Note: Xem phim trước khi đọc bài – điều này rất quan trọng để hiểu bài viết này.
The Witch một trong cực ít bộ phim mà sau khi xem xong tôi chẳng hiểu gì, “hiểu” ở đây nghĩa là hiểu cái hàm ý bộ phim muốn truyền tải chứ không phải là nội dung hoặc diễn biến. Lần đầu tiên tôi cảm thấy ngớ người, tình tiết rất chậm và mang lại cảm giác hơi chán ngán, vì nó là một bộ phim kinh dị – huyền bí. Do đó phải cầu viện đến những bài review khác, các bài của VN thì không nói lên điều gì có ý nghĩa, các bài viết của nước ngoài nhờ google dịch thì cũng nói mông lung khó hiểu, nhưng may mắn là sau đó tôi đã tìm được gợi ý trong một bài viết nên đã xem lại lần thứ 2 mới hiểu.
Nghệ thuật ngày nay là nghệ thuật mang tính trừu tượng, để thật sự hiểu thì người ta cần trang bị một lượng kiến thức rất lớn về chuyên ngôn lẫn khả năng nhận thức. Nếu bạn không tích cực đuổi theo, khả năng ngày nào đó thể loại phim tâm lý hoặc huyền bí, hoặc các phim đoạt giải sẽ bị loại ra khỏi khả năng hiểu của bạn. Tất nhiên bạn sẽ không bao giờ biết điều đó, giống như dân phương tây vào các viện bảo tàng để xem tranh nghệ thuật, rất nhiều người xem tranh sẽ hiểu chúng nghĩa gì, nhưng nếu cho chúng ta – dân VN xem thì xem mà như mù.
Sau khi hiểu phim, tôi đã tự hỏi là tại sao lần đầu xem mà không hiểu? Nhờ đó rút ra một nhận định rất quan trọng, khi ta đang xem, cái ta nhìn thấy là thực tại đang diễn ra và ta bị nó lừa phỉnh. Thực tại giống như một bức tranh chỉ hiện lên trong phút chốc rồi tắt ngấm và chuyển cảnh, vậy khi nhìn vào bức tranh của thực tại thì ta chỉ có thể tập trung sự chú ý vào những gì là ấn tượng với ta, các chi tiết còn lại trong bức tranh ấy đều nhạt nhòa, sau đó một thực tại mới lại hiện ra và sự việc tái diễn, đến cuối cùng thì cái mà chúng ta tổng hợp được là một chuỗi những chi tiết khiến ta chú ý chứ không phải bức tranh toàn vẹn của tất cả các thực tại ấy. Đó chính là lý do tại sao cùng một sự việc diễn ra nhưng những người chứng kiến lại kể theo nhiều hướng khác nhau.
Sau khi tìm được gợi ý, và đã nắm được nội dung của cả câu chuyện, thì trong lần xem thứ 2, điều mà tôi chú ý chính là những chi tiết liên quan đến sự gợi ý, khi này câu chuyện lại biến đổi và các chi tiết đó liên kết với nhau thành một chuỗi hợp lý. Gợi ý mà tôi tìm được chính là cô gái nhân vật chính, cô ấy đẹp – dịu dàng và bị đối xữ bất công.
Lần xem đầu:
Tôi tội nghiệp cô gái, vì cô đẹp nên sự tập trung của tôi chính là vẻ đẹp ấy, giống như cách mà cậu em trai khi nhìn vào cô chị ở tuổi 16-17, cậu chú ý gì thì tôi chú ý đó (cười). Chúng ta hay mắc một sai lầm cơ bản, khi nhìn vào cái gì đẹp và có vẻ ngây thơ thì ta thường đồng hóa với một tính cách tốt đẹp. Khi thấy cô (gái đẹp) bị đối xữ bất công thì chúng ta cực kỳ bất bình và muốn che chở, và những chi tiết/liên hệ đến tội ác đều trở thành nhạt nhòa mờ ảo, hoặc xem đó là sự trùng hợp, còn nếu cô ấy bị người trong gia đình buộc tội thì ta nghĩ cô ấy bị oan và thấy bất bình.
Trong bức tranh của thực tại, nhận thức của ta cũng sẽ bỏ qua hoặc xem nhẹ những chi tiết mang tính thường hằng, ví dụ như lời cô gái cầu nguyện với Chúa ở đầu phim, ta sẽ nghĩ ai theo đạo cũng nói thế, hoặc khi đứa em nghịch ngợm thì cô hâm dọa nó – điều chúng ta vẫn thường làm. Hoặc những định kiến phổ biến như phù thủy phải là một bà già gớm ghiết, rồi thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người ngoan đạo có đức tin mạnh mẽ và dám chống lại sự bất công từ số đông, thêm vào sự ám ảnh của những truyền thuyết huyền bí khiến ta lạc lối trong nhận định.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Lần xem thứ 2:
Khi trọng tâm đặt vào các tình tiết liên quan đến cô gái chứ không phải bản thân cô, ta tìm được lời giải đáp. Lời cầu nguyện hóa ra là lời thú tội, mà nếu đọc kỹ thì còn mang sự báng bổ. Cái áo màu đỏ mà đứa bé nằm lên là cái áo mụ phù thủy mặc, tất cả những cái chết và mất tích đều liên quan đến cô, kể cả con chó và con ngựa. Khi các thành viên định làm gì đó mà có thể gây bất lợi cho cô hoặc tạo khả năng cho sự thật phơi bày thì chắc chắn có chuyện xấu diễn ra để cản trở việc đó. Hoặc khi người cha bị con dê đâm lần đầu, ông cầm búa lên nhưng sau đó ném đi. Liên kết tất cả lại, ta tìm được kẻ thủ ác. Tuy nhiên, nên nhớ rằng không có bất kỳ cảnh nào cho thấy hung thủ đã phạm tội, nếu có 1 cảnh trực tiếp thì cũng vì tự vệ.
Phân tích:
Phim được vẽ lên theo cách giống như người ta nghe sự thuật lại từ một người – cô gái, ví như cảnh đứa bé mất tích là lời kể của cô với gia đình, các cảnh tiếp theo cũng thế vì chỉ có cô là người sống sót. Tiếp theo chúng ta quá tin vào đức tin có hướng cuồng tính của 2 người là cha mẹ, trong khi tôn giáo thời ấy còn mang nặng trong nó những hình ảnh huyền bí tà ác như chuyện phù thủy, con người thiếu tri thức và hiểu biết để nhìn rõ sự thật. Con người còn quá ngây thơ với những tăm tối vẫn ngủ sâu trong tâm trí họ, quyết định rời cộng đồng để đến nơi hoang vắng là một quyết định vô cùng sai lầm của người cha, vì nơi đông người thì tội ác của một cá nhân rất khó phát sinh, nhưng nó sẽ nẩy nở khi đến nơi âm u hoang vắng, không những vậy, tội ác còn bị thúc đẩy bởi những khó khăn mà thực tế mang lại.
Phim cũng đề cập đến đức tin tôn giáo, một đức tin mù quáng thiếu thực tế chỉ mang lại sự bất hạnh. Mà thời ấy là thời kỳ còn rất nhiều bất công trong xã hội, đặt biệt là với phụ nữ; khi tôn giáo không phải là chỗ dựa đối với những người chịu đàn áp thì họ sẽ không dựa vào đó, mà sẽ dựa vào những quyền năng dù là u tối để họ có thể được tự do. Tôn giáo thời ấy cũng mang ít tình yêu thương thật sự, lại đặt nặng sự trừng phạt, nên khi phạm tội, con người ít khi quay đầu vì không cảm thấy mình sẽ được tha thứ. Sự ám ảnh về trừng phạt cũng như sự bất công còn tồn tại sẽ khiến con người sống trong sự giả tạo, họ phạm tội nhưng họ không dám nhận, sự oán hận không được giải tỏa và bị đè nén để chờ ngày bộc lộ.
Phim này hay ở chỗ ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa, sự huyền bí, kẻ thủ ác đang diễn kịch, hoặc kẻ thủ ác là một kẻ tâm thần phân liệt/đa nhân cách. Khi bạn biết được hung thủ và xem lại phim lần 2, bạn sẽ thấy phim nói về những tội ác vô cùng khủng khiếp, nghe những gì cô gái nói rất rợn người, ví như câu “em đây rồi! em đây rồi!” trước khi đứa bé mất tích. Những tội ác trong phim là không thể tha thứ, giết trẻ con, loạn luân với em trai, giết anh chị em, giết cha mẹ. Những tội ác như thế chỉ thường diễn ra với những tâm hồn non trẻ u tối, thiếu nhận thức và bị ám ảnh bởi sự giết chóc như là phương tiện để thỏa mãn dục vọng thấp hèn hoặc tự do. Vì thế con người phải biết tự bảo vệ mình bằng cách rời xa những nơi hoang vắng và tăm tối, không tham gia vào các hoạt động bí ẩn không được công khai, và phải luôn tìm cách bảo vệ tâm hồn mình trước những tư tưởng u uất, tìm đến những tư tưởng yêu thương và trong sáng, để tránh trở thành nạn nhân hoặc kẻ thủ ác, vì chúng ta khó mà thấy được con quái vật đang ngủ sâu trong ta trước khi nó hiện hình.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim được tôi giải mã khác nhiều người, hoặc giúp bạn dễ hiểu hơn: Donnie Darko, Arrival , AVENGERS Endgame, Mystic River , Interstellar , Shutter Island , Midsommar , Inception, 12 Monkeys , The Fountain , Suspiria …
………………….
Phim lồng ghép tôn giáo và huyền bí nên, việc tôi hiểu đúng không thì không chắc nhé các bạn 🙂
Em đã từng xem 1 số bài review của bác. Nói thật đoạn đầu bác dẫn ý rất hay, khiến người đọc tò mò và muốn tìm hiểu thêm về quan điểm của bác. Tuy nhiên đọc hết bài thì thấy ý tứ rất ngô nghê, không có lập luận, luận cứ rõ ràng.
Ví dụ:
Nhưng “thiếu nhận thức như thế nào?”, “ám ảnh bởi sự giết chóc ra sao?”, thể hiện ở tình tiết nào thì bác không nói. Tất cả đều diễn giải theo ý chung chung cứ như cho đủ chữ vậy.
Đoạn này cũng thể, câu nói “Em đây rồi” rợn người ở chỗ nào? Chỉ như vậy đã thể hiện cô gái giết em và gây ra tội lỗi ư?
Nói chung, để viết review phim thì không nên chạy đua theo số lượng, đầu phim để hút donate mà nên đầu tư hơn về mặt nội dung sẽ tốt hơn. Đã 2 lần em vào xem blog của bác với hy vọng hấp thu được góc nhìn độc đáo về phim, chỉ tiếc là thất vọng và thấy lãng phí thời gian của mình.
Bạn thấy bài viết của tôi ngô nghê không sao cả, đó là quan điểm của bạn. Nếu bạn thấy phí thời gian của bạn thì bạn có thể đọc những trang mà bạn cho rằng lợi ích hơn. Trang Chí Blog này không chạy theo số lượng để hút donate, tôi đang cười vì điều này hihi! Ít người thấy được sự độc đáo trên trang của tôi, bạn không thấy được cũng không lạ, vài năm sau bạn quay lại đọc sẽ thấy khác, nhưng có lẽ bạn sẽ quên những gì bạn nói lúc này về bài viết của tôi.
Tôi tính không muốn nói thêm nhưng vì bạn đã bỏ công ra viết bình luận dài vậy nên chỉ bạn vài bài review về quan điểm khác trên trang của tôi, đọc hay không là tùy bạn, nhưng bạn chỉ thấy nó khác khi so bài của tôi với nhiều bài trên nhiều trang khác. Hãy đọc bài của những phim sau đây, và nhớ xem phim, còn nếu đọc xong mà không thấy được khác biệt ở đâu thì nói thật là trang của tôi không phù hợp với bạn: The Unholy, The Empty Man, Weathering With You.
Nhớ so với thật nhiều bài viết khác trên mạng nhé hihi