Review phim I Daniel Blake (2016): đừng biến chúng tôi thành kẻ tìm sự bố thí

I, Daniel Blake có IMDb 7.9 , phim thuộc thể loại chính kịch, đoạt giải Cành Cọ Vàng 2016, nhiều phim khác mà tôi review cũng đều đoạt giải này nọ quốc tế cả đấy, chỉ là tôi không viết trong bài để câu view thôi (cười). Bài này viết ra để câu tí view vì rất cần thiết cho cả người đọc và xã hội. Vì nếu chúng ta không quan tâm đến những điều thiết thực này, rồi ngày nào đó khi tai họa giáng xuống khiến ta trở thành kẻ vô gia cư hoặc phải “bán thân” để sinh sống thì đã muộn màng. Coi những bộ phim thuộc thể loại này thường rất mệt óc lẫn tim, nhưng như thế còn tốt hơn là để 2 thứ đó chai cứng.

Bộ phim được bắt đầu vô cùng ấn tượng, đó là một màu đen thui và ta nghe được 2 người đang nói chuyện với nhau qua điện thoại, có vẻ như họ đang nói thứ ngôn ngữ của loài người nhưng có một bên nghe mãi mà cố tình không hiểu bên kia nói gì, chúng ta phải chăng đang xem một bộ phim viễn tưởng về trí thông minh nhân tạo? Không! Phía không hiểu là nhân viên của cơ quan “trợ cấp” của chính phủ. Chuyện là Blake 59 tuổi đang bị bệnh tim và bác sĩ nói rằng ông không thể tiếp tục đi làm, nhưng khi ông gọi đến cơ quan “trợ cấp” để được nhận trợ cấp thì họ đòi ông phải điền các thông tin cần thiết để được xét duyệt. Nên nhớ rằng số tiền trợ cấp này không phải là phía chính phủ cho không, mà nó được trích ra từ tiền bảo hiểm xã hội mỗi người phải đóng khi họ đi làm. Buồn cười ở chỗ Blake đã nói vô số lần là ông bị bệnh tim, nhưng nhân viên cứ hỏi ông có thực hiện được động tác này hay khác, vì quy trình và nguyên tắc là vậy, họ chuyên nghiệp đến nỗi tự biến thành vô tình và vô cảm. Tại sao là màu đen? Vì làm gì còn “con người” ở đây, nhân viên biến thành robot, các robot này lại không xem Blake là người.

Chuyện tiếp theo sau là một chuỗi những chuyện cười ra nước mắt, chúng ta sẽ không lạ lắm nếu thường xuyên phải đến cơ quan công quyền làm giấy tờ. Người dân phải chầu chực hàng giờ, xoay vòng từ thủ tục này đến thủ tục khác, giống như người ta quay con dế trước khi cho nó vào trận chiến, càng quay càng chóng mặt, nhưng Blake quyết tâm thực hiện đến cùng. Xã hội chúng ta đang sống dường như rất thích giúp con người rèn luyện tính kiên trì và sự hòa hảo giữa người và người. Vì rèn tính kiên trì, người dân có thể bán từng món đồ trong nhà để có chi phí sống qua ngày. vì rèn sự hòa hảo, khi nói chuyện với nhân viên chính phủ thì phải nhỏ nhẹ và tươi cười, giống như những con chó đang quẩy đuôi để xin khúc xương từ ông chủ, đó là thực tế, đó là cuộc đời. Nếu chúng ta làm ngược lại, chúng ta sẽ bị phạt, bị đá ra như một con chó bằng lời rất lịch sự “mời anh ra khỏi đây nếu không tôi gọi cảnh sát”. Chuyện như vậy không chỉ diễn ra với Blake mà còn với bà mẹ đơn thân Katie có 2 con nhỏ, và nhiều người khác nữa.

Blake là một người tốt, dẫu gặp khó khăn nhưng ông vẫn luôn tìm mọi cách để giúp Katie và 2 đứa trẻ. Nếu càng thương cho 2 nhân vật này thì ta càng căm ghét phía cơ quan chính phủ. Vì họ buộc Blake phải làm những chuyện hoàn toàn vô nghĩa, phải có bằng chứng là liên tục đi xin việc 35 giờ/tuần, trong khi bác sĩ bảo ông không thể làm việc. Nó giống như một trò chơi khăm để người ta nản lòng và từ bỏ. Từ một người có việc làm ổn định, vì sự phi lý tương tự mà Katie bị mất việc, mất chỗ ở thuận tiện, sau đó thì cô “tiến lên” con đường trộm cắp để có thức ăn cho con, rồi “tiến lên” con đường làm “gái”. Sau khi Blake xoay xở mọi điều mà vẫn vô vọng, ông đã nổi loạn và bị bắt, ông quyết định kiện cơ quan chính phủ nhưng … trái tim ông đã kiên trì không nổi sau mấy mươi năm phải làm việc vất vả. Hãy thử nghe những gì ông nói trong buổi gặp cuối cùng với một bà nhân viên có lương tâm:

“Nó đúng là một trò hề lớn, phải không? Ann, cô ngồi đó với thẻ tên thân thiện cài trên ngực, đối diện cô là một người đàn ông bị bệnh đi tìm những công việc mà không tồn tại, những việc mà tôi không thể nhận. Lãng phí thời gian của tôi, của người tuyển dụng, của cô. Tất cả mọi chuyện chỉ là để sỉ nhục tôi, nghiền nát tôi. Hay đó là mục đích để lấy tên tôi ra khỏi danh sách trên máy tính? … , cảm ơn (vì lời khuyên của cô)! Nhưng khi mình đánh mất lòng tự trọng, xem như đời mình đã hết”

Khi ông viết những dòng chữ lên tường, nhiều người vây quanh vỗ tay hoan hô, một số người mang trang phục có đôi tai thỏ – đó là một biểu tượng mang tính châm biếm, họ cũng giống như bọn thỏ ngây ngô thích náo nhiệt, ngoài ra thì chẳng biết làm gì mang tính thiết thực có thể giúp ích cho ông cũng như cho họ. Cái hệ thống mà cả loài người chúng ta đang sống trong nó đang từng giờ từng phút giết chết những người trung thực và lương thiện, dồn chúng ta vào bước đường cùng để thành người vô tình và lương lẹo, bán rẻ lòng tự trọng, thành kẻ vi phạm pháp luật. Còn đây là bức thư ông đã viết nhưng không kịp đọc trước tòa:

“Tôi không phải là một khách hàng, một thân chủ, cũng không phải là người sữ dụng dịch vụ. Tôi không phải người đang trốn chạy, một ăn mày, một kẻ trộm, tôi không phải là số bảo hiểm quốc gia, hay một đốm sáng trên màn hình. Tôi đã đóng tiền thuế, không bao giờ thiếu một xu, và tôi rất tự hào để làm vậy. Tôi luôn tôn trọng hàng xóm của tôi và giúp đỡ khi họ cần. Tôi không nhận hay tìm sự bố thí. Tên tôi là Daniel Blake, tôi là một người đàn ông, không phải là một con chó. Vì vậy, tôi đòi hỏi quyền lợi của mình. Tôi yêu cầu mọi người đối xữ với tôi bằng sự tôn trọng. Tôi, Daniel Blake là một công dân, không hơn không kém.”

Cái chết của Blake mang 2 nghĩa, là cái chết của nhiều người thật khi họ trở thành kẻ vô gia cư nằm trên đường phố hoặc bị ép vào đường cùng, là cái chết của tâm hồn/lương tâm con người biểu hiện qua sự ngừng đập của trái tim. Hãy nhớ lại khi ông hỏi cậu bé đang đánh banh trên cầu thang “dừa hay cá mập giết người nhiều hơn?” câu trả lời của cậu bé vào hôm sau là “dừa”. Tại sao không phải là cá mập? Vì ai cũng biết cá mập nguy hiểm nên họ tránh xa, còn trái dừa rớt xuống từ trên cây thì không ai để ý cả. Một đứa trẻ còn biết điều đó tại sao bọn người lớn chúng ta lại không biết? Những trì trệ trong hệ thống chúng ta đều thấy, nó giết người không thấy máu nhưng chúng ta không quan tâm, lạ thật! Ở đây chúng ta cũng thấy sự tương phản, khi Blake hỏi đứa trẻ, nó không đáp ngay nhưng nó có nghe; trong khi những nhân viên chính phủ dù đối thoại một cách trực tiếp nhưng họ chưa bao giờ thật sự “nghe” chúng ta nói gì. Buồn thay!

Càng xem nhiều phim nước ngoài tôi càng khâm phục, dù xã hội của họ cũng vướng những vấn đề nan giải nhưng ít ra vẫn có những bộ phim thế này để cảnh tỉnh con người. Đó là sự tiến bộ mà chúng ta nên học tập, tôi đang cố làm gì đó có ý nghĩa. Còn bạn thì sao?

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Toy Story 4 (2019): khi cả thế giới cùng một mục đích

T4 Th9 18 , 2019
Toy Story 4 có IMDb 8.1, đây là một bộ phim xuất sắc (tôi ít dùng từ này) vì tính đa thông điệp của nó. Khi hiểu rõ ý nghĩa phim, ta sẽ nhìn thấy biết bao vẻ đẹp được ẩn chứa bên trong. Tôi đã xem qua vô số […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese