Bàn về điện ảnh: cách làm phim lịch sử Việt

Mặc dù tôi không làm việc trong ngành điện ảnh, nhưng thiết nghĩ kiến thức về phim lịch sử (hoặc có yếu tố lịch sử) cũng không ít nhờ vào … xem quá nhiều phim ở thể loại này, phần lớn là phim của Hongkong và Trung Quốc, có thể liệt kê gồm hàng mấy trăm bộ phim kiếm hiệp, những phim truyền hình TQ như: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Thanh Cung 13 Hoàng Triều, Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Xuân Thu Chiến Quốc, Đường Minh Hoàng, Thái Bình Công Chúa, Đông Chu Liệt Quốc…, những cái tên vừa kể là những phim có cấp độ đầu tư lớn và chất lượng cao, chưa kể đến vài ngàn phim bộ và lẻ khác có liên quan đến lịch sử TQ; từ đó suy diễn ra điều gì? Tôi hiểu về lịch sử TQ gấp vài trăm lần so với lịch sử Việt Nam, xin hỏi là bộ giáo dục – bộ văn hóa  – quốc hội VN nghĩ gì về chuyện này?!

Tôi đặt ra câu hỏi đó để làm chi? Để chỉ ra rằng trọng trách lớn nhất về dòng phim lịch sử VN là thuộc về chính phủ VN. Phim lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử của TQ không thể phát triển khủng khiếp như vậy nếu không có những bộ phim hoành tráng mà tôi kể ở trên được chính phủ TQ đầu tư kinh phí và chất xám, chính những bộ phim kinh điển đó là nền tảng gốc để các nhà sản xuất tư nhân hoặc các đài truyền hình địa phương ở TQ noi theo, sau đó nó bung nhánh thành đủ mọi thể loại mà hiện tại kết hợp với mảng văn học mạng là tiên hiệp – kỳ huyễn. Nước Việt muốn dân Việt thuộc sử Việt thì không có con đường nào khác là thông qua điện ảnh, vì vậy chính phủ VN bỏ tiền ra làm phim lịch sử là chuyện buộc phải làm – nếu không muốn dân Việt mất gốc.

Người đọc có thể cảm thấy tôi trầm trọng hóa vấn đề, nhưng thực tế nó là như vậy, người Hoa dù sinh sống ở bất kỳ đâu, trải qua hàng trăm năm, họ vẫn là người Hoa và biết tiếng Hoa, người Pháp – Ý – Đức – Do Thái – Ả Rập đều thế; nhưng thử nhìn vào người Việt ở hải ngoại, đến thế hệ thứ 2 thôi đã mất gốc, lấy ví dụ như nhà văn Mỹ có dòng máu Việt là Nguyễn Thanh Việt, anh ấy đâu có rành tiếng Việt, bản chất anh ấy là người Mỹ, cuốn sách anh ấy viết là góc nhìn của người Mỹ đối với người Việt hoặc người tị nạn châu Á (tôi chưa đọc cuốn này nhưng có thể suy đoán phần nào nội dung của nó), nên chuyện anh ấy đoạt giải chẳng có gì đáng để người Việt tự hào thay cho người Mỹ; nếu bạn muốn tự hào thì có thể kể đến đạo diễn Trần Anh Hùng, anh ấy vừa là người Pháp vừa là người Việt, mặc dù tài năng của anh ấy được đào tạo từ văn hóa Pháp, nhưng trong tâm hồn anh ấy cũng có văn hóa Việt; còn những ai chỉ đơn thuần mang dòng máu Việt mà không có văn hóa Việt thì bỏ qua đi hen. Tuy nhiên nếu nhận thức bạn đủ tầm, bạn có thể hiểu mọi nền văn hóa mà bạn muốn, đó là những triết gia, các nhà tư tưởng lớn, các nhà văn hoặc đạo diễn đẳng cấp thế giới, họ đã vượt qua sự giới hạn văn hóa của 1 quốc gia.

Trở lại vấn đề, nếu chính phủ VN coi trọng lịch sử văn hóa Việt thì nên đầu tư để làm phim lịch sử dài tập, kinh phí đề nghị là trên 100 tỉ, đẹp nhất là 200 tỉ, thật sự mà nói thì số tiền này so với biết bao tượng đài trên khắp VN thì không đáng là bao; tuy nhiên số tiền này phải thật sự mang đến hiệu quả và chất lượng, ai nhúng chàm số tiền này là cho bóc lịch nhé, phải đầu tư kịch bản tốt, đạo diễn (hoặc nhóm đạo diễn) có tên tuổi – để nếu anh cho ra phim dở thì uy tín của anh cũng bị ảnh hưởng, cá nhân tôi không đánh giá cao các đạo diễn làm phim truyền hình, nên chọn các đạo diễn làm phim điện ảnh hoặc nghệ thuật hoặc có hiểu biết quốc tế sẽ tốt hơn, diễn viên có thực lực, nhưng cũng mở một cửa vào cho các diễn viên “thần tượng” của giới trẻ để hút người xem, với lại diễn viên trẻ đẹp nhiều sức sống là yếu tố rất cần trong điện ảnh, nhớ mở thêm 1 cửa cho các diễn viên trẻ ít tên tuổi nhưng đã tham gia các bộ phim Việt được quốc tế đánh giá cao, hoặc các diễn viên nước ngoài gốc Việt.

Tiếp theo là giai đoạn lịch sử, tôi đề nghị lấy thời điểm “Trịnh Nguyễn Phân Tranh” cho đến khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, nếu cảm thấy dòng thời gian quá dài thì có thể tóm lượt giai đoạn đầu, dòng phim tập trung vào cuộc tranh đấu giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh; tuy nhiên kịch bản phim nên công tâm với công và tội của Nguyễn Ánh, vì nếu không có vị vua này thì VN gần như chỉ có hơn 1 nửa nước VN như bây giờ, và nếu bạn đọc qua Đông Chu Liệt Quốc thì việc mượn binh ngoại bang là chuyện thường diễn ra trong đấu tranh chính trị. Tại sao chọn giai đoạn này? Vì đây là giai đoạn gần nhất với hiện tại, chúng ta còn giữ được tư liệu và di sản nhiều nhất để có thể dựa vào đó dựng thành phim.

Bạn có biết điều quan trọng cần có nhất của 1 bộ phim (bất kỳ thể loại nào) là gì? Đó là thế giới quan trong bộ phim đó, nghĩa là bạn phải hình dung được con người trong đoạn thời gian đó sinh sống thế nào, văn hóa họ ra sao, chế độ – cấp bậc – tư tưởng xã hội là gì, trình độ khoa học kỹ thuật đạt đến mức nào; khi xem phim Việt ví như về Trạng này hay Trạng kia, tôi cảm giác như phim được trẻ con viết kịch bản và đạo diễn trẻ con dựng thành phim, triều đình chỉ gồm 4 kiểu: vua – quan văn – quan võ – quân lính. Nói thật là các vị biên kịch hoặc đạo diễn nên tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử, hoặc có thể tham khảo mấy cái truyện mạng của TQ mà, ví như họ có quan phân ra cửu phẩm, quân đội thì có thập trưởng – bách trưởng – thiên tướng – tả tướng – tiên phong – đại tướng – đô đốc … gì gì đó. Nên tìm hiểu cho kỹ về những phương diện này trước đi, khi đã có thế giới quan thời kỳ đó, cộng thêm sự kiện lịch sử thì mới nên đặt bút viết ra câu chuyện lịch sử để dựng thành phim.

Hiểu biết về bối cảnh và lịch sử là 1 chuyện, dựng bối cảnh hoặc trang phục là chuyện khác, 10 phần thì chỉ cần 3 phần chân thật, 3 phần sáng tạo, và 4 phần thẩm mỹ, phim là để cho người hiện đại xem nên không cần dựng y như thật như một bộ phim tài liệu lịch sử, thứ gớm nhất trong phim Việt là trang phục, ví như cái phim Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ có trang phục xấu òm, nhưng trang phục trong phim sắp ra là Người Vợ Cuối Cùng lại khá đẹp, đã có nhiều cải thiện về mặt này. Chưa nói đến chất lượng nội dung phim, bối cảnh và phục trang bắt buộc phải đẹp và có tính thẩm mỹ cao, đẹp không có nghĩa là phải sang trọng cao cấp nha các bạn, trong cái đơn sơ – thô – mộc mạc cũng có thể biểu hiện cái đẹp của nó, điều này phụ thuộc vào “con mắt” của nhà tạo mẫu và đạo diễn – chính vì thế mà tôi không đánh giá cao các đạo diễn phim truyền hình VN.

Tiếp theo là nội dung và thông điệp, lưu ý là không nên xem đây là một bộ phim tuyên truyền kiểu một chiều, nếu dựng phim kiểu này thì sẽ gây ra nhiều tranh cãi và chả ai thèm xem. Bộ phim phải truyền tải được những thông điệp cốt lõi như lòng yêu nước, nỗi đau của chiến tranh, nêu bật hậu quả thảm khốc của cảnh “gà nhà đá nhau”, đừng “thánh” hóa Nguyễn Huệ, cũng đừng “hắc” hóa Nguyễn Ánh, bản thân họ cũng là con người, có nợ nước, thù nhà, mâu thuẫn nội tại, vinh và nhục, việc Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác phải mượn binh ngoại bang có khiến Nguyễn Ánh cảm thấy nhục nhã không? Chắc chắn là có, Nguyễn Ánh có yêu nước không? Chắc chắn là có, khi Nguyễn Ánh bỏ chạy và mở rộng bờ cõi thì ông ấy có thấy vinh quang không? Chắc chắn là có, Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng Nguyễn Ánh và lên ngôi Quang Trung có tự hào và hùng tâm tráng chí mang nước Việt phát triển không? Chắc chắn có luôn.

Vậy nếu biên kịch (hoặc nhóm biên kịch) có thể viết ra một kịch bản khiến người xem đau đớn vì “gà nhà đá nhau”, tự hào vì đánh tan quân ngoại bang hoặc mở rộng bờ cõi, tiếc nuối cho một thiên tài như Nguyễn Huệ, vừa thương vừa hận một vị vua như Nguyễn Ánh, sôi máu khi xem các cuộc chiến, cảm phục các nhân tài hoặc hiệp khách hoặc tướng lãnh từ cả 2 phía Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, sự mâu thuẫn nội tại khi cùng là người Việt nhưng đứng ở 2 bên chuyến tuyến, từ đó rút ra bài học là hận thù nên giải chứ không nên kết – ví như sau khi Nguyễn Huệ chết và Nguyễn Ánh muốn trả thù thì một số tướng lĩnh đã khuyên can hoặc âm thầm giúp đỡ những người từng theo Nguyễn Huệ trốn đi. Nếu tạo được một kịch bản như thế thì bộ phim sẽ rất thành công.

Mém quên: em cầu xin các bác biên kịch làm ơn đừng viết kịch bản có lời thoại dạy đời hoặc triết lý hoặc dùng thành ngữ hen, nếu có ý gì thì nhớ thể hiện nó ra, đề nghị cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giữ vai trò duyệt kịch bản, vì anh ấy làm việc này khá tốt trong phim Tro Tàn Rực Rỡ.

Vì là phim lịch sử nên Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh cũng không nên quá đặt nặng, giống như các nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa hoặc Thủy Hử, nghĩa là phim có rất nhiều nhân vật quan trọng, cố gắng xây dựng tốt cho từng nhân vật, để sau đó điện ảnh Việt còn có cơ sở để phát triển những phim riêng cho những nhân vật này, tạo ra cái gọi là “vũ trụ điện ảnh” thời chiến nhà Nguyễn, giống như Lâm Xung – Võ Tòng – Tống Giang này nọ trong Thủy Hử. Tiếp theo là nên thêm vào các yếu tố như gián điệp, phản gián, người yêu nước, kẻ bán nước, người tình nghĩa, kẻ vị lợi, người trung thành, kẻ phản bội, đấu trí, đấu dũng, tình làng nghĩa xóm, sự an bình của đời sống làng quê, sự hy sinh của người vợ – người mẹ – người bà, người muốn chiến, kẻ muốn hòa .v.v. để bộ phim sinh động hơn.

 Nếu bạn muốn bộ phim lịch sử này có chiều sâu, cần chú ý đến những điểm sau đây:

1/ thể hiện các nhân vật mang tính con người nhất và tự nhiên nhất, đừng cố áp đặt cho họ một bản tính cố định, sự đa diện trong tính cách nên suy diễn từ hoàn cảnh sống của họ, tôi lấy ví dụ: việc Nguyễn Ánh dùng phương thức mượn binh ngoại bang xuất phát từ việc ông ấy sinh ra trong một gia đình quý tộc thích chơi trò chính trị, tài và dũng của Nguyễn Huệ lại xuất phát từ văn hóa yêu nước chống ngoại xâm có từ rất lâu ở VN.

2/ Nên áp dụng thuyết nhị nguyên vào phim này (thật ra thì tôi cũng chẳng biết thuyết này nói gì), nghĩa là cái hình thái cực á, trắng và đen, trong cái trắng có cái đen và trong cái đen có cái trắng, sự tương phản, sự cân bằng, sự tàn phá, sự xây dựng, sinh và tử, nam và nữ, những đứa trẻ, những người già, tuyệt vọng và hy vọng. Bản thân câu chuyện lịch sử của 2 vị này đã mang trong đó hàm ý này, Nguyễn Ánh tưởng thua nhưng lại thắng, Nguyễn Huệ tưởng thắng nhưng lại thua – thua vì cái chết chứ không thua vì tài năng.

3/ Nhắc lại: bối cảnh câu chuyện là “gà nhà đá nhau”, nên mục đích lớn nhất là hòa giải dân tộc chứ không phải là kích động thù hận và sự chia rẽ, mục đích lớn nhất của 2 vị vua trong phim là thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh, và cực chẳng đã mới dùng chiến tranh để chấm dứt chiến tranh. Cái bài học lịch sử này cực kỳ quan trọng đối với tình hình hiện tại, VN chúng ta cố gắng lớn nhất để đừng bị lọt cái hố này một lần nữa – khi chính trị thế giới đang phân làm 2 phe, một bên là phương tây và một bên là Nga – Trung, nếu không chú ý thì rất dễ rơi vào tình trạng như Ukraine.

Ngoài những gì tôi vừa nêu thì bộ phim lịch sử này rất có lợi cho việc quảng bá du lịch và ẩm thực VN, vì các sự kiện kéo dài từ bắc vào nam, từ thành thị cho đến thôn quê và cho đến các vùng đất mới được khai hoang trên con đường thua chạy của Nguyễn Ánh, mọi vùng đất đều được đặt chân tới.

Quan trọng nhất: 1000 lần từ “kịch bản”, sau đó là kinh phí từ chính phủ – càng cao càng tốt, đừng keo nữa mà, cho tầm 10-15 tr USD là được rồi, quá bèo khi so với các nền điện ảnh khác như Hàn hoặc Trung.

Quan trọng hai: nhớ tham khảo kỹ lưỡng những bài “bài bàn về điện ảnh” và các bài review khác trên Chí Blog nghen, rất quan trọng.

Quan trọng ba: nhớ tích cực tài trợ “cà phê” cho Chí Blog để có thêm nhiều bài viết bổ ích.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Oppenheimer (2023): quả trứng phục tử

T6 Th8 18 , 2023
Oppenheimer là phim được rất nhiều người khen và viết review phân tích, Chí Blog – “website duy nhất gì đó giải mã phim nghệ thuật” đã xem phim này trước khi nó được ra rạp ở VN, và nó khiến tôi khá mệt vì tốc độ đọc phụ đề […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese