Mulholland Dr (Con Đường Ảo Mộng – 2001) là phim kinh dị ẩn chứa nhiều sắc màu ma mị và siêu thực khiến người xem phải ám ảnh, rất khó để nắm bắt được sự thật khi chúng ta chỉ thấy được những cái bóng trong một giấc mơ. Đây là bộ phim thứ 2 (sau The Witch) mà tôi phải nhờ đến lời giải từ nhiều người và nhiều nguồn khác nhau để có một định hình nào đó giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn, nếu bộ phim kia mang đến vài gợi ý để nhìn thấy sự thật thì bộ phim này khiến tôi khá hoang mang khi có quá nhiều sự khác biệt trong sự diễn giải giữa tôi và nhiều người khác; nhưng dù sao thì phim có cái mác ‘siêu thực’, mà đã ‘siêu thực’ thì chúng ta muốn nói sao cũng được miễn là những gì chúng ta nói được xây dựng trên vài cơ sở hợp lý nào đó. Cho đến hiện tại, sau khi giải mã biết bao bộ phim khó hiểu, thì Mulholland Dr đang đứng vị trí số 1 về mức độ hack não, vị trí thứ 2 là The Witch và thứ 3 là Eternal Sunshine of the Spotless Mind, thứ 4 là Pi. IMDb 8.0
Phim kể về một cô gái từ vùng quê đến Hollywood để theo đuổi điện ảnh, sau đó thì cô ấy gặp được tình yêu của chính mình, và cuối cùng thì cô ấy sống mãi bên người mà cô ấy yêu. À tôi bỏ qua đoạn giữa có nhiều kịch tính, nếu muốn biết thêm thì bạn phải xem phim hoặc đọc bài tiếp.
Ý nghĩa thông điệp phim
Tôi sẽ không thuật lại nội dung phim, về phần diễn giải những gút mắc trong chi tiết, so với đa số các bài viết của người khác thì có vài chỗ trọng yếu khác biệt, ví như họ cho rằng Betty/Diane từng bị lạm dụng khi còn bé hoặc những gì xẩy ra với Adam trong mơ là quả báo cho việc anh ta từng làm trong hiện thực, cùng vài chi tiết nữa … thì tôi diễn giải hoàn toàn khác.
Bộ phim được bắt đầu với cảnh khiêu vũ như trong một cơn say vui vẻ và háo hức, phía sau phông nền in lên bóng đen của những người khiêu vũ, nhưng đôi khi trong cái bóng đen đó lại có chứa vài hình ảnh thực lướt qua; nếu phải diễn giải cảnh này thì nó ám chỉ cái thế giới đầy ma mị và cuồng loạn của Hollywood, và phía sau là những giấc mơ không thành, là cơn mộng mị trầm uất của những người đang khiêu vũ. Sau đó là cảnh tầm nhìn rơi dần vào chiếc gối màu đỏ giống như ai đó chìm vào một giấc ngủ say. Đối với những phim đậm tính nghệ thuật, việc lấy màu sắc như một ám chỉ thì được sữ dụng rất thường xuyên, với tôi thì màu đỏ là biểu tượng của máu, sự oán hận và chết chóc, vì nó rất hay dùng trong các phim kinh dị hoặc tâm lý.
Sau khi bạn đã xem hết bộ phim, sẽ hiểu rằng 2/3 bộ phim chỉ là một giấc mộng đẹp của Diane, thực tế tàn khốc và đen tối hơn nhiều. Cơ sở trọng yếu nhất khiến tôi có quan điểm trái ngược với nhiều người chính là tình yêu mãnh liệt của Diane dành cho Camilla, điều này không khó để diễn giải. Đối với những ai đã từng bị lạm dụng khi còn bé, tai nạn đó sẽ khiến cho tâm lý lẫn sinh lý của nạn nhân rơi vào trạng thái trơ ỳ và có phần vô cảm, giống như một tờ giấy trắng đã bị hoen ố, và người đó khó lòng đặt niềm tin vào tình yêu đối với người khác, họ sẽ nhìn đời với cặp mắt nghi ngờ đầy chua chát, và trong hoàn cảnh đó Diane không thể không nhìn ra bản chất thật sự của Camilla nói riêng và toàn bộ cái ‘sân khấu’ Hollywood nói chung. Vậy sự thật là quá khứ của Diane mang màu sắc ngược lại, cô ấy được được giáo dục tốt, có phần ngây thơ trong niềm tin trở thành một diễn viên danh tiếng nhờ vào tài năng, nhưng thực tế giống như một ‘ca nước lạnh’ tạt thẳng vào ‘giấc mộng’ đó.
Khi phim chuyển sang đoạn Diane tỉnh giấc, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được bản chất Diane hoàn toàn khác biệt với những người còn lại, ví như Camilla, Adam, cô gái đã hôn Adam trong buổi tiệc, hoặc những người trong buổi tiệc đó, hoặc tên sát thủ; tâm trạng của Diane bị chi phối bởi tình yêu, trong khi tất cả những kẻ còn lại thì bị chi phối bởi tham vọng danh tiếng và sự giàu sang, họ có thể bán tất cả, không từ thủ đoạn để ngoi lên, việc đó như một sự hiển nhiên trong ngành giải trí, và nếu họ có giết nhau thì chắc chắn không phải vì tình mà sẽ vì danh và lợi, điều ngược lại chỉ diễn ra đối với những tâm hồn nhạy cảm, những nghệ sĩ thực thụ tin tưởng vào tình yêu và nghệ thuật, và chỉ những nghệ sĩ chân chính mới còn giữ được lương tâm trong sáng để rồi sau sự thất vọng não nề khi nhìn rõ bản chất con người và những tội lỗi của chính họ thì mới dẫn đến sự dằn vặt lương tâm và tiến đến hành động tự sát. Còn đối với những kẻ muốn đạt được danh vọng bằng những con đường ngắn nhất thì làm gì có lương tâm mà dằn vặt.
Chính sự thất vọng đó đã tạo ra sự tương phản mà chúng ta thấy trong giấc mơ của Diane, cô ấy mơ thấy bản thân sống trong một thế giới vô cùng tươi đẹp. Nếu trong hiện thực Camilla là một cô gái bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích, thì trong giấc mơ Rita (thực tế là Camilla) chỉ là một cô gái yếu đuối cần Betty (thực tế là Diane) che chở và bảo vệ; nếu trong hiện thực Adam là gã háo sắc thường dùng địa vị đạo diễn lợi dụng các diễn viên nữ xinh đẹp thì trong giấc mơ anh ấy là một người tốt và đáng thương, anh ấy dám chống lại những thế lực đang điều khiển Hollywood, và việc anh ấy chọn Camilla (thực tế là cô gái hôn Camilla trong buổi tiệc) vào vai nữ chính là do bị ép buộc và không còn cách nào khác; hoặc người phụ nữ tên Coco, trong hiện thực là một kẻ rất khó ưa khi cứ khơi lên nỗi đau của người khác, còn trong mơ thì chỉ là một phụ nữ khó tính giữ vai trò quản lý những căn nhà nơi Betty dọn đến.
Bạn hiểu tôi đang nói gì không? Bằng vào giấc mơ, Diane đang tự biện hộ cho bản chất của những con người đó, rằng họ là những người tốt, và nếu họ làm ra những chuyện trái với lương tâm thì chỉ do bị ép buộc; còn thực tế thì tất cả họ đều thối tha như nhau và cùng một giuộc với nhau chứ chả ai ép ai cả. Trong giấc mơ, Diane đến với nghệ thuật với sự trong sáng nhất và việc cô ấy được chọn vào vai chính trong một phim khác là nhờ vào tài năng thật sự của chính cô ấy, và cô ấy cũng không quá xem trọng cái danh vọng trở thành diễn viên nổi tiếng, nó thể hiện qua chuyện Diane đã rời khỏi phim trường để gặp Rita, và Rita không phải là Camilla để không bị cái thế giới phồn hoa đó hủy hoại.
Với đoạn đầu cảnh tên tài xế muốn giết Rita nhưng bất thành, Diane đổ lỗi cho việc có kẻ muốn giết Rita chính là những con người của ‘Hollywood’ chứ không phải bản thân cô ấy, hoặc tên sát thủ giết những kẻ đã theo đuôi thế lực đen tối chứ không do cô ấy thuê giết Camilla trong thực tế. Còn thế lực đen tối là ai? Có địa vị cao nhất là gã đàn ông ngồi trong căn phòng tối, 2 người đàn ông trong cuộc họp là kẻ đại diện, và gã cao bồi là kẻ thừa hành giải quyết rắc rối – biểu tượng cho thứ luật rừng không cần biết đến lý lẽ.
Tại sao Betty và Rita thấy xác chết trong căn phòng số 17 (con số này có lẽ thể hiện cô ấy đến LA lúc 17 tuổi)? Chúng ta biết cái xác đó là hình ảnh phản chiếu của Diane trong thực tế, nó thể hiện rằng Diane hiểu tâm hồn của chính cô ấy đang trở nên ‘thối rữa’ trên con đường đạt đến danh vọng trong thực tế khi lún sâu vào thế giới của Hollywood, hoặc phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Camilla, và việc cô ấy thuê người giết Camilla.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Đến lúc này, còn vài điều cần được giải mã, đó là hình ảnh 2 ông bà già, chìa khóa và chiếc hộp màu xanh, buổi biểu diễn trong nhà hát, và câu chuyện 2 người đàn ông gặp ‘con quỷ’ – người vô gia cư giữ chiếc hộp, ý nghĩa tựa phim. Trong nhiều phim, màu xanh là biểu tượng cho nỗi u sầu, cho nên chiếc hộp và chìa khóa màu xanh đại diện cho một thực tế khắc nghiệt không thể tránh khỏi, nó cũng gắn liền với người vô gia cư, đó là sự ám ảnh của những kẻ thất bại trên con đường tìm kiếm sự thành công, nó cũng tương đồng với hình ảnh gã cao bồi đã buộc Diane rời bỏ giấc mơ để tỉnh lại.
Chiếc chìa khóa xanh dẫn Diane đến buổi biểu diễn, và tại đó, Diane hiểu ra rằng tất cả mọi thứ đều là tiếng vọng của những giấc mộng không thực, là giấc mơ khi ngủ hoặc là những kỳ vọng trong hiện thực thì đều là những ảo tưởng do con người tạo ra, tất cả chỉ giống như một vở bi kịch hoặc một trò ảo thuật hào nhoáng trên sân khấu, thứ còn lại cuối cùng là một khoản lặng và những giọt lệ của người nghệ sĩ chân chính, vì sau khi xong vở diễn, nghệ sĩ sẽ rời khỏi sân khấu, khán giả cũng ra về, mọi thứ sẽ trống không.
Hình ảnh 2 ông bà già đại diện cho những điều mà Diane đã được dạy dỗ khi còn bé, đó là một phần về những luân lý (mang màu sắc thủ cựu) đang đè nặng lên lương tâm của Diane; để đạt được danh vọng, Diane đã đi ngược lại hoàn toàn những gì được dạy, cô ấy có thể từng ‘tiếp khách’ (mại dâm) – điều này là khó tránh trong thế giới phù hoa của Hollywood, quan hệ đồng tính, giết người.
Chuyện 2 người đàn ông và ‘con quỷ’ mang một hàm ý vô cùng sâu sắc về bản chất loài người, đó là khi họ mơ – ‘giấc mơ’ trong khi ngủ lẫn khi thức, nếu đó là ‘giấc mơ’ đẹp, họ sẽ không tìm đến nó trong thực tế; nhưng nếu đó là cơn ác mộng, nó sẽ thôi thúc họ tự dấn thân đến để tìm hiểu và vì thế mà hiện thực tự nó biến ác mộng thành sự thật. Nói rõ hơn, bất kỳ ai dù có ngây thơ cách mấy cũng hiểu rằng việc dấn thân vào con đường phù hoa và danh vọng của Hollywood thì sẽ phải đánh đổi bằng gì, và nó sẽ mang lại những nỗi đau gì, nhưng họ vẫn một mực lao thân vào đó. Trong khi có rất ít người giữ vững lấy hoài bão trong sáng thuở ban đầu và kiên trì đến phút cuối cùng.
Trong phim chúng ta thấy tổng cộng có 3 con đường, Sunset của thành phố Los Angeles nơi Camilla chạy đến sau khi thoát chết trong mơ và cũng là nơi Betty đã đến, Sunset nghĩa là hoàng hôn – vẫn còn chút ‘ánh sáng’ mặt trời; Mulholland Dr – con đường dẫn đến Hollywood nằm trên cao, chúng ta thấy một chiếc xe đang chạy trên con đường tối tăm mịt mù, ánh sáng duy nhất được phát ra là từ chính chiếc xe, và nó chỉ có thể chiếu sáng một đoạn đường rất ngắn phía trước, phía trước nữa và phía sau chiếc xe thì toàn là bóng tối, xe không biết nó sẽ chạy đến đâu và đang ở đoạn nào trên con đường đó; con đường thứ 3 là ‘đường tắt’ mà Camilla đã dẫn Diane lên ‘đỉnh núi’ nơi diễn ra ‘buổi tiệc’ – nơi đã khiến cho Diane phải đau đớn tột cùng để đưa ra quyết định giết Camilla rồi sau đó tự sát, con đường này dẫn thẳng đến cái chết. Chắc hẳn khi tôi liệt kê 3 con đường này thì bạn đã hiểu được hàm ý của nó, nếu phim cho chúng ta thấy những cái chết của con người, thì nó cũng là biểu tượng về cái chết của tâm hồn và lương tâm của họ.
Kết phim là cảnh Diane hạnh phúc bên Camilla, đó có lẽ là thiên đường mà Diane vẫn mơ ước, cảnh đó nối tiếp cảnh ban đầu mà chúng ta thấy trong phim, vì lúc này vở bi kịch tăm tối của hiện thực cũng đã hạ màn, và sẽ chẳng còn ai có thể đánh thức họ khỏi giấc mộng thiên thu này một lần nữa.
Giờ thì bạn có thể xem lại bộ phim này, so sánh diễn giải của tôi và diễn giải của người khác, rồi tự đưa ra nhận định của chính bạn. Sau khi viết bài này, sự ám ảnh của bộ phim Mulholland Dr này cũng kết thúc.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
……………………………
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Phù Thủy – The Witch (2015): nơi mà cái ác thành hình
Tia Nắng Vĩnh Cửu Của Tâm Hồn Tinh Khiết (2004): đồng nghĩa – khác ý
Hằng Số Pi – Pi (1998): Bí mật của Thượng Đế
Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng
1408 (2007): nỗi đau – oán hận – địa ngục
Bí Mật Dưới Nấm Mồ – The Cell (2000): hậu quả của sự cực đoan
Thiên Nga Đen – Black Swan (2010): con đường của sự hoàn hảo và tự do
Màu Xanh Nồng Ấm – La Vie D’Adele (2013): lạc lõng giữa đời
Bức Chân Dung Bị Thiêu Cháy – Portrait Of A Lady On Fire (2019): quý bà trong bão lửa
Nguyện Cầu Cho Một Giấc Mơ – Requiem For A Dream (2000): ảo mộng con con
Giấc Mơ – Donnie Darko (2001): bẫy sâu cho người xem