Review Ý nghĩa phim Taxi Driver (1976): chứng nhân thời đại

Taxi Driver (Quái Xế – 1976) là một bộ phim tâm lý kinh điển, nội dung vạch ra nhiều mặt trái đang tồn tại trong một nước Mỹ tự do, phim vừa là một chứng nhân lịch sử, vừa là một chứng nhân của thời đại – bao quát cả chúng ta trong đó dù nó được sản xuất cách đây gần nửa thế kỷ. Nhiều người ghét từ “kinh điển” vì nó thể hiện những gì thuộc về xưa cũ, nhưng “kinh điển” cũng là nền móng, để sau đó có hàng ngàn bộ phim được xây dựng trên nền móng đó, nói cho dễ hiểu thì “đồ cổ” khác với “đồ cũ”, khác nhau về giá trị. Tuy là phim cũ nhưng muốn hiểu được trọn vẹn ý nghĩa thông điệp lại không dễ tí nào, có nhiều người phân tích về phim này, tuy vậy tôi vẫn viết review về nó; tất nhiên sẽ có vài điểm tương đồng, khoản 5-10% gì đó, nhưng bạn cứ an tâm, Chí Blog chưa bao giờ sao chép ý tưởng của ai cả. IMDb 8.3

Chuyện kể về Travis là một cựu chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến ở Việt Nam, anh ấy làm nghề lái Taxi và muốn hòa nhập lại cộng đồng, nhưng có vẻ như xã hội nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều. Anh ấy đi tìm một tình yêu nhưng lại trở thành kẻ giết người, và … bạn phải xem phim thôi.

Những đôi giày cũ bị vứt bỏ

Tôi không phải một người Mỹ nên không biết trước khi Travis nhập ngũ thì nước Mỹ như thế nào, nhưng chúng ta có thể hình dung đại khái, đó là người ta sẽ nói với họ – những thanh niên rằng hãy có lý tưởng và làm điều cao cả, hãy mang tự do – dân chủ đến cho những phần còn lại của thế giới, hãy nhập ngũ. Mặt khác thì ngay tại nước Mỹ, những phong trào Hippie cũng bắt đầu khởi phát từ những người trí thức yêu chuộng hòa bình và tự do, họ căm ghét chiến tranh và chán chê với những khuôn khổ, những định kiến xã hội, họ tôn thờ tình yêu thật sự. Nhưng sau sự khởi đầu tốt đẹp, mọi chuyện trở nên tồi tệ, những cuộc chiến bất lợi và leo thang, nhiều người chết, tổn thất của cải vật chất; phong trào Hippie bị biến chất vì quá tự do trong lối sống, nó trở thành cực đoan và phóng đãng, trở thành nơi tụ tập của nhiều thành phần dốt nát, của những thanh thiếu niên ngây thơ và bốc đồng.

Thế là cả xã hội Mỹ đã thay đổi sau thất bại đó, họ quay lưng với chính những sai lầm mà họ đã tạo nên, những con người cũ như Travis, hoặc giới Hippie bị ngó lơ. Xã hội Mỹ vứt bỏ họ như những đôi giày cũ, giới chính trị hướng dư luận theo những con đường mới, như chủ nghĩa tiêu dùng, những nhu cầu về vật chất, tính thực dụng. Điều đáng nói là trong sự quay lưng đó, không chỉ đối với con người mà có cả những đức tính tốt đẹp vẫn còn tồn tại trước đó như lòng hiệp nghĩa, sự công chính, tình yêu, sự cảm thông, trách nhiệm. Tất cả những điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm của xã hội mới.

Những gã ma cô trong xã hội mới

Nếu bạn xem kỹ thì sẽ thấy nhiều sự tương đồng giữa vị thượng nghị sĩ đang tranh cử và gã ma cô người yêu của cô gái trẻ. Xét về bản chất thì họ như nhau. Gã ma cô dùng những lời ngon ngọt để mị hoặc cô gái, dùng tình yêu lãng mạn giả dối để biến cô ấy thành kẻ nghiện hút rồi sau đó trở thành gái điếm để có tiền chơi ma túy và chu cấp cho gã. Còn tên chính trị gia thì dùng những lời lẽ tốt đẹp, vẽ lên những tương lai rực rỡ với dân chúng. Gã người yêu của cô gái là tên ma cô của thế giới bẩn thỉu đầy rác rưỡi và tội phạm vào ban đêm, thì tên chính trị gia là “ma cô” của thế giới văn minh ban ngày.

Nếu gã ma cô biến cô gái trẻ ngây thơ trở thành gái điếm, thì những tên chính trị gia vô trách nhiệm đã bỏ mặc một phần dân chúng của xã hội sống trong nghèo đói, dốt nát, và tràn đầy thứ côn đồ và tội phạm mà chúng ta đã thấy vào ban đêm. Ban ngày, khi nói về thế giới tươi đẹp, tên chính trị gia luôn dùng từ “chúng ta”, rằng chúng ta thế này và chúng ta thế kia; ban đêm, những con đường đầy gái điếm và ma cô, cảnh sát thì biến chất, khách sạn trở thành nhà chứa, những bà vợ ngoại tình, những ông chồng lòng đầy thù hận, những rạp chiếu phim cấp 3, những quán bar để ăn chơi hút chích.

Họ thuộc về 2 thế giới tách biệt nhau

Nỗi cô đơn của Travis

Travis là một người tốt, anh ấy không bị những dư chấn tâm lý mà chúng ta thường thấy ở các cựu chiến binh, dẫu vậy anh không thể ngủ và không thể hòa nhập được vào xã hội mới. Đó không phải là lỗi của Travis, đó là do xã hội mới đã bị biến chất, nó giống như một “cô gái điếm”. Con người của xã hội mới chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài, họ không nhìn thấy trái tim. Khi Travis dẫn cô gái đi xem phim cấp 3, đó là do anh ấy có những ý nghĩ xấu xa? Không phải vậy, đó chỉ là vì Travis không hiểu như thế là “xấu” và là điều không nên làm, trách nhiệm đó phải thuộc về những tên chính trị gia vì đã để một phần dân chúng sống trong dốt nát. Cô gái đã từ bỏ Travis vì cô ấy đánh giá Travis bởi những biểu hiện bên ngoài, cô ấy đẹp và có học thức nhưng tâm hồn thiếu chiều sâu.

Travis có phải là một gã điên? Không phải, anh ấy đã cố gắng hòa nhập, đã làm những việc chính đáng, nhưng những điều tốt đẹp mà anh ấy tin tưởng đã không còn. Bạn có nhớ đoạn khi Travis xem người ta khiêu vũ trên TV, nó mang tính ẩn dụ. Giữa sân có một đôi giày trong khi mọi người quanh đó đang say mê khiêu vũ, đôi giày đó là hình ảnh của Travis hoặc cô gái trẻ bỏ nhà đi. Đó cũng là lý do khi xem phim về tình yêu thì Travis đã đạp ngã nó, vì tình yêu thật sự dường như không còn tồn tại. 3 cô gái mà chúng ta thấy, cô gái trẻ, cô gái đang ngoại tình bên cửa sổ, và cô gái mà Travis theo đuổi; tất cả họ thể hiện sự biến chất của tình yêu, giống như những bông hoa đã tàn úa.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Tại sao Travis trở thành kẻ giết người? Tôi không có ý bênh vực kẻ giết người hay cỗ vũ hành động giết người, nhưng thêm một lần nữa, trách nhiệm này thuộc về nước Mỹ, họ đã đào tạo Travis trở thành một người lính, ngoài ra thì không còn gì cả. Travis muốn xã hội thay đổi, nhưng điều mà anh ấy có thể làm tốt nhất là dùng súng, anh ấy không phải nhà văn, không phải nhà báo, không phải là người làm chính trị, không phải là giáo viên, không phải nhà hoạt động xã hội; anh ấy chỉ là một người tốt, ít được học hành và thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, nhưng anh ấy nhận ra cái gì là tốt và cái gì là xấu, trong khi cái xã hội mới gọi là văn minh của ban ngày lại chẳng nhận ra gì cả, vì họ đã để cho những thứ xấu xa tồn tại.

Travis cũng không đam mê chuyện giết người, anh ấy chỉ nghĩ những thứ rác rưởi cần được dọn sạch để cứu một cô gái vị thành niên bị lừa gạt, anh ấy làm những điều mà lẽ ra chính phủ phải làm, thế thôi! Travis giết 3 người, tên ma cô, tên chủ chứa, tên cớm bẩn. Lẽ ra còn một tên “ma cô” đầu sỏ bị giết nhưng hắn được bảo vệ. Thật lạ là có nhiều tên “ma cô” lại được nhiều người tôn vinh và xem như thần tượng. Cô gái trẻ thật may mắn khi gặp được Travis và nhờ đó mà được cứu, nhưng ai sẽ cứu một “cô gái trẻ” khác – xã hội nước Mỹ khỏi những tên “ma cô” làm chính trị? Có lẽ sẽ có, đó là những trí thức đã viết kịch bản hoặc đạo diễn cho phim này và những phim có giá trị tương tự.

Ý nghĩa của đoạn kết: Travis đã gặp lại cô gái mà anh từng yêu, nhưng không có gì diễn ra sau đó, vì cô gái đó không phải là một thiên thần, hoặc tâm hồn cô ấy là thiên thần nhưng chính cô ấy lại không thấy được điều đó. Và vì thế cô ấy không có gì khác biệt với những con người còn lại trong cái tổ chức tranh cử kia, vì vậy họ không dành cho nhau.

Ý nghĩa của tự phim Người Lái Taxi: đó là nhân chứng, họ thấy nhiều sự thật đang tồn tại trong đời sống, họ cũng là người tốt, vì mặc dù kể cả khi phải làm việc về đêm thì họ đang làm một công việc chính đáng, họ đưa con người đến nơi cần đến trong sự an toàn.

Hãy chú ý đến sắc áo: các phim của phương tây rất thích thể hiện tính cách và tâm lý nhân vật nhờ vào màu sắc. Lần đầu Travis gặp cô gái, áo anh ấy màu đỏ, áo cô ấy là trắng pha đỏ; sau đó khi họ đi xem phim, áo anh ấy vẫn màu đỏ, áo cô ấy màu trắng – nó đã đổi màu. Đời sống bên ngoài hoặc tầng lớp của cô gái và Travis cũng giống như những cái áo; anh ấy mặc áo cũ và rẻ tiền, cô ấy mặc áo mới và đắt tiền, nhưng cái quan trọng là người mặc chứ không phải cái áo.

Lưu ý: bài viết này tôi đả kích những mặt trái của xã hội Mỹ không có nghĩa là tôi ghét nước Mỹ, hoặc nước Mỹ hoàn toàn thối nát, những điều cần nói thì nên nói để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Và quan trọng là, những bộ phim giá trị như thế này lại được sản xuất từ nơi đó. Mong là nói ít nhưng các bạn hiểu nhiều! Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Cô Gái Cùng Bầy Ngựa – Horse Girl (2020): vụn vỡ và vẹn toàn

Thủy Quái – Leviathan (2014): Khi sự huyền bí không còn

Giải Cứu – You Were Never Really Here (2017): can đảm bước đi trong thế giới vô tình

Hãy Đứng Bên Tôi – Stand by Me (1986): điểm tựa của cuộc đời

Không Chốn Dung Thân – No Country for Old Men (2007): số phận hay luật lệ ? Không gì cả!

Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống?

I Daniel Blake (2016): đừng biến chúng tôi thành kẻ tìm sự bố thí

Giết Con Nai Thần – The Killing of a Sacred Deer (2017): Sự giết chóc của nai thần

Những kẻ Khốn Khổ – Les misérables (2019): bộ mặt xã hội hiện đại

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review giải thích phim Coma (2019): con người không dám mơ

T7 Th4 25 , 2020
Coma (Kẻ Đào Tẩu Giấc Mơ – Koma – 2019) là phim giả tưởng của Nga, nội dung thể hiện rất sát với thế giới ý tưởng của con người, điều mà chúng ta gọi là mơ hoặc ký ức trong tiềm thức. Ý nghĩa phim là sự kết hợp […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese