Con người luôn bị những thứ rực rỡ mời gọi, đôi khi họ thấy được con đường phía trước nhờ ánh sáng, nhưng họ ít khi quan tâm nó sẽ dẫn họ đến đâu, có lẽ là sự sống hoặc sự chết. Ngôi Nhà Ma – The Shining (1980) là một phim kinh dị – tâm lý kinh điển, IMDb 8.4 , phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Stephen King. Nội dung phim kể về một người đàn ông được giao cho công việc chăm sóc một khách sạn vào mùa đông, khi nó tạm ngừng hoạt động. Nhiều sự việc đã xẩy ra với gia đình họ.
Chúng ta hãy nói về khách sạn Overlook, nó được xây trên nghĩa địa của người da đỏ, vì thế nơi đây từng diễn ra một cuộc chiến đẫm máu, nhiều người đã bị giết chết. Người da trắng cướp đoạt nơi này vì họ thấy được nó là một vị trí đẹp để xây khách sạn, nó sẽ mang lại cho họ sự giàu có. Khi Jack nhận nhiệm vụ chăm sóc khách sạn vào mùa đông, anh được cảnh báo về câu chuyện của Charles Grady – ông ta đã tự sát sau khi giết cả gia đình. Nhưng việc đó không làm Jack quan tâm vì anh cần thêm thu nhập, hoặc sữ dụng thời gian đó để viết tiểu thuyết, hoặc có “mục đích nào khác”.
Cũng giống như Coffey trong phim The Green Mile, cậu bé Danny có “khả năng thấu thị”, và Danny gọi nó là Tony. Nhiều sự việc kỳ lạ đã diễn ra ở khách sạn khi gia đình của Jack dọn đến đây. Jack bắt đầu có những biểu hiện của sự loạn trí, nó báo hiệu một tội ác sắp diễn ra hoặc được lặp lại giống như của người quản lý trước đây.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy có rất nhiều màu đỏ trong phim. Khách sạn có sàn với hoa văn chia ô, tâm của ô là màu đỏ, nó giống như những ngôi mộ. Cột của khách sạn được sơn đỏ, như muốn nói “nơi này được xây bởi tội ác”. Những bộ sofa màu đỏ trong “Gold Room”, như muốn nói “nơi những kẻ giàu sang đang ngồi và hưởng thụ, nó nhuộm bởi máu”. Màu áo của người phục vụ quầy rượu cũng là màu đỏ.
Cả quá trình xẩy ra sự việc có vẻ như cũng gắn liền với màu sắc trên áo của các nhân vật. Caravat của chủ khách sạn màu đỏ. Ban đầu Jack chỉ mặc áo khoát màu xám, nhưng sau đó, khi sự oán hận xuất hiện thì nó chuyển sang màu đỏ. Màu đỏ như một biểu tượng ám chỉ tâm trạng của con người, hoặc ám chỉ về sự chết chóc. Tùy vào tâm trạng, nó sẽ xuất hiện ít hoặc nhiều, bên trong hoặc bên ngoài. Đoạn đầu của phim, người vợ đã mặc chiếc áo màu đỏ bên trong, nó thể hiện oán hận của cô đối với người chồng, vì Jack từng làm tổn thương Danny.
Màu đỏ cũng xuất hiện với Hallorann, chiếc điện thoại, chiếc máy bay, những tấm bảng chào đón ở sân bay, chiếc xe trượt tuyết, chiếc áo bên trong. Tất cả chúng như sợi dây nối dài để kéo Hallorann đến với cái chết. Danny mặc áo màu đỏ khi “liên hệ” Hallorann, hoặc khi cậu bé biết rằng người cha đang tìm giết cả gia đình. Bảng “Exit” trong khách sạn cũng màu đỏ, và Jack đã chết khi ra ngoài.
Trong phim có vài chi tiết khiến chúng ta bối rối, đó là người phụ nữ trong phòng 237, cách Jack thoát khỏi kho hàng, và cảnh một người đàn ông với con heo rừng. Chúng ta có thể cho đó là những hồn ma của khách sạn, nhưng có một câu trả lời khác ở cuối phim, khi ta thấy ảnh của một người giống Jack được chụp năm 1921. Tấm ảnh thể hiện sự luân hồi, khách sạn đã mời gọi những “linh hồn” xưa cũ trở về với nó, và Jack là một trong những người đó.
Bản tin trên Tivi có nói về một người phụ nữ bị lạc trong cơn bão, sau đó là một vụ tai nạn trên đường đến khách sạn. Như vậy không chỉ có Jack, nhiều người cũng đang “trở lại”. Nó trả lời cho chuyện Danny bị bóp cổ, hoặc người đã mở cánh cửa kho hàng. Còn con heo rừng? Đó là hình tượng của sự xấu xa hoặc sự mê muội. Trong thần thoại Hy lạp có nhiều câu chuyện về con người bị phù phép biến thành lợn, hoặc chuyện Đức Jesus cho phép quân đoàn của quỷ nhập vào đàn lợn. Cô gái trong gương biến thành bà lão gớm ghiết thì sao? Nó thể hiện linh hồn đang ẩn náu bên trong cô gái trẻ trung và xinh đẹp, giống như chữ Redrum đọc ngược là Murder (giết người).
Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Sự thành công và giàu sang giống như một nguồn sáng chói lọi khiến con người hướng đến, rất nhiều người tìm đến nó mà bất chấp tất cả, họ sẵn sàng làm điều ác, sau đó họ bị trói chặt vào nó và không thoát ra được. Điều đáng nói ở đây là luôn luôn có sự cảnh báo nhưng không ai quan tâm. Ví dụ như tên của khách sạn là Overlook, hoặc những thông tin trên Tivi, những câu chuyện như của Grady, sự cảnh báo sẽ lạc trong mê cung.
Mặc dù được cảnh báo, con người vẫn lao vào. Jack vẫn đến khách sạn, sau đó chạy vào mê cung. Dù được báo là có bão, con người vẫn chạy xe trên đường nên xẩy ra tai nạn. Dù được Hallorann bảo là “tránh xa phòng 237”, nhưng Danny vẫn đi vào.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Khách sạn và mê cung là hai biểu tượng mang tính ẩn dụ. Ta thay thế “khách sạn” bằng “sự thành công”, “mùa đông” bằng “cái ác”, “mùa xuân” bằng “cái thiện”. Vào mùa xuân thì khách sạn là chốn thiên đường để vui chơi và hưởng thụ, nhưng vào mùa đông thì nó như một nấm mồ, như một cái bẫy chết người. Khi lao vào điều gì đó, chúng ta nên hiểu rõ về nó, đừng để lý trí bị mê muội. Danny không chết trong mê cung vì cậu bé đã quen với nó và biết đường trở ra. Jack chết trong mê cung vì anh bị cái ác khiến cho mù quáng, anh cứ chạy theo thứ ánh sáng khiến con người lóa mắt, anh không nghĩ đến hậu quả nếu lạc lối, dục vọng của Jack quá lớn.
Trong mỗi chúng ta đều có thiện và ác, tùy vào hoàn cảnh mà cái thiện sẽ phát triển, hoặc cái ác sẽ phát triển. Quanh ta luôn có những cảnh báo, hãy lắng nghe cho thật kỹ, để chúng ta biết mà tránh xa cái ác.
Về chuyện gia đình Jack. Lòng oán hận sinh ra bởi vì con người không biết đến sự tha thứ. Người vợ luôn oán trách Jack vì anh từng làm tổn thương Danny. Sự không tha thứ tạo nên một gánh nặng tinh thần bên trong Jack, nó sinh ra sự oán hận bản thân và oán hận đối với vợ. Sự không thành công trong sự nghiệp vì trách nhiệm gia đình cũng tạo ra sự oán hận, Jack cần nơi để đổ lỗi cho thất bại của anh. Khách sạn đã lợi dụng điều đó để chia cắt họ, bằng cách làm tổn thương Danny, khiến tình yêu trong Jack biến mất. Khi không còn yêu thương, con người chỉ còn lại dục vọng.
Ngoài ra phim còn có một cách hiểu khác, đó là sự chiến đấu giữa thiện và ác. Thiện là Danny, ác là Jack. Cả hai người đều có “khả năng thấu thị”, với Danny thì chúng ta đã biết, với Jack thì điều đó thể hiện ở việc anh nhìn thấy các hồn ma. Jack muốn giải thoát bản thân khỏi gia đình nên lập một kế hoạch để giết chết họ, anh mang họ đến nơi hoang vắng. Chúng ta hãy nhớ lại cảnh Jack nhìn xuống mô hình mê cung; hình ảnh hai mẹ con đang ở trong mê cung giống như con mồi bị lọt vào bẫy.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, Danny luôn đi trước Jack. Bằng cách tự bóp cổ, Danny có một đồng minh là người mẹ; bằng cách liên hệ Hallorann, Danny có thêm một đồng minh khác. Hoặc việc đi dạo trong mê cung cũng là một bước đi trước của Danny. Mặc dù cả hai cha con đều có khả năng như nhau, nhưng như dòng chữ đánh máy “tất cả là công việc và không giải trí khiến Jack trở thành trẻ đần độn”.
Tôi không có ý nói Danny cố tình tạo ra các sự việc để giết Jack. Ý của tôi là, tất cả chúng ta đều được trao cho phép lạ từ lúc ban đầu, nhưng thời gian trôi qua, khi con người lớn lên, chúng ta khiến khả năng kỳ diệu ấy bị tan biến, chúng ta mê muội trong công việc, trong dục vọng. Chúng ta sữ dụng món quà của Thượng Đế cho những việc xấu xa, khi chúng ta tạo ra một cái bẫy để lừa dối người khác, thì chính chúng ta đã bị trói buộc vào chính cái bẫy đó rồi. Nếu linh hồn là bất tử, thì sự trói buộc đó cũng mang tính vĩnh cữu.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog