Review ý nghĩa phim Once .. Anatolia: ánh sáng thiên thần trong đêm

Once Upon a Time in Anatolia (2011) là một trong rất ít phim sở hữu vài cảnh quay đẹp nhất mà tôi từng biết. Ý nghĩa phim cũng vô cùng sâu sắc, nếu bạn xem bằng sự hời hợt hoặc không hiểu, bạn có thể nhầm khi nghĩ rằng đây chỉ là phim thuộc thể loại hình sự thông thường, thật ra đó chỉ là phông nền để nói về một thứ sâu xa hơn – bản chất của đàn ông và phụ nữ trong mối quan hệ gia đình. Tựa phim tiếng Việt: Một Thời Ở Anatolia, IMDb 7.9 , thắng giải quan trọng thứ 2 (sau Cành Cọ Vàng) ở Cannes 2011.

Phim kể về chuyện những nhân viên điều tra mang theo hung thủ để tìm kiếm xác một nạn trong đêm tối ở vùng ngoại ô thành phố. Nửa đầu phim là cảnh vào buổi tối, nửa sau phim là vào ban ngày. Vì đây là một phim nghệ thuật thuần túy nên bạn nhớ chú ý kỹ những lời thoại và hình ảnh, nếu không, bạn sẽ khó nắm bắt thông điệp được truyền tải. Yếu tố về sự đối lập là chìa khóa trọng yếu nhất để giải mã phim này.

Phim được bắt đầu bằng cảnh 3 người đàn ông đang vui vẻ uống rượu cùng nhau, một trong số họ bước ra cửa để mang thức ăn cho chó, và một chiếc xe tải lớn chạy ngang chắn hết tầm nhìn. Cảnh tiếp theo là hành trình tìm kiếm xác của nạn nhân. Một cuộc nhậu nhẹt của những người đàn ông và một vụ án giết người, chúng ta có thể hình dung phần nào những gì đã xẩy ra. Có phải là quá nhiều lần trong đời, chúng ta chứng kiến những con người mới vài phút trước là “bạn bè thân thiết” của nhau, nhưng sau đó lao vào giết nhau như những con thú điên loạn, chuyện đó luôn xẩy ra với đàn ông, thật kỳ lạ khi người ta gán ghép từ “lý trí” cho ai thuộc về giới tính này.

Trong một khoảnh khắc, ta chợt muốn khóc!

Ngoại ô thành phố là một vùng tối thăm thẳm, trên con đường ngoằng ngoèo quanh những ngọn đồi hoang vu có ánh sáng của 3 chiếc xe cảnh sát, hung thủ chỉ dẫn nơi anh ta chôn cái xác nhưng mãi không tìm thấy. Ở những nơi họ dừng lại, ánh đèn pha sáng rực chiếu rọi càng khiến cho người xem cảm nhận được sự tịch liêu và hoang vắng của nó. Những cơn gió lồng lộng và cái lạnh như xâm chiếm con người. Đâu đó giữa những ngọn đồi là bức tượng đầu người đàn ông bằng đá hiện lên trong ánh chớp, nó như hình ảnh quỷ dữ bởi sự tàn phá của thời gian. Hung thủ không nhớ nơi chôn xác hay không muốn tìm ra “nó”?

Trong nhóm người toàn bộ là đàn ông liên quan đến cái xác chết đang được tìm kiếm, chúng ta thấy đủ mọi cương vị, tội phạm, cảnh sát trưởng, công tố viên, tài xế, binh lính, nhân viên đào bới, bác sĩ, trợ lý công văn. Trong đó, tội phạm bị đối xữ thô bạo nhất, vài người trong nhóm không xem anh ta như một con người. Công tố viên và bác sĩ là 2 người trầm tĩnh và được kính trọng nhất. Có một sự phân cấp vô cùng rõ rệt về địa vị lẫn chuyên môn khi chúng ta nhìn vào thế giới của những người đàn ông này, có lẽ xếp chót nhất là cái xác chết mà họ chưa tìm ra.

Việc tìm kiếm vô vọng, họ ghé qua nhà của ông xã trưởng ở thị trấn gần đó để ăn khuya. Chợt một cơn giông mạnh thổi qua, nguồn điện bị mất, ông xã trưởng gọi người con gái đến thắp đèn cho họ. Giờ thì chúng ta phải căng mắt ra để nhìn, vì đây là đoạn đẹp nhất của cả bộ phim, về hình ảnh lẫn ý nghĩa. Theo ánh mắt của vị bác sĩ nhìn qua khung cửa, chúng ta thấy một cô gái bước ra từ căn nhà đối diện, trên tay cô là một cái mâm, ở giữa là đèn dầu, bày xung quanh là những ly nước, cô ấy bước đi thật chậm như đang trôi trong không gian. Chính lúc này, tôi cứ ngỡ cảnh quay bị làm chậm lại, nhưng không phải vậy khi quan sát hàng cây lung lay trong cơn gió giật. Cảnh đó thật lạ lùng và tuyệt đẹp!

Nếu bạn phải khổ cực suốt đêm, lạnh lẽo, mệt mỏi, khát, không gian thì tối tăm, hẳn bạn sẽ hiểu được cách mà tất cả họ nhìn cô gái khi cô ấy đưa họ ly nước. Lúc này mọi thứ trở thành siêu thực, một thiên thần của ánh sáng chợt hiện ra trong đêm tối, thiên thần mang nước đến cho từng người trong họ, khi nàng đưa ly nước cho tên tội phạm thì tôi có cảm giác như muốn khóc, sau đó tên tội phạm đã khóc, tôi hiểu hắn đang cảm nhận được điều gì. Cái siêu thực không dừng ở đó, ly nước cuối cùng mà cô ấy mang đến là cho một linh hồn – kẻ đã chết. Sau cảnh ấy là cảnh lúc cơn giông đến ở bên ngoài căn nhà, cơn gió như muốn nâng cô ấy bay lên.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Nếu một lúc nào đó chúng ta bị người đời đối xữ như một con chó, chợt thiên thần đến nâng chúng ta lên, đưa nước cho chúng ta uống, xem chúng ta là một con người, thì bảo đảm chúng ta sẽ hạnh phúc và bật khóc như một đứa trẻ. Trong khi những người đàn ông đối xữ với nhau theo cấp bậc, thì cô gái xem tất cả họ như nhau, kể cả kẻ đã chết. Sau những gì đã diễn ra, có sự đổi thay nào đó trong tâm hồn của tên hung thủ, hắn đã chịu nói ra nơi hắn chôn xác.

Ly nước của thiên thần ánh sáng không chỉ tác động đến người sống, cô ấy còn khiến cho linh hồn người chết được an nghỉ. Nếu bạn chú ý, khi về thành phố, có người bảo rằng vẫn thấy được nạn nhân lang thang đâu đó và gọi anh ta, trong khi thực tế ở thời điểm đó thì anh ta đã chết.

Có 2 câu chuyện phản bội và 2 cái chết

Trong đêm đen của nửa đầu phim, chúng ta biết về cái chết của một phụ nữ xinh đẹp. Sau khi sinh đứa trẻ, cô ấy bảo rằng sẽ chết trong 5 tháng nữa, và cô ấy đã chết đúng ngay thời điểm đó, một cái chết lạ lùng và được dự báo trước. Vị bác sĩ không tin điều đó, ông ấy nghĩ rằng con người không thể tự dưng mà chết, trong khi công tố viên thì cho rằng cô ấy chết vì lên cơn đau tim đột xuất.

Trong buổi sáng của nửa sau phim, chúng ta có thể hình dung ra câu chuyện giết người. Người vợ đã ngoại tình với bạn của chồng, có lẽ trong lúc 3 người đàn ông cùng say, người chồng biết chuyện, họ lao vào giết nhau, và người chồng đã bị em họ của bạn anh ta lỡ tay giết chết, sau đó người bạn đã nhận chính anh ta là hung thủ, vì quả thật mọi chuyện là do anh ta gây nên, nạn nhân chết vì bị đập vào đầu.

Chúng ta thấy gì trong sự đối lập đó? Người vợ bị chồng phản bội và cô ấy tự sát bằng thuốc lên cơn đau tim. Người chồng bị người bạn phản bội giết chết, anh ta bị chấn thương não. Khi phụ nữ yêu, họ yêu bằng cả trái tim, nên lúc biết được chồng ngoại tình, “trái tim” cô ấy đã chết, và cô ấy tự giết mình để trừng phạt chồng. Trong khi đàn ông yêu bằng lý trí (tôi không biết đó có phải tình yêu không?), nên khi biết được vợ ngoại tình, anh ta cảm thấy nóng giận và nhục nhã, thế là anh ta lao vào giết tình địch để thỏa cơn giận nhưng lại bị tình địch giết.

Khi người đàn ông phản bội vợ, anh ta nghĩ rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực tế chuyện đó không nhỏ. Anh ta nghĩ rằng bản thân đã được tha thứ, nhưng anh ta không xứng đáng để được tha thứ. Đó cũng là lý do vị bác sĩ đã không bỏ qua chuyện đó, mà vạch trần sự thật đó cho người chồng phản bội được biết.

Chẳng phải hầu hết các vụ tự tử đều để trừng phạt một người nào đó sao, công tố viên?” – lời của bác sĩ

Phải, vậy đấy!” – lời của công tố viên

Khi giải phẫu xác nạn nhân, bác sĩ phát hiện nạn nhân vẫn còn sống khi bị chôn, có lẽ bạn của nạn nhân nghĩ anh ta đã chết khi bị đập vào đầu nên mới mang chôn. Tuy vậy bác sĩ đã bỏ qua chuyện đó trong báo cáo, vì sao? Vì ông ấy không muốn người vợ phản bội chồng phải sống trong sự giày vò lớn hơn nữa, cái chết của người chồng đã đủ khiến cô ấy hối tiếc, và vì cô ấy còn phải nuôi dạy một đứa trẻ còn hồn nhiên nên người, cô ấy xứng đáng được tha thứ. Vết máu từ nạn nhân bắn lên mặt bác sĩ thì ngụ ý rằng ông ấy cũng đã “vấy máu” của nạn nhân khi che lấp sự thật, nhưng tôi nghĩ đó là điều cần thiết vì nó mang tính nhân văn.

Trong sự đối lập đó, ta thấy nổi lên 2 hình ảnh tương phản vô cùng rõ rệt. Phụ nữ giống như thiên thần, trong họ có sự sống, họ mang đến ánh sáng trong đêm tối, mang đến nguồn nước khi ta khát và mỏi mệt. Còn đàn ông giống như đầu tượng bằng đá, bị tàn phá như khuôn mặt của quỷ, nằm lạnh lùng trong đêm tối mịt mù. Bộ phim cũng thể hiện sự sụp đổ về hình tượng của người đàn ông trong thế giới ngày nay, họ lạnh lùng và bạo lực, họ thích sự tàn phá và thích làm tổn thương người khác.

Cũ và mới

Có một vấn đề luôn đi xuyên suốt bộ phim, đó là những lời than vãn. Ông xã trưởng thì cần kinh phí để xây lại nhà mồ, anh chàng giải phẩu xác chết thì cần bộ đồ nghề phù hợp, họ than vãn là sao ngài công tố viên không quan tâm điều đó. Chúng ta thấy một sự châm biếm “không hề nhẹ” ở đây, những thứ mà họ đòi hỏi chỉ để phục vụ sự chết chóc. Trong khi bà vợ của cảnh sát trưởng thì bắt ông chồng phải lấy cho được thuốc trị bệnh từ bác sĩ, và ông ấy đã lấy được ngay sau đó. Có thể thấy điều phụ nữ muốn là hoàn toàn thực tế và lợi ích, ấy thế mà đàn ông lại được gọi là có “lý trí” hơn phụ nữ kia đấy, lạ thật! (cười)

Bàn luận thêm

Tuy trong bài viết có nói về việc phụ nữ yêu bằng trái tim và người vợ đã tự sát khi biết chồng phản bội, nhưng tôi nghĩ việc tự sát là hành động hết sức ngu ngốc, thế giới ngày nay cũng không thiếu đàn ông tốt, hơi đâu vì kẻ xấu và bội tình mà đi tự sát nhở?! Tự sát thì phí hoài cuộc sống và không xứng đáng với bản thân, không xứng đáng với bất kỳ thứ gì cả.
Trong bài này tôi cũng chê đàn ông thậm tệ, tôi thật sự không có ý đó, vì phim thể hiện vậy nên tôi phải viết vậy, với lại khi chúng ta có đủ nhận thức, chúng ta phải công nhận đó là một phần của sự thật dù không là tất cả, hiểu được điều đó để hoàn thiện chính mình. Dù sao thì tôi cũng là một gã nào đó trong cái đám đàn ông đó (cười).

Còn những chị em phụ nữ khi đọc bài này cũng đừng sinh ra căm thù đàn ông. Trong hiện thực có vài “bà dì” ghét đàn ông và trở thành thần tượng của nhiều phụ nữ, với tôi thì mấy “bà dì” đó đã bị biến chất thành “đàn ông”, họ trở thành thứ họ căm ghét và chối bỏ món quà mà Thượng Đế đã cho họ, đó là trái tim và tình yêu, và tôi nghĩ đó là món quà quý giá nhất mà con người có được.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

………………..

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những bài viết có cùng chủ đề:

The Lighthouse: sự đọa đày của thần thánh

The Killing of a Sacred Deer (2017): Sự giết chóc của nai thần

1917: khi người muốn thành chuột

Portrait Of A Lady On Fire: quý bà trong bão lửa

Joker (2019): nụ cười của nỗi đau

No Country for Old Men: số phận hay luật lệ ? Không gì cả!

Stand by Me: điểm tựa của cuộc đời

Memento: vật lưu niệm của tử thần

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Gone Girl: sự hoàn hảo dối trá

T7 Th2 29 , 2020
Phim Gone Girl (Cô Gái Mất Tích – 2014) còn hơn là một câu chuyện về hôn nhân thông thường, vì chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều yếu tố thuộc về bản chất của con người và xã hội. Phim như một vở hài kịch kinh dị nhưng rất […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese