Review phân tích sâu phim 1408: nỗi đau – oán hận – địa ngục

5

1408 (2007) là phim kinh dị, bạn có tin chuyện ma quỷ? Chết! Tôi không muốn giống Mike trong phim, nhưng nếu bạn muốn nghe một giải thích khác, hãy đọc bài này. Sự thật thì chẳng có chuyện ma quỷ gì ở đây cả – viết như thế không có nghĩa là tôi đang cố chứng minh ma quỷ không tồn tại, nó có, nhưng theo một phương thức khác, những chuyện xẩy ra với Mike chỉ vì anh ta đã ‘gõ sai cánh cửa’, mà điều này rất quan trọng trong việc ‘cánh cửa’ đó sẽ dẫn ‘người gõ’ đến thiên đường hay địa ngục. Bài review này sẽ giúp bạn phân biệt ‘cửa’ nào nên gõ và ‘cửa’ nào nên tránh. Phim dựa theo truyện ngắn của Stephen King, tôi thích ông nhà văn này, vì tính kinh dị chỉ là nền cho những bài học lớn, cảnh báo: phim có nhiều cảnh máu me ám ảnh, chia sẻ tí kinh nghiệm: nên ít coi phim kinh dị về ma quỷ nếu tinh thần ít ‘ánh sáng’ và không đủ mạnh mẽ; IMDb 6.8

Chuyện kể về Mike là một nhà văn chuyên săn tìm những khách sạn bị quỷ ám để chứng minh điều ngược lại, đó là chẳng có Thiên Chúa, thiên thần hay ác quỷ gì ở trên đời này, một ngày kia, Mike nhận được một tấm thiệp với dòng chữ “đừng đến phòng 1408” nhưng anh ấy vẫn đến và thấy …; muốn biết anh ấy thấy gì thì xem phim hoặc đọc bài tiếp, bài dài và phân tích sâu vấn đề khoa học và tâm linh.

Phân tích phim và ý nghĩa thông điệp

Hầu hết các bài review của người khác đều đứng trên quan điểm mà nội dung phim cho chúng ta thấy, và đưa ra kết luận rằng Mike đã thật sự gặp quỷ, và đó là hậu quả của việc thách thức ma quỷ, nhưng cuối cùng anh ấy đã chiến thắng bọn chúng bằng cách đốt cháy căn phòng cùng với chính anh ấy – tôi nói theo kết phim thứ nhất, Mike chết. Đây là một cách hiểu, không khó để nhận ra rằng mọi hành động đó của Mike là do nỗi đau mất đi đứa con gái mà anh ấy vô cùng yêu thương, đây là tâm lý chung của tất cả chúng ta.

Khoan bàn đến những diễn biến trong phim, trước khi đứa bé bị bệnh và qua đời, chúng ta hoàn toàn không biết Mike có tin vào sự tồn tại của Thượng Đế hay không, nhưng sau khi đứa bé qua đời, Mike hoàn toàn trút nỗi oán hận đó vào Thượng Đế và cố tìm cách chứng minh không có sự tồn tại của thần thánh hoặc ma quỷ; bạn đã thấy sự mâu thuẫn ở đây chưa? Nếu Mike không tin có Thượng Đế thì tại sao lại trút sự oán hận đó lên điều mà anh ấy tin rằng không hề tồn tại? Điều này vẫn có thể diễn ra dù rất mâu thuẫn, nghĩa là dù có hoặc không có đức tin, con người vẫn cố tìm ‘Ai đó’ để đổ lỗi cho những bất hạnh mà họ gặp phải, vậy điểm đầu tiên có thể xác định: hành động của Mike là sự trả thù để thỏa mãn nỗi đau của anh ấy.

Trả thù Thượng Đế có 2 cách, trực tiếp chứng minh Thượng Đế không tồn tại, điều này là bất khả, kể cả khoa học cũng bó tay, vì khoa học dựa vào kinh nghiệm và tính logic, nghĩa là điều gì chưa xẩy ra không có nghĩa là không có, mà là có thể có và có thể không – đây là vấn đề mang tính nghiêm túc và toàn diện, hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của Mike. Chính vì thế Mike chọn cách gián tiếp theo lối cá nhân, đó là chứng minh ma quỷ không tồn tại, vì có vô số người tin vào chuyện ma quỷ tồn tại, khi Mike chứng minh ma quỷ không tồn tại, anh ấy đã gián tiếp phá hủy đức tin của họ đối với Thượng Đế.

Sự độc đáo của Stephen King hoặc đạo diễn phim chính là ở điểm này, bạn có thấy lạ lùng khi phần đông con người có rất ít đức tin về sự tồn tại của Thượng Đế nhưng lại tin là có ma quỷ, nếu thống kê, số người nghĩ rằng họ gặp được thần thánh có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng số người tin rằng họ thấy ma quỷ thì nhiều như sao trên trời, vậy ma quỷ ở đâu? Nó đang ở trong tâm trí chúng ta, và như chúng ta đều biết, khi tin vào điều gì thì chúng ta sẽ tìm thấy điều đó. Nói cách khác, tin vào sự tồn tại của ma quỷ cũng là một căn bệnh mà loài người cần phải chữa, nhưng chữa như thế nào cho đúng đây? Như cách của Mike? Phim cho thấy anh ta đã thất bại, bạn đừng hiểu nhầm là thất bại của Mike bởi vì phim cố tình tạo ra ma quỷ, bộ phim độc đáo hơn là bạn nghĩ đấy, họ không cố ép chuyện có ma quỷ đâu, mà họ xây dựng trên khoa học và tâm lý học cả đấy.

Chúng ta bắt đầu vào phim (cười), cha của Mike, người vợ, đứa con gái, tất cả họ đều có niềm tin vào Thượng Đế, có lẽ trước khi con gái bệnh thì Mike cũng tin; nhưng sau khi con gái chết thì Mike ‘cố tình’ không tin và trả thù Thượng Đế bằng cách chứng minh không có ma quỷ, nhưng để chứng minh thì anh ấy phải đi đến những nơi cho rằng là có ma quỷ tồn tại, mà ma quỷ sẽ gắn liền với những cái chết hoặc tội ác ghê rợn, những câu chuyện và hình ảnh đó in vào tâm trí của Mike, và ‘chúng’ chìm sâu vào vô thức của anh ấy. Bất cứ điều gì khi làm quá thường xuyên sẽ hình thành thói quen hoặc bị nghiện, đã vậy việc Mike đang làm đã tạo ra danh tiếng và tiền bạc cho chính anh ấy, sự hấp dẫn tăng lên gấp bội, cho nên dòng chữ ghi trong bưu thiếp giống như sự mời gọi Mike đến với căn phòng 1408.

Khi đến nơi, Olin đã mời Mike thưởng thức chai rượu – thứ chất kích thích có thể gây ra ảo giác, lại đưa cho Mike tập tài liệu về vô số cái chết của những người từng ở trong căn phòng đó, mức độ ám ảnh càng tăng cao. Một câu hỏi được đặt ra là, sự cảnh báo của nhiều người và tập tài liệu đó đang nói về cái gì? Không phải ma quỷ, mà trực tiếp nhất là cái chết, khi con người đối diện với cái chết thì tự khắc sẽ sinh ra sợ hãi, rồi việc Mike vào phòng tắt đèn và chiếu tia cực tím thì chẳng khác gì mang ‘xác’ của những kẻ đã chết đặt trở lại ‘căn phòng’ trong tâm trí anh ấy, đây là việc làm hết sức dại dột. Kế đến là sự bày trí của căn phòng, con thuyền nhỏ giữa biển tạo ám ảnh về sự cô độc, bức tranh đi săn tạo ám ảnh về máu me giết chóc, bức tranh gia đình khiến Mike nhớ đến đứa con đã chết, cái tủ áo giữa phòng là sự ám ảnh của suốt tuổi thơ với những câu chuyện ma quỷ (văn hóa phương tây). Tất cả những điều tôi vừa kể đều có tác dụng đào móc những thứ khiến chúng ta sợ hãi nhất đang tồn tại trong tiềm thức con người.

Rượu gây ảo giác và nỗi sợ trong tiềm thức đã được dọn sẵn, chỉ còn thiếu một thứ để châm ngòi, đó là những tác động thực tế trực tiếp lên cơ thể, sự đau đớn hoặc thay đổi nhiệt độ môi trường có thể khiến hệ thần kinh bị tác động, và số của Mike cực kỳ ‘may mắn’ khi anh ấy chọn đúng căn phòng thuộc loại ‘cặn bã’ nhất trong khách sạn này, mọi thứ đều cũ nát, chiếc máy hát bị hư, hệ thống điện chập chờn, hệ thống đều hòa lúc nóng lúc lạnh, cửa sổ thì mòn, máy điều chỉnh cho nước nóng lạnh cũng hư. Mike muốn chứng minh không có ma quỷ, nhưng mục đích thật sự của Mike là đi tìm ma quỷ, vì tìm và sau đó không thấy thì mới chứng minh là không có; với bao nhiêu đó cộng lại mà không thấy ma quỷ mới là lạ (cười), cái đó người ta gọi rằng ‘tự mình nhát ma mình’, chuyện nhìn thấy ảo giác chắc chắn sẽ xẩy ra, những con ma hiện lên không phải đến từ căn phòng đó, mà đến từ ‘căn phòng’ trong tâm trí anh ấy.

Không cần chờ đến khi vào phòng 1408, khi Mike sống trong oán hận thì đầu anh ấy đã nằm trong thòng lọng rồi

Còn với những gì anh ấy đã thấy, một số là thật và một số là giả, ví như 2 lần gọi webcam cho vợ, lần đầu là thật, lần sau thì Mike đã chìm sâu vào ảo giác; còn chuyện về người đối diện cửa sổ, đó chính là bóng của anh ấy dội qua cửa sổ bên kia, nó giống như tấm gương khi cửa sổ bên kia tối còn cửa sổ bên Mike sáng – đoạn này cũng có thâm ý hen, những gì ta thấy thì thật ra chỉ là cái bóng của chính ta, đúng cho cả phương diện vật lý lẫn tinh thần (như tôi phân tích ở trên). Ngoài ra thì còn có tác động của lương tâm Mike, mặc dù Mike đổ lỗi cho Thượng Đế về cái chết của đứa con, và trút nỗi bực dọc đó lên vợ và người cha, rồi việc anh ấy làm khiến nhiều người mất đức tin, Mike biết anh ấy đã sai, anh ấy luôn biết thế, cho nên mới có cuộc đối thoại với Olin trong chiếc tủ lạnh, hoặc nhìn thấy cảnh gặp lại vợ và người cha.

Tuy nhiên có một điều mang tính quyết định mấu chốt trong chuyện này, đó là tình yêu thương của Mike dành cho đứa con gái đã chết, Mike không muốn con gái thật sự chết. Và lúc này tôi đưa các bạn đến 2 cánh cửa, một cánh cửa là thiên đường, một cánh cửa khác là địa ngục. Bởi vì Mike đổ lỗi cho Thượng Đế nên anh ấy chọn cánh cửa của địa ngục, nghĩa là Mike khát khao con gái vẫn còn tồn tại và anh ấy chọn cửa địa ngục nên đứa bé đã hiện ra trong ‘căn phòng’ đó; cái ảo giác bị cơn sóng đánh rồi sau đó gặp lại vợ là ‘tia sáng’ nhỏ nhoi còn sót lại trong tâm trí anh ấy, nó đang cố giúp anh ấy thoát khỏi cơn ác mộng bằng cách đánh lạc hướng nhưng đã thất bại. Bạn còn nhớ Mike đã làm gì trong giấc mơ đó không? Anh ấy cố tìm tấm thiệp về căn phòng 1408 dù nó không có, ‘tia sáng’ biến chuyện người đàn ông ‘nhảy lầu’ thành ‘nhảy cầu’ nhưng Mike vẫn muốn ‘nhìn’ nó thành ‘nhảy lầu’; đến đây thì Mike đã hết thuốc chữa.

Đó là vì sao khi mở quyển kinh thánh thì toàn là giấy trắng, khi đức tin hoặc niềm tin vào những điều tốt đẹp đã không còn thì quyển kinh thánh có chữ cũng không cứu được anh ấy, tất nhiên việc không thấy chữ là do ảo giác tạo ra bởi không có đức tin. Nói thật, việc viết quá nhiều bài về phim kinh dị cũng khiến tôi mơ thấy ma quỷ, nhưng trong giấc mơ tôi chỉ cần làm dấu thánh giá là ma quỷ dạt ra hết, hoặc giúp tôi bừng tỉnh ngay khỏi ác mộng, thành ra mới nói việc xem quá nhiều phim về chết chóc và máu me thì phải có nhiều ‘ánh sáng’, và nếu bạn đọc nhiều bài tôi viết về phim kinh dị, bạn sẽ thấy chúng luôn hướng về ánh sáng chứ không phải ‘bóng tối’, kể cả bài này. Đó gọi là biết chọn ‘cửa’ để gõ, tôi tin vào Thượng Đế và những điều tốt đẹp, nhưng khi nói về ma quỷ, tôi lại dùng khoa học để giải thích (cười), và những gì tôi nói là hoàn toàn logic – khoa học và phù hợp với ý đồ của kịch bản lẫn đạo diễn, không có chi tiết nào tôi tự chế ra cả.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Như vậy thông điệp chính trong bộ phim này là gì? Như tôi đã nói và như lời bài hát trong phim, có rất nhiều con đường cho chúng ta chọn và nên chọn con đường đúng để đi, tin vào những điều tốt đẹp. Giả như có Thượng Đế hoặc ma quỷ (tôi thì tin có Thượng Đế) thì đứa bé gái sau khi chết không thể hiện ra trong căn phòng đó được, vì nó sẽ lên thiên đường, và nếu có hiện ra thì nó sẽ cứu lấy Mike; nhưng khi đứa bé hiện ra trong căn phòng và hóa thành tro tàn, đó không phải là linh hồn đứa bé, đó là ‘con quỷ’ trong tâm trí Mike tạo thành, khi cánh cửa hiện ra và Mike gõ, đó là cửa địa ngục, anh ấy đã tin vào sự tồn tại của quỷ nên muốn ôm nó chết chung – một ý nghĩ vô cùng ngây thơ; đó không phải là chiến thắng, đó là thất bại toàn tập, là sự đầu hàng. Chiến thắng con quỷ là phải còn sống ra khỏi đó, giết con quỷ không phải bằng cách đốt nó thành tro bụi mà đọc kinh cho nó được siêu thoát, giúp con quỷ độc ác thành con ma hiền lành và sau đó hóa con ma thành thiên thần, đó mới là cách chiến thắng thật sự.

Căn phòng 1408 cũng là biểu tượng cho niềm tin tâm linh theo cách bệnh hoạn của con người, nó là căn phòng sang trọng nhưng đã mục rữa và cũ nát. Cách chọn của Mike là đốt rụi nó, hàm ý là dẹp bỏ hết niềm tin tâm linh đi, nhưng cách đó không vẹn toàn, vì thiêu cháy nó cũng là chúng ta tự thiêu mình – giống Mike, cũng là hành vi tự sát mang đến cái chết. Vì như tôi đã phân tích, khi nào tình yêu còn tồn tại, con người vẫn muốn người thân dù đã chết nhưng vẫn ‘sống’, đó là đòi hỏi cơ bản giúp con người vượt qua nỗi đau, trừ phi con người trở thành vô cảm; vậy nếu người chết nhưng còn ‘sống’ thì hãy để họ ‘sống’ ở thiên đường chứ không phải địa ngục. Nếu Mike tin vào điều đó ngay từ đầu, anh ấy có thể giúp đứa bé ra đi thanh thản, giúp bản thân anh ấy và người vợ vượt qua nỗi đau, và sau vài năm có lẽ họ sẽ có thêm vài đứa con mới chào đời, và để cái căn phòng 1408 quỷ tha ma bắt đó chìm vào quên lãng, rồi cũng đến lúc người ta làm mới lại toàn bộ khách sạn đó và nó cũng tự biến mất thôi.

Về cái máy ghi âm, dù là phát ra âm thanh đứa trẻ thì cũng không hẳn là ma quỷ, bạn có biết là có rất nhiều ‘bà đồng’ khi ‘nhập vong’ thì họ có thể phát ra nhiều giọng nói khác nhau? Họ có thể nói giọng trẻ con, người lớn, đàn ông, phụ nữ; vài nhà khoa học nói rằng đó là khi họ tự làm bản thân chìm sâu vào vô thức, âm thanh con người có thể biến đổi, các chuyên gia lồng tiếng cho phim có thể làm được điều này bằng kỹ năng của họ; lúc ấy Mike đang chìm vào vô thức của anh ấy, việc nói được giọng của con gái là có thể giải thích được. Thêm vài điều về chuyện thấy ma giữa người lớn và trẻ con, khi người lớn thấy người thân hoặc quen đã chết thì họ toàn thấy ma quỷ, còn khi trẻ con (nếu không bị điện ảnh, chuyện kể hoặc người thân đầu độc tinh thần) nhìn thấy người thân đã chết thì ‘con ma’ đó bao giờ cũng hiền hòa và giống như thiên thần.

Ma quỷ nằm trong tâm trí của chúng ta, còn trong bộ phim, ma quỷ chính là sự tham lam của con người, họ tạo ra căn phòng bằng những thiết bị rẻ tiền dễ hư hỏng, rồi khi có tai nạn thì họ đổ thừa cho ma quỷ mà không chịu đập đi và thay mới, đó chính là ma quỷ thật sự, chả cần con quỷ phải hiện ra hại người làm gì cho mệt, nếu con quỷ cần hiện ra để hại người thì nó là con quỷ ngu (cười). Cái thiệp mà Mike nhận có thể là do Olin hoặc chủ khách sạn gửi tới cho anh ấy, đó mới là con quỷ, vì danh tiếng của khách sạn được xây lên phần lớn nhờ câu chuyện trong căn phòng đó, trong phim có một ám chỉ tương tự, chiếc máy bay với dòng quảng cáo “1 – khuyến mãi – 1408”, con người thích thứ rẻ tiền, mà rẻ tiền thì kém chất lượng, khuyến mãi chẳng qua là đánh vào lòng tham con người, người được khuyến mãi sẽ có lợi ích đấy, nhưng thứ họ được tặng kèm theo mà họ không biết, đó chính là ‘thức ăn tinh thần’ giúp cho lòng tham của họ ngày càng mạnh mẽ hơn. Cẩn thận nhé các bạn!

Phim còn nhiều ý nghĩa khác, về phần cái kết thứ 2 – Mike còn sống, nếu dùng kết đó thì ý nghĩa phim giảm hơn một nửa nên tôi sẽ không bàn tới. Chúc các bạn xem phim trong sợ hãi tột cùng!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Nữ Anh Hùng Misery – Misery (1990): khi con người yêu hạnh phúc 3 xu

Bí Mật Dưới Nấm Mồ – The Cell (2000): hậu quả của sự cực đoan

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa

7 tội lỗi chết người – Se7en (1995): đời mà! phải không?!

Ngôi Nhà Ma – The Shining (1980): phía sau ánh hào quang

Ký Ức Kinh Hoàng – Doctor Sleep (2019): thiện – ác, cuộc chiến muôn thuở

Đứa Con Của Rosemary – Rosemary’s Baby (1968): thế giới không đức tin

Thảm Họa Diệt Vong – Cloverfield (2008): cuộc sống thật đẹp khi camera không rung

Bí Ẩn Hành Tinh Chết – Prometheus (2012): bài học từ nguồn cội

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

5 thoughts on “Review phân tích sâu phim 1408: nỗi đau – oán hận – địa ngục

    1. Cửa hư hay không hư thì khó mà biết được á, chỉ người đi qua mới biết, khi đó có người sẽ vui mừng, có người hối hận không kịp 🙂

  1. Review ko dựa nhiều bào tình tiết phim để phân tích, mà biến tấu, twist nội dung phim theo quan điểm tâm linh của reviewer. Một review dài dòng, ko giá trị, cực kì đáng thất vọng.

    1. Quan điểm của chúng ta khác nhau, nhưng tôi tôn trong quan điểm khác biệt, còn việc bài viết giá trị hay không thì bạn nói không tính hihi.

    2. Nếu bạn không ủng hộ anh ta bằng tài chính hay bất cứ thứ gì có ý nghĩa xây dựng đời sống, thì chả có gì là “đáng thất vọng” ở đây cả. Nhà hàng mở ra, bạn đã bỏ tiền vô ăn mà không ngon thì mới kêu là đáng thất vọng, còn bạn không vô, bạn lướt ngang thì thất vọng cái gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Cảm nhận phim Into The Wild: nỗi buồn khi nhận ra thế giới

CN Th8 30 , 2020
Into The Wild (Vào Trong Hoang Dã – 2007) là bộ phim khiến người xem phải xúc động khi đồng hành cùng McCandless trên con đường tìm kiếm tự do tuyệt đối và cuối cùng phải từ giã cõi trần ở nơi hoang dã. Một cái kết thật buồn, và […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese