Ảo Ảnh (Mirage – Durante la tormenta – 2018) là phim giả tưởng khá hay, tuy nội dung không mới lạ và cũng không quá khó hiểu, nhưng bên trong lớp vỏ đó là một thông điệp vô cùng sâu sắc. Cũng bởi ý nghĩa được cài cắm quá sâu và quá thâm nên gần như chẳng ai có thể nhận ra. Ban đầu tôi không định viết về bộ phim này, vì những mặt nổi mà người xem có thể hiểu thì đã đủ cho giải trí lẫn hàm ý, và vì cái lõi sâu nhất nếu được giải mã thì nó gần như trở thành một câu chuyện khác mất rồi. Tuy vậy, tôi vẫn viết để người đọc có thể hình dung phần nào cấp độ của những nhà biên kịch và đạo diễn nổi tiếng của châu Âu. Những bộ phim mà chúng ta gọi là “hack não” không là gì so với phim này. IMDb 7.4
Hẳn bạn nghĩ là tôi nói quá? Vấn đề không phải là thông điệp ẩn giấu phức tạp cỡ nào, mà là có quá ít thông tin để ta nghĩ là nó thật sự tồn tại. Nếu lớp vỏ bên ngoài phức tạp hoặc trừu tượng, ta biết nó sẽ ám chỉ điều gì đó, và dù nó có khó giải, ta vẫn biết nó tồn tại, nhưng nếu vẻ ngoài của nó quá rõ ràng và đơn giản, ta dễ dàng bỏ qua. Xét về độ thâm thúy, có 2 bộ phim tôi viết review mang tính tương đương, là Hằng Số Pi – Pi (1998) và Vũ Điệu Tử Thần – Suspiria (2018), nhưng 2 bộ phim này đều có yếu tố trừu tượng. Xét về tính tương đồng thì phim này giống giống cách thể hiện như phim Chìa Khóa Về Nhà Tôi – The Occupant (2020) cũng của Tây Ban Nha, vì vậy nếu gặp các phim Tây Ban Nha thì cần thận trọng khi đánh giá.
Review theo ý nghĩa thông thường
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, cùng lúc với một cơn bão kéo dài trong 72 giờ, một cậu bé Nico đang quay video thì phát hiện nhà kế bên đang có cuộc cãi vã…
Năm 2014, một gia đình bắt đầu đến nơi ở mới, họ tìm được một máy ghi hình đã cũ của cậu bé ngày xưa, và hiện tại cũng có một cơn bão lớn đang hình thành. Khi Vera (người vợ) mở máy, cô ấy đã kết nối được với Nico…, hãy xem phim để biết thêm chi tiết (cười).
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta chọn lựa điều gì đó thì phần lớn phụ thuộc vào sự tình cờ hơn là người đó hoặc thứ gì đó thật sự phù hợp với chúng ta, nhờ sự tình cờ, mối dây liên kết và thời gian sẽ tạo nên sự gắn bó. Nhưng khi thời gian trôi qua, khi chúng ta tưởng mọi chuyện đều yên ổn, thì có sự rạng nứt nào đó bắt đầu nẩy sinh, bản chất thật của một con người dần dần hé lộ. Có thể chúng ta không biết điều đó, ví dụ như sự lừa dối và phản bội, rồi khi chúng ta phát hiện, chúng ta chợt nhận ra con người ấy không thật sự dành cho chúng ta. Đó là trò chơi của số phận!
Nhưng chớ vội mà từ bỏ, Vì biết đâu đấy, bằng cách nào đấy, số phận lại mang đến cho chúng ta một người mới nhờ vào một cách thức vô cùng lạ kỳ, người ấy sẽ ở bên ta khi ta cần. Nếu có thể chọn lựa để thay đổi quá khứ, liệu chúng ta sẽ chọn ai trong họ? Chắc chắn là người thật sự dành cho chúng ta, nhưng thực tế thì oái oăn hơn nhiều, bởi trong sự sai lầm trước đó, không phải là không có điều gì tốt đẹp, không những thế, đôi khi điều đó đẹp đến nỗi chúng ta cũng không thể vứt bỏ nếu được chọn lại, ví dụ như một đứa trẻ.
Điều khó khăn ở đây là làm sao để đủ khôn ngoan để nhận ra sự lừa dối, đủ dũng cảm để từ bỏ thứ nên từ bỏ và bảo vệ thứ nên được bảo vệ trong hiện tại. Nếu có một tình yêu thật, thì tình yêu đó ở con người đó sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thứ nguy nan. Nhưng làm sao để nhận ra đâu mới là tình yêu thật sự? Có 2 yếu tố sẽ giúp chúng ta biết được, đó là thời gian và sự hy sinh.
Kết phim, chúng ta tự hỏi liệu Nico co biết Vera không? Có, tuy biết rất ít, nhưng Nico vẫn chờ đợi phút giây họ gặp được nhau, và cũng chỉ có một tâm hồn thuần khiết như trẻ thơ mới tin tưởng những gì cậu chứng kiến là sự thật. Và món quà mà Nico nhận được sẽ xứng đáng, vì Vera rất hiểu Nico sau những gì mà họ đã trải qua cùng nhau trong thời không đã bị loại bỏ – để giữ lại điều tốt đẹp nên giữ, đó là đứa trẻ.

Giải mã thông điệp: nhận diện lại lịch sử vì một tương lai tốt đẹp
Các bạn vẫn còn chăm chú đấy chứ? Vì tôi sẽ kể một câu chuyện khác gắn liền với nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Đọc đến đây hẳn các bạn sẽ nhớ đến bản tin về sự sụp đổ của bức tường Berlin có trong phim. Đó là chìa khóa duy nhất để tôi nhận ra thông điệp này, rồi sau đó mới vắt cạn chất xám để suy ngẫm.
Nếu bạn chú ý, có tính tương đồng giữa 2 móc thời gian của 2 gia đình đối diện nhau, đó là sự dối trá. Bởi vì dối trá, gia đình của năm 1989 đã sụp đổ, nó tương đồng với sự sụp đổ của CNXH ở đông Đức và một nửa châu Âu. Cái chết của người vợ thể hiện rằng nhiều người đã chết trong thời kỳ đó, cái chết của cậu bé khi băng qua đường là cái chết của những con người muốn vượt qua bức tường Berlin, cô gái ở tương lai cứu cậu bé ở quá khứ thể hiện sự thống nhất của toàn châu Âu khi theo đuổi CNTB.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Nhưng việc tìm lại lịch sử này không phải để lên án hoặc bôi xấu CNXH mà để hòa giải. Vì bản chất của CNTB cũng không tốt đẹp gì hơn CNXH, nó thể hiện qua sự lừa dối trong gia đình cô gái của hiện tại. Với sự lừa dối đó, có một khả năng những gì đã diễn ra năm xưa sẽ được lặp lại một lần nữa. Bản chất giống nhau nhưng biểu hiện khác nhau, nếu CNXH đại diện cho tính cộng đồng thì CNTB đại diện cho tính cá nhân. Ông chồng ngày xưa dắt tình nhân về nhà thì ông chồng ngày nay gặp tình nhân ở khách sạn.
Vụ án trong quá khứ cần được bỏ qua tại thời điểm đó để “đứa trẻ” – tương lai của toàn xã hội lúc đó có được cơ hội sống sót và trưởng thành, và giống như lời cô gái đã nói “nếu năm xưa tôi đã cứu anh, thì ngày nay anh phải cứu tôi“. Sự sụp đổ của một hệ thống xã hội trong quá khứ mang ý nghĩa quan trọng ở chỗ là kinh nghiệm để hiện tại học hỏi, nhờ vào những gì mà nó đã trải qua. Nên nhớ rằng cô gái tìm ra được sự dối trá nhờ vào sự giúp đỡ của cậu bé năm xưa – mà nay đã trưởng thành.
Sự khác biệt của cậu bé năm xưa và cô bé ngày nay cũng có thâm ý. Tại sao cậu bé năm xưa không có cha? Vì “người cha” đã chết trong chiến tranh, đó là cả một thế hệ không có cha, nhưng chính vì thế mà họ trưởng thành hơn. Còn cô bé ngày nay có đủ cha mẹ nhưng yếu đuối hơn, còn người cha trưởng thành trong sự xa hoa của vật chất thì trở nên biến chất, cấp độ dối trá còn cao hơn người đàn ông ở gia đình đối diện của ngày xưa.
Tại sao vụ án năm xưa không phải do cậu bé năm xưa khám phá mà phải là cô gái của hiện tại? Vì sẽ chẳng ích gì nếu những con người trong hiện tại không tự họ nhận ra sự dối trá và tội ác để từ đó rút kinh nghiệm. Nghĩa là họ phải hiểu bản chất vấn đề để nhận ra sự dối trá, nếu không thì họ vẫn cứ ngây thơ như cũ và lặp lại sai lầm trước đó. Sự hòa giải thể hiện trong sự kết hợp ở cuối phim. Đó cũng là những gì mà châu Âu ngày nay đang thể hiện, họ được gọi là các nước TB, nhưng cách quản lý của họ là sự hòa trộn của cả 2, CNTB và CNXH, rõ ràng nhất là các nước bắc Âu, hoặc bản thân nước Đức có bà thủ tướng trưởng thành từ đông Đức, và chắc chắn trong hội đồng liên Âu còn rất nhiều trường hợp như thế.
Nói cách khác, “đứa trẻ” là quan trọng nhất, vậy đứa trẻ là gì? Là tương lai, tình yêu, sự hồn nhiên, sự thật, và là mọi thứ tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hình dung. Chúng ta phải như người mẹ, có thể gạt bỏ mọi thứ xấu xa và dối trá, học hỏi những bài học cần thiết để đảm bảo cho “đứa trẻ” được trưởng thành, và đến lượt “nó” sẽ làm đúng như vậy trong tương lai, chỉ có như thế thì loài người mới có thể ngày càng tiến bộ hơn.
Ngoài lề: Một bộ phim giá trị khác với một bộ phim “rẻ tiền” ở chỗ nó mang những tư tưởng tiến bộ và có ý nghĩa, chính điều đó sẽ giúp nó tồn tại vĩnh cữu và trở thành kinh điển, đây luôn là mục đích của bất cứ nhà làm phim nào, vì vậy khi đánh giá một phim nước ngoài (Âu – Mỹ) dù là phim thuộc thể loại giải trí thì cũng nên cẩn thận, đặt biệt là những phim thuộc loại bom tấn, ít nhất nó cũng có cài cắm gì đó ở bên trong. Còn riêng với chúng ta, nếu không tự thay đổi, sẽ không còn khả năng theo đuổi thời đại, và việc có thể làm là sao chép – sao chép – sao chép, nhưng trong khi sao chép, lại chẳng đủ khả năng hiểu những thứ mình sao chép đang nói về điều gì. Mĩa mai nhất là hình ảnh những “xác sống” ngoài đời đang xem và vỗ tay người ta tàn sát những xác sống trong phim.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
1917 : khi người muốn thành chuột
Nửa Đêm Ở Paris – Midnight In Paris (2011): cảm xúc thật vs vẻ bề ngoài
Một Trái Đất Khác – Another Earth (2011): khi ta thấy ta
Hố Sâu Đói Khát – The Platform (2019): con người trần trụi
Rũ Bỏ – Unorthodox (2020): thoát khỏi truyền thống