Review phim Crimes Of The Future: chúng ta sẽ tiến hóa thành cây

1

Crimes Of The Future (2022) là phim kinh dị – siêu thực – hack não – hài hước, bạn tự hỏi chuyện gì đang xẩy ra? Đừng lo lắng, không tốt cho sức khỏe, vì bạn đã có Chí Blog – “website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật” trong ĐA VŨ TRỤ (trend mới, VŨ TRỤ xưa rồi, quốc tế giờ thịnh hành ĐA VŨ TRỤ, vài năm nữa có thể sẽ tiến đến ĐA ĐA VŨ TRỤ). Ờ, nghiêm túc lại nào, để hiểu phim này không khó, nhưng muốn hiểu thật sự sâu sắc thì trước tiên bạn phải nắm trong tay 3 chiếc chìa khóa vàng trên trang Chí Blog để giải mã, chiếc thứ nhất là  Wall-E, thứ 2 là Equilibrium , thứ 3 là The Giver, 3 bộ phim này thì phim nào cũng hay hết nghen. IMDb 6.0 , phim không dành cho đa số, bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Trước tiên để hiểu bối cảnh phim, chúng ta nói về quá tình “tiến hóa” của xã hội loài người. Cách đây hàng chục ngàn năm, con người sống trong thiên nhiên hoang dã, sau đó họ dần rời bỏ nó và xây dựng những thành thị đầu tiên. Cách đây hàng trăm năm, con người có đức tin về các vấn đề tâm linh, hiện nay thì đa số chỉ tin vào khoa học. Cách đây khoản nửa thế kỷ, con người còn tin vào các giá trị như tình yêu, sự thủy chung, lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm, đạo đức cộng đồng …, hiện nay thì mấy thứ đó đều nát bét. Xã hội hiện tại tin và tìm kiếm điều gì? Lợi ích về vật chất, thỏa mãn nhu cầu của cơ thể, như  giải trí – ăn uống – tình dục. Về mặt chính trị – kinh tế – xã hội, gần như cả thế giới bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia với mục đích lớn nhất là thu lợi về tiền bạc – vật chất. Vậy giai đoạn “tiến hóa” thứ nhất là từ tinh thần “phát triển” đến xác thịt.

Bởi vì tăng lợi nhuận lên mức cao nhất, khoa học được đầu tư và phát triển cực nhanh, mà trong đó có 2 ngành sẽ tiến đến tương lai rực rỡ là sinh học và AI. Khi máy móc kết hợp với sinh học và AI, nó sẽ tạo ra được những thiết bị mà chúng ta thấy ở trong phim, đến một lúc nào đó, những thiết bị này có thể kết nối với cơ thể con người, can thiệp trực tiếp vào hệ thống thần kinh, hỗ trợ đời sống con người ở mức tối đa, đó chính là lúc mà cái tập đoàn mang tên LifeFormWare được sinh ra và thống trị thế giới, họ có thể tạo ra những loại thức ăn tổng hợp hoàn hảo nhất, đủ chất, không cặn bã, cực dễ hấp thụ.

Khi kết hợp loại thức ăn kiểu này và các thiết bị hỗ trợ sự sống thì chuyện gì sẽ xẩy ra sau thời gian dài ví dụ như hàng ngàn năm? Cơ thể chúng ta sẽ “tiến hóa” theo hướng những cơ quan trong “bộ đồ lòng” sẽ thoái hóa dần và biến mất, ví dụ như không cần bao tử, gan, mật, thận, đường tiết niệu, và kể cả “cửa hậu”. Còn khi máy móc dạng sinh học có thể kết nối với hệ thần kinh trung ương thì bộ phận sinh dục cũng không thật sự cần thiết, kích thích dây thần kinh “sung sướng” là được, và máy móc có thể biến đổi hệ thần kinh và hệ gen để giảm sự đau đớn của thể xác đến mức thấp nhất, lúc này bên trong cơ thể chỉ còn phổi – tim – ruột, nếu hệ tuần hoàn mao mạch phát triển thì thậm chí không cần tim để bơm máu, giống như hệ mao mạch của cây. Giai đoạn “tiến hóa” thứ 2 là cơ thể con người biến thành “cây”, chỉ khác nhau ở chỗ con người hấp thụ Oxy bằng phổi để đốt chất dinh dưỡng tạo ra năng lượng sống.

Kế tiếp là khi hệ thống AI vượt qua sự tính toán của con người thì việc xữ lý các vấn đề khác trong cuộc sống cũng sẽ được giao cho AI làm luôn, và đây chính là lúc tai nạn ập tới, khoa học của con người đình trệ, thụt lùi, vì họ chỉ còn tập trung hưởng thụ với những thành quả đạt được. Lại trải qua hàng trăm hoặc ngàn năm, máy móc không vĩnh cữu, nó sẽ hư hỏng dần và không được sửa chữa, đặt biệt là những loại máy móc công nghệ cao, trừ khi được bảo quản vô cùng tốt như cái Sark trong phim, ban đầu nó phục vụ cho việc chữa bệnh, nhưng khi cơ thể con người biến hóa, nó phục vụ khám nghiệm tử thi, và khi cơ thể con người như một cái cây thật sự (sự sống kéo dài gần như bất tử) thì nó trở thành một món đồ chơi cao cấp dùng cho việc giải phẩu tạo hình. Thời điểm này chính là bối cảnh trong phim, có giống sự “tiến hóa” của phim Wall-E? chỉ khác là AI không tự nó nhận thức để biến thành giống loài có ý thức như con người. Suy luận này chỉ còn lỗ hổng duy nhất là cách mà đứa trẻ ra đời, có lẽ là phôi thai phát triển trong máy sinh học và sự kết hợp gen của nam và nữ.

Giờ bàn đến chìa khóa Equilibrium , bởi vì con người theo đuổi đam mê xác thịt, nên sẽ không có chuyện chính phủ bắt con người phải loại bỏ cảm xúc, dù vậy, bởi vì cơ thể con người đã bị thoái hóa đến cùng cực, nên mặt nào đó, nó giống như việc sống mà không có cảm xúc, chính xác hơn thì có cơ thể mà không có cảm giác, “khác hình thức nhưng cùng bản chất”, một cái thuộc về tinh thần, một cái thuộc về vật chất, cho nên con người trong phim luôn cảm thấy trống rỗng, sự trống rỗng đến từ thân xác. Đây chính là điểm mấu chốt tạo ra sự hài hước của phim.

Bạn cứ hình dung, nếu hiện thực những thứ giải trí của chúng ta phần lớn thuộc về tinh thần thì trong phim lại là xác thịt, hoàn toàn xác thịt, cả một hệ thống xã hội bị biên kịch và đạo diễn chuyển đổi thành xác thịt. Ví như những nghệ thuật gia hoặc nghệ sĩ nổi tiếng của chúng ta, họa sĩ thì có Picasso, nhạc giao hưởng thì có Beethoven, tranh và nhạc của họ trừu tượng về tinh thần, trong đó bao hàm những chân lý về sự sống; thì trong phim này là cặp đôi Saul và Caprice. Chúng ta khao khát muốn nắm bắt và thấu hiểu những thứ trừu tượng về tình yêu, hoặc tự do, hoặc niềm vui, hoặc nỗi buồn trong tranh và nhạc thế nào, thì khán giả trong phim khi xem Saul và Caprice biểu diễn sẽ khát khao có lại được bao tử, gan, tim, thận … y như vậy (haha).

Vì những thứ họ khao khát đã trở thành “truyền thuyết”, giờ thì “nội tại” của họ chỉ toàn ruột và ruột thôi hen. Cho nên khi chúng ta nhìn mấy thứ đó cảm thấy ghê rợn, còn con người trong phim thì cảm thấy nó đẹp tuyệt vời. Nghe một bản nhạc giao hưởng của Beethoven, chúng ta thốt lên “Ôi! Sự sáng tạo này, âm nhạc này, tâm hồn này đẹp quá”, còn họ khi nhìn thấy một trái tim hoặc quả thận tự mọc ra trong ổ bụng của “nghệ sĩ”  Saul thì sẽ kêu lên “Ôi! Quả tim ấy, quả thận ấy đẹp mê ly, ước gì bên trong nội tại của mình cũng mọc ra nó!”. Vậy thì sao Saul phải cắt nó đi? Vì nó không còn chức năng phục vụ sự sống, nói cách khác thì mấy cái thứ nội tạng này mang ý nghĩa với họ như là khái niệm về tự do hoặc tình yêu hoặc hạnh phúc của chúng ta. Đến cả sự đau đớn mà họ cũng khó có được nữa là.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Biểu tượng cho loài người ngày nay, sự phụ thuộc vào những công cụ hỗ trợ, con người hay “con rối”?

Đọc đến đây thì bạn biết “tình dục” trong phim là gì không? Là sự đau đớn, cái cảnh khi Saul làm đau Caprice chính là đang phục vụ “tình dục” cho cô ấy, nên nhớ đây là thời đại của LifeFormWare nhé, và khi họ nằm cùng nhau rồi cái máy làm họ đau nghĩa là họ đang “làm tình” với nhau đấy. Có nhớ đoạn Saul đi trên đường gặp cảnh 2 chàng trai dùng dao rạch vào bả vai cô gái? Đó là 2 gã trai mại dâm đang phục vụ khách hàng là cô gái, hoặc cô gái là gái mại dâm đang phục vụ 2 gã trai, vì dù sao thì khiến cho cô gái “sung sướng” thì người thực hiện cũng cảm thấy được thỏa mãn. Còn cái cảnh trong buổi tiệc mà người này dùng dao rạch người kia chính là cảnh thác loạn làm tình tập thể (haha), bệnh vãi … thiệt!

Nếu bạn đã xem phim Equilibrium, thì những tình tiết diễn ra trong phim cũng tương tự, một nhân viên chính phủ có cảm xúc trà trộn vào phe cách mạng để tiêu diệt họ nhưng cuối cùng anh ấy đứng về phía cách mạng và khiến chính phủ sụp đổ; còn phim này thì Saul – người có thể mọc ra nội tạng đã bị thoái hóa, lại là gián điệp của chính phủ, điều tra nhóm người cực đoan có tư tưởng muốn ăn nhựa và vật liệu chứ không phải thức ăn dinh dưỡng hoàn hảo. Phe li khai ngoài đời thực có tư tưởng trái với chế độ, phe cách mạng trong phim muốn ăn loại thức ăn không phải truyền thống và muốn có “bộ đồ lòng” khác biệt. Cái kết cũng giống phim Equilibrium, cảnh Saul ăn “thức ăn” của phe cách mạng và cảm xúc dâng trào, nếu video đó được công bố thì chính phủ chắc chắn sẽ sụp đổ, vì con người trong phim đã không chịu nổi sự vô “cảm giác” từ cơ thể họ, đến nỗi một nhân viên chính phủ đang làm điều tra mà khi được đưa “thức ăn” đã vồ lấy ngay và sau đó lăn đùng ra chết vì trúng độc.

Phân tích tới đây thì bạn đã hiểu nội dung phim rồi hen, mấy cái mọc ra bên trong cơ thể của Saul không phải là cái gì như khối u hoặc bộ phận mới gì đâu, đó chỉ là sự “trở lại” của những gì từng biến mất. Và bởi vì con người trong phim quá khát khao nó, nên cảnh Caprice quỳ xuống hôn vào chỗ dây kéo khóa ổ bụng Saul cũng không có gì lạ, giống như cách chúng ta hôn vào đôi mắt một ai đó, vì đôi mắt tượng trưng cho cửa sổ tâm hồn.

Điều khiến tôi bật cười trong phim là cảnh 2 cô gái ám sát, nếu chúng ta thường thấy cảnh sát thủ dùng súng bắn vỡ đầu thì 2 cô này lại dùng máy khoan (haha) vì khoa học lúc này đã hoàn toàn sụp đổ, máy khoan trở thành vũ khí cao cấp, dao là vũ khí thông thường. Hoặc cảnh chiếc ghế hỗ trợ ăn, 2 “cánh tay” ngay cổ để giúp thức ăn trôi xuống, mấy cái để ở hông hay bụng cũng vậy, con người lười đến nỗi thức ăn dạng đó mà cũng cần máy móc hỗ trợ, đến cả chuyện mơ mà cũng nhờ đến chiếc giường cao cấp kết nối thần kinh làm hộ.

Vậy thì tóm lại thông điệp phim là gì? Là những gì tôi vừa phân tích, tương lai con người sẽ trở nên như vậy nếu chỉ biết theo đuổi vật chất và xác thịt, mọi thứ mà xã hội ngày nay đang theo đuổi bị hạ cấp trầm trọng. Nếu chúng ta cho rằng tình yêu, tự do, công bằng, lòng trắc ẩn không thật sự tồn tại thì những điều đó cũng sẽ không thật sự tồn tại, nó giống như mấy thứ nội tạng đã từng có và thoái hóa rồi biến mất của loài người trong phim, nhưng nếu chúng ta tin và khát khao những giá trị tinh thần đó, chúng sẽ biến thành “thực chất” và biểu hiện trong đời sống thực.

 Tiếp theo, chúng ta cần đảo lại ý nghĩa thật sự của từng yếu tố đang hiện diện trong đời thực. Cảnh cô nghệ sĩ biểu diễn tự dùng dao rạch mặt mình, ám chỉ những “nghệ sĩ” muốn được nổi tiếng bằng những chiêu trò bẩn như tạo ra scandal. Hoặc cảnh diễn viên múa may lại miệng và mắt và gắn tai khắp cơ thể, đó là những “nghệ sĩ” chạy theo những giá trị hình thức và bản năng, họ “câm” và “mù” trước những vấn đề của xã hội, họ đầu độc đám đông và dân chúng, muốn dân chúng cũng “câm” và “mù” như họ, loại nghệ sĩ này hủy hoại những giá thuộc về bên trong còn chưa đủ, họ muốn hủy hoại luôn những giá trị bên ngoài, khiến chúng trở nên lệch lạc.

Giới nghệ sĩ thì chạy theo tư tưởng vị kỷ và tư lợi, phía chính phủ mà đại diện là nhân vật người da đen thì sao? Nó ám chỉ sự thống trị của một chủ nghĩa xã hội (tôi không nói về VN mà là phương tây nhé) cánh tả cực đoan vô cảm, máy móc và lầm lạc phụ vụ cho lợi ích của những siêu tập đoàn như LifeFormWare. Thậm chí kể cả niềm tin cũng đang bị lầm lạc, nó thể hiện qua chuyện nhóm cách mạng và đứa trẻ, khi niềm tin về những giá trị tinh thần như tình yêu, tự do … không còn, thì dù có đạt được nó thì nó cũng sẽ bị biến chất thành tự do sống trong sự vị kỷ, còn tình yêu biến thành tình dục, giống sự sa đọa của phong trào hippie, khi hiểu sai thì kết quả đạt được cũng sai.

Trong phim, cha của đứa trẻ quá lý tưởng về quá khứ khi mà con người còn sống ở thời kỳ đỉnh cao của những cổ máy hóa sinh, cho nên anh ta muốn một “nội tại – bộ đồ lòng” tiêu hóa được nhựa và vật liệu hóa sinh bằng sự can thiệp nhân tạo, kết quả là anh ấy “sinh ra” một đứa con thích ăn thùng rác bằng nhựa và tiêu hóa nó với “bộ đồ lòng” tự nhiên.  Điều này tương ứng với những con người muốn trở về với thiên nhiên bằng cách sống trần truồng như loài thú, nó hoàn toàn khác với hướng đi của Saul vốn là một nghệ sĩ thật sự.

Giờ thì chúng ta liên hệ đến phim The Giver, cái mà Saul khao khát muốn tìm là những cơ quan nội tạng đã bị mất đi, anh ấy khao khát chúng hơn bất kỳ ai, vì anh ấy là nghệ sĩ, cái khao khát của anh ấy là thực chất chứ không phải chỉ muốn xem biểu diễn như đám đông khán giả, và khi niềm tin biến thành thực chất, tự cơ thể sẽ “nhớ lại” và mọc chúng ra ngày càng nhanh hơn, và cuối cùng anh ấy muốn sữ dụng nó chứ không phải cắt bỏ, nên anh ấy muốn thử thứ “thức ăn” kiểu mới của nhóm cách mạng, dù có thể anh ấy sẽ chết, và cảnh cuối thể hiện điều gì? Đó chính là cảm giác khi ăn đã quay lại, nó có thể là vị giác của lưỡi, cái cảm giác đó có thể không hẳn là sự ngon như chúng ta ăn, nhưng với một con người chưa từng cảm giác được cái vị khi ăn, thì khi có được nó, dù là đắng cay ngọt bùi thì đó cũng là điều vô cùng tuyệt vời, điều đó giống như cậu bé trong phim The Giver thấy được một thế giới có màu sắc, hiểu được tình yêu, hạnh phúc hoặc khổ đau, vui và buồn. Nói cách khác thì đó là cảm giác và cảm xúc chợt trở lại chứ không phải sự vô cảm từ xác thịt cho đến tâm hồn.

Nếu Saul là đại diện cho con người và bản thể người, thì Caprice thể hiện cho tính cá nhân, điều mà cô ấy khát khao là muốn có được sự trải nghiệm của Saul, hoặc cô ấy giải phẩu thẩm mỹ khuôn mặt như cô gái nghệ sĩ (rạch mặt); còn Timlin là thể hiện tính cộng đồng, cô ấy lại muốn sở hữu nó, phân tích nó (câu nói: giải phẫu như là xu hướng tình dục mới), và sưu tập nó. Đoạn cuối cùng khi bộ phim kết thúc, chúng ta thấy hình ảnh như làn da hoặc tế bào, nó có vẻ giống với vỏ của những thân cây, hoặc cái tên Saul, tôi liên tưởng đến từ Soul (linh hồn), nhưng nó đã bị biến đổi rồi.

Có lẽ bài viết đến đây đã đủ, còn những điều khác thì quá trừu tượng nên không thể nói ra, vì nó phụ thuộc vào cảm nhận và nhận thức của riêng mỗi người. Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẻ bài viết để nhiều người đọc hơn nhé, chúc các bạn xem phim vui vẻ. Nhớ đọc lại review 3 bộ phim, và review sách The Giver, hoặc 451 độ F, Brave new world, Hoàng Tử Bé, các bài bình Nhà Giả Kim, các nhân vật trong Suối Nguồn trên Chí Blog  … để hiểu thêm.

Tái bút 07/07/22: phim cũng mang hàm ý rằng con người không biết mang hạnh đến cho nhau mà chỉ có sự đau đớn, con người trong giai đoạn “tiến hóa” 1 (thời đại của chúng ta) bảo họ yêu thiên nhiên, hành động của họ là “ăn” sạch thiên nhiên, còn phe cách mạng trong phim muốn trở về thời kỳ của máy hóa sinh, nên họ thay bằng “bộ đồ lòng” tiêu hóa được vật liệu tạo ra chúng (thâm thúy hen). Hoặc cỗ máy Sark làm tôi nghĩ tới từ Shark (cá mập), và khi Saul nằm trong Sark, nó ám chỉ con người là linh hồn của “cá mập”, chỉ biết ăn và ăn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Wall-E (2008): sự tiến hóa … ngược

Equilibrium (2002): vô cảm là cái giá để được hạnh phúc?

Người Truyền Ký Ức – The Giver (2014) : một xã hội lý tưởng

Nâng Cấp – Upgrade (2018): nâng cấp hay hạ cấp?

Người Truyền Ký Ức – Lois Lowry: được và mất

Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 1, trang 17-57
Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 2, trang 58-99
Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 3, trang 100-147
Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 4, trang 148-hết

Thế Giới Mới Tươi Đẹp – Aldous Huxley

Bình sách Nhà Giả Kim – Paulo Coelho: phần 1 – chương 1-12
Bình sách Nhà Giả Kim – Paulo Coelho: phần 2 – chương 13-22
Bình sách Nhà Giả Kim – Paulo Coelho: phần 3 – chương 23-32
Bình sách Nhà Giả Kim – Paulo Coelho: phần 4 – chương 33-42
Bình sách Nhà Giả Kim – Paulo Coelho: phần 5 – chương 43-hết

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

One thought on “Review phim Crimes Of The Future: chúng ta sẽ tiến hóa thành cây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Decision To Leave: khi xã hội muốn tự sát

CN Th11 13 , 2022
Quyết Tâm  Chia Tay (2022)  là phim hình sự – tình cảm, nhiều người bảo rằng nó lạ lùng và huyền bí, nhưng không phải vậy với Chí Blog – Website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật. Nếu tôi bảo rằng những bài viết của mình xứng đáng […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese