In The Mood For Love – Tâm Trạng Khi Yêu (2000) là phim tình cảm – tâm lý – nghệ thuật của đạo diễn Vương Gia Vệ, đối với những người thích dòng phim nghệ thuật của Âu hoặc Á đều khó mà không nghe đến danh tiếng của vị đạo diễn này, đặt biệt là với những chuyên gia bình luận hoặc đạo diễn ở đông Á, đôi khi họ say mê ông ấy đến mức ám ảnh, với một số khán giả cũng vậy. Nhưng … điều gì tạo nên sự ám ảnh đó thì khó mà nói, đôi khi là nghệ thuật chân chính, đôi khi là nỗi ám ảnh về dục tính được ẩn chứa trong các bộ phim của VGV, có lẽ bạn sẽ thấy “sốc” khi nghe Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ lượng tử giải mã phim nghệ thuật” nói vậy, chính vì lẽ đó, với bài viết này, Chí Blog xin mạn phép nói về vấn đề “tính dục” theo hướng hơi trần trụi một chút, mà nếu nhìn theo tính bảo thủ nền văn hóa Á đông thì nó có vẻ lệch lạc và “bệnh hoạn”. IMDb 8.1, bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nói thật, dù mỗi người chúng ta được sinh ra trong bất cứ nền văn hóa nào, theo tôn giáo nào, cởi mở hay bảo thủ … thì không thể phủ nhận rằng tính dục – tình dục – xác thịt luôn tạo ra sự ám ảnh lên toàn thể loài người từ khi con người bắt đầu biết nhận thức cho đến thời điểm hiện tại với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Chúng ta tìm thấy sự ảnh hưởng của tính dục trong tôn giáo, ở ngay trong “sáng thế ký” sau khi Adam và Eva ăn trái cấm (thật ra là trái của cây Khôn Ngoan), cả 2 vị “tổ tông” chợt nhận ra là họ trần truồng và thấy xấu hổ, hoặc trong 10 điều răn của Thiên Chúa do ông Moses ghi lại; trong thần thoại Hy Lạp; trong văn học thế giới các thời kỳ; trong vô thức con người mà các nhà phân tâm học đã tìm ra; trong sự thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của thế giới hiện đại.
Để thấy rõ hơn nỗi ám ảnh đó thì không khó tí nào, các bạn cứ mở bất kỳ trang tin tức nào, không hề thiếu những bài viết với tiêu đề nói về những “hot girl”, các siêu người mẫu hoặc hoa hậu, rằng họ giữ được một thân hình đẹp, họ diện các mẫu trang phục bikini gợi cảm, họ vừa lấy chồng hoặc sinh con, hoặc những mẫu quảng cáo về ô tô luôn gắn liền với các cô người mẫu – thực chất của hàm ý là “các bạn hãy mua chiếc xe đắt tiền này thì sẽ mồi chài được nhiều gái đẹp để đưa lên giường”, hoặc ảnh quảng cáo của các chai mỹ phẩm dưỡng da có hình dáng giống như bộ phận sinh dục của nam giới, hoặc ảnh quảng cáo về món ăn nghêu sò nhìn giống bộ phận sinh dục của nữ giới. Trong thế giới quảng cáo ngày nay không hề thiếu những kiểu tạo ra sự ám ảnh tính dục để thúc đẩy con người tiêu thụ sản phẩm, trong điện ảnh hoặc nhiều thể loại nghệ thuật khác cũng không tránh khỏi điều đó.
Nếu các bạn hiểu một chút về văn hóa loài người, sẽ biết rằng điểm xuất phát của các nền văn minh trên các châu lục ngang nhau, nhưng do phương hướng chính trị, khi phát triển đến hiện tại thì văn minh châu Á bị thụt lùi rất xa so với châu Âu. Về vấn đề tình dục thì phương tây cởi mở hơn phương đông rất lớn, bởi vì sự bảo thủ, nên cảm xúc, tính dục ở phương đông bị kiềm nén vô cùng mãnh liệt, mà tính dục là một nhu cầu không thể thiếu của con người, càng kiềm nén thì sự khao khát càng khủng khiếp, sự ám ảnh càng sâu sắc, hệ quả là đôi khi (hoặc thường xuyên) nó sinh ra những ham muốn bệnh hoạn và lầm lạc.
Tôi nói điều này để chỉ cho các bạn thấy sự khác biệt về tác động của tính dục trong nghệ thuật điện ảnh lên “khán giả” của mỗi nơi. Tôi sẽ lấy 4 bộ phim gồm 2 của châu Âu và 2 của châu Á làm ví dụ cho bạn dễ hiểu, đó là: La Vie d’Adèle (Màu Xanh Nồng Ấm), Portrait Of A Lady On Fire (Bức Chân Dung Bị Thiêu Cháy), The Handmaiden (Người Hầu Gái), Lust Caution (Sắc Giới). Cả 4 phim này đều có 3 điểm chung, phim hay, giàu tính nghệ thuật, và có cảnh làm tình cực kỳ táo bạo; còn nói về sự sâu sắc thì 2 phim Á kém hơn 2 phim Âu.
Cả 4 phim này đều nổi tiếng trong nền điện ảnh thế giới, nhưng giờ chúng ta hãy thử làm 1 điều, cắt đi phần lớn những cảnh làm tình táo bạo trong 4 bộ phim, tôi đảm bảo rằng sự nổi tiếng và giá trị nghệ thuật của 2 bộ phim châu Âu sẽ chẳng giảm đi bao nhiêu, nhưng sự nổi tiếng của 2 bộ phim châu Á sẽ rớt rất thê thảm (trong mắt khán giả châu Á); nói huỵch tẹt ra là phần lớn khán giả châu Á ca ngợi 2 bộ phim này bởi vì họ bị ám ảnh chủ yếu bởi “cảnh nóng” trong phim, chỉ có điều khi “bình luận” về chúng thì họ sẽ chỉ xoay quanh những giá trị “nghệ thuật”, hoặc cốt truyện độc đáo mới lạ, hoặc bảo rằng “cảnh nóng” trong phim gây tranh cãi, hoặc diễn viên diễn xuất quá đạt …, họ sẽ không thừa nhận rằng họ say mê mấy cảnh làm tình trong phim.
Tất nhiên phần lớn khán giả châu Á không nhận thức được điều này, họ vẫn luôn tin rằng họ yêu bộ phim vì giá trị “nghệ thuật” thuần túy; bởi vì khi thừa nhận sự ám ảnh và ham muốn đó, họ sẽ cảm thấy bản thân có vẻ “tầm thường”, dù thật ra thì đó là nhu cầu có thật ở mỗi con người mà thôi, thứ suy nghĩ và quan niệm đó tôi gọi là cái “đạo đức giả mang tính Á đông”, nó là một dạng bệnh hoạn thuộc về tinh thần, nó khiến con người nhìn bề ngoài thì đạo mạo nhưng bên trong toàn những ý nghĩ bậy bạ; chắc rằng một số chị em phụ nữ từng có cảm giác bị gã nào đó nhìn với cảm giác là trong mắt họ thì mình giống như đang trần truồng nhỉ?
Giờ chúng ta hãy đi sâu vào vấn đề tình dục, nó là một nhu cầu thực tế đối với mỗi con người, nó sẽ là bình thường nếu chúng ta nhìn nhận nó, nhưng nó sẽ là bất thường nếu chúng ta phủ nhận nó và cố tình che giấu nó, hoặc phát triển những ý nghĩ lén lút. Giống như những bức tranh nghệ thuật của phương tây, họ vẽ một phụ nữ khỏa thân, bức tranh cho chúng ta thấy một vẻ đẹp hoàn mỹ mang tính nghệ thuật, nhưng cũng là bức tranh phụ nữ khỏa thân, vài họa sĩ châu Á lại thể hiện sự dâm dục chứ không phải là vẻ đẹp thuần túy, họ bị tính dục ám ảnh mà họ không biết.
Tương tự, nếu bạn đã xem qua các video hướng dẫn về chuyện chăn gối của phương tây thì những gì họ chỉ ra là hết sức bình thường, nhưng khi tôi nói về chuyện đó trong một bài viết, ví như chuyện “thổi tiêu” hoặc “húp sò” … thì hẳn bạn đọc sẽ cảm thấy suy nghĩ của tôi có vẻ “biến thái” (cười), trong khi thực tế thì chúng ta luôn làm chuyện đó với người yêu hoặc vợ/ chồng của chúng ta, nó rất bình thường nhưng ai ai cũng ngại nói.
Tại sao tôi phải đi một vòng lớn mới bắt đầu phân tích phim? Để các bạn hiểu rằng tôi đủ khả năng nhận thức về những gì tôi đang viết, tôi không phải là một gã “biến thái” hen. Trong một số bài viết tôi từng có nói qua, để thật sự hiểu một bộ phim nghệ thuật, chúng ta không chỉ xem xét nó dựa trên những gì mà chúng ta thấy, đôi khi “sự thật” được khắc họa thông qua hình thức khác, hoặc biểu tượng mang tính ẩn dụ, bạn có thể đọc 2 bài review phim hoạt hình Nhật của tôi là Weathering with You và Suzume để hiểu thêm.
Nếu các bạn đọc qua hàng loạt bài viết về phim In The Mood For Love, các chuyên gia bình luận đó nói gì? Rằng phim nói về 2 kẻ bị vợ/chồng của họ phản bội, và họ đến với nhau bằng một thứ tình yêu cực kỳ trong sáng, chính điều đó khiến khán giả vô cùng khắc khoải, tiếc nuối, “thuần chất Á đông” …, càng nghe những lời ngợi ca có vẻ “sâu sắc” như thế thì tôi càng cảm thấy “ác thú vị”, vì bộ phim này không hề “trong sáng” như bạn nghĩ – nếu bạn quá quen thuộc với “ngôn ngữ điện ảnh”.
Phim được bắt đầu bằng cảnh 2 gia đình dọn đến khu nhà trọ, đó là vợ chồng anh Chu và vợ chồng chị Trần, bởi vì cùng thời điểm nên đồ đạc của họ lẫn lộn với nhau, gần như suốt bộ phim thì chúng ta không thấy được người vợ hoặc chồng của 2 nhân vật chính, chúng ta chỉ biết rằng 2 kẻ vắng mặt kia đã ngoại tình cùng nhau, chính vì lẽ đó, Chu và Trần trở thành “bạn thân” của nhau, họ tự hỏi nhau rằng 2 kẻ ngoại tình kia sẽ có cảm giác như thế nào khi sống trong sự lừa dối đó.
Trước tiên điều bạn cần chú ý là cách mà khán giả xem câu chuyện, đó là các góc quay gần giống với vai trò của một kẻ đang “dòm lén” và “rình mò” chuyện riêng tư của người khác; thứ 2 là tiêu điểm của góc quay, khi chiếu đến chị Trần, phần lớn góc nhìn tập trung vào mông eo ngực của cô ấy – đừng bảo là tôi nói sai nhé, và quả thật là cô ấy cực kỳ quyến rũ về mặt nữ tính, còn khi chiếu đến anh Chu, đó thường là lúc anh ấy đang đứng dưới cơn mưa bụi hút thuốc và “suy tư”, đây là nét quyến rũ về mặt nam tính, cho thấy đây là một người đàn ông vừa đẹp trai, vừa phong trần, lại vừa sâu sắc. Chà! Một người phụ nữ đẹp và một người đàn ông quyến rũ nhưng phải “nằm không” vì vợ / chồng của họ chẳng khi nào ở nhà, trong trường hợp đó thì khán giả sẽ nghĩ gì nhỉ? Có phải là họ sẽ nghĩ “Nào! Làm quen nhau đi, tới đi nào, 2 người rất xứng đôi, yêu nhau đi nào!”; sau đó thì 2 anh chị quen nhau như ý khán giả muốn.
Có một câu hỏi tôi muốn đặt ra với các bạn là, anh Chu với chị Trần có đang “mồi chài” nhau không? Chắc chắn là có rồi! Nếu không thì tại sao mỗi khi ở nhà mà 2 anh chị cứ mặc đồ như ở sở làm hoặc đi dự tiệc vậy?! Đừng nói là các bạn chưa từng làm những điều đó trong thực tế nghen, nếu có một cô hàng xóm xinh đẹp, có phải các anh sẽ mặc quần áo láng cón, ngồi quán với ly cà phê đen, tay cầm điếu thuốc, vẻ mặt suy tư, trên bàn thì đặt một cuốn sách nào đó?! Còn các cô gái thì sao? Có phải các cô sẽ diện quần áo thật đẹp, giả vờ là ra ngoài mua gì đó, khi đi ngang anh chàng thì các cô sẽ lấy tay vuốt nhẹ mái tóc dài của mình?! Ối trời! 2 kẻ trong phim đang mồi chài nhau đấy, quá rõ ràng đi, sao các bạn lại nghĩ “trong sáng” quá vậy? Có thể bản thân 2 nhân vật đó không ý thức được việc họ làm, nhưng họ đang quyến rũ nhau đấy!
Bộ phim xây dựng bối cảnh một cặp hoàn toàn xứng đôi với nhau, tuy họ có gia đình rồi, nhưng vợ và chồng họ lại ngoại tình, vậy việc họ đến với nhau là quá hợp lý đúng không nào? Nghĩ là nghĩ như vậy, nhưng với văn hóa bảo thủ Á đông thì chỉ cần họ “lên giường” với nhau thì vẫn bị xem là ngoại tình, khi này thì “họ chẳng khác chi 2 kẻ còn lại”, đó là cái mâu thuẫn nội tại mà cái văn hóa Á đông đã tạo ra. Thế là bác Vương Gia Vệ của chúng ta làm một việc hết sức đơn giản để thúc đẩy sự “khao khát” của khán giả, đặt 2 nhân vật chính vào cùng phòng với nhau suốt một đêm dài.
Nếu ở cảnh ngõ hẻm thì khán giả muốn họ yêu nhau, vậy khi họ cùng phòng thì khán giả muốn họ “làm gì” nhau? Có phải khán giả sẽ nghĩ “Nào! Tới luôn đi, làm gì đó đi, không ai biết đâu!”, có phải khi xem đến cảnh này thì khán giả sẽ cảm thấy rất “nờ – ưng – sắc” không? Đừng bảo với tôi là các bạn không nghĩ đến những gì mà tôi vừa nói nhé! Sau đó lại có thêm rất nhiều cảnh mà 2 nhân vật của chúng ta ở bên nhau nhưng họ “không làm gì cả”. Trong chuyện này thì bác Vương Gia Vệ không chìu theo ý của các bạn đâu, chỉ có như vậy mới khiến khán giả xem phim bị ám ảnh – đây là sự ám ảnh ở cấp độ hình thức, những gì mà các bạn thấy trong phim.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trong cấp độ sâu hơn, được thay thế bởi “ngôn ngữ điện ảnh”, thì câu hỏi đặt ra là 2 nhân vật của chúng ta có làm tình với nhau không? Có đấy các bạn! Chỉ là “chuyện ấy” đã bị biến đổi. Đây là đoạn mà khi chỉ ra tôi sợ các bạn sẽ bị sốc và nghĩ rằng tôi nói bậy, hãy chú ý đoạn anh Chu và chị Trần bị kẹt với nhau ở trong phòng, chị Trần nằm trên nệm và đắp chăn, vì sao cô ấy đắp chăn? Cô ấy đang che giấu điều gì? Còn anh Chu ngồi ghế, hãy chú ý đến vị trí đôi bàn tay của anh ấy, tại sao nó đặt nơi đó? Anh ấy đang che giấu điều gì? Có phải 2 nhân vật cũng như khán giả, cũng đang rất “nờ – ưng – sắc”?!
Tiếp theo hãy chú ý đến biểu tượng “thay thế”, bên phía chị Trần là đèn ngủ bóng đôi – nó giống bộ phận nào của phụ nữ? Còn bên phía anh Chu lại là đèn ngủ bóng đơn – nó giống bộ phận nào của nam giới? Ban đầu khi chị Trần nằm trên giường và anh Chu ngồi trên ghế thì cả 2 cây đèn này đều tắt, nhưng sau đó, trong cảnh họ “ăn mì” thì cả 2 cây đèn đều bật sáng. Ngay tại lúc này, tôi khuyến khích trí tưởng tưởng của bạn, bạn hãy cố gắng “nghĩ bậy”, anh Chu cầm “ly mì” của anh ấy và cố gắng trút những “cọng mì” vào cái “chén” của của chị Trần, và có vài “cọng mì” đã rơi vãi ra khỏi “chén” của chị ấy, đầu của anh Chu thì đang ở vị trí che “1 cái chụp đèn” của cây đèn có “2 chụp” bên phía chị Trần, các bạn có hiểu tôi đang mô tả chuyện gì không nhỉ? Cảnh đó thay thế cho thứ mà khán giả vô cùng khát khao được nhìn thấy nhưng đạo diễn không cho họ thấy nha, sau đó là cảnh họ cùng ở trong một khách sạn, anh Chu viết truyện kiếm hiệp và chị Trần thì ở bên cạnh hỗ trợ, sau đó nó bị cắt qua và anh Chu trong trạng thái rất mệt mỏi đưa chị Trần ra cửa, tại sao anh ấy “mệt mỏi”? Các bạn cứ tưởng tượng!
Đó là câu trả lời cho những diễn biến tiếp theo của phim, anh Chu ra nước ngoài công tác, chị Trần sau đó cũng ra nước ngoài sống, cô ấy muốn gặp anh ấy là một trong các lý do, còn một lý do khác là cô ấy ra nước ngoài để sinh con, 3 năm sau, cô ấy trở về nơi cũ, sau đó anh ấy cũng trở về thăm chốn cũ và một vị hàng xóm mới nói rằng một căn phòng hiện có 2 mẹ con đang sống – nghĩa là chị Trần và đứa bé, đứa trẻ đó chắc chắn không phải là con của người chồng kia, vì nếu cô ấy đang sống cùng chồng thì câu trả lời của người hàng xóm phải là “3 người” chứ không phải “2 mẹ con”, cái kết phim có cảnh anh Chu đã thổi vào “cái lỗ” và sau đó các bạn thấy nơi đó mọc ra “cỏ non” – đó là sự sống đã sinh ra từ “cái lỗ” đó.
Hoặc những “ngôn ngữ điện ảnh” khác đều là biểu tượng mang sự ám thị về tính dục có đầy rẫy trong phim, những đóa hoa trên trang phục của chị Trần, cái “túi xách”, cái caravat; chị Trần thường gắn liền với những chậu cây đặt trong nhà, anh Chu thì gắn liền với bóng đèn điện, bạn nghĩ những chậu cây “quang hợp” từ nguồn sáng nào? Hoặc cảnh khi họ sắp chia tay, họ ngồi đối đấu lưng vào nhau và ngăn cách bởi 1 bức tường, chị Trần thì vuốt ve “cái ly”, anh Chu thì ôm “cái nồi”, họ đang nghĩ gì? Hoặc con số căn phòng là 2042, hoặc biển số xe taxi, những con số 2 và 4 bên phía anh Chu, những con số 8 và 3 bên phía chị Trần; hoặc món ăn trên đĩa của họ, trên đĩa anh Chu là một miếng thịt và 2 viên xíu mại, còn của chị Trần là miếng thịt có hình tam giác. Tất cả những thứ tôi vừa liệt kê đều mang tính ám thị về tính dục mà tôi có phân tích ở trên khi nói về các mẫu quảng cáo.
Với lại những việc họ làm với nhau thì phải có “chuyện ấy”, chỉ khi này thì họ mới thật sự hiểu được tâm trạng thật sự của 2 kẻ ngoại tình kia, và đó như 1 vòng lặp, cái tâm trạng mà chúng ta thấy được ở 2 kẻ ngoại tình của phần đầu bộ phim thì hoàn toàn tương đồng với tâm trạng của 2 nhân vật chính ở phần cuối bộ phim, sự khao khát gặp nhau, cảm giác tội lỗi, rồi chuyện rời bỏ nơi họ đang sống, văn hóa Á đông luôn nói về sự luân hồi, những vòng lặp vĩnh cữu và nối tiếp nhau, bạn cũng có thể thấy được điều này trong phim 2046 của Vương Gia Vệ.
Với những gì tôi vừa phân tích, bạn đã hiểu rằng tại sao có rất nhiều khán giả – chuyên gia phân tích – đạo diễn của châu Á nói riêng và trên khắp thế giới nói chung lại cuồng Vương Gia Vệ đến thế, phần lớn họ bị ám ảnh bởi yếu tố tính dục chứ không phải chỉ là nghệ thuật thuần túy, về mặt nghệ thuật cũng có trong ấy, và tất nhiên tôi không cho rằng vị đạo diễn này có những ý nghĩ “biến thái”, bởi ông ấy hiểu những điều ông ấy đang làm, hiểu bản chất nền văn hóa Á đông, cái tính bảo thủ của nó, điều đó gói gọn trong cảnh anh Chu thổi vào cái lỗ trên bức tường của đền Angkor Wat, trong bối cảnh thế giới hiện đại – bối cảnh phim, có sự thay đổi trong tác động qua lại giữa nền văn hóa cũ và làn sóng tự do, chị Trần là đại diện cho nền văn hóa cũ – như đền Angkor Wat, anh Chu đại diện cho nền văn hóa mới – như một du khách, họ đến với nhau và rời xa nhau, một sự sống mới sinh ra từ đó.
Ngoài lề một chút: Tôi phải công nhận Vương Gia Vệ rất giỏi trong việc hiểu văn hóa Á đông, và cách mà anh ấy vận dụng “ngôn ngữ điện ảnh” trong phim, nhưng cũng như phần lớn các đạo diễn Á đông khác, cái mà anh ấy thể hiện chỉ là những gì mà chúng ta có thể thấy, vẫn chưa có sự đột phá về chiều sâu hoặc bước sang tầm một tư tưởng gia tìm về bản chất sự sống như những đạo diễn tầm cỡ của phương tây, nếu nói về sự đột phá, thì có nhiều đạo diễn người Nhật đã chạm đến, sau này là các đạo diễn người Hàn, còn các đạo diễn của TQ thì chưa.
Giờ thì nếu các bạn là Fan của Vương Gia Vệ, hãy tự hỏi bản thân là các bạn yêu thích phim của anh ấy vì điều gì? Cứ cho rằng là bởi tính nghệ thuật trong phim, chứ không phải vì điều gì khác như tôi đã chỉ ra. Chúc các bạn xem phim hoặc xem lại phim vui vẻ. Nhớ tài trợ Chí Blog để có những bài viết phân tích giá trị:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Bức Chân Dung Bị Thiêu Cháy – Portrait Of A Lady On Fire (2019): quý bà trong bão lửa – new – Nghệ Thuật
Màu Xanh Nồng Ấm – La Vie D’Adele (2013): lạc lõng giữa đời – Nghệ Thuật – Cành Cọ Vàng
Người Hầu Gái – The Handmaiden (2016): đồi bại vs chân tình
Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết
Review phim Suzume (2023): đè con “trùng” xuống, kẻo nó chui ra
Theo anh chí phim nào là phim hay nhất 2023 vậy hả
Cho đến thời điểm này thì rất khó nói phim nào hay nhất 2023, với lại chúng ta (mình hoặc bạn hoặc bất cứ ai) có coi được bao nhiêu phim đâu, Suzume khá hay nhưng chưa tới, giải trí thì John Wick 4 đang tạm thời đứng đầu, các phim nghệ thuật thì phải chờ 2024 mới có khả năng xem hết và đánh giá được. Còn nếu hỏi phim hay nhất 2022 thì mình chọn Tár hen, mình có viết bài cho phim này.