Awake (Thức Giấc – 2021) là phim giả tưởng về đề tài tận thế, phim bị đánh giá thấp về cách thể hiện, nhưng rất xứng đáng để mang ra phân tích mổ xẻ, đặt biệt là đối với những người quan tâm hoặc liên quan đến nền điện ảnh, và trên hết, thông điệp của phim rất sâu sắc. Qua bài này, bạn sẽ hiểu cách mà biên kịch và đạo diễn cụ thể hóa ý tưởng và thông điệp của họ. IMDb 4.8 rất thấp, nhưng hãy quên số điểm này đi, phim đáng xem, xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Bộ phim kể về một thảm họa của tự nhiên, nó khiến cho những thiết bị điện tử ngừng hoạt động, còn con người thì không thể ngủ, điều này mang đến cái chết cho loài người, tuy nhiên có vài người có thể ngủ. Sau khi xem xong, nhiều người sẽ thắc mắc là phim này truyền tải thông điệp gì? Tại sao có những chiếc xe có thể khởi động được? Tại sao vài nhân vật có thể ngủ? Và vài câu hỏi khác, bài này sẽ giải đáp những thắc mắc đó, và nó sẽ cho bạn hiểu kịch bản phim của phương tây ở cái tầm nào, nhưng bạn phải xem phim trước rồi sao đó hẳn đọc bài, nếu không thì bạn không hiểu cái “khoản cách” về nhận thức mà tôi nói.
Phân tích ý nghĩa thông điệp truyền tải
Vẫn là “bộ 3” mà những bài review trước tôi thường nhắc đến, Jill – người mẹ, Noal – con trai, Matilda – con gái nhỏ. Đoạn đầu của phim thể hiện thảm họa thiên nhiên, những chiếc xe chết máy gây ra tai nạn cho 3 mẹ con, và Matilda gần như bị chết đuối nhưng được một cảnh sát già cứu sống. Sau thảm họa thì mọi người đều không thể ngủ trừ Matilda, do đó cô bé trở thành hy vọng mang tính siêu nhiên của vị linh mục – tôn giáo, và cũng là nơi tìm ra giải pháp của phía chính phủ – khoa học. Cũng như nhiều bộ phim khác, cô bé trở thành một “món hàng” để bất kỳ ai không muốn chết phải giành giật, vì con người ai cũng sợ chết. Và đây chính là lúc mà bộ phim muốn khắc họa cách con người hành động và sự tăm tối bên trong bản chất của họ.
Có vô số sự tương phản được thể hiện, ví như người mẹ, cô ấy là một nhân viên bảo vệ ca đêm của một trường cao đẳng, nhưng cô ấy lại ăn cắp thuốc (dạng như ma túy) quá hạn để bán lấy tiền. Rồi cảnh những người ở trong nhà thờ muốn dùng Matilda để hiến tế, một cảnh sát rút súng bắn chết người cản trở chuyện đó. Ở một cảnh khác, cảnh sát trưởng giết người để cướp những chiếc xe có thể khởi động. Một cảnh khác, Jill dạy Matilda sữ dụng súng ngay trong thư viện, thứ mà người mẹ truyền đạt lại cho con gái là cách giết người, một biểu hiện rất sâu sắc về loài người ngày nay, họ luôn chọn hành động bạo lực và giết chóc để giải quyết vấn đề.
Hoặc chuyện Noal muốn mang Matilda giao cho chính phủ với biện minh rằng nếu anh ta và người mẹ chết thì Matilda cũng sẽ chết khi không ai chăm sóc, trong khi thực tế là anh ta chỉ nghĩ đến bản thân.Rồi những gì diễn ra sau khi Matilda đến doanh trại quân đội, nhà nữ khoa học gia muốn giết chết Matilda khi đến giai đoạn tuyệt vọng, trừ phần đầu và cuối phim, điều chúng ta thấy đều là con người mang đến sự chết cho nhau. Vậy thông điệp của phim này là gì? Nó liên quan đến trái tim và bộ não. Nhưng tôi sẽ giải thích vài thắc mắc mang tính khoa học trước.
Nếu bạn quan tâm một chút đến khoa học quân sự, sẽ biết rằng có một loại vũ khí được gọi là “Bom xung điện từ”, nó có thể làm tăng đột biến nguồn điện và khiến mạch điện tử bị hỏng. Thảm họa thiên nhiên trong phim đã xẩy ra theo nguyên lý này nhưng theo diện rộng, những chiếc xe chết máy đều là xe thế hệ mới sữ dụng những thiết bị vi mạch phức tạp và hiện đại, còn những xe có thể khởi động là loại cũ với mạch điện đơn giản và phần lớn là dùng “hệ cơ” để hoạt động.
À! Giờ thì bạn thấy sự liên quan chưa? Vi mạch điện tử với bộ não con người, thảm họa khiến cho bộ não người bị hỏng ở hoạt động ngủ. Còn trái tim thì liên quan gì? Xe sẽ ngừng chạy nếu hết xăng, bộ não con người cũng sẽ chết vì thiếu máu nếu tim ngừng đập quá lâu. Còn việc tại sao cô bé ngủ được? Đó là do tai nạn ngay sau khi thảm họa diễn ra, tim Matilda đã ngừng đập, sau đó nhờ vị cảnh sát già mà tim cô bé đập lại, việc này giống như trái tim đã “khởi động” lại bộ não và nó được hoạt động bình thường, điều này cũng diễn ra với Noal và Jill ở cuối phim, người phụ nữ già trong viện nghiên cứu của quân đội cũng có thể rơi vào trường hợp này.
Trong phim có một đoạn rất ý nghĩa được thể hiện bằng lời nói của anh chàng da đen khi ở trong xe, rằng khi phần đông con người cho rằng trái đất phẳng thì nó trở thành chân lý, rồi đến một giai đoạn khác, nhiều người bảo rằng trái đất tròn thì nó cũng trở thành chân lý, những chuyện đó được ghi vào sách, nhưng sau đó người ta chỉ nhớ đến cái chân lý mà đám đông tôn vinh và họ quên đi những quyển sách. Hàm ý của đoạn này là gì? Người ta giết nhau vì sự khác biệt về tư tưởng, thật ra chuyện đó hoàn toàn vô nghĩa, rồi thời đại đó qua đi, sự việc lặp lại theo một hình thức khác, nhưng bản chất thì vẫn y như vậy, họ quên những gì từng diễn ra trong quá khứ, họ chẳng học được gì từ quá khứ.
Về ý nghĩa thông điệp, khi kết hợp những gì tôi vừa phân tích, có thể thấy rằng tư tưởng con người ngày nay quá phức tạp, nó giống như những vi mạch điện tử phức tạp trong những chiếc xe hiện đại, một “bộ não” như thế rất dễ bị hỏng – tôi nói theo lối ẩn dụ. Có thể liên hệ bình xăng trong chiếc xe và những quyển sách với trái tim con người, nếu trái tim ngừng đập thì bộ não cũng sẽ chết, nhưng ngày nay con người quên mất họ còn có một trái tim cần bảo vệ, họ quên rằng chính yêu thương mới là nguồn lực lớn nhất để tạo ra sự sống và duy trì sự sống. Nếu bộ não (hoặc tư tưởng) con người hoạt động quá mức và không thể nghỉ ngơi, con người sẽ rơi vào trạng thái điên loạn, sau đó là giết người và giết mình.
Vụ tai nạn xe ở đầu phim tạo ra một cái chết giả, con người cần phải “chết” để sau đó được “tái sinh”, chết giả để hiểu được sự sống quý giá dường nào và con người biết trân trọng sự sống, nó giống như con sâu phải “chết” khi biến thành nhộng để sau đó lột xác thành con bướm, hoặc như hạt giống phải “chết” để mầm non sinh ra, nếu bạn theo Kito giáo thì không lạ gì với điều này, và hàm ý này được thể hiện vô số trong những tác phẩm văn học kinh điển hoặc phim nghệ thuật nước ngoài mà tôi đã viết review.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Ngoài ra bạn cũng cần chú ý đến 4 biểu tượng khác trong phim, thứ nhất là ngôi sao của cảnh sát trưởng, nó được gắn ở ngực trái nơi vị trí trái tim, chính nhờ “ngôi sao” này (vị cảnh sát già) mà Matilda được cứu sống, sau đó cũng nhờ ngôi sao mà Matilda nhớ lại và cứu người mẹ, trong nhiều phim kinh điển Mỹ thì nhiều cảnh sát đã thoát chết nhờ ngôi sao ngăn viên đạn găm vào tim. Thứ 2 là nguồn điện, xe chết máy, con người hỏng não và không ngủ là do tác động của điện từ, nhưng Noal và người mẹ sống lại cũng nhờ nguồn điện kích hoạt nhịp đập trái tim.
Thứ 3 là nước, nó khiến Matilda mém chết đuối, nhưng nó giúp người mẹ rơi vào trạng thái chết giả để sau đó được sống, Kito giáo liên quan rất nhiều đến nước, đặt biệt trong phép rửa tội, bạn có thấy cảnh cuối giống nghi lễ đó? Thứ 4 là khẩu súng, nó có thể dùng giết người nhưng cũng có thể dùng tự vệ.
Giờ thì bạn đã thấy cái tầm của biên kịch nước ngoài là ở trình độ nào chưa? Cả bộ phim liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau, liên quan khoa học, tôn giáo và cả chính trị. Về phần chính trị, người mẹ thể hiện cánh tả, Noal thể hiện cánh hữu, những chọn lựa của họ thể hiện điều đó, nhưng con người trong phim có thể sống sót nhờ vào đứa trẻ, rồi việc 2 người có thể ngủ là 1 cô bé và 1 phụ nữ già, tư tưởng của họ đơn giản hen. Còn việc bộ phim bị đánh giá thấp là có nhiều nguyên do, thứ nhất là người xem phim không hiểu ý nghĩa phim, thứ 2 là cách thể hiện thái quá mặt xấu của con người, thứ 3 là phim chạm vào nhiều điều nhạy cảm ví như vụ cảnh sát giết người trong nhà thờ hoặc hành động của quân đội và giới khoa học, con người có ích kỷ nhưng không đến mức như vậy.
Giờ tôi chuyển hướng một tí sang những người làm biên kịch hoặc điện ảnh ở VN. Phim phương tây trọng điểm là ở thông điệp, cách thể hiện phim chỉ là cụ thể hóa thông điệp đó, ý nghĩa câu “thể hiện, không kể” cũng từ đó mà ra, hoặc câu “quan trọng là cách kể chuyện” mà nhiều người Việt tôn vinh, nếu câu chuyện của bạn trống rỗng và vô nghĩa thì bạn giỏi kể chuyện cỡ nào thì câu chuyện đó cũng thành vô nghĩa, thông điệp kịch bản là trái tim, cách kể chuyện là bộ não, 2 thứ đó phải song hành với nhau mới có bộ phim hoàn hảo, nhưng nhiều người giống như những kẻ không ngủ được trong bộ phim này, họ quên mất trái tim.
Khi xem phim, nhờ cách thể hiện mà tôi hiểu được ý nghĩa phim, viết kịch bản là một quá trình ngược, từ thông điệp, chúng ta cụ thể nó và thể hiện nó để tạo ra một bộ phim. Việc tôi bảo rằng hãy đọc thêm nhiều bài review của tôi là không nói chơi, nhưng có rất nhiều người xem thường chuyện đó và đánh giá thấp những gì tôi viết, họ chỉ chuộng hình thức thôi, họ không hiểu rằng khi chưa thấu hiểu bản chất của sự sống, con người hoặc xã hội thì mấy cái chuẩn này hoặc chuẩn kia của Hollywood sẽ trở thành xiềng xích trói buộc tư duy họ, mấy thứ đó chỉ là công cụ thôi, để hiểu được điều này là rất khó, nói nhiều tôi cũng thấy phiền nhưng không thể không nói á. Mà các bạn có thấy càng ngày tôi viết càng hay đúng không nào? Công nhận tí đi mà!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526