thành công”, hoặc một cô gái trẻ đến từ Triều Tiên và cô gái khác đến từ Hàn quốc, hoặc 2 anh em đều là cảnh sát nhưng người em tốt còn người anh thì biến chất. Mọi thứ trong phim đều xoay quanh đồng tiền, muốn được quyền nuôi con thì cần chứng minh tài chính, muốn trị bệnh thì phải có tiền, đồng tiền khiến con người dù thân thiết hay xa lạ đều đối đầu nhau, vợ – chồng, bạn bè, con cái – cha mẹ, người dân – chính phủ, công nhân – ông chủ, dân bản địa – dân nhập cư …

Sự công bằng của hệ thống hoặc con mực “ngược” đều là giả dối, ví dụ như để có tiền đầu tư kiếm tiền thì con người cần thế chấp tài sản gia đình hoặc mạng sống của họ, nhưng việc đầu tư đó là một trò gian lận của hệ thống. Giống như trò “đập hình” mà Seong tham gia, nó có công bằng không? Về hình thức thì nó công bằng, về bản chất thì không, Seong là người chơi nghiệp dư, trong khi gã kia là người chơi chuyên nghiệp, những khoản đầu tư cá nhân nếu so với các siêu tập đoàn thì cũng giống như thế. Cái trò chơi “đập hình” bởi vì người chơi luôn thua nên họ mất hết, ban đầu là vật chất, sau đó là lòng tự trọng – bị vã mặt, sau đó là sự sống về tinh thần lẫn thể xác.

Có rất nhiều người khi nhìn vào tình người trong xã hội ngày nay đều thể hiện sự thất vọng ê chề, nó giống như vụ cá cược ở tập 9 của ông già và Seong, bạn có biết cái sai trong chuyện này là gì không? Đó là cả 2 người đều nhìn thấy người vô gia cư nằm trên vĩa hè, và họ đều giàu khủng khiếp, nhưng điều họ làm không phải là xuống đường cứu người vô gia cư, họ ở trên tòa nhà nhìn và chơi trò cá cược về nhân tính, ai nhìn ra cái sai trong hành động của họ? Chúng ta thấy cái sai, chúng ta im lặng, chúng ta thấy điều cần làm, chúng ta không làm, sau đó chúng ta bảo nhau “con người thật vô cảm!”.

Hoặc chuyện của ông già, ông ta dành cả đời để kiếm tiền, ông ta vứt bỏ mọi thứ mang đến cảm giác hạnh phúc, sau đó dùng tiền để tạo ra trò chơi mang đến “hạnh phúc”, nhưng trò chơi đó lấy đi hạnh phúc và mạng sống của người khác, đó là sự điên loạn và “hư não”, cho nên nhân vật này bị ung thư não.

Còn cái kết phim khi Seong quay lại thể hiện điều gì? Mặc dù Seong sống sót và có số tiền, nhưng anh ấy cũng phải trả giá sau quá trình đó, người mẹ đã chết, em kết nghĩa chết, thế hệ trẻ (2 cô gái) chết, thế hệ tiền bối chết, vợ con đi sang Mỹ, điều còn lại duy nhất là một trận chiến mới chống lại con mực “ngược”, như vậy Seong có xu hướng biến thành một kẻ như ông gìa chủ tổ chức nhưng ở tính đối lập về lý tưởng, tức một sự tương phản mang tính cực đoan.

Vì là series phim nên còn rất nhiều để mổ xẻ nhưng tôi nghĩ phân tích đến đây là đủ, phần còn lại là cảm nhận của từng khán giả. Chí Blog rất mong nhận được nhiều sự ủng hộ thực tế qua “ly cà phê” để có thêm những bài viết chất lượng trong tương lai. Nếu bạn không hành động, những thứ giá trị sẽ mất dần.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

One thought on “Review phim Squid Game: thức ăn của con mực hệ thống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Red Notice: trò đùa dai của điện ảnh Mỹ

T7 Th11 13 , 2021
Red Notice (2021) là phim hành động thuộc loại “thức ăn nhanh”, giải trí tốt, Chí Blog thường không viết bài cho thể loại phim nhảm kiểu này, nhưng tại sao tôi lại viết bài? Để cho bạn đọc hiểu mặc dù điện ảnh Mỹ đổ nhiều tiền để sản […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese