Review ý nghĩa phim Arrival: món quà quý nhất – trí tuệ

Arrival (2016) là phim có đề tài khoa học liên quan đến những “học thuyết” rất phức tạp về không gian và thời gian, mà những vấn đề này, dù muốn hay không thì chúng ta luôn phụ thuộc vào nó. Tôi không quan tâm lắm đến bản chất tự thân của khoa học, nhưng tôi quan tâm đến cách mà nó tác động đến đời sống của chúng ta, để từ đó ta hiểu phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Tên phim tiếng Việt là Cuộc Đổ Bộ Bí Ẩn, IMDb 7.9.

Trước tiên, những “học thuyết” hoặc “khái niệm” đều thuộc loại cao siêu nhất, nên những gì tôi nói chỉ là cảm nhận, không dựa trên bất cứ nền tảng khoa học nào, vì thế sự sai sót sẽ rất lớn, chỉ mang tính tham khảo. Phim kể về sự việc 12 phi thuyền của “người ngoài hành tinh” đến trái đất ở nhiều nơi khác nhau, do đó các quốc gia đã gửi các chuyên gia đến để tiếp xúc với “họ”. Chúng ta có 2 nhân vật chính là Louise Banks (nhà ngôn ngữ học) và Ian Donnelly (nhà vật lý học).

1/ Vai trò của tiếng nói và chữ viết

Tiếng nói là âm thanh chúng ta phát ra để trao đổi giữa người với người, nó tồn tại rất ngắn rồi tan biến, chữ viết là những biểu tượng để cụ thể hóa tiếng nói, nó không bị tan biến. Như vậy, chữ viết hỗ trợ cho tiếng nói, hiểu theo cách khác, chữ viết hỗ trợ cho việc thể hiện tư tưởng của con người. Khi tư tưởng của chúng ta còn đơn giản, tiếng nói có thể đáp ứng được vai trò của nó, nhưng khi tư tưởng trở nên cực kỳ phức tạp và lượng thông tin rất nhiều, tiếng nói không đáp ứng được việc truyền tải thông điệp. Khi này, vai trò của chữ viết sẽ trở thành công cụ thay thế.

Chữ viết sẽ mang 2 tính chất là vừa ngắn gọn vừa phức tạp, ngắn gọn (số lượng chữ ít) để truyền tải thông tin nhanh, phức tạp để truyền tải thông tin nhiều. Đó là ý nghĩa về chữ viết của người ngoài hành tinh, nhà sản xuất phim đã thể hiện nó vừa giống chữ tượng hình vừa giống như sóng âm, chúng ta chỉ cần hiểu như vậy, không cần phân tích mấy cái chữ trong phim, vì làm thế là vô nghĩa.

Như vậy, ngôn ngữ (nói chung) là công cụ để thể hiện tư duy, và cấu trúc của ngôn ngữ sẽ tác động đến khả năng tư duy. Tôi ví dụ, người Anh có tính thực tế và giỏi về trao đổi / giao dịch, nên tiếng Anh rõ ràng mạch lạc; người Đức am hiểu triết học, tư duy sâu, nên tiếng Đức phức tạp và chi tiết; người Do Thái có đức tin tôn giáo rất lớn, nên tiếng Do Thái trừu tượng. (sự thật là tôi chẳng biết gì về 3 loại ngôn ngữ vừa đề cập, chỉ là suy đoán). Như vậy nền văn minh càng tiên tiến thì ngôn ngữ sẽ càng tiên tiến.

2/ Món quà quý giá nhất là gì?

Theo bạn thì điều gì là quý giá nhất đối với loài người? Là tài nguyên vật chất, hay công nghệ tiên tiến, hay khả năng sống lâu? Tất cả đều không phải. Món quà quý nhất đối với loài người là nhận thức, là trí tuệ, là khả năng tư duy. Vì khi loài người có trí tuệ, họ sẽ biết cách tạo ra mọi thứ khác. Nếu nhận thức của loài người thấp mà trao cho họ công nghệ quá tiến bộ, họ sẽ dùng nó để giết lẫn nhau, giống như việc trao một khẩu súng cho đứa trẻ. Đó chính là lý do món quà của người ngoài hành tinh là ngôn ngữ của họ.

Điều tôi vừa nói rất đơn giản và thực tế, nhưng có vẻ như nhiều người đã không thật sự hiểu. Những quốc gia tiến bộ nhất là những quốc gia có nền giáo dục tiến bộ nhất, có nền dân trí cao nhất. Đó là những nền tảng cơ bản của sự tiến bộ, việc chạy theo công nghệ, hoặc biến con người thành những bộ máy không có khả năng tư duy, nó không phải là cách biến một quốc gia trở nên văn minh hơn. Nó phải là khả năng tư duy của mỗi công dân trong quốc gia đó.

3/ Vai trò của lịch sử đối với sự tiến bộ

Việc người ngoài hành tinh đến trái đất là một sự kiện mang tính lịch sử, nó thể hiện sự tiếp xúc / va chạm của 2 nền văn minh. Trong phim có nói đến việc người châu Âu tìm thấy châu Đại Dương, và vị sĩ quan đã nói “một dân tộc tiến bộ hơn gần như đã xóa sổ họ”. Nghĩa là lịch sử chỉ ra rằng, trong sự va chạm giữa 2 nền văn minh, nền văn minh cao cấp sẽ biến nền văn minh thấp hơn trở thành nô lệ. Đó là điều mà các quốc gia trên trái đất sợ hãi, họ không biết mục đích của người ngoài hành tinh, do đó họ tìm cách thăm dò, và chuẩn bị chiến tranh.

Nhưng chúng ta đã thấy gì qua cách tư duy và hành động như thế? Đó là sự hủy diệt, những cuộc chiến tranh thế giới. Khi con người càng tiến bộ thì sự hủy diệt càng khủng khiếp. Lịch sử đã cho chúng ta thấy hậu quả của sự áp bức và chiến tranh, chỉ có những kẻ ngu muội mới chọn đi theo lối mòn đó, còn người tiến bộ sẽ chọn sự đối thoại, sự hợp tác, win – win. Nếu những người ngoài hành tinh có nền văn minh tiến bộ hơn chúng ta, “họ” phải hiểu điều này. Đó là điều “họ” đã làm, “họ” đến với 12 quốc gia, tặng mỗi quốc gia “1/12” ngôn ngữ của “họ”, “họ” muốn 12 quốc gia phải hợp tác với nhau trong hòa bình.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Món quà là biểu hiện của sự hợp tác để cả hai cùng có lợi, vì “họ” muốn loài người giúp vào 3000 năm sau. Nếu loài người không có được sự tiến bộ như “họ”, loài người sẽ không giúp được “họ”, chuyện rất đơn giản. “Họ” muốn loài người giúp gì? Chúng ta không biết được, chắc chắn đạo diễn phim cũng không biết, vì ông ấy không phải người ngoài hành tinh (cười). Thật ra thì sự hợp tác này có được là do “họ” sống trong “thời gian phi tuyến tính”.

4/ Thời gian phi tuyến tính và tự do ý chí

Con người sống trong dòng thời gian tuyến tính, nghĩa là có quá khứ – hiện tại – tương lai. Tôi không định nghĩa lại từng khái niệm nhé (cười). Thời gian phi tuyến tính là trong cùng một khoảnh khắc, con người có thể sống trong rất nhiều móc thời gian khác nhau. Nói đơn giản thì giống như bạn tuy đang sống trong hiện tại nhưng có thể thấy trước được tương lai. Một số người nhầm lẫn điều này với hiện tượng Déjà vu. Vì Déjà vu không phải là thấy được tương lai, mà nó là cảm giác xẩy đến trong hiện tại, khi sự việc đang xẩy ra thì chúng ta có cảm giác như chúng ta từng trải qua sự việc đó rồi.

Vài người khác thì so sánh thời gian phi tuyến tính với thuyết định mệnh. Đây cũng là sai lầm. Thuyết định mệnh nói rằng mọi chuyện xẩy đến với con người thì đều được định trước, và con người dù làm bất cứ điều gì cũng không thể làm khác được, nghĩa là con người không có tự do ý chí, không có tự do lựa chọn.

Theo định nghĩa đó, nó có vẻ giống với thời gian phi tuyến tính, sự thật thì 2 điều này khác nhau. Vì thuyết định mệnh thì còn trong thời gian tuyến tính, con người chỉ đang sống trong hiện tại, nếu con người thấy trước tương lai thì đó cũng chỉ là thấy, không phải là sống trong tương lai, nghĩa là còn sự phân biệt quá khứ – hiện tại – tương lai. Thời gian phi tuyến tính là sống trong mọi khoảnh khắc, khi đó khái niệm quá khứ – hiện tại – tương lai không còn tồn tại, mọi thời điểm đều là hiện tại.

Với thuyết định mệnh, nếu chúng ta thấy trước tương lai thì dù làm bất cứ điều gì thì chúng ta cũng không thể thay đổi được tương lai, chúng ta bất lực. Nhưng thời gian phi tuyến tính thì cả một chuỗi thời gian liên kết làm một và tác động lẫn nhau, ngược – xuôi, không có điểm đầu và điểm cuối. Điều này sẽ tạo ra cái gì? Đó là mỗi lựa chọn trong từng khoảnh khắc sẽ là lựa chọn tốt nhất, hợp lý nhất và ít sai lầm nhất. Tất nhiên là con người vẫn sẽ không tránh được sự đau khổ, nhưng hạnh phúc sẽ có nhiều hơn. Không tránh được đau khổ vì sự lựa chọn tốt nhất chỉ có thể giúp chúng ta gặp khổ đau ít nhất, nó không thể tiêu diệt hoàn toàn khổ đau, tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc lớn nhất.

Với những phân tích đó, nó cũng có thể hiểu là “định mệnh”, nhưng là một “định mệnh” về một cuộc đời ít khổ đau nhất và nhiều hạnh phúc nhất. Nếu chúng ta có ý chí tự do và không bị điên, chúng ta sẽ chọn “định mệnh” đó. Còn người nào muốn thể hiện rằng bản thân có ý chí tự do mà chọn một cuộc sống ít hạnh phúc hơn thì cứ để họ chọn (cười).

Nếu cả loài người sống trong thời gian phi tuyến tính thì sẽ như thế nào? Họ sẽ tự sát hàng loạt! Bạn biết tại sao không? Vì họ toàn chọn những điều mê muội, những thứ khiến họ đau khổ, chiến tranh và giết chóc. Hãy tưởng tượng họ phải sống trong nỗi đau đó mọi lúc, nó sẽ không mất đi như sự việc của “quá khứ”, rất là khủng khiếp. Giả sử “kiếp sau” của chúng ta là những gì đã trải qua ở “kiếp này” nhưng nó là thời gian phi tuyến tính, khi đó thì nó đúng là địa ngục. (Tôi không sợ, vì tôi không làm chuyện ác – cười)

5/ Các vấn đề liên quan đến phim

Sau những phân tích ở trên, sẽ không lạ khi chúng ta thấy phản ứng của loài người khi mà người ngoài hành tinh đến trái đất, vì loài người là biểu tượng cho nền văn minh kém hơn. Và đó cũng là lý do Trung Quốc hiếu chiến hơn Mỹ, vì Trung Quốc kém văn minh hơn Mỹ (đây là sự thật). Hoặc việc hiểu lầm từ “công cụ” thành từ “vũ khí”, sau đó là sự chia rẽ của các quốc gia. Nhưng mọi việc đã trở nên tốt đẹp khi Louise bắt đầu có khả năng sống trong thời gian phi tuyến tính, cô trở thành cầu nối mọi quốc gia với nhau.

Trong phim cũng có đoạn cho thấy sự vắng mặt rất lâu của người chồng, anh ấy đau khổ khi biết rằng con gái sẽ chết trong tương lai (vì căn bệnh không có thuốc trị), điều đó khiến anh ấy không chịu đựng nổi. Louise có đau khổ không? Có! Cô ấy cũng đau khổ! Tại sao cô ấy có thể chịu đựng và vẫn chọn những gì đã “thấy”?

Trong sự so sánh giữa Louise và người chồng, chúng ta thấy có sự khác biệt. Đó là do người chồng sống trong thời gian tuyến tính, kết quả cuối cùng thì quan trọng hơn khoảnh khắc. Louise sống trong thời gian phi tuyến tính, bệnh và cái chết của con gái chỉ là số ít khoảnh khắc, nó không là gì khi so sánh với vô số những khoảnh khắc hạnh phúc khi cô ấy ở bên con gái. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất mà bộ phim muốn truyền tải.

Tất nhiên là mọi quá trình chuyển đổi luôn cần sự kiên nhẫn và niềm tin, luôn có một sự trung gian để làm cầu nối, vấn đề là chúng ta có quý trọng sự trung gian đó hay không. Trong phim thì người làm cầu nối là Louise , cô ấy cần sự tin tưởng của Ian và vị sĩ quan, nhờ vậy quá trình phân cách bị xóa bỏ từ từ, biểu hiện là bộ đồ phòng hộ bị bỏ đi, sau đó là sự gặp mặt giữa Louise và người ngoài hành tinh, và nó cần có những bằng chứng thiết thực như cuộc gọi đến cho vị tướng người Trung Quốc. Sự thuyết phục cần đến sự thật.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

……………..

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim liên quan đến thời gian: 12 Monkeys, The Tree of Life , The Fountain , Inception, Cloud Atlas, In Time, Interstellar, AVENGERS Endgame, Mr Nobody, Time Lapse

Sách liên quan thời gian phi tuyến tính: Lò Sát Sinh Số 5

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Donnie Darko: bẫy sâu cho người xem

T5 Th1 9 , 2020
Tôi rất khâm phục bộ phim Donnie Darko (2001), vì nó là cái bẫy kéo dài đã khiến vô số người xem rơi vào bẫy. Nó giống như nụ cười của Dani trong Midsommar, hoặc như “quân đoàn 12 Monkeys” trong phim 12 Monkeys, hoặc như vẻ đẹp của Thomasin […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese