My Father’s Violin (2022) là phim về đề tài gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ, một cốt truyện đơn giản – vui tươi – ngọt ngào – đầy sức sống. Nếu bạn có dàn loa chất lượng cao thì sẽ có dịp thưởng thức những bản nhạc rất tuyệt vời trong phim. Khi nhìn vào số điểm IMDb 5.9 (371 bình chọn) thì tôi hiểu rằng thế giới ngày nay không quá ưa thích sự hy vọng, ít người tin vào một kết cục tươi đẹp. Phim của Thổ thường được thể hiện rất trực quan lại rất sâu sắc, về mặt mang lại cảm xúc cho người xem thì bộ phim đã làm rất tốt. Vậy tại sao có bài viết này khi tôi nói “cốt truyện đơn giản”? Đó là những vấn đề cơ bản và bao quát hơn một câu chuyện về gia đình, Chí Blog không có thói quen viết lại những gì mà người khác đã biết. Bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Các bạn còn nhớ đến việc tôi nói về bộ 2 – bộ 3 – bộ 4? Bộ 3 thường nói về sự sống, bộ 2 và bộ 4 thường nói về cái chết, trong phim này đều có thể hiện về chúng. 4 người đàn ông và cô bé Ozlem, trong đó có một người sắp chết, và sự vui tươi mà chúng ta thấy được là hoàn toàn nhờ vào nhân tố thứ 5. Nếu chỉ có 4 người đàn ông, khung cảnh sẽ khác đi, cuộc rượt đuổi sẽ không còn giống như trò chơi cút bắt như của trẻ nhỏ, nó sẽ phản ảnh hiện thực đau khổ, nhưng khi có cô bé, cái hiện thực đó tự hóa thành điều gì đó thi vị mang sắc màu của cuộc sống.
Lần nữa, các bạn có nhớ trong phim Youth và phim Departures, tôi nói rằng mỗi người chúng ta là một phần trong bản giao hưởng của cuộc sống? Phim này đã thể hiện điều đó một cách hết sức đơn giản và trực quan trong cách mà người cha đã chỉ ra cho con gái thấy, vừa đơn giản lại cực kỳ sâu sắc, cho nên tôi mới nói điện ảnh Thổ là cao thủ về tâm lý và cách thể hiện. 3 người cảnh sát là bộ 3 của hiện thực xã hội, họ xua đuổi những người cùng khổ; 3 “nhân vật” bên bờ sông là bộ 3 tốt đẹp của thế giới, người cha nhịn ăn cho con gái, cô bé bẻ một phần bánh cho con chó, hình ảnh đó có đẹp không?
Thứ âm nhạc đẹp đẽ và đầy màu sắc là một món quà vô cùng quý giá của cuộc sống, nhưng ngày nay nó chỉ dành cho những người giàu có, 2 đoạn phim liên tiếp nhau cho chúng ta thấy được điều đó, một dàn nhạc trên đường phố bị xua đuổi khi họ chỉ cần vài xu lẻ, và ở nơi kia thì người ta bán ra những chiếc vé với giá rất cao dành cho giới “thượng lưu”. Ồ chúng ta có thể nói về sự hợp lý trong điều mà họ làm, rằng dàn nhạc giao hưởng thì chuyên nghiệp hơn, rồi về bản quyền, và trật tự công cộng, điều đó cũng đúng nhưng đó là bởi vì tâm trí con người đã trở nên quá phức tạp đến nỗi đánh mất luôn những thứ cơ bản nhất hoặc những món quà đẹp nhất mà lẽ ra cuộc sống nên có.
“Bộ 4” nghèo khổ nhưng tâm hồn họ vui tươi và hạnh phúc khi có được cô bé, còn “bộ 2” của người em trai sống trong thành công và giàu sang nhưng liệu họ có hạnh phúc không? Sự thật thì cặp vợ chồng đó đang đứng trên bờ vực phân ly, họ thiếu một nhân tố để liên kết với nhau, tình yêu cuồng nhiệt sẽ nhạt nhòa theo năm tháng, sự thành công trong sự nghiệp rất khó bù đắp những khoản trống trong tâm hồn hoặc sự xa cách trong những nỗi niềm riêng tư không thể chia sẻ.
Huống hồ ở độ tuổi của “bộ 2” này, họ đã nhận ra rất nhiều thứ, hãy chú ý đoạn cãi nhau trước lúc người vợ dọn ra ngoài, rằng bản thân mỗi người đều từng theo đuổi những thứ phù phiếm, người chồng thì ích kỹ khi nhìn thấy vợ luôn vượt trội hơn mình trên sân khấu, người vợ thì mê say với sự giàu sang hoặc những lời mật ngọt hoặc những buổi tiệc xa hoa. Tất nhiên đó chỉ là một nửa của sự thật mà thôi, trong họ vẫn tồn tại tình yêu chân thành dành cho nhau, chỉ vì khi đó người em trai đang đau khổ khi nghĩ về quá khứ nên mới nói ra những lời làm tổn thương vợ.
Hoặc, trong câu trả lời của người vợ với cô bé khi cô bé hỏi tại sao họ không có con, “đầu tiên chú muốn có con còn cô thì không, rồi cô muốn, chú ấy lại không, và khi cả hai đều muốn, Chúa lại không cho”, chỉ có cao thủ về tâm lý lẫn nhận thức mới viết ra được một lời thoại đơn giản nhưng thâm thúy như thế này, nó bao quát cái tính ích kỷ trong mỗi người chúng ta và của cả đàn ông lẫn phụ nữ. Để tôi nói rõ thêm, người vợ có không muốn có con sớm vì sợ già sợ xấu, người chồng sau đó không muốn có con vì anh ta đang thành công trong sự nghiệp, và khi họ không quan tâm đến những phù phiếm họ từng theo đuổi thì cả thể xác lẫn tinh thần hoặc tình cảm của họ đều “già nua”, nên rất khó để có con.
Thứ mà người em trai theo đuổi lúc này không phải là sự thành công (vì anh ấy đã thành công về danh tiếng), mà là tạo ra được một tác phẩm hoàn hảo, nhưng bản nhạc của anh ấy vẫn chưa hoàn hảo dù nó đã rất tốt, bản nhạc đó thiếu điều gì? Như vị đối tác đã nói, nó thiếu sự truyền cảm, hoặc cảm xúc.
Khi nhìn lại sự thành công của cả 2 anh em, chúng ta thấy được sự thành công và thất bại của họ, người anh thất bại về sự nghiệp nhưng thành công về gia đình, anh ấy đã giữ được sự tinh khiết trong tâm hồn đứa trẻ dù đời sống rất khó khăn; còn người em trai thì thành công trong sự nghiệp nhưng thất bại về gia đình, không con cái, hôn nhân trong quá trình tan vỡ vì thiếu sự kết nối hoặc một nhân tố kết nối.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Bàn sâu hơn nữa, phim này cũng đang phê phán những mặt tối của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, “cha ruột” mất đi, “cha ghẻ” thì dùng bạo lực gia đình, “mẹ ruột” thì thờ ơ khi thấy con cái bị hành hạ, và người em chỉ có thể thành công sau khi bỏ chạy ra nước ngoài. Nếu bạn xem nhiều phim của Thổ, giới trí thức nước này đang lên án nạn bạo hành trong gia đình, sự phân biệt giới tính, và mặt khác là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, họ muốn tìm lại những giá trị xưa cũ, cha ruột – cha ghẻ – mẹ ruột là những biểu tượng cho hàm ý đó; nó cũng gắn liền với câu chuyện gia đình trong quá khứ và cảnh 3 nhân viên cảnh sát rượt đuổi trong hiện tại, cá nhân – cộng đồng.
Còn khi chỉ xét riêng về sự thành công của cả 2 anh em, thì điều giúp họ là những di sản tốt đẹp từ “người cha” đã mất mà âm nhạc hoặc cây đàn Violin là biểu tượng. Khi con người còn giữ được những di sản tinh thần này, thì những khó khăn hoặc sự xấu xa rất khó hủy hoại tâm hồn họ. Tuy nhiên, nếu chỉ thành công trong một nửa thì vẫn là chưa đủ, sự thành công đó sẽ bị gián đoạn, ví như người anh đã chết vì sống trong khốn khó, sự nghiệp và lý tưởng của người em sẽ rơi xuống nếu không viết ra được một bản nhạc hoàn hảo.
Hãy nói về sự nghiệp âm nhạc của cả 2 anh em này, khi họ còn trẻ, âm nhạc là thứ giúp họ vượt qua khó khăn, người anh không có điều kiện để trở thành nhạc công chuyên nghiệp dù thứ âm nhạc của anh ấy giàu cảm xúc và sức sống – thứ âm nhạc của tính cá nhân; người em có điều kiện để theo đuổi sự chuyên nghiệp, biểu diễn tốt những bản nhạc vĩ đại của thế giới, nhưng đó lại là nhạc của người khác – thứ âm nhạc của tính cộng đồng. Sự hoàn hảo chỉ đến khi 2 nửa đó được liên kết với nhau, và khi này thì đứa trẻ chính là sự liên kết đó.
Khi xét về hoàn cảnh, thì của người em trai và của cô bé là hoàn toàn giống nhau, người em trai bị gia đình bỏ rơi, cô bé cũng vậy, và bản nhạc mà cô bé thể hiện trong công viên là của người em trai, nó chất chứa nỗi đau lẫn mong mỏi được hạnh phúc (khi nhớ về người cha đã mất), người em trai tuy viết ra bản nhạc đó nhưng phần lớn cảm xúc của anh ấy đã mất đi nên nó không trở nên hoàn hảo như của cô bé – sự bù đắp cho nửa còn thiếu. Đó cũng là lý do người em trai nói “cháu làm chú sợ”, cô bé nghe được giai điệu của anh ấy, cô bé là một thiên tài âm nhạc bẩm sinh.
Cô bé bù đắp những gì còn thiếu của bản nhạc, cũng bù đắp những gì còn thiếu trong tâm hồn của người em trai, đó là sự kết nối trở lại với người khác – cộng đồng bình dân hoặc những con người bình dị có cảm xúc chân thật, với cuộc sống, với anh trai – gia đình quá khứ, với người vợ – gia đình hiện tại, với cả bản thân cô bé – thế hệ tương lai tiếp nối.
Sự biến đổi về tâm hồn cũng thể hiện qua cái kết, và kết phim lại liên quan mật thiết với đoạn anh ấy đuổi một nữ nhạc công ra khỏi dàn nhạc vì chuyện gia đình của cô ấy. Đa số con người nghĩ rằng phải hy sinh thứ này thì mới làm tốt thứ kia, điều đó chỉ đúng một nửa, có vài thứ cực kỳ quan trọng không thể hy sinh mà phải được bảo vệ, và khi chúng ta bảo vệ được nó, chúng ta đạt được cả 2 hoặc là tất cả.
Lẽ ra bài viết sẽ dừng ở đây nhưng tôi sẽ nói thêm một vấn đề nữa, sau khi đã định hình những cảm nhận của mình về bộ phim, tôi có thử đọc vài bài viết tiếng anh xem họ nói gì, tất nhiên là bạn sẽ không tìm thấy bài viết nào giống thế này ở bất kỳ đâu, có bài nói rằng cách thể hiện tâm lý của đứa bé là không phù hợp sau khi người cha mất đi, vì thể hiện quá ít sự đau khổ.
Đánh giá đó nhìn bề ngoài thì có vẻ đúng nhưng khi phân tích sâu hơn thì nó sai, tại sao? Vì người đó đánh giá trên quan điểm của người trưởng thành, đối với người lớn, cái chết rất khủng khiếp, nhưng đối với trẻ nhỏ thì cái chết là một khái niệm hết sức mơ hồ, đứa trẻ cũng rất mau quên với những khổ đau – trong thời điểm nó là một đứa trẻ, nó sẽ càng chóng quên nếu hoàn cảnh tiếp theo của nó được bao quanh bởi sự yêu thương, nhưng nó sẽ rất đau đớn khi sự đau khổ tiếp nối, ví như người em trai, anh ấy nghĩ rằng bị anh trai bỏ rơi, nên mỗi khi gặp đau khổ thì anh ấy lại nhớ đến sự mất mát đó, quá trình đó lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi trưởng thành, và cuối cùng tạo nên sự thống hận – ở thời điểm trưởng thành.
Với người lớn chúng ta, mất việc, không nhà, sự nghiệp tiêu tan … là điều rất khủng khiếp; với trẻ nhỏ không phải vậy, chỉ cần nó được sống bên người thân luôn yêu thương nó – cha mẹ hoặc cô dì chú bác, thì nó có thể vui vẻ hồn nhiên ở bất kỳ đâu, không nhà cũng được, nay đây mai đó cũng được, khỏi đi học càng tốt, chả có gì là quan trọng, chỉ cần nó được thương yêu là đủ, ngủ bờ ngủ bụi cũng không sao. Huống hồ đứa trẻ trong phim đã sống như vậy từ nhỏ với người cha, và trong hoàn cảnh đó, nó cũng tiếp xúc không ít với bệnh tật và cái chết của những người mà nó gặp gỡ – cũng cùng khổ như nó, nên chuyện đứa bé dễ vượt qua cái chết của người cha cũng có thể lý giải.
Huống hồ đối với đứa trẻ thì cái chết cũng không mang tính cực đoan như ở người lớn – sự biến mất của thân xác, tinh thần của người cha vẫn còn ở trong cây đàn, trong âm nhạc, trong những lời nói, tồn tại ở những nơi từng có người cha hiện diện, ở cách người cha kiếm tiền, ở những người bạn tốt bụng như cha, thế giới của đứa trẻ không co rút lại như của người lớn, mà người lớn thì lại có thói quen khi họ đau khổ thì họ thường tìm cách xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ luôn những điều tốt đẹp từng có trong quá khứ, đứa trẻ thì không vậy, và chính vì thế đứa trẻ có một sức sống rất khủng khiếp, trong khi nếu là người lớn thì họ lại có xu hướng tự sát. Cho nên Đức Jesus mới nói “ai muốn vào thiên đường thì phải như đứa trẻ”, trẻ em là cứu cánh vô cùng quan trọng đối với loài người chúng ta – nếu chúng ta hiểu được.
Cốt truyện đơn giản nhưng hàm ý và thông điệp không hề đơn giản, và hãy nhớ Chí Blog là nơi duy nhất chuyên giải mã phim tâm lý – nghệ thuật ở VN, nhớ ủng hộ và chia sẻ với nhiều người hơn nhé, cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Một số phim tương tự:
Thức Giấc – Awake (2021): bộ sưu tập những tương phản tăm tối
Nhãn Lực Siêu Nhiên – Midnight Special (2016): cuộc thương khó của đứa trẻ nhân loại
Cậu Nhóc Bé Nhỏ – Little Boy (2015): dịch chuyển một ngọn núi
Căn Phòng – Room (2015): đó chỉ là chuyện về những căn phòng
Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống? – new
Nơi Nào Đó – Somewhere (2010): động lực không ở “đầu” xe – Sư Tử Vàng –
Capernaum (2018): hãy trở thành siêu anh hùng của đời thực