Người Nhật đi tìm sự hoàn mỹ, đó là vẻ đẹp văn hóa Nhật mà tôi biết. Ta sẽ nhận ra điều đó trong cách uống trà, bắn cung, kiếm đạo, nghệ thuật viết chữ, hoặc cách sắp xếp khu vườn, lối sống đơn giản. Tôi không biết những điều đó có còn tồn tại trong cuộc sống hiện đại hay không, có lẽ nó đang dần biến mất vì con người quá bận rộn với công việc. Nhưng tôi nghĩ đó là những điều mà chúng ta nên giữ lại, vì nó đẹp. Phim Hương Vị Của Trà – The Taste of Tea – Cha no aji (2004), IMDb 7.7
Nếu đa số mọi người di chuyển bằng tàu điện, trong khi bạn chạy trên đôi chân, thì chắc chắn bạn sẽ không theo kịp họ. Đó là điều đã diễn ra với Hajime, cậu không kịp tỏ tình với cô gái mà cậu thích, cậu cảm thấy buồn vì không còn cơ hội để nói chuyện với cô ấy. Sau đó cậu dùng xe đạp, nhưng chỉ xe đạp thôi nhé.
Sachiko thỉnh thoảng cảm giác là có một “Sachiko lớn” đang quan sát bản thân, cô bé muốn “Sachiko lớn” biến mất nhưng không biết làm cách nào. Cô bé nghĩ rằng nếu có thể uốn người qua “thanh xà đơn” thì có thể khiến “nó” biến mất chăng?
Gia đình mà chúng ta đang xem trong phim rất đặt biệt. Những người lớn đều làm nghệ thuật, chỉ có người cha là làm bác sĩ, tính cách của Hajime và Sachiko cũng khác các bạn cùng tuổi. Khác biệt lớn nhất giữa họ với những người khác là họ ít bận rộn hơn, họ độc lập và có thời gian để suy tư. Có lẽ vì thế mà Sachiko sớm nhận ra có một bản ngã đang nhìn cô bé.
Trong mỗi chúng ta đều có một bản ngã, nhưng chúng ta ít khi nhận ra nó. Vậy bản ngã đó thể hiện cho điều gì? Nó có thể là sự sợ hãi, sự không tập trung, đam mê, dục vọng, bản năng. Nếu chúng ta cứ để cho bản ngã chi phối, chúng ta sẽ không làm chủ được bản thân, không theo đuổi được điều mà chúng ta mong ước, nó sẽ cản trở chúng ta trong mọi việc chúng ta làm.
Nhận ra bản ngã là điều hết sức khó khăn, vì phải có thời gian để quan sát chính mình. Chúng ta không thể quan sát chính mình nếu quá bận rộn. Trong khi thế giới ngày nay có quá nhiều điều khiến chúng ta bận rộn. Nó có thể là các trò giải trí, là sự tiện nghi vật chất, là công việc, là hội – nhóm hoặc cuộc vui với bạn bè. Chúng ta không có thời gian để suy tư về chính chúng ta.
Nhưng để chúng ta nhận ra được bản ngã thì phải trả một cái giá khá đắt, đó là sự cô độc. Trừ khi chúng ta tìm được người giống chúng ta, đó là chuyện không dễ. Người chú trong gia đình này đã gặp trường hợp như thế, anh yêu một cô gái nhưng cô ấy đã đi lấy chồng. Điều may mắn đã đến với Hajime, cậu tìm được cô gái thích chơi cờ vây, cờ vây là năng khiếu của cậu, là thứ cậu am hiểu. Do đó cậu vô cùng mừng rỡ khi biết được điều đó.

Sự cô độc rất đáng sợ, nhưng nhờ nó mà người cô độc có thể thấy được những vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Họ cũng có thể tạo ra những thứ tốt đẹp, bản thân họ cũng là sự tốt đẹp, họ giống như những cây anh đào có màu hồng phấn. Thật đẹp khi trong khu rừng rộng lớn màu xanh bỗng nổi bật lên vài cây anh đào nở đầy hoa.
Nhận ra bản ngã là khó, vượt qua và loại bỏ được bản ngã còn khó khăn hơn. Chúng ta tự hỏi điều gì và sức mạnh nào sẽ giúp chúng ta? Với Hajime thì đó là tình yêu. Tình yêu trong sáng của Hajime giúp cậu ấy vượt qua được sự sợ hãi của bản thân. Với Sachiko thì đó là sự quan tâm và sự yêu thương của ông ngoại, món quà mà ông để lại đã giúp cô bé.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Khi một người đã vượt qua bản ngã của chính họ, họ sẽ có được sức mạnh rất lớn lao, họ sẽ rất trí tuệ. Như chuyện của người mẹ, cô ấy đã vạch ra sự dối trá của tên chủ, và cô đã đánh hắn bầm dập. Sức mạnh đó lớn như một ngọn núi, giống bài hát mà chúng ta được nghe trong phim. Toàn bộ bài hát chỉ có từ “núi”, từ “núi” kết hợp với âm nhạc và vũ điệu, nó như cho ta thấy một thứ gì đó lớn lao, uyển chuyển và biến hóa.
Bạn có hiểu ý nghĩ của bộ phim hoạt hình mà người mẹ đã vẽ? Con quái vật xuất hiện, 3 siêu anh hùng hợp sức lại tiêu diệt nó nhưng đã thất bại, sau đó một cô gái đến và quái vật biến thành đứa trẻ. Quái vật chính là bản ngã của chúng ta, không ai có thể dùng bạo lực để tiêu diệt bản ngã. Chỉ có tình yêu thương và sự dịu dàng mới có thể “thuần hóa” được bản ngã.
Chúng ta thấy các thành viên trong gia đình rất ít khi trò chuyện cùng nhau, tuy nhiên họ rất quan tâm đến nhau. Ví dụ như người mẹ nhắc nhở Sachiko nên uống trà khi còn nóng, hoặc người ông đã để lại quà cho từng thành viên trong gia đình. Những bức tranh đó thật đẹp, nó thể hiện tính cách của từng người, nó ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời sống của họ. Chỉ có tình yêu thương và sự quan sát tỉ mỉ mới có thể giữ lại được sức sống ấy của họ.
Khi con người vượt qua được bản ngã, điều đó giống như chúng ta hóa thân thành đóa hoa hướng dương, giống như chúng ta hòa làm một với vũ trụ. Hoặc giống như hương vị của trà, tuy hơi đắng, nhưng rất đậm đà và mang lại cho ta sự yên bình trong tâm hồn, tốt cho sức khỏe. Chúng ta sẽ nhìn thấy những điều rất đẹp mà người khác không thể nhìn thấy.
Vậy bạn có muốn hóa thành hoa hướng dương và uống vị trà của cuộc sống không?
Tôi rất mong những người Nhật có thể giữ được vẻ đẹp này trong văn hóa của họ. Làm chủ cảm xúc đôi khi cần thiết, nhưng nó chỉ có ích nếu được xây trên nền tảng tốt đẹp, đó là tình yêu thương, sự thăng hoa của tâm hồn; chứ nó không phải là sự vô tình, không phải là sự ích kỷ cá nhân, không phải vì vật chất.
Chúng ta là những con người, đừng vô tình như trong phim Nobody Knows – 2004, đừng biến xã hội thành vô cảm như phim Equilibrium – 2002. Hãy học cách làm người như phim Bicentennial Man – 1999, hãy yêu thương như phim Shoplifters – 2018.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526