System Crasher (Vua Phá Hoại – 2019) là phim của Đức, đây không phải là phim về giáo dục gia đình dù nội dung có vẻ như thế, ý nghĩa còn sâu xa và rộng lớn hơn nhiều. Qua hình ảnh của đứa trẻ, phim thể hiện bản chất của con người – những kẻ được gọi là “trưởng thành”, trong nhiều bài review tôi đã so sánh con người cũng chẳng khác chi với trẻ nhỏ khi nhìn sâu vào căn nguyên mọi thứ, chỉ là cách thể hiện khác nhau ở vẻ ngoài và mức độ phức tạp của đời sống. Giống như truyện ngụ ngôn hoặc cổ tích, người ta đơn giản hóa vấn đề, nhưng để từ một điều phức tạp biến thành đơn giản hoặc từ đơn giản nhìn ra sự phức tạp thì không phải là chuyện dễ dàng gì. Đặt biệt là phim sẽ không đơn giản khi xuất phát từ những nước có nền văn hóa lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha hoặc Ý, IMDb 7.9
Phim kể về cô bé Benni 9 tuổi bị cách ly khỏi mẹ do nhiều nguyên nhân, đó có thể là vì người mẹ khó khăn về kinh tế nên không lo nổi cho 3 đứa trẻ còn rất nhỏ, thêm phần Benni có tính cách nổi loạn dễ dẫn đến hành động bạo lực do chấn thương tâm lý khi còn bé, cô bé từng bị tả lót ép vào mặt (có lẽ do một tên tình nhân khốn nạn nào đó của bà mẹ). Trạng thái dễ bị kích động của cô bé khi phải xa mẹ khiến cho Benni bị từ chối ở rất nhiều trường nội trú dành cho trẻ con, hoặc khó sống lâu dài ở một gia đình có ý định nhận nuôi. Trong khi đó cơ quan xã hội về hỗ trợ trẻ vị thành niên vẫn đang cố gắng hết sức để giúp cô bé có được một cuộc sống bình thường.
Những tính cách của Benni
Benni là một cô bé cực kỳ thông minh và giàu cảm xúc, nhưng rất dễ bị kích động bạo lực khi người khác làm trái với ý muốn. Benni rất thương mẹ và các em, cô bé thường trốn trường nội trú để lén về thăm nhà, cứ mỗi rắc rối mà Benni tự tạo ra càng khiến cho việc trở về của cô bé càng khó khăn hơn. Trong một lần trốn về nhà, khi thấy các em đang xem phim kinh dị, cô bé đã chuyển sang phim hoạt hình dù các em không muốn, Benni có thể tự làm thức ăn cho các em, rõ ràng là, tuy còn rất nhỏ nhưng Benni rất hiểu chuyện và giỏi chăm sóc 2 đứa em.
Còn về vấn đề bạo lực thì sao? Sẽ không có vấn đề gì nếu những đứa trẻ khác đối xử thân thiện, nhưng nếu có đứa nào cười nhạo, Benni sẽ nói ra những lời thô tục, đánh cho bạn dập mặt chảy cả máu mũi, và la hét đập phá khi các giáo viên can ngăn khiến cả họ cũng hoảng sợ. Người ta có thể dỗ yên Benni bằng những món quà và bắt cô bé hứa sẽ ngoan, nhưng Benni ít khi giữ những gì đã hứa, tính tình trước sau vẫn như một. Tất cả những điều đó khiến cho mọi nỗ lực đều trở nên bất khả và nhiều người xem Benni là một “lỗi hệ thống”, nói cách khác là có vấn đề về thần kinh.
Trong phim có một đoạn khi Benni mở album ảnh cho Micha xem, cô bé chỉ ra một “người mẹ nuôi” tốt, chỉ ra con ngựa mà cô bé yêu thích khi họ dùng nó trị liệu tâm lý cho cô bé. Benni cũng hiểu những rắc rối đã tạo nên, điều đó thể hiện rằng cô bé hiểu tất cả, vậy tại sao tính cách cô bé không thay đổi? Câu trả lời rất đơn giản, vì chẳng có gì là thật hết, trong khi điều mà Benni cần là một tình yêu thương thật sự và lâu dài, nhưng tất cả những gì mà cô bé nhận được chỉ là thoáng chốc. Benni cần một người mẹ tốt, cần một người cha thật sự biết thương yêu, nhưng thực tế điều đó không tồn tại.
Những tính cách của “người lớn”
Trước tiên chúng ta phải tự hỏi rằng các lời lẽ thô tục và hành vi bạo lực của Benni từ đâu mà có? Chắc chắn từ những tên người tình khốn nạn mà người mẹ đã mang về nhà, kể cả cái chấn thương tâm lý mà Benni phải chịu lúc còn thơ ấu. Chúng ta bực bội khi một đứa trẻ được dạy hoài mà không sửa đổi, nhưng khi nhìn vào những kẻ “người lớn” khốn nạn, cách họ đối xữ tàn tệ với phụ nữ và trẻ em, những kẻ đó có thay đổi không?
Chúng ta trách Benni hứa mà không giữ lời, nhưng những điều mà “người lớn” đã hứa thì có được giữ lời không? Giống như người mẹ đã hứa sẽ bỏ tình nhân và đón Benni về nhà, nhưng đó chỉ là lời hứa mà thôi, nó kéo dài năm này qua năm khác, đến nỗi người phụ nữ tốt bụng phụ trách Benni đã phải thốt lên nhiều lần từ “con khốn” khi nghĩ về người mẹ của Benni. Họ vẫn đối xữ với Benni như dùng tả lót đập vào mặt.
Micha là một nhân viên tốt của cơ quan xã hội, anh ấy rất tốt với Benni và cô bé muốn anh trở thành người cha, muốn về sống với anh nhưng điều đó là không thể, vì anh ấy đã có gia đình riêng. Ừ thì chúng ta thông cảm cho anh ấy, nhưng điều đó cũng thể hiện rằng những điều mà Micha có thể làm chỉ dừng lại ở mức đó, tức chỉ trong giới hạn công việc, và khi anh ấy hoặc bất kỳ ai cảm thấy Benni là một rắc rối khá lớn thì họ đều rút lui, giống như những trường nội trú đã từ chối, giống như các nhân viên khác của cơ quan xã hội, họ muốn đẩy Benni sang tận châu Phi cho xong việc.
Mọi nỗ lực mà “người lớn” đang làm chỉ mang tính nửa vời, giống như thời gian Benni sống trong rừng, nó rất ý nghĩa và mang tính giáo dục cao, nhưng xét cho cùng thì nó vẫn mang tính chất “trị liệu” chứ không có tính thực chất gì, nói chính xác hơn thì nó không giải quyết dứt điểm nguồn gốc, giống như con ngựa được làm bạn với Benni trong thời gian “trị liệu”, rồi người ta cũng lấy trở về. Mỗi người đều sống cho cá nhân họ, kể cả người mẹ cũng vậy.
Người mẹ sợ Benni vì nghĩ rằng cô bé có thể truyền nhiễm tính xấu cho các em còn nhỏ khác, nhưng sao cô ấy không nghĩ đến chuyện những đứa trẻ sẽ trở thành thế nào khi sống với một người mẹ “không đầu óc” như chính cô ấy và với những tên tình nhân khốn nạn mà cô ấy tha về nhà? Người ta thấy được sự nguy hiểm khi Benni bồng đứa trẻ – con của Micha, nhưng không thấy được sự “nguy hiểm” sẽ đến với những đứa trẻ được họ “giáo dục”.
Những “người lớn” trách đứa trẻ không ngoan, khó dạy, không biết thay đổi, nhưng bản thân họ có thay đổi không? Họ vẫn như vậy, chúng ta vẫn như vậy, và khi đó thì ai sẽ là người chê trách cái thói ích kỷ, bạo lực, vô trách nhiệm của chúng ta đây? Loài người chúng ta qua biết bao thế kỷ có thay đổi gì đâu, cũng bạo lực, thô tục, ích kỷ, tham lam y như thế.
Cứ mỗi lần Benni gây chuyện là người ta làm các xét nghiệm về y khoa, xem não cô bé có vấn đề gì không, sau đó họ cho thuốc uống, họ nghĩ đây là trục trặc của bộ não, là bệnh tinh thần phân liệt, đôi khi họ còn muốn tống cô bé vào nhà thương điên. Nhưng nếu nhìn về bản thân loài người thì cũng y như thế, có lẽ thế giới này đã là một nhà thương điên rồi vậy.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Ý nghĩa thông điệp
Benni sẽ không thay đổi đâu, vì chúng ta không thay đổi. Điều đó giống như tiếng gọi thống thiết của Benni khi ở trong rừng, “Mama, Mama, …” và điều mà cô bé nghe thấy chỉ là tiếng vọng lại, giống như khi cô bé nằm ngủ trong rừng ở đoạn cuối, cô bé thấy mình cô độc như con chó ở nông trại, chỉ có một mình trong “căn nhà” nhỏ của nó, khi ấy cô bé yêu thương con chó xiết bao.
Người phụ nữ tốt phụ trách Benni đã yêu cầu Micha tiếp tục công việc trị liệu cho cô bé nhưng anh ấy vẫn từ chối, mặc dù cô ấy nói rằng họ (cơ quan xã hội) có kinh phí rất lớn để thực hiện việc đó. Nỗ lực của “người lớn” vẫn chỉ tới đó mà thôi, nếu vậy thì giàu có để làm gì khi không thể tạo được hạnh phúc cho một “đứa trẻ”? Nói chính xác hơn thì sự dư thừa về vật chất cũng chẳng mang lại hạnh phúc khi con người thiếu vắng tình yêu thương và không giải quyết dứt điểm những căn nguyên tạo nên sự đau khổ.
Cuối cùng thì Benni bị tống sang châu Phi cho xong chuyện, và cô bé bỏ chạy, một đám “người lớn” đuổi theo – cảnh này mang tính ẩn dụ, tất cả chúng ta sẽ mãi đuổi theo những “đứa trẻ” hư, sẽ luôn là như thế mà không biết tại sao, vì căn nguyên là ở chính chúng ta chứ không phải ở “đứa trẻ”, và “đứa trẻ” ấy cũng là chúng ta, là sản phẩm chúng ta tạo ra, đó chỉ là “đuổi hình bắt bóng”.
Tôi tự hỏi chúng ta thật sự có gì trong những nỗ lực của chúng ta? Không gì cả! Giống như lời bài hát “Ain’t Got No, I Got Life” ở cuối phim:
“I ain’t got no home, ain’t got no shoes/ Ain’t got no money, ain’t got no class/ Ain’t got no skirts, ain’t got no sweater/ Ain’t got no perfume, ain’t got no bed/ Ain’t got no mind
Ain’t got no mother, ain’t got no culture/ Ain’t got no friends, ain’t got no schooling/ Ain’t got no love, ain’t got no name/ Ain’t got no ticket, ain’t got no token/ Ain’t got no God
And what have I got?/ Why am I alive anyway?/ Yeah, what have I got/ Nobody can take away?
Got my hair, got my head/ Got my brains, got my ears/ Got my eyes, got my nose/ Got my mouth, I got my smile/ I got my tongue, got my chin/ Got my neck, got my boobs/ Got my heart, got my soul/ Got my back, I got my sex
I got my arms, got my hands/ Got my fingers, got my legs/ Got my feet, got my toes/ Got my liver, got my blood/ I’ve got life, I’ve got my freedom/ I’ve got the life
I’ve got the life/ And I’m gonna keep it/ I’ve got the life/ And nobody’s gonna take it away/ I’ve got the life” – Nina Simone
Đây là một bài hát cực kỳ chua chát về cuộc đời, những gì diễn ra trong phim, những sự việc đến với Benni hoàn toàn phù hợp với từng câu từng chữ trong bài hát. Benni sẽ có “nhà” nhưng đó có phải là nhà? Sẽ có “mẹ” hoặc gọi ai đó là “mẹ” nhưng đó có phải là mẹ?
Bộ phim này khiến chúng ta thất vọng quá phải không các bạn? Không phải! Việc nói lên hiện thực xã hội không phải để chúng ta buông tay, mà để chúng ta hiểu được để thay đổi, để biết yêu thương thật sự, để không tạo ra những Benni không chốn dung thân, vì Benni chính là chúng ta – hãy luôn nhớ rõ điều đó.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
……………………………
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Những kẻ Khốn Khổ – Les misérables (2019): bộ mặt xã hội hiện đại
Mê Cung Thần Nông – Pan’s Labyrinth (2006): những người lớn “trẻ con”
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning
Ngày Tận Thế – Melancholia (2011): nỗi u sầu ẩn giấu
Ảo Ảnh – Mirage (Durante la tormenta – 2018): thâm thúy như búp bê Matryoshka
5 to 7 (2014) và Loveless (2017): yêu thương và không yêu thương
Hãy Đứng Bên Tôi – Stand by Me (1986): điểm tựa của cuộc đời
Capernaum (2018): hãy trở thành siêu anh hùng của đời thực
I See You (2019): mảng tối gia đình
Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì?
Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển