Cảm nhận phim Into The Wild: nỗi buồn khi nhận ra thế giới

Into The Wild (Vào Trong Hoang Dã – 2007) là bộ phim khiến người xem phải xúc động khi đồng hành cùng McCandless trên con đường tìm kiếm tự do tuyệt đối và cuối cùng phải từ giã cõi trần ở nơi hoang dã. Một cái kết thật buồn, và nói thật là tôi không thích viết bài cho bộ phim này tí nào, dù đã 5 lần 7 lượt muốn viết về nó, tôi không thích cái chết, đặt biệt là cái chết của những tâm hồn đẹp và trong sáng, nhưng nếu không viết, câu chuyện buồn này sẽ mãi ám ảnh tôi, đến một lúc nào đó chúng ta phải đối diện với nỗi đau để vượt qua nó. IMDb 8.1

Vì đây là bài cảm nhận chứ không phải review, tuy cũng chả khác nhau mấy, nên cảm nhận sẽ nói về cảm xúc nhiều hơn. Bỏ qua những ai không hiểu được nỗi buồn và thất vọng của McCandless khi cuộc sống của họ có vẻ quá suông sẻ hoặc họ đang sống trong một trạng thái quá ngây ngô với những gì đang xẩy ra xung quanh, riêng đối với những người nhạy cảm, người đó sẽ sớm nhận ra thế giới con người không có quá nhiều thứ mà họ thật sự cần, ý nghĩ đó khá là tiêu cực dù nhìn trên bất cứ phương diện nào nhưng cũng là sự thật đang tồn tại. Nhà cửa, xe mới, tiền bạc sẽ không là gì cả nếu niềm vui trong gia đình không có, hoặc chợt nhận ra cha mẹ chỉ đang sống với nhau như những diễn viên đang diễn trên sân khấu.

Nếu người đó học được cách nhìn thấy sự thật trong gia đình, thì cũng sớm thấy được sự giả dối đang bao phủ ở khắp mọi nơi, trong nhà trường, bạn bè và những người quen, sau đó là các chính trị gia đang hô hào những khẩu hiệu về những sự tốt đẹp nhưng cuối cùng thì chúng vẫn là những khẩu hiệu, rồi cách mà đám đông tung hô họ, điên cuồng vì họ, kể cả cái sự điên cuồng đó có khi cũng là giả; nếu nhìn sâu hơn, người ta cứ tưởng họ ủng hộ cho những ý tưởng tốt đẹp, thật ra thì họ ủng hộ ai đó chỉ vì những chính sách của chính trị gia này đang làm lợi cho đám đông ủng hộ, người ta tự tô vẻ cho bản thân sự tốt đẹp bên ngoài, trong khi sự thúc đẩy bên trong lại xuất phát từ tham lam và ích kỷ.

McCandless là một sinh viên thuộc loại xuất sắc, anh ấy sớm nhận ra tất cả những điều đó, anh ấy thích đọc sách về thiên nhiên hoang dã, vì thiên nhiên sẽ không dối trá, không biểu diễn, không đạo đức giả. Chắc chắn rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc hành trình như của McCandless, ngoại trừ sự kết thúc đáng buồn của anh ấy. Với lại sự khao khát của chúng ta không mãnh liệt như của McCandless, vì có thể cuộc đời chúng ta còn có thứ gì đó đẹp đẽ xuất phát từ con người, hoặc nền văn hóa của chúng ta không có quá nhiều thứ để cho chúng ta biết về bộ mặt xã hội, hoặc những yếu tố cá nhân không thật sự mạnh mẽ như nền văn hóa đã tác tạo nên McCandless, hoặc cuộc đời của chúng ta đã dạy chúng ta một bài học mà McCandless chỉ học được ở đoạn cuối cuộc đời của anh ấy, đó là sự tàn nhẫn của tự nhiên, cái đói và sự chết chóc.

McCandless yêu những quyển sách của những nhà văn viết về thiên nhiên, trong đó có vài nhà văn quá lý tưởng về thứ tự do tuyệt đối đó, những quyển sách mô tả thiên nhiên quá đẹp, đó cũng là sự thật nhưng chỉ một nửa. Trong những nhà văn này thì tôi thích Jack London vì tính chân thực mà những gì ông đã viết, đặt biệt là về sự khắc nghiệt của những cánh rừng mùa đông, tôi nhớ một truyện ngắn của ông ấy, nó tả về cảnh một người đã chết vì dám băng rừng một mình giữa mùa đông tuyết phủ, có lẽ trường hợp của McCandless cũng gần giống như vậy, và có lẽ anh ấy chưa đọc truyện này hoặc xem nhẹ nó.

Nếu có nhiều niềm tin hơn, có lẽ anh ấy đã sống

Sự nhạy cảm, tri thức là những món quà đáng quý, sự dũng cảm cũng vậy, nhưng trên hết tất cả chính là con người sẽ đối mặt với nó như thế nào khi nhận ra sự thật, biết đâu là giới hạn trong sự giới hạn của chính mình. Thiên nhiên trong sách rất đẹp, các nhà văn đúng về điểm này, nhưng chúng ta hãy thử hình dung cách mà họ viết nó, họ đang ở trong một ngôi nhà khá là tiện nghi với cửa sổ nhìn ra thiên nhiên, rồi họ đi dạo trong khu rừng mà cũng là khu vườn trong trang ấp họ, tôi không nói về Jack London, tôi nói về những nhà văn khác, những nhà văn lý tưởng hóa thiên nhiên mà bỏ qua sự độc ác của nó, còn về tự do hoặc những điều tốt đẹp khác nữa, họ cố vẽ lên cái thiên đường cho những người có tâm trạng thất vọng về con người mà đại diện là McCandless.

Tuy nói vậy, chúng ta cũng phải công nhận rằng những trải nghiệm của McCandless trong 2 năm hành trình có lẽ còn đẹp hơn vô số lần những con người sống đến già mới chết; vì có vô số những con người cứ diễn cả đời và sống trong khuôn khổ cả đời mà chưa một lần dám thật sự làm điều tâm hồn họ mách bảo. Tôi nghĩ điều đáng tiếc cho McCandless ở chỗ anh ấy đã sinh ra khá muộn, nếu anh ấy sinh ở thời điểm phong trào Hippie đang nở rộ ở Mỹ thì có lẽ sẽ không chết trong cô độc, vì anh ấy sẽ không cô độc trong rừng, còn trong thời đại của những năm 1990 thì phong trào này đã tàn lụi.

Xét cho cùng thì đa phần phong trào này hay phong trào kia nổi lên và tàn lụi đều do sự phấn khích trong thoáng chốc của cảm xúc, những năm 1970, nước Mỹ đối diện với những cuộc chiến ở bên ngoài, nó tạo sự xáo trộn mang tính đột biến, nó giống như cơn bão hoặc sóng thần, nó khiến con người cảm thấy sự vô nghĩa của con đường mà xã hội đang đi, nhưng những năm 1990 lại khác, sự vô nghĩa đó tồn tại như những cơn sóng ngầm, những dòng chảy ở sâu bên dưới mặt biển và ít người có thể nhận ra, đó là sự giả dối, sự mục rữa từ bên trong, kể cả lúc này – những năm 2020 cũng thế, cho nên McCandless trở thành một kẻ đi tìm tự do và sự thật trong sự đơn độc, và nó dẫn anh ấy đến cái chết.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Xét cho cùng thì bản thân mỗi người không thể tự tách mình ra với xã hội, nhưng chúng ta làm được gì khi xã hội ngày nay mang trong nó những căn bệnh quá khó chữa như là ung thư, cái mầm độc cứ lan dần khắp mọi cơ quan trên cơ thể, thấm vào cả xương tủy và trí óc. Điều đáng tiếc đối với McCandless là ở chỗ cái mầm độc đó khiến anh ấy hoàn toàn không còn tin tưởng về sự tốt đẹp trong bản chất con người, dù rằng trên con đường mà anh ấy đi qua đã gặp nhiều người tốt và một tình yêu trong sáng; nếu ngày đó – những năm 1990, cái mầm độc còn khiến cho con người cố gắng đi tìm sự tự do tuyệt đối, thì ngày nay – những năm 2020, cái mầm độc ấy lại khiến con người lao mình vào một quá trình tự hủy hoại bản thân trong rượu bia thuốc lá và vô số thứ vô bổ khác, điều đó tạo nên một nỗi buồn không tên khác.

Đây là phim, nhưng nó là một bộ phim về một con người có thật, và anh ấy thật sự chết trong một chiếc xe bus cũ nát ở trong rừng thuộc vùng cực bắc nước mỹ, tôi thường phân tích các biểu tượng trong phim, về những hàm ý mà kịch bản phim muốn cài cắm, nhưng hình ảnh chiếc xe bus đó là thật, cái biểu tượng từ sự thật thì nó còn thật hơn bao giờ hết, phải chăng nó cho chúng ta thấy rằng xã hội của chúng ta cũng như chiếc xe bus đó, cũ nát trong một khu rừng hoang vắng và lạnh lẽo, và mỗi người chúng ta sẽ giống như McCandless nằm chết một mình trong cái phương tiện dành cho nhiều người. Những lời này có vẻ như quá chua chát, đó là lý do tôi không thích viết về bộ phim này, tôi đang cố tìm đến những nơi có nhiều ánh nắng hơn, để thấy cuộc đời vẫn đẹp, tôi mong là McCandless sẽ không chết, nhưng sự thật là anh ấy đã chết, tôi cũng ước đây chỉ là phim, vì nếu là phim thì tôi sẽ phân tích nó như một bài học mang ý nghĩa đơn thuần, tiếc rằng bài học của sự thật thì tàn nhẫn hơn nhiều.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

……………………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Hạnh Phúc Của Lazzaro – Happy as Lazzaro (2018): hạnh phúc của thánh

Nỗi Đau – Calvary: nơi phúc lành ra đi

Thủy Quái – Leviathan (2014): Khi sự huyền bí không còn

Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm

Vua Phá Hoại – System Crasher (2019): “Ai” bị lỗi hệ thống?

Người Soát Vé – Kontroll (2003): đợi chờ nàng Thỏ thiên thần

Những kẻ Khốn Khổ – Les misérables (2019): bộ mặt xã hội hiện đại

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

review suy diễn phim TENET: thế chiến 3 sẽ thế nào nếu có?

T3 Th9 1 , 2020
TENET (2020) là phim giả tưởng và hack não, tôi giải thích lại theo cách dễ hiểu nhất, bài chủ yếu diễn giải những thứ không có trong phim để các bạn hiểu trọng tâm vấn đề là gì, ví như thế chiến thứ 3 sẽ thế nào nếu nó […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese