Chắc ít người không biết về bộ phim này, vì nó nằm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng IMDb với 9.2 điểm. Vì lẽ đó khi nói về nó người ta thích dùng câu “đỉnh của đỉnh” hay đại loại thế, những khi ấy tôi tự hỏi là họ khen vì “địa vị” hay vì thật sự thích, có thể họ nghĩ thích nhưng nguồn gốc sâu xa là do nó được mọi người tôn vinh, hiểu rõ chính mình luôn là điều không dễ. Tất nhiên ta không thể phủ nhận đây là một bộ phim hay, nằm top 20 trong list của tôi (vị trí số 1 là Fight Club).
Vào đầu phim chúng ta sẽ tự hỏi là anh chàng Andy phó tổng giám đốc ngân hàng này có giết người hay không, câu trả lời nằm ở gần cuối phim. Khi biết được sự thật thì điều khiến tôi ngạc nhiên là thái độ lãnh đạm của anh đối với số phận của mình, trong đoạn nói chuyện với ông già Ellis thì anh cũng bày tỏ rằng anh chấp nhận nó như một sự “xui xẻo” mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Nhưng thực tế thì điều đó khó vượt qua hơn là chúng ta tưởng, hãy tưởng tượng rằng ta vô tội nhưng phải chịu bản án 2 lần chung thân, nỗi oán hận cuộc đời và số phận sẽ gặm nhấm ta suốt phần đời còn lại. Có những thứ nói ra nhẹ nhàng nhưng đối mặt lại vô cùng khó khăn.
Nội dung bộ phim này không hề khó hiểu, tuy vậy để thật sự cảm nhận được lại vô cùng khó khăn, khó khăn nằm ở vấn đề thời gian. Chúng ta xem phim chỉ hơn 2 giờ, còn kế hoạch vượt ngục của Andy diễn ra trong 19 năm, hãy nhìn vào xã hội, mỗi người đều từng lên kế hoạch cho đời mình, có người kiên trì trong 1 năm, 2 năm, đôi khi 5 năm, cuối cùng còn lại bao nhiêu người vẫn kiên trì theo đuổi cho đến khi thành công? Nhìn lại toàn bộ những gì Andy đã làm trong suốt 19 năm dài, ta không ngăn nỗi sự thán phục bởi sự kiên cường, không bao giờ đầu hàng số phận dù trong việc nhỏ hay việc lớn, không bao giờ để mất HY VỌNG trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong tình thế tuyệt vọng. Như câu anh nói với Ellis và đám bạn tù:
“… anh cần nó (kèn harmonica) nên đừng quên, …, quên là còn có những nơi trên thế giới này không phải được làm bằng đá. Có một thứ gì đó bên trong con người anh mà họ không thể tới được, không thể chạm vào được. Những nơi đó thuộc về anh” – Andy
“Cậu đang nói về cái gì?” – Ellis
“Hy vọng” – Andy
Lần khác anh nói:
“nó (tự do/hy vọng) ở trong này (anh chỉ vào đầu), trong này (anh chỉ vào tim) … họ không thể cướp nó đi được“
Khi con người sống quá lâu trong ngục tù và xiềng xích, họ quen đi, họ bị “thể chế hóa”, họ quên rằng họ từng là một con người tự do, đến nỗi khi có được tự do thì không biết làm gì với nó, tự do như một gánh nặng để rồi tự kết liễu đời mình như ông già ở tù suốt 50 năm. Có lẽ Ellis sẽ có một kết cuộc tương tự thế nếu không gặp Andy. Andy đã trao cho nhà tù Shawshank một hy vọng thực tế bởi hành động chứ không phải bằng lời nói. Anh trao cho họ những khoảnh khắc “tự do” để đừng quên mất tự do, đó là những chai bia trên nóc tòa nhà nóng bức, đó là bài hát phát ra cho toàn thể các tù nhân.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Anh trao “hy vọng” qua cái thư viện được liên bang tài trợ, một nỗ lực kéo dài suốt 6 năm. Bạn có biết cái thư viện ấy quý giá cỡ nào không? Nó cứu hàng trăm người, hàng ngàn người, hàng chục ngàn cho đến hàng trăm ngàn người. Tôi nói quá? Không đâu! nhờ cái thư viện ấy mà tù nhân được đọc sách, được học nghề, và có thể lấy được bằng trung học – đó là những thứ họ cần khi ra tù, để khỏi bế tắt mà trở về con đường cũ hoặc có một số phận như ông già treo cổ.
Qua bộ phim thì chúng ta thấy gì về nhà tù? Đa số tất cả chúng ta đều cho rằng đó là nơi để cải biến những kẻ tội lỗi để có ngày họ trở về với xã hội. Thực tế thì ngược lại, đó là nơi đào tạo ra những tên tội phạm chuyên nghiệp, nói ví von thì đó là “ngôi trường” là “lò rèn” mà bọn tội phạm vào để học tập kinh nghiệm, mỗi lần ra tù vào khám là một lần địa vị của họ được thăng cấp trong giới anh chị. Còn về sự hung ác thì sao? Không phải là tù nhân mà là những kẻ cai tù, những kẻ có thể tra tấn người khác nhưng được pháp luật bảo vệ. Tôi thích xem các bộ phim nước ngoài về ngục tù là ở chỗ này, họ dám nói lên sự thật; để làm gì? Để nhờ chúng mà các nhà tù được kiểm tra thường xuyên, để có các camera ở nhiều góc mà ngăn ngừa sự tàn bạo, để nhà tù trở lại với ý nghĩa ban đầu của nó là cải tạo con người.
Lời Andy nói rất chí lý:
“Điều nực cười là ở chỗ, ở ngoài kia tôi là người trung thực ngay thẳng, còn khi vào tù thì lại làm tôi thành tên tội phạm“
Một số điểm khác mà chúng ta có thể bàn đến. Vì hoàn cảnh mà Andy giúp tên ngục trưởng trốn thuế và rửa tiền bẩn, lại cũng vì thế mà khi sự thật phơi bày (anh vô tội) thì cái giá phải trả là cái chết của Tommy và anh không không được minh oan. Nếu không bị nhúng chàm, có lẽ tên ngục trưởng kia có thể lật lại vụ án để có thêm danh tiếng, mọi thứ luôn có giá của nó. Và điều này cũng nói rõ một điều, nếu không có tự do, thì kể cả khi biết được sự thật thì con người cũng trở nên bất lực.
Điều làm tôi thú vị nhất chính là lối thoát nằm phía sau các cô nàng diễn viên. Sắc đẹp luôn là điểm yếu của mọi gã đàn ông (cười).
Câu chuyện là thế, giờ đến câu hỏi mấu chốt sau khi xem phim, sự cứu rỗi nằm ở đâu?. Bạn nhớ những dòng được ghi trong cuốn kinh thánh khi Andy để lại cho tên ngục trưởng chứ? Anh ghi thế này ” Warden thân mến, ông đã đúng, sự cứu rỗi nằm trong đây – Andy Dufresne“. Nếu chúng ta nhớ lại, khi tên ngục trưởng kiểm tra phòng anh, anh đáp ông ta bằng lời trong kinh thánh “Hãy cẩn thận vì bạn không biết bao giờ người chủ nhà về đâu!“, hay việc viết thư xin tài trợ cải tạo thư viện, nó ứng với một câu chuyện ngụ ngôn trong kinh thánh, một bà góa đi kiện, quan tòa không xữ nhưng cuối cùng phải xữ, quan tòa bảo “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. Quyển kinh thánh là nơi Andy dấu cái búa nhỏ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trong nó chứa đựng thứ đập vỡ nhà tù để tìm tới tự do.
“Sự cứu rỗi nằm ở đây” chính là quyển kinh thánh, mà cũng là ở những quyển sách, nơi tập trung tri thức và trí tuệ của nhân loại, chúng dạy ta hiểu giá trị sống, trao cho ta sự khôn ngoan, khiến tinh thần ta mạnh mẽ, khiến tâm hồn ta luôn có niềm tin và hy vọng, và đó là thứ mà chẳng ai có thể chạm tới được hoặc cướp đi được.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Căn Phòng – Room (2015): đó chỉ là chuyện về những căn phòng
Đảo Kinh Hoàng – Shutter Island (2010): 3 cấp độ hiểu
Hãy Đứng Bên Tôi – Stand by Me (1986): điểm tựa của cuộc đời
Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm
Cô Gái Gián Đoạn – Girl Interrupted (1999): chúng ta điên hay tỉnh?
Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao