Review ý nghĩa phim I Lost My Body: giải mã những ẩn dụ

I Lost My Body (Cơ Thể Tôi Đâu Rồi – 2019) là phim hoạt hình chứa rất nhiều hình ảnh mang tính trừu tượng, rất khó hiểu, nhưng bạn đã có Chí Blog trong tầm tay (cười), tuy nhiên, có vẻ giống như cách mà bộ phim thể hiện, tôi đã lạc mất khoản 4400 thành viên vì chỉ có vài mươi người là thường xuyên theo dõi và đọc các bài viết. Phim được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và giành được giải thưởng ở LHP Cannes. IMDb 7.6

Phim kể về chuyến hành trình của bàn tay tìm lại cơ thể, song song là câu chuyện của cơ thể trong quá trình trường thành. Xem phim nếu bạn muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Giải thích ý nghĩa thông điệp

Có khoản 99.9% người xem cảm thấy xúc động khi nhìn thấy sự nỗ lực của bàn tay trong chuyến hành trình tìm lại cơ thể, sau đó là những tổn thương về tâm lý mà nhân vật Naoufel phải gánh vì sự mất mát quá lớn trong quá khứ. Thật ra thì đó chỉ là phần nổi của bộ phim, phần chìm thì đang nói về những điều khác hẳn. Muốn giải mã bộ phim này thì chúng ta có 2 chiếc chìa khóa, thứ nhất là tựa phim, thứ 2 là Hoàng Tử Bé – tôi vừa gọi cậu ấy thông qua trí tưởng tượng, và cậu ấy bảo rằng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trong việc này; nếu ai chưa biết về Hoàng Tử Bé thì nên đến nhà sách để làm quen, cậu ấy luôn thích kết bạn với mọi người.

Bạn có tự hỏi tại sao tựa phim nghĩa là Tôi Lạc Mất Cơ thể Tôi mà không phải Tôi Lạc Mất Bàn Tay Tôi? Nhiều người sẽ trả lời rằng vì đây là lời kể của bàn tay, câu trả lời đó gần đúng nhưng chưa chính xác, thật ra thì nó cho thấy sự đảo ngược trong tính chủ thể và nhận thức, sau khi bị tách rời, và sau những gì mà nó trải qua, tự bàn tay đã có một tâm hồn của riêng nó.

Hoàng Tử Bé thì cho chúng ta những lời khuyên như sau, hãy bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ của chúng ta để ngắm nhìn thế giới, tiếp xúc với tất cả mọi thứ dù rằng điều đó có thể là sự mạo hiểm, chỉ trong sự trải nghiệm trực tiếp như bàn tay đã làm thì chúng ta mới biết được thứ gì là quan trọng cần giữ và thứ gì cần phải bỏ lại sau lưng.

Đầu phim chúng ta thấy gì? Trước khi trả lời thì nên hiểu rằng tôi đang nói trong tính ẩn dụ. Chúng ta thấy một chiếc tủ lạnh trong bệnh viện, nhiều cơ quan khác nhau của con người bị tách rời, đáng chú ý nhất là bộ não, một đống những con mắt, và bàn tay bị bao bọc trong bao nhựa; bộ não mà bị ướp lạnh thì xem như phế, con mắt dù nhìn thấy nhưng nếu thụ động nằm một chỗ cũng phế luôn, chỉ còn bàn tay có thể cử động lại bị bao bọc thì chẳng thể làm gì, nhưng bàn tay biết rằng nó không thuộc về chốn này, nên nó cố vùng vẫy, may mắn đã mỉm cười với nó khi một dụng cụ thủy tinh bị vỡ, thủy tinh cắt rách bao nhựa, bàn tay cũng đổ máu nhưng hoàn toàn xứng đáng với tự do. Sự tách rời là thông điệp quan trọng nhất trong phim này.

Xuyên suốt bộ phim, có hàng tá chi tiết thể hiện sự tách rời. Đó là những hạt cát, chúng là một phần của thân thể các sinh vật sau khi chết của đại dương, chúng bị những cơn sóng và thời gian bào mòn. Tuy nhiên đối với con người lại khác, sự tách rời của con người đối với tự nhiên hoặc giữa người với người là do họ tự tạo nên trong khi còn sống. Nhờ vào các công cụ, con người tiếp xúc với thế giới qua trung gian chứ không còn trực tiếp.

Nếu thuở ban khai chúng ta muốn nhìn hoặc nghe điều gì đó hoặc nơi nào đó, thì chúng ta phải tự thân dùng các giác quan của cơ thể, nhưng từ khi chúng ta có được các công cụ phụ trợ thì chúng ta càng ngày càng trở nên lười biếng và thụ động; sự phát triển công nghệ càng tăng thì sự thụ động càng tăng theo. Naoufel đi xe đạp, cha mẹ của Naoufel đi ô tô; ngày xưa con người đi thang bộ, ngày nay đi thang máy; Naoufel nhìn thế giới bằng mắt kính và nghe âm thanh bằng máy thu âm, người nhận nuôi cậu ấy thì nghe và nhìn bằng tivi; ngày xưa con người tự nấu ăn, sau đó thì có các quán ăn, sau nữa thì không cần ra quán hàng mà tự có người giao tới; đến cả việc nói chuyện và mở cửa cũng được tự động hóa, con người chỉ cần nằm một chỗ là có thể làm được; sách có thể mượn từ thư viện chứ không cần mua về nhà. Tất cả những điều này khiến cho mọi thứ bị tách rời và mất kết nối với nhau, hoặc nó dựng lên một sự kết nối giả tạo và hời hợt.

Vấn đề không chỉ như vậy, những đứa trẻ thời xa lắc xa lơ có thể tìm được những con sò còn sống, đến thời Naoufel thì cậu ấy thấy được vỏ con sò đã chết trên bãi biển, đến thời của đứa trẻ trong nôi thì thứ nó nhìn thấy chỉ là con cá giả bằng nhựa và tắm trong cái bồn bé xíu trong phòng. Con người thấy được sự ích lợi do các công cụ mang tới nhưng không hiểu chúng đang lấy đi thứ gì từ chúng ta, và họ lơ là với những hiểm nguy mà chúng có thể mang tới. Nếu ngày xưa sự hiểm nguy đến từ thế giới hoang dã, thì ngày nay nó đến từ các công cụ được tự động hóa, ví như vụ tai nạn của cha mẹ Naoufel hoặc sự đứt lìa bàn tay của cậu ấy, kể cả con nai cũng chết bởi chiếc ô tô.

Khi nhận thức của bàn tay đã vượt qua cơ thể, rất khó để tạo ra sự kết nối như ban đầu

Cha của Naoufel đã đúng khi bảo rằng muốn tóm được con ruồi thì phải đoán được hướng bay của nó để chặn đầu chứ không phải đập vào chỗ nó đang đậu. Vậy với những gì tôi vừa phân tích thì chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rằng những gì diễn ra với Naoufel hoàn toàn hợp lý và có thể dự đoán, nó chẳng phải là định mệnh chi cả, nó chỉ là tính nhân quả. Naoufel không biết được sự nguy hiểm khi xe đang chạy nên thò đầu ra ngoài, cha mẹ của cậu ấy không hiểu sự nguy hiểm trong lúc lái xe nên đã lơ là, Naoufel không hiểu sự nguy hiểm trong lúc vận hành máy cưa gỗ nên mới muốn tóm con ruồi.

Riêng việc tóm con ruồi cũng có tính nhân quả, từ khi còn bé thì những thứ mà Naoufel có thể nắm trong tay toàn là thứ không thực, chỉ duy có con ruồi là một sinh vật mang sức sống thật sự, và nó quá nhỏ bé để người ta có cảm giác rằng sẽ tạo ra sự nguy hiểm nào đó, khát khao muốn nắm lấy “sự sống” hoặc “sự sinh động” luôn chiếm hữu tâm trí Naoufel.

Có lẽ mọi chuyện được bắt đầu bởi bản năng sinh tồn, giống như cách mà con chim mẹ cố hất bàn tay ra khỏi tổ của nó, nhưng không ngờ rằng chính nó lại bị bàn tay giết chết, và cánh của nó đập vỡ những quả trứng trong tổ; trong góc nhìn tương quan với con người cũng vậy, các bậc cha mẹ cố gắng bảo vệ những đứa trẻ hết mức, lại không hiểu rằng con người cần trưởng thành qua những lần vấp ngã, và bản thân con người phải nỗ lực để sinh tồn.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Chính sự tách rời, sự lười biếng – thiếu nỗ lực, cái gì cũng muốn nhanh, không hiểu được tính nguy hiểm … đã tạo nên số phận của Naoufel chứ chẳng phải số phận từ con ruồi nào cả. Naoufel muốn trở thành nhạc công và phi hành gia, sau vụ tai nạn của cha mẹ thì cậu ấy quên mất ước mơ đó; khi gặp gỡ và nhận ra bản thân yêu cô gái đặt Pizza thì đến cả việc chủ động làm quen trực tiếp mà cậu ấy cũng không làm được, rồi khi sự thật phơi bày, cậu ấy đã vội vã tìm quên nó trong rượu và không làm chủ được cảm xúc, rồi sự lơ là khi vận hành máy cưa, rồi khi đứt bàn tay thì đã vội nghĩ đến chuyện từ bỏ cuộc sống.

Kết phim xẩy ra chuyện gì? Naoufel đã chết vì tự sát, dù cú nhảy qua chiếc cần cẩu đã thành công. Bạn có biết tại sao không? Vì cho đến lúc đó thì Naoufel vẫn còn là một đứa trẻ và không hiểu được giá trị của cuộc sống. Nói là Naoufel chết bởi con ruồi cũng đúng, nhưng chỉ có một đứa bé mới chết vì con ruồi. Những sinh vật trong tự nhiên cũng không chết bởi con ruồi, khi con ruồi đậu lên thân thể chúng, chúng chỉ xua đi hoặc không cần quan tâm, thứ mà chúng quan tâm là những nguy hiểm lớn lao khác đến từ bên ngoài, con nai chết vì sự lơ là của người lái, và do chiếc xe chạy quá nhanh dù con nai rất cẩn thận trước khi băng qua đường.

Bạn có biết tại sao khi mà bàn tay tìm đến được cơ thể lại không thể kết nối? Và ở đoạn cuối trên sân thượng thì nó lùi về như đang sợ hãi? Vì sau quá trình đấu tranh sinh tồn, tâm hồn của nó đã biến đổi, nó đã không thể kết nối lại với cơ thể, giờ đây nó đã trở nên độc lập, nói cách khác thì bàn tay đạt được cấp độ nhận thức vượt qua cơ thể, nó trưởng thành hơn, nếu nó kết nối lại với cơ thể, nó có thể đánh mất sự sống mà qua biết bao gian nan mới có được, tóm lại thì nó không muốn chết bởi những chuyện cỏn con như đập con ruồi, cho nên bàn tay nói Tôi Lạc Mất Cơ Thể Tôi, chính xác hơn nữa thì đó là Cơ Thể Tôi Đi Lạc.

Trong đời sống, chỉ những ai không hiểu giá trị của cuộc sống thì mới vội từ bỏ cuộc sống; có lẽ cái chết của cha mẹ khiến Naoufel bị tổn thương vô cùng sâu sắc, nhưng khoảnh khắc đó là vô cùng nhỏ bé khi so với cái sự sống mà cậu ấy được cha mẹ trao cho, cũng giống như một bàn tay không thể so sánh với cả cơ thể, cũng giống với khoảnh khắc hiểu lầm và quay đi của cô gái sẽ không là gì khi so với tình yêu; nhưng Naoufel hoặc phần đông con người đã vội từ bỏ mọi thứ đang có, nó giống như căn nhà gỗ phải tốn biết bao công sức được tạo thành, lại không thể chờ nỗi đến mùa tuyết rơi để thấy được giá trị của nó.

Tóm lại thì bí quyết sống là học cách quên con ruồi đi, còn nếu nó cứ làm phiền thì ra chợ mua chai diệt côn trùng về, “phụt” một cái, đừng nói là một con, dù có cả đàn ruồi cũng sẽ chết nhăn răng; và nhớ luôn cẩn thận với những công cụ – phương tiện mà chúng ta đang dùng, chúng rất tiện ích, nhưng chúng cũng rất nguy hiểm nếu không biết dùng cho đúng cách.

Tôi rất thích lời của Hoàng Tử Bé khi gặp người bán thuốc giải khát giúp tiết kiệm 53 phút, cậu ấy nói “Nếu tôi có 53 phút để làm gì tùy ý, tôi sẽ khẽ khàng đi tới một giếng nước“. Hoàng Tử Bé có tham gia bộ phim này đấy các bạn, cậu ấy mặc bộ đồ phi hành gia nên nhiều người đã không nhận ra, và cậu ấy cũng nói với tôi là tính lười biếng nơi con người sẽ khiến cho những cây Baobap ngày càng lớn hơn, nếu để cho loại cây này phát triển thì có ngày nó sẽ phá hủy cả hành tinh của chúng ta.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Con Đường Ảo Mộng – Mulholland Dr (2001): giải mã lại tiếng vọng một linh hồn

Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần

Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?

Căn Phòng – Room (2015): đó chỉ là chuyện về những căn phòng

Cô Gái Gián Đoạn – Girl Interrupted (1999): chúng ta điên hay tỉnh?

Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống?

Lạc Bước Tuổi 17 – Never Rarely Sometimes Always (2020): đời nhạt như chuyến xe qua

Vào Trong Hoang Dã – Into The Wild (2007): nỗi buồn khi nhận ra thế giới

Hạnh Phúc Mong Manh – The Weather Man (2005): thời đại thức ăn nhanh

Những kẻ Khốn Khổ – Les misérables (2019): bộ mặt xã hội hiện đại

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bàn về điện ảnh: xem phim để giải trí hay để học hỏi?

T6 Th9 25 , 2020
Trước khi bắt đầu, tôi xin thanh minh rằng bài viết không nhằm mục đích đả kích cá nhân hay tổ chức nào có liên quan đến điện ảnh, nói vậy là để tránh sự hiểu nhầm vì những gì tôi sắp đề cập là những vấn đề hết sức […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese