Shutter Island (2010) là phim sẽ khiến bạn “đau đầu” thuộc hàng bậc nhất, vì khi xem xong, bạn sẽ không phân biệt được thật – giả. Cách đây nhiều năm, khi xem Shutter Island – Đảo Kinh Hoàng lần đầu, tôi nghĩ rằng “Teddy” là bị điên và cuối cùng anh đã tỉnh lại. Nhưng hiện tại, sau khi tôi xem bộ phim này lần nữa, tôi không chắc về điều đó. Và tôi nhận ra rằng phim có 3 cấp độ hiểu khác nhau. Phần đông mọi người chỉ hiểu ở 2 cấp độ đầu tiên, trong khi cấp độ thứ 3 mới là thông điệp chính và là ý nghĩa của bộ phim. Sẽ có cấp độ thứ 4 hay không thì tôi không biết. Phim có IMDb 8.1
Cấp độ 1:
Sau khi xem xong phim, bạn sẽ tin rằng Teddy thật sự bị điên, vì những gì anh ấy nhớ lại được thể hiện rất rõ ràng, và anh ấy chấp nhận đó là sự thật. Không chỉ thế, những lời giải thích của vị bác sĩ có vẻ vô cùng hợp lý. Chúng ta cũng không thể tìm được gì ở ngọn hải đăng.
Cấp độ 2:
Khi xem xét kỹ hơn, một khả dĩ khác có thể là sự thật, hòn đảo là nơi dùng để nghiêng cứu cách tẩy não con người, khiến con người bị biến đổi để trở thành công cụ phục vụ cho tội ác. Nghĩa là cả 2 trường hợp đều có thể là sự thật, vở kịch diễn ra có thể nhằm mục đích chữa bệnh, hoặc có thể nhằm mục đích tẩy não. Những thứ thuốc mà Teddy uống có thể là thuốc gây ảo giác và khiến con người mê muội, khi kết hợp với một kịch bản hoàn hảo, nó có thể khiến cho Teddy tin rằng anh bị điên.
Điều thú vị là lời giải thích của ông bác sĩ (ở cuối phim) và của bà bác sĩ (trong hang động) thì đều đúng cả, tuy rằng nó có sự đối lập. Về chữ “Run”, nó có thể là lời cảnh báo của một người tốt, cũng có thể là sự cố ý muốn Teddy càng thêm nghi ngờ; những chi tiết khác cũng có thể giải thích theo 2 cách. Tôi khá kinh ngạc về cách mà trí não của chúng ta hoạt động, vì nó quá là thông minh, nó thông minh đến nỗi khiến chúng ta chẳng biết đâu là sự thật (cười).
Cấp độ 3: đây là thông điệp chính, và cũng là ý nghĩa của bộ phim
Giới hạn trong cách hiểu của cấp độ 1 và cấp độ 2 là đã bị những chi tiết bên ngoài làm rối mắt. Giống như con người bị lạc trong mê cung, mục đích chủ yếu của họ là làm thế nào để tìm được lối ra. Vì thế họ quên mất họ là ai, quên mất bản chất của sự việc, không nhìn rõ những gì đang tồn tại.
Thông điệp 1:
Vậy khi xem phim này, tất cả chúng ta đã quên mất những điều gì? Đó chính là tội ác. Tại sao chúng ta lại có thể quên một điều vô cùng quan trọng đó? Hãy nhớ lại những gì chúng ta đã thấy, những xác người chết đã đóng băng, họ đều là phụ nữ và trẻ em, hoặc chuyện 3 đứa trẻ bị người mẹ giết chết. Việc chúng ta cần đặt lên hàng đầu là ngăn chặn việc sát hại đó lại. Chúng ta giết những tên lính Đức quốc xã thì người vô tội cũng không thể sống lại.
Giả sử những gì Teddy nhớ lại là đúng, thì lỗi lầm đó thuộc về anh, vì anh chỉ chú tâm truy bắt tội phạm, anh bỏ mặc người vợ trong sự hoảng loạn, nó dẫn đến cái chết của 3 đứa trẻ. Hoặc những người lính Đức quốc xã, trước khi họ trở thành như thế, thì họ đều là những người bình thường như chúng ta. Có sự giống nhau giữa trường hợp người vợ và người lính. Chúng ta chỉ hành động sau khi sự việc đã diễn ra. Như vậy thì được ích gì?
Thông điệp 2:
Lời cuối cùng của Teddy: “Điều gì đáng sợ hơn? sống như một con quái vật hay chết như một người tốt?”
Dù sự thật là như thế nào, dù mê cung dẫn chúng ta đến bất cứ đâu, nếu chúng ta vẫn nhớ chúng ta là ai, thì chúng ta sẽ không bao giờ lạc lối. Sự chọn lựa của Teddy thể hiện rằng anh là người chiến thắng sau cùng, anh là một người tốt. Teddy đã chiến thắng trong cả 2 trường hợp có thể xẩy ra.
Trường hợp 1: Teddy bị điên là sự thật, và mọi người đang thật sự tìm cách chữa trị cho anh. Nghĩa là anh có xu hướng bạo lực, và việc đó có thể tái diễn mặc dù hiện tại anh đã tỉnh lại. Việc Teddy tiếp tục giả vờ bị điên là để họ ngăn sự điên loạn đó vĩnh viễn. Sẽ không bao giờ xẩy ra chuyện anh mất kiểm soát và trở thành kẻ giết người, như anh từng giết lính Đức quốc xã, hoặc giết vợ.
Trường hợp 2: Họ đã tẩy não Teddy thành công, khiến anh tin rằng anh bị điên, chứ không phải đang tiến hành điều tra về tội ác của họ. Thì chọn lựa đó cũng khiến sự thành công của họ trở thành thất bại. Tôi sẽ giải thích rõ hơn, họ thành công trong việc thay đổi sự thật, nhưng họ thất bại trong việc thay đổi bản chất một người tốt thành người xấu. Dù Teddy là tỉnh hay bị biến thành điên, thì anh vẫn không muốn làm người xấu. Đó là mấu chốt của vấn đề, và chọn lựa đó thể hiện loài người vẫn còn hy vọng.
Có một điều nữa mà chúng ta phải hiểu, trong cả 2 trường hợp, họ sẽ không bao giờ để Teddy rời khỏi hòn đảo. Việc những bệnh nhân cũ nhận ra Teddy cũng cho chúng ta biết rằng anh từng ở trên đảo này, trong lần “chữa trị” đầu tiên đó, chúng ta không biết họ đã “biến đổi” anh thế nào. Vì vậy mọi “giải thích” mà ta nghĩ là “hợp lý” đều có thể là dối trá.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Thông điệp 3:
Cảnh đầu phim là một con thuyền đang lênh đênh trên biển, cảnh cuối phim là ngọn hải đăng. Nó mang tính ẩn dụ, con thuyền đó là xã hội loài người. Nếu con thuyền đi trong đêm đen mà không có ngọn hải đăng soi đường, nó sẽ không tìm thấy bến cảng và đâm vào đá ngầm vỡ tan. Vì vậy ngọn hải đăng cũng là biểu tượng cho những người đang thống trị thế giới. Chúng ta đã thấy ai trên ngọn hải đăng? Đó là ông bác sĩ, ông là đại diện cho các nhà khoa học, tư tưởng gia, và chính phủ.
Ngoài ông bác sĩ thì chúng ta còn thấy gì trên đó? Không gì cả, không máy móc và không công cụ, chỉ có cái bàn và những lời nói của bác sĩ. Tất cả các chuỗi sự kiện và màn trình diễn đã kết thúc khi Teddy đến được nơi đó, và Teddy đã bị biến đổi. Nếu tất cả sự việc là vì mục đích “chữa bệnh” thì thật đáng mừng, nhưng nếu đó là “tẩy não” thì loài người chúng ta nguy rồi.
Tôi từng nói rất nhiều lần, thứ đáng sợ nhất là thứ mà chúng ta không nhìn thấy được. Nó được đề cập trong Midsommar, 12 Monkeys, Inception, The Witch, Se7en, The Fountain, Get Out, Cloud Atlas và rất nhiều phim khác. Đó là tư tưởng của con người, đó là thứ gieo vào đầu của chúng ta. Tư tưởng bệnh hoạn cũng chính là con “virus” gây ra tội ác mà tôi nói trong “thông điệp 1”. Teddy và chúng ta sẽ chẳng tìm thấy gì trên ngọn hải đăng, chỉ có tư tưởng mà thôi. Vì vậy hãy cẩn thận khi tiếp nhận thứ gì đó vào đầu của chúng ta.
Bàn luận thêm:
Tôi e rằng hiện tại thì tôi nghiêng về trường hợp thứ 2. Vì có 2 dấu hiệu thể hiện điều đó: họ đã để tấm bảng ghi dòng chữ “Remember us for we too have lived, loved and laughed” trở nên tàn tạ, ngọn hải đăng đã không chiếu sáng dù đã hoàng hôn.
Trong 2 trường hợp là “chữa bệnh” (tốt) và “tẩy não” (xấu). Nếu nó mang tính cá nhân, thường là điều tốt. Nếu nó mang tính tập thể, thường là điều xấu. Vì một tập thể chỉ nỗ lực vì lợi ích của nó, mà lợi ích của nó là khống chế con người chứ không phải giải phóng họ, nên khả năng “tẩy não” sẽ cao hơn. Tất nhiên lập luận này là bi quan và là góc nhìn thiển cận. Vì một tổ chức sẽ phát triển hơn nếu đa số các thành viên đều là người bình thường và không điên. Tất cả phụ thuộc vào quan điểm của những người quản lý tổ chức – xã hội.
Hiện thực xã hội, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa cực đoan, mâu thuẫn giữa các quốc gia, những nguy cơ sắp đến cũng thể hiện điều đó. Buồn làm sao!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
………….
Trong Chí Blog có nhiều bài phân tích sâu vào các vấn đề, các bạn nhớ tìm đọc thêm. Nếu các bạn đọc đủ nhiều, các bạn sẽ dễ dàng giải mã những bộ phim mà người khác không giải mã được. Bạn nhớ like và share các bài viết nữa nhé.
Bài viết cho phim sau còn phức tạp và ý nghĩa hơn cả phim này, các bạn nhớ đừng bỏ qua.
hay lam Minh Tri !!!!
Cảm ơn bạn!!!