Phân tích phim The Killing of a Sacred Deer (2017): Sự giết chóc của nai thần

Vì lần trước tôi giới thiệu các bạn phim này, nên bài sẽ mang tính phân tích chứ không phải review.

Bắt đầu bộ phim là ca phẩu thuật với trái tim đang đập, hàm ý là gì? Trái tim biểu tượng cho điều gì? Trái tim là tình yêu, là cảm xúc, và nó có thể đang bị bệnh, cần mổ xẻ và phân tích. Tiếp đó là cảnh cái bao tay, cái áo sau khi mổ xong sẽ bị cho vào thùng rác; những vật đó biểu tượng cho một lương y, người ta chỉ mặc vào khi cần cứu sống con người, sau khi xong việc thì họ sẽ lột bỏ nó và ném đi, và họ trở về bản chất của một con người chứ không phải lương y. Hay trong cuộc trò chuyện về cái đồng hồ, điều mà 2 bác sĩ quan tâm không phải là nó hoạt động có tốt không, sự tiện lợi và chính xác về chức năng cho ta biết về thời gian, mà là cái dây đeo, khả năng chống nước, và giá tiền.

Các bộ phim thường vận dụng tính tương phản và sự bất thường, các diễn biến tiếp theo cho ta thấy mối quan hệ giữa ông bác sĩ và cậu thanh niên, ông ấy quan tâm cậu, tặng đồng hồ đắt tiền – đó là sự bất thường trong đời sống đối với một mối quan hệ. Khi ấy tôi tự hỏi ông ta muốn điều gì ở chàng trai đó, ông ta có phải là người đồng tính, hay ông thích mẹ cậu ấy? Và chàng trai cũng rất quan tâm ông ấy, cậu ta có vấn đề gì? Ông bác sĩ có một gia đình quá hoàn hảo, ông và vợ đều là bác sĩ nổi tiếng, ông thì có địa vị, vợ thì đẹp, con cái được học hành giỏi giang. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ, chính sự quá hoàn hảo đó có điều gì không thật, giống như họ đang diễn trong từng vai trò vợ chồng con cái.

Điều làm tôi ấn tượng nhất là khuôn mặt của chàng trai, đó là một khuôn mặt ngờ nghệch – như một con nai, nai là biểu tượng của sự ngây thơ và chân thật, hành động của cậu cũng thể hiện điều đó, cậu muốn hút thuốc là nói ngay dù đang ở trong phòng cô gái – theo lẽ thường thì nó bất lịch sự, hoặc khi cậu sẵn sàng cho đứa bé xem lông nách, và đòi xem lông nách ông bác sĩ và bảo là của ông không nhiều hơn gấp 3 lần (như lời cậu bé từng nói). Rồi các lời nói, các nhận xét về mẹ của cậu, về bó hoa mua tặng vợ bác sĩ, hoàn toàn nói sự thật. Cậu là một con nai chính cống.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Kịch tính diễn ra khi “con nai” ấy đòi lẽ công bằng về cái chết của người cha trên bàn mỗ mà lỗi do vị bác sĩ gây ra. Ở đây có 2 cảnh rất sâu sắc, con người thường không cảm nhận được chính xác nỗi đau mà họ gây ra với người khác, họ chỉ biết chính xác khi họ cũng đau như thế, 2 cú cắn vào tay. Ông bác sĩ chỉ biết đau như cậu khi có một người thân phải ra đi, và cậu có thể làm điều đó, cậu là con nai thần. Khi này vấn đề đặt ra là, tại sao lỗi lầm do ông bác sĩ gây ra nhưng người khác phải nhận? Câu trả lời nằm trong cách ăn mì của chàng trai, cha cậu khi ăn mì cũng xoắn cái nĩa như cậu, ban đầu cậu nghĩ cậu làm thế vì cậu đặt biệt giống ông khi là con ông, nhưng sau đó cậu biết là không phải, ai cũng ăn mì kiểu đó, nó nói lên một chân lý, rằng mỗi người đều tưởng họ đặt biệt (vô tội) nhưng thật ra thì tất cả đều như nhau cả thôi, nếu có lỗi lầm thì để bảo vệ lợi ích liên quan đến họ, họ đều che dấu cho nhau, vì thế họ chịu trách nhiệm như nhau.

Cao trào được đẩy lên khi sự thật về lỗi lầm được vạch trần và quyết định xem ai phải chết. Trước đó chàng trai đã có một đề nghị, rằng ông bác sĩ hãy bỏ gia đình và đến với mẹ cậu, làm cha cậu như là một sự bù đắp, nhưng ông đã khước từ. Chính ngay lúc này, ta thấy được sự tương phản sâu sắc, cái gia đình ấy là gia đình hoàn hảo, có học thức, họ là bác sĩ – một nghề cao quý; lẽ ra như vậy họ phải biết yêu thương nhau và hy sinh cho nhau, vậy họ đã chọn gì? Ông chồng không muốn từ bỏ gia đình hoàn hảo, lẽ ra điều ông phải làm là bù đắp cho chàng trai hoặc tự thú/tự sát để chuộc tội, lẽ ra bà vợ sẽ chọn cái chết để con được sống, nhưng bà mua chuộc chồng bằng cách quyến rũ ông, bảo rằng họ sẽ có một đứa con mới; đứa bé thì tự cắt tóc, nói cha là người bạn tốt nhất của nó, để ông không chọn nó phải chết; người chị thì cũng nịnh cha, và muốn cái máy nghe nhạc của đứa em, mặt khác lại muốn bỏ trốn cùng chàng trai. Ôi thương thay cho một gia đình giả tạo, tất cả họ đều ích kỷ như nhau, họ yêu họ trên hết. Đây chính là cốt lõi của bộ phim, vạch trần bản chất con người.

Vị bác sĩ đã đến trường học để tìm hiểu xem đứa nào giỏi hơn, để chọn xem đứa nào phải chết, ông không chọn theo cách ông ít thương đứa nào hơn, mà chọn theo tính lợi ích nó có thể mang lại. Cuối cùng ông dùng sự ngẫu nhiên, bạn biết đấy, khi ta chọn ai đó phải chết, ta sẽ bị dằn vặt bởi sự chọn lựa của mình, nhưng khi chọn theo ngẫu nhiên thì ta có thể lừa bản thân rằng đó là số phận; trong khi thực tế thì dù ai phải chết cũng là lỗi do ông. Thực tế thì cái chết của cậu bé không phải là sự hên xui, tôi nghĩ nó là quyết định của con nai thần, cô gái thích con nai, bà mẹ hôn chân nó và thả nó đi, trong khi đứa bé thì tránh chàng trai. Con nai thần sẽ làm theo cách nó nghĩ, nó đã chọn đứa bé.

Cái tựa phim trên các trang đã dịch sai, nó phải là “sự giết chóc của nai thần” chứ không phải là “giết con nai thần”. Điều thú vị ở đây ta thấy nó mang 2 hàm ý, nai thần chỉ chàng trai vì cậu có phép lạ, nai thần cũng chỉ tất cả những kẻ giả tạo giống cái gia đình ấy, như ông bác sĩ, ông đã giết cha chàng trai nhưng sau đó lại tỏ ra ngơ ngác như một con nai ngây thơ, ông giết con ông, và bạn hãy nhìn khuôn mặt lạnh lùng của họ ở cuối phim. Hãy nhìn khi cô chị cho tương ớt vào khoai tây chiên, nó mang tính biểu tượng, con người đang sống trên xương máu kẻ khác, khi lợi ích của họ có từ nỗi đau của kẻ khác, dù từ bất cứ hình thức nào, thì đó cũng là một hành vi giết chóc dù nó không đổ máu như bắn một phát súng.

Phim cũng nói về cách mà con người lựa chọn khi lỗi lầm diễn ra, họ nghĩ tiền bạc có thể bù đắp cho những thứ thiêng liêng, họ nghĩ khoa học có thể bảo vệ họ, và nếu tất cả đều không được, họ sẽ giết chết kẻ đòi nợ – vốn là nạn nhân, mà nếu giết cũng không xong thì họ thà để người khác chết chứ không phải họ. Nhiều người bảo rằng bộ phim nói lên tính nhân quả, không phải vậy, bộ phim đặt ra sự thần kỳ để vạch rõ bộ mặt con người, cái bản chất giả tạo và ích kỷ; nhưng có đôi khi ta cũng cần sự thông cảm nào đó, không phải thông cảm cho việc chối bỏ trách nhiệm, mà thông cảm cho sự khao khát sống, và càng khao khát sống thì càng nên quý sự sống.

Vậy bản chất con người là ích kỷ? Thật ra thì không hẳn, nó chỉ là một mặt có tồn tại bên trong ta, vì vậy đừng thất vọng; trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại sự hy sinh và tình yêu. Bạn có nhớ những trận động đất (hình như ở Nhật), khi ngôi nhà sụp xuống thì bà mẹ đã đưa lưng bảo vệ đứa con nhỏ; hay chiến tranh (hình như ở Afghanistan), khi bị bỏ bom và ngôi nhà sụp đổ, người cha đã che chắn cho con và đứa bé được cứu sống. Hay vụ đắm tàu Titanic, những người sống sót là phụ nữ và trẻ em, những người đàn ông – chồng và cha đã dành thuyền cứu hộ lại cho vợ con, dù rằng họ có thể cướp nó bằng sức mạnh. Biết bao người mẹ có thể chịu chết đói để con mình được sống, biết bao người đã chia quả thận của họ với người thân yêu. Phim này có tác dụng nhìn rõ hơn về chính ta, còn sự chọn lựa như thế nào đều nằm ở trái tim bạn.

………..
Các diễn viên đóng rất đạt, 4 người trong gia đình như diễn kịch, còn chàng trai thì mặt nghệch ra, cả bà mẹ của cậu – bà là nai chân thật. Giờ bạn thử xem lại bộ phim, dù bạn từng xem qua, bạn sẽ thấy được sự thú vị trong từng hình ảnh, từng câu nói giữa họ, cả từng nét mặt nữa. Hãy chơi nhiều lần cái trò này: xem phim, viết ra những gì bạn hiểu, đọc các bài review về nó (cả các bài của tôi nữa nhé), rồi xem lại lần 2, sẽ khác đấy.

Sau khi viết xong bài này thì tôi có đọc các bài review khác, họ có nói về thần thoại Hy Lạp, việc này dẫn đến nghi vấn về cái tên tiếng Anh, ta sẽ dịch nó thế nào để hiểu nghĩa? Là “việc giết con nai thần” hay “sự giết chóc của con nai thần”? Cái đó cũng không quan trọng cho lắm vì các bài ấy chỉ mang tính tham khảo vì tôi tin vào điều tôi hiểu. Tất nhiên tôi vẫn giữ nguyên những gì tôi viết trước khi đọc chúng.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Loạn Giới – Dogtooth (2009): bẻ gẫy cái răng chó
Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra?
Nhà Triết Học – After The Dark (2013): mọi lý thuyết không ngăn được con người tìm kiếm hạnh phúc
Capernaum (2018): hãy trở thành siêu anh hùng của đời thực
I Daniel Blake (2016): đừng biến chúng tôi thành kẻ tìm sự bố thí

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bàn về sách: cẩn trọng với dòng tiểu thuyết trinh thám

T6 Th5 17 , 2019
Viết nhân vụ trọng án ở Bình Dương Trước đó vài ngày tôi có trò chuyện với một người bạn về truyện trinh thám, hiện nay thể loại này được xuất bản một cách tràn lan vì có rất đông độc giả ưa chuộng. Tôi không kỳ thị truyện trinh […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese