Review phân tích phim Predestination: 2 thế giới, 2 vòng lặp giao nhau

Nhiều người đã phân tích phim Predestination (Tiền Định – 2014) nhưng đó chỉ là một nửa sự thật – điều mà bộ phim cho chúng ta thấy, nửa còn lại Chí Blog sẽ giải thích cho bạn giống như tất cả những phim khác mà tôi viết review, đồng thời sẽ giải mã những hàm ý / ý nghĩa được cài cắm trong phim – điều mà hầu hết những bài review khác đã bỏ qua vì họ không chú trọng hoặc không hiểu. Đây mới thật sự là phim hack não nhé các bạn, nó vượt qua cả Triangle (2009) và có phần cùng đẳng cấp với Pi (1998). IMDb 7.5

Predestination kể về một đặc vụ của Tổ Chức Sửa Chữa Vi Phạm – Cục có khả năng du hành thời gian, việc du hành trở lại quá khứ đã tạo ra một nghịch lý tiền định, trong phim này thì đó là nhân vật chính trở thành cha và mẹ của chính anh ta/ cô ta. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết, hoặc đọc bài tiếp.

Giải thích vòng lặp

Một nửa sự thật mà những bài review khác có phân tích cũng sẽ không quá khó hiểu đối với những ai thường xem phim về du hành thời gian, vì vậy tôi sẽ nêu vắn tắt. Jane gặp John sinh ra bé gái, bé gái bị chính John trong tương lai mang trở về quá khứ và trở thành Jane; Jane sau khi sinh ra bé gái thì chuyển giới thành John, kẻ khủng bố vào tháng 3/1975 cũng chính là John khi về già đã dùng máy thời gian, chiếc máy đã không dừng hoạt động như dự định vì lỗi. Nhiều người chỉ tập trung giải thích tới điểm này, họ đã bỏ qua một số câu hỏi cốt yếu vi phạm tính logic, hẳn nhiên nhiều người sẽ bảo rằng chuyện du hành thời gian và bản thân ‘nghịch lý tiền định’ đã mang tính phi logic rồi; nhưng tôi có thể trả lời cho những câu hỏi sau:

Nếu John trung niên giết John già (kẻ đánh bom năm 1975) thì John già đã biết được sự kiện đó thì làm sao có thể để bản thân bị giết?

Những tội ác nếu được ngăn chặn và không xẩy ra thì không có bài báo nào cả; nếu nó không xẩy ra thì không có chuyện quay về quá khứ để ngăn chặn nó. Đây là nghịch lý cơ bản nhất phủ định khả năng du hành thời gian, và nếu nó có xẩy ra thì nó phải bảo toàn định mệnh, nghĩa là việc quay về quá khứ là một phần hình thành nên tương lai gọi là ‘tiền định’. Câu hỏi ở trên cũng xuất hiện trong phim Triangle, và phim này giải quyết nó bằng cách cho cô gái quên mất những gì đã xẩy ra khi ở trên du thuyền. Tuy nhiên phim Predestination có một câu trả lời khác phức tạp hơn. Để phá vỡ thuyết tiền định, người ta tạo ra thuyết thế giới song song – đa thế giới, nghĩa là mỗi thay đổi trong quá khứ sẽ tạo ra một thế giới khác, Predestination dùng thuyết đa thế giới và cho 2 thế giới song song này giao thoa nhau và tác động lên nhau. Vấn đề khá phức tạp, các bạn vẫn theo kịp tôi chứ?

Thứ nhất, việc khẳng định phim tồn tại 2 thế giới song song là do câu hỏi tôi vừa nêu và do sự kiện vụ nổ bom tháng 3/1975, thứ hai, như ông Robertson khẳng định, vụ nổ diễn ra dẫn đến sự thành lập Cục, nếu nó không diễn ra thì Cục không thể thành lập, tôi vào thẳng vấn đề luôn:

John của thế giới 1: như phim đã cho thấy, bởi vì có sự tác động của Cục, John được tuyển dụng vào thời điểm trước thời gian Cục được thành lập , sau đó sự việc diễn ra cho đến thời điểm tháng 1/1975, John trung niên giết chết John đặt bom, bởi vì kẻ đặt bom đã chết nên vụ nổ không diễn ra, Cục sẽ không được thành lập năm 1985 (hoặc trước đó vài năm). John trung niên sau đó trở thành John già điên loạn, vì biết trước việc mình sẽ bị bắn tháng 1/1975 nên ông ta trở về quá khứ tháng 3/1975 và đặt bom thành công.

John của Thế giới 2: bởi vì Cục không được thành lập trong ‘thế giới 1’ nên không có ai trở về ngăn chặn tội ác, tội ác đã diễn ra tạo nên thế giới này, các bài báo xuất hiện, tiếp theo, do John già của ‘thế giới 1’ đặt bom thành công vào tháng 3/1975 nên Cục được thành lập năm 1985. Cũng vì trong thế giới này John già (TG1) đặt bom thành công, nghĩa là John trung niên trong thế giới này không gặp gỡ và giết được John già, anh ta không biết được tương lai sẽ bị chính mình giết, nên khi về già trở thành điên loạn, ông ta về lại quá khứ tháng 1/1975 và bị Jonh trung niên (TG1) giết, đặt bom thất bại.

Sự giao nhau giữa 2 thế giới 1 và 2: TG1 không diễn ra tội ác nào kể cả vụ đặt bom nhờ Cục của TG2, nên sau đó không có Cục; TG2 diễn ra tội ác và vụ đặt bom vì TG1 không có Cục, nên sau đó có Cục.

Vấn đề tiếp theo là: Vì cả 2 TG đều có John già đặt bom, một thất bại và một thành công, vậy phải có Jane và John tồn tại trong TG2 thì mới có John già, điều gì đã diễn ra với họ? Sự việc này không được phim trình bày nhưng có thể đoán được, sau khi Cục trong TG2 được thành lập, chính Robertson đã dẫn John gặp Jane và chính ông ta đã trộm đứa bé đưa về quá khứ, nghĩa là giống như phim, thay John trung niên thành Robertson là được, khác biệt chi tiết là John trung niên (TG2) không giết được John già (TG1), không có kinh nghiệm nên John già (TG2) bị John trung niên (TG1) giết. Ví dụ chứng minh là trước khi John già bị giết đã nói rằng tất cả là do Robertson tạo nên, sau khi Cục được thành lập ở TG2, Robertson tác động đến cả 2 TG, ông ta biết tất cả nên có phần tượng trưng cho vai trò của Thượng Đế. Vậy là tôi đã giải thích phim theo cách toàn vẹn nhất, không còn lỗ hổng nhé.

Dù chúng ta khác nhau về diện mạo và giới tính, tất cả đều là một

Giải mã thông điệp ý nghĩa truyền tải

Khi tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của phim, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy phim có đề cặp đến vấn đề nữ quyền, những gì diễn ra với Jane đã thể hiện điều đó, phụ nữ thì không được phép trở thành nhà du hành không gian, và người ta tuyển phụ nữ chỉ với vai trò làm gái điếm cho các phi hành gia nam, rồi sau khi Jane trở thành John mới được tuyển vào Cục. Vai trò phụ nữ trong xã hội cũng rất nhỏ bé, chỉ có thể làm người trông trẻ hoặc người phục vụ, kể cả chuyện trở thành người viết lách cũng vậy, khi đã là John. Đến cả giới tính ‘người ta’ cũng không cho Jane chọn lựa, buộc cô ấy trở thành đàn ông, đứa con cũng bị cướp đi.

Bạn hiểu gì về chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước? Khi được hỏi thì John trẻ trả lời John trung niên “gà trống” như sự châm biếm, thực tế cho thấy rằng gà hay trứng có trước thì chúng ta không biết, nhưng đó phải là con gà mái, vì gà mái mới có thể đẻ trứng, giống như chuyện trong phim, đứa bé là con gái và sau đó trở thành Jane – người mẹ. Điều thú vị hơn hết là thâm ý trong câu chuyện này còn đá đểu qua cả tôn giáo, chắc các bạn không ngờ tới. Tổ tiên đầu tiên của loài người là ai? Trong kinh thánh của đạo Do Thái nói rằng đó là Adam, và có một câu rất quan trọng “Thiên Chúa tạo ra loài người theo hình ảnh của Ngài“, như vậy khi đảo ngược suy luận, Thiên Chúa được thể hiện bởi hình ảnh của người đàn ông, sau đó Thiên Chúa mới lấy xương sườn của Adam tạo ra Eva. Tuy đá đểu tôn giáo và đàn ông, phim này không đi đến cực đoan bảo rằng con người hoặc Thiên Chúa là nữ, câu trả lời chính xác nhất thì con người là lưỡng tính, trong cơ thể có cả 2 bộ phận sinh dục, khoa học đã chứng minh điều này nhé các bạn, vì thế mới có chuyện con người có thể chuyển giới.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Câu hỏi tiếp theo là con người muốn gì? Cuộc trò chuyện giữa John trẻ và John trung niên, những chuyện xẩy ra của John trẻ và Jane đã cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất, đó là tình yêu. Nhưng khi con người mất đi tình yêu, để tiếp tục sống, con người tự tạo ra cứu cánh cho chính họ, đó là mục đích. Phụ nữ hay nữ tính là biểu tượng cho cảm xúc hoặc tình yêu, đàn ông hay nam tính là biểu tượng cho lý tính hoặc mục đích, mục đích ở đây là xây dựng sự lý tưởng và ý nghĩa cho vận mệnh của chính mình. Có thể nói câu chuyện của Jane cũng là John là biểu tượng cho cả loài người chúng ta, vòng lặp của họ là vòng lặp của cả loài người. Bỏ qua yếu tố du hành thời gian, vòng lặp ấy vẫn cứ lặp lại từ quá khứ cho đến tương lai, lấy các cuộc chiến tranh trong lịch sử làm ví dụ, dù hình thức khác nhau, bản chất tạo nên chiến tranh cũng y như nhau, Các Mác đã nói về điều đó, đấu tranh giai cấp. Tuy nhiên Các Mác hiểu được cũng không có nghĩa là ông ấy có thể giải quyết được nó (nói ít hiểu nhiều hen).

Kịch bản dùng chuyện du hành thời gian cũng không phải tạo ra cho có, đó cũng là quá trình phát triển của con người và xã hội. Ban đầu chúng ta là những đứa trẻ, sau đó chúng ta tin vào tình yêu và chúng ta yêu, sau đó vì sự tác động của xã hội hoặc bởi cái gọi là sự trưởng thành, chúng ta không tin vào tình yêu và theo đuổi mục đích của mình, và khi chúng ta bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích, chúng ta lại tạo ra sự hủy hoại đối với những đứa bé và những người trẻ khác, đến lượt họ lại trở thành bất chấp thủ đoạn như chúng ta, cứ thế vòng lặp diễn ra mãi. Vậy xét cho cùng, giống như phim, kẻ gây ra đau khổ cho chúng ta chính là chúng ta, nhiều phim cũng truyền tải thông điệp này.

Hai thế giới song song 1 và 2 cũng thể hiện tính song hành của thiện và ác, hoặc ánh sáng và bóng tối; vì cái ác tồn tại nên con người mới hiểu được cái thiện là quan trọng đến mức nào. Tiếc là con người chỉ hiểu ra điều đó sau khi bị đau khổ bởi cái ác tạo ra, đó cũng là hàm ý của việc quay về quá khứ. John già của TG2 không hiểu được điều đó nên căm thù Robertson và đổ lỗi cho ông ta tạo ra định mệnh đau khổ cho mình, đó là lý do khiến ông ta trở thành kẻ đặt bom. John trẻ và John trung niên của TG1 tự tạo khổ đau cho chính mình để hoàn thành định mệnh nên John trung niên không do dự bắn chết John già của TG2.

Việc du hành thời gian là sự nhắc nhở rằng chúng ta nên rút kinh nghiệm từ quá khứ để đừng mắc lại những sai lầm cũ, đó là giá trị của tri thức. Tuy nhiên nó cũng là con dao 2 lưỡi, một kẻ trí thức sẽ đóng vai thiện khi trong tim họ còn sự tồn tại của tình yêu, nhưng khi trong tim họ không còn tình yêu thì hậu quả vô cùng khủng khiếp, đó là trường hợp John già TG1, vì có kinh nghiệm nên kẻ khác không thể ngăn chặn được khi ông ta muốn hủy diệt thế giới. Robertson từng nói đôi khi ngoài sự kiểm soát là cần thiết, nhưng những gì diễn ra trong tương lai cũng nói rằng, tốt khi có tình yêu, xấu khi không có tình yêu hoặc khi tính mục đích vượt qua vai trò của tình yêu. Mà con người càng về già thì càng nghiêng sang tính mục đích và tạo ra sự hủy hoại càng lớn, lúc này ta gặp lại câu “mục đích biện minh cho phương tiện”, mọi kẻ độc tài đều làm điều đó – kết phim cũng thể hiện điều đó, mục đích đặt bom của John già TG1 là muốn hoàn thành định mệnh của chính mình, để muốn mình trong quá khứ được sinh ra, khi tình yêu còn tồn tại, đây cũng là ý nghĩ điên loạn và bệnh hoạn.

Về hình thức, về sự tự hủy hoại của loài người, phim này có nhiều sự tương đồng với phim 12 Monkeys, nhưng về ý nghĩa thì hoàn toàn khác biệt dù hình thức của kết quả cuối cùng là giống nhau, John già TG1 đặn bom thành công và cô gái (trong 12M) để thế giới loài người bị tận thế. Phim này thể hiện tính bi quan đối với loài người, có một phim khác sản xuất muộn hơn, cũng liên quan đến quá khứ – hiện tại – tương lai nhưng có cách giải quyết khác và dùng thuyết khoa học khác, đó là phim Arrival. Các bạn có thể đọc thêm 2 bài 12 Monkeys và Arrival mà tôi viết để hiểu thêm hen (có link phía dưới bài), bảo đảm tương lai sẽ còn gặp lại những vấn đề này nhưng sẽ có thông điệp / ý nghĩa khác đi. Phim có thể còn những thông điệp khác, ví như khi người ta yêu thích thì sẽ vượt qua được khó khăn (không bị ói) hoặc sẽ cô đơn khi không giống kẻ bình thường, nhưng tôi dừng ở đây, chúc các bạn xem lại phim vui vẻ.

Nếu các bạn thật sự nghiêng cứu kỹ tất cả những bài viết của tôi thì việc nắm bắt thông điệp của phim sẽ không khó đâu (cười – coi vậy chứ nó khó thật đó nha).

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

……………………………

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn – Arrival (2016): món quà quý nhất – trí tuệ

12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate

Tam GIác Quỷ – Triangle (2009): làm tổn thương chính mình

Hằng Số Pi – Pi (1998): Bí mật của Thượng Đế

Cuộc Chiến Luân Hồi – Edge of Tomorrow (2014): hòa bình cho ngày mai

Vân Đồ – Cloud Atlas (2012): Con đường của nhân loại

Vùng Hủy Diệt – Annihilation (2018): ung thư hay tiến hóa?

Hố Đen Tử Thần – Interstellar (2014): nơi nào có tình yêu thì có sự sống

Giấc Mơ – Donnie Darko (2001): bẫy sâu cho người xem

Mật Mã Gốc – Source Code (2011): siêu thực tại trong từng khoảnh khắc

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Uncut Gems: cuộc sống là hỗn độn

T5 Th8 6 , 2020
Uncut Gems (Kim Cương Trong Đá – 2019) là bộ phim tâm lý có tính siêu thực, bởi trong cái ‘thực’ có cái ‘siêu’ nên ít người thật sự hiểu – đó là cách nói giảm nhẹ, nếu nói cho chính xác thì … đa số xem phim mà hổng […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese