Review phim The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách

The Tree of Life (Cây Đời) có IMDb 6.8 , lại đoạt giải Cành Cọ Vàng, ta thấy một sự chênh lệch giữa đánh giá của công chúng (IMDb) và một tổ chức uy tín về chuyên môn (Cannes). Phần lớn các bộ phim nghệ thuật mang nhiều thông điệp giá trị nhưng để hiểu thì không phải là chuyện dễ dàng gì. Đặt biệt là những bộ phim chứa đựng nhiều yếu tố mang tính sử thi – tôn giáo – triết lý, hoặc được thể hiện một cách trừu tượng. Thật ra thì điều quan trọng không phải bộ phim đó đoạt giải gì hoặc mang yếu tố “hoành tráng” nào, mà quan trọng là nó cho ta thấy được gì, hiểu được gì về cuộc sống; còn nếu ta không hiểu, nó có hoành tráng 1000 lần cũng chẳng có giá trị … với ta … lúc này.

Lời dẫn cho bộ phim là một vùng sáng như ngọn nến giữa vùng tối tăm bao la và dòng chữ trong sách Job – một tiên tri người Do Thái, ông mất tất cả con cái nhưng vẫn tin vào Thiên Chúa. Câu chuyện bắt đầu bởi tin về cái chết người em trai 19 tuổi của Jack, điều đó tạo ra một nỗi đau rất lớn cho gia đình anh và cả chính anh, rất nhiều năm sau, anh tự hỏi điều gì khiến cho người mẹ có thể vẫn giữ được niềm tin về sự tốt đẹp và Thiên Chúa trước sự bất hạnh đó? Đây cũng là câu hỏi đã theo suốt anh trong cả cuộc đời, vì anh không biết “Người/Ngài ở đâu?” hoặc tại sao Thượng Đế lại để cho sự ác và cái chết tồn tại trong thế giới con người – đây là một đề tài muôn thuở của loài người.

Ngươi đã ở đâu khi Ta đặt nền móng của trái đất?…” – Job

Câu này có ý nghĩa gì với chúng ta? Có bao giờ bạn tự hỏi là tại sao nỗi đau luôn khiến con người bận tâm hơn là hạnh phúc? Nói đơn giản thì về mặt cảm xúc, niềm vui khi nhặt được 5 triệu không có nhiều cường độ bằng sự oán hận khi đánh mất 5 triệu, còn nếu một người thân mất đi thì sao? Ta oán hận rằng tại sao Thượng Đế cướp lấy họ. Muốn hiểu cho rõ vấn đề này thì tôi yêu cầu bạn làm một việc, đó là nhắm mắt lại và cảm nhận, bạn cảm thấy gì? Không gì cả?! Ồ Không! có đấy, luôn luôn có, chỉ là bạn không biết đấy thôi. Đó là không khí bạn đang thở, đó là thứ bạn đã nhận lãnh một cách miễn phí và tự nhiên đến nỗi bạn không biết là bạn vẫn luôn thở, nghĩa là luôn nhận. Vậy bạn đã bao giờ cảm ơn cho điều đó hay chưa? Chắc là chưa bao giờ nhỉ? Tôi vừa mới khám phá ra điều đó từ hôm qua thôi, sau khi xem phim và ngẫm nghĩ.

Những hình ảnh tiếp theo của bộ phim là sự khởi nguyên cho đến hiện tại. Chúng ta được sinh ra, được thở, được ban tặng cả một thế giới bao la rộng lớn, những bông hoa, cây cỏ, bầu trời, mèo, chó và chim chóc, thức ăn từ động – thực vật… và ta xem đó là hiển nhiên. Người ở đâu? Ở trong những gì mà ta đang nhận, Người là thế giới ta đang sống, là sự sống của ta, là sự sống của những người thân, mà biểu tượng rõ nhất là mẹ của Jack. Ta là ai và ta “ở đâu”? Nếu thế giới – Người – Thượng Đế – Thiên Chúa (bạn gọi tùy thích) đã cho không ta tất cả thì Người có quyền lấy lại chăng? Vậy chỉ oán trách mà không hề biết ơn thì có phải là lối hành xữ đúng đắn? Điều gì là của bạn, để mà khi bị lấy đi thì bạn lại bảo “Sao Người lấy đi thứ đó của tôi” ? Khi so sánh giữa cái bạn được nhận và cái bị lấy đi, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu mà thế giới này đã trao tặng là nhiều đến thế nào, khi đó bạn sẽ thấy mọi thứ xung quanh trở nên rực rỡ và đẹp như một ngọn nến trong bóng đêm.

Tự ban đầu, người mẹ đã được báo trước về 2 con đường mà mỗi con người sẽ phải đi, đó là con đường của “ân sủng” bởi yêu thương và con đường “tự nhiên” bởi sự đấu tranh sinh tồn, bà đã chọn con đường yêu thương và tha thứ, bà mang đến cho chồng và các con. Còn người cha thì chìm đắm trên con đường sinh tồn, điều đó cũng là sự bức thiết mà cuộc sống buộc ông phải theo để đảm bảo một đời sống sung túc cho cả gia đình, bởi ông hiểu rõ cách mà thế giới con người vận hành, nó khắc nghiệt và tàn nhẫn, giả tạo và lọc lừa. Ông đã từng từ bỏ ước mơ thuở thiếu thời để trở thành người như ông đang là, trong ông và trong Jack vẫn luôn diễn ra cái mâu thuẫn đó, mâu thuẫn giữa một bên là sự yêu thương tha thứ và bên kia là sự nghiêm khắc tàn nhẫn. Ông không muốn sống trong nghèo khó và thất bại, ông cũng không muốn Jack như thế. Chúng ta có phán xét ông không? Chắc là không, vì chúng ta cũng giống thế cơ mà, có lẽ chúng ta sẽ cảm thông với ông. Dù phim ít thể hiện sự đau đớn của ông khi đứa con mất, nhưng nỗi đau đó cũng vô cùng lớn lao, vì nó là hình ảnh cho nửa kia của ông, nửa phần thuộc về ước mơ – yêu thích âm nhạc.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Cái mâu thuẫn nội tại trong Jack diễn ra bởi yêu thương từ mẹ và tàn nhẫn từ cha, bởi yêu thương mà Jack thương mẹ, bởi tàn nhẫn mà Jack ghét cha. Nhưng sự thành công của Jack trong hiện tại phần lớn là nhờ cha, tuy nhiên anh có hạnh phúc trong sự thành công đó, hay càng sống trong nó thì anh càng chua chát về cuộc đời? Tại sao Jack không được sống trong yêu thương, sao cậu cứ làm đau em mình? Sao chúng ta cứ bị buộc phải gây đau đớn cho nhau? Bộ phim này không đưa ra một sự phủ nhận hay phán xét gì, nó chỉ nhắc nhở ta rằng, yêu thương và tha thứ luôn là điều quan trọng nhất, là sự khởi nguyên, con người có thể tìm được hạnh phúc từ đó, còn sự đấu tranh sinh tồn chỉ là sự đòi hỏi của sinh tồn, “cây của sự sống” là sự tổng hợp của tất cả, của hiện tại, của quá khứ, của người mẹ, của người cha, của Jack và các em trong tuổi thơ, của Jack trong hiện tại, của sự sinh ra và sự mất đi, tất cả được thể hiện trong đoạn cuối của bộ phim. Cuối cùng thì Jack cũng hiểu ra điều khiến mẹ anh có thể vượt qua sự khổ đau để tiếp tục tin tưởng nơi Người, bởi bà hiểu được Người đã trao tặng bà nhiều đến thế nào. Jack và chúng ta chỉ có thể hiểu được điều đó khi nhìn vào tổng thể “cây của sự sống”, nhìn vào cả quá trình lịch sử loài người của chúng ta.

Nếu bạn mất mát, bạn cứ đau như phải đau, bạn phải hiểu rằng sự mất mát đó sẽ còn tái diễn. Và khi bạn còn sống, bạn phải biết yêu thương, tha thứ, và biết ơn tất cả những gì mà cuộc sống đã – đang – sẽ mang đến cho bạn.

Bao giờ chúng ta mới vượt qua được sự mâu thuẫn nội tại mà Jack hoặc người cha phải chịu? Đó là khi tất cả chúng ta trở nên tốt đẹp như hình ảnh người mẹ trong phim, bà như một thiên thần, trong trí nhớ của Jack khi còn bé thì cậu thấy bà bay lơ lững trên không. Bao giờ thì xã hội này biến mất mọi sự xấu xa giả tạo? Tất cả phụ thuộc vào tôi và bạn có muốn nỗ lực cho điều đó hay không.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Cậu Nhóc Bé Nhỏ – Little Boy (2015): dịch chuyển một ngọn núi
Mẹ – Mother (2017): Chỉ có tình yêu mới tái tạo thiên đường
Suối Nguồn – The Fountain (2006): suối nguồn sự sống
Hạnh Phúc Của Lazzaro – Happy as Lazzaro (2018): hạnh phúc của thánh
Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim La Vie D’Adele (2013): lạc lõng giữa đời

T7 Th9 28 , 2019
La Vie D’Adele (tên Việt: Màu Xanh Nồng Ấm) có IMDb 7.8 , đoạt giải Cành Cọ Vàng 2013, thời lượng là 3 giờ. Chủ đề đồng tính nữ, phim có những cảnh “quan hệ” rất táo bạo nên có lẽ không phù hợp với một số bạn trẻ hoặc […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese