Tokyo Story (Câu Chuyện Tokyo – 1953) còn hơn là một bộ phim nói về tình cảm gia đình, trong đó hàm chứa nhiều góc nhìn về tương lai của thời đại, chính vì thế mà phim trở thành kinh điển trong nền điện ảnh Nhật Bản, sau bộ phim này, có vô số phim Nhật đã được dựng lên trên cái nền ban đầu để phản ánh một xã hội đang lạc lối trong sự sung túc của vật chất, nơi mà con người đã đánh rơi nhiều giá trị cốt lõi vốn có. Cách đây 15-20 năm khi nghĩ về Nhật Bản, tôi sẽ thể hiện sự thán phục đối với đất nước tạo nên kỳ tích này, nhưng trong hiện tại, sau khi có được nhận thức sâu sắc hơn, tôi lại cảm thấy nhiều sự tiếc nuối cho sự đánh đổi của họ, cho những thứ mà họ đã mất đi. IMDb 8.2
Chuyện khá đơn giản, cũng có phần nhàm chán, vì nội dung phim không có gì mới đối với bản thân người xem, đã có quá nhiều phim được xây dựng với những tình tiết đó, về việc hai ông bà già từ quê lên thành phố thăm con cái, đã vậy phim còn khiến người xem nhàm chán hơn khi không tạo nên những kịch tính như việc mấy đứa con sẽ đối xữ tệ bạc với cha mẹ họ. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ hơn, phim đang cố gắng thể hiện chính xác nhất những gì đang diễn ra trong hiện thực, và đó mới là giá trị cốt lõi của bộ phim này.
Hiện thực cho chúng ta thấy gì? Rằng con cái không phải không yêu thương hoặc không kính trọng cha mẹ, họ sẽ vui mừng khi cha mẹ đến thăm, nhưng cũng cảm thấy sự phiền phức khi đời sống cá nhân bị ảnh hưởng, đó là những mâu thuẫn nội tại vốn có trong mỗi con người, hoặc mỗi đứa con khi họ có gia đình riêng. Các bậc cha mẹ cũng thấu hiểu điều đó nên cả 2 ông bà luôn tỏ ra cảm thông với các con, không hề thể hiện sự oán trách, nếu có thì đó là sự than thở về những điều mà chúng ta nghĩ rằng đó là sự hiển nhiên của đời sống. Nói chính xác hơn thì, với tôi, cái loại phim cố tình tạo ra cái phần kịch tính cao trào chỉ dành cho phần đông khán giả, còn với những ai đã hiểu chút ít về lẽ đời thì không cần tới nó, và điều mà họ cần là sự ngậm ngùi tiếc nuối khi nghĩ về cái lẽ được gọi là hiển nhiên đó, lẽ ra nó không nên là sự hiển nhiên mới phải.
Trước khi đến Tokyo, hai ông bà có nhiều kỳ vọng lớn lao về thành công của các con, nhưng khi đến nơi, khi nhìn thấy sự rộng lớn của thành phố, là nơi tập trung hàng triệu người sinh sống, sự kỳ vọng đó giảm xuống rất nhiều. Con cái không có một đời sống sung sướng như họ mong muốn, ngược lại, những đứa con luôn bận rộn suốt ngày với công việc. Ừ thì cuộc sống ở thành thị là vậy, chúng ta đều biết thế. Nhưng lúc này chúng ta tự hỏi rằng liệu điều đó có xứng đáng không? Và dẫu rằng dù có câu trả lời “không” thì chúng ta vẫn phải tiếp tục lao theo nó, vì nó buộc chúng ta phải như vậy để có thể sinh tồn. Sự sinh tồn trong khó khăn và cạnh tranh biến bản chất con người trở thành ích kỷ, sự “hiển nhiên” đã lặp lại.
Những người con để tránh cho cha mẹ làm phiền hoặc ảnh hưởng đến công việc, phần khác là sợ 2 ông bà già cảm thấy buồn chán khi cứ ở nhà, nên họ đã bỏ tiền ra để 2 ông bà nghỉ dưỡng vài ngày ở khu du lịch suối nước nóng gần bờ biển. Ngay tại điểm này, ta thấy được giá trị của tiền có tính 2 mặt, mặt tốt nó giúp con người hưởng thụ, mặt xấu, nó đẩy con người ra xa nhau. Sẽ tuyệt vời hơn nếu những người con chịu tốn thêm một khoản nữa dù có thể nó sẽ khá lớn, đó là tất cả mọi người cùng tạm ngừng công việc để cùng với 2 ông bà cùng đi nghỉ dưỡng, cả gia đình cùng xum vầy, vì mục đích lớn nhất của chuyến lên Tokyo này là như thế, nhưng họ đã không làm được việc đó. Sự mĩa mai thể hiện ở chỗ khi người thân mất đi thì họ mới tụ họp lại như mong muốn của người đã chết.
Hai ông bà đã thấy gì ở Tokyo? Căn nhà của các con nằm ở ngoại ô, đời sống chật hẹp và bận rộn suốt ngày, những ống khói cao nhả ra làn khói đen đặc, những tòa nhà chung cư cao ngất, người tham quan ngắm thành phố từ trong xe bus, cây cầu bằng sắt, cung điện trở thành khu tham quan, khu nghỉ dưỡng ồn ào suốt cả đêm với rượu chè và cờ bạc. Tương lai thì mênh mông như bờ biển mà con người thì đang bước đi trên bờ đê chật hẹp không đủ cho 2 người song hành. Đó là những hình ảnh giàu ý nghĩa.
Có sự tương phản trong hành động và cách sống của 2 ông bà già và những đứa con, đó là sự từ tốn và sự vội vã. 2 ông bà luôn làm mọi thứ một cách chậm rãi và từ tốn, nhưng không vì thế mà những gì họ đặt ra cho chuyến đi trở thành trễ nãi hoặc bị bỏ lỡ, họ thăm con và các cháu, họ gặp gỡ bạn bè cũ, họ thăm thú Tokyo. Trong khi những người con thì luôn vội vã nhưng kế hoạch của họ luôn thay đổi thất thường, lời hứa không thể hoàn thành, kể cả những lời hứa với con của họ và khiến đứa trẻ mất niềm tin. Vấn đề không nằm ở sự vận động mà ở cách con người nhìn cuộc sống, khi con người học được cách để sống hạnh phúc thì sẽ đạt được hạnh phúc, nhưng nếu không học được, thì có vất vả suốt đời cũng chẳng đạt được gì, và sẽ giống như một con bọ cứ chạy mãi trong cái lồng quay mà vẫn đứng yên một chỗ.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Tuổi già và cái chết của những thế hệ cũ cũng thể hiện nét văn hóa cũ của Nhật bắt đầu tàn lụi, thành phố Tokyo to lớn là biểu tượng cho một thời đại mới bắt đầu, giống lời người mẹ già đã nói, nếu lạc ở Tokyo thì chắc sẽ khó tìm thấy nhau. Bất kỳ ai xem phim này cũng yêu mến người con dâu, cô ấy rất tốt và đang sống cô đơn, điều đó thể hiện sự lạc lõng của những con người còn mang lấy nét đẹp trong văn hóa cũ nhưng phải sống trong thời đại mới. Từ người con dâu, chúng ta có thể liên tưởng đến người chồng đã chết, đó hẳn phải là một người đàn ông ưu tú nên mới chọn một người vợ như thế, nhưng anh ấy đã chết bởi chiến tranh, nói cách khác, cuộc chiến trước đó đã mang đi quá nhiều thành phần ưu tú của nước Nhật. Bộ phim không chỉ phản ánh về gia đình, mà còn thể hiện góc nhìn sâu sắc về lịch sử, văn hóa, và thời đại.
Nên nhớ rằng bộ phim được ra mắt năm 1953, nghĩa là được dựng phim năm 1952 – chỉ sau chiến tranh vỏn vẹn 7 năm. Nước Nhật ngày nay thế nào? Phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng con người ở những thành thị to lớn như Tokyo có lạc lối không? Có, và rất đông đảo nữa là khác, họ chăm chỉ làm việc như máy, tuy nhiên phần cảm xúc bị đè nén cũng vô cùng khủng khiếp, coi nhiều phim Nhật của thế kỷ 21 này thì bạn sẽ hiểu. Bộ phim có cách nay 67 năm như đã đoán trước được tương lai sẽ diễn ra. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thấy khá nhiều bộ phim Nhật nói về sự lạc lối và sự cô đơn của con người trong một xã hội đang chạy với tốc độ quá nhanh (và quá nguy hiểm – cười), có lẽ cũng đã đến lúc bản thân người Nhật cần nhìn lại và tìm lại những giá trị mà họ đã quên.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì?
Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển
Hương Vị Của Trà – The Taste of Tea: vẻ đẹp của văn hóa Nhật
Tên Cậu Là Gì – Your Name (2016): ta thấy em trong tiền kiếp
Những kẻ Khốn Khổ – Les misérables (2019): bộ mặt xã hội hiện đại
Hạnh Phúc Mong Manh – The Weather Man (2005): thời đại thức ăn nhanh
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?
Vẻ Đẹp Mỹ – American Beauty: vũ điệu cơn gió xoáy
Không Chốn Dung Thân – No Country for Old Men (2007): số phận hay luật lệ ? Không gì cả!
Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống?
Thủy Quái – Leviathan (2014): Khi sự huyền bí không còn