Nostalghia (thương nhớ cố hương – 1983) là phim chính kịch của đạo diễn người Nga – Andrei Tarkovsky. Phim có thể được xếp vào top những bộ phim hay nhất mọi thời đại, và với tôi thì vị đạo diễn này đang đứng ở vị trí số 1. Nếu có sự so sánh nào đó cho dễ hiểu, thì Andrei Tarkovsky trong điện ảnh sẽ gần tương đồng với Tolstoy và Dostoyevsky trong văn học (mặc dù tôi chưa đọc được bao nhiêu tác phẩm của 2 vị này), tuy nhiên Andrei Tarkovsky là sự kết hợp của cả 2, vì ông ấy chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ Kito giáo (Chính Thống ở Nga), từ đó cho thấy để hiểu được phim này không phải là chuyện dễ dàng gì, phim sữ dụng nhiều hình ảnh và lời thoại sâu sắc – trừu tượng – đa nghĩa – siêu hình. IMDb 8.1
Phim kể về Andrei là một nhà thơ của Nga đến Ý tìm tư liệu để viết về một nhà thơ Nga trong quá khứ. Trong chuyến đi, Andrei nghe kể về một người đàn ông điên đã nhốt gia đình của ông ta suốt 7 năm vì cho rằng tận thế sắp đến. Xem phim nếu bạn muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Phân tích ý nghĩa thông điệp
Nostalghia dịch chính xác nghĩa là “hoài cổ” và như vậy sẽ mang tính bao quát hơn là “nhớ cố hương”, vì ý nghĩa của phim không chỉ gói gọn trong khát vọng về nước Nga của một người sống lưu vong. Để hiểu phim này thì chúng ta cần chú ý đến các yếu tố đối lập nhau nhưng tương trợ nhau, qua thứ này chúng ta sẽ thấy được thứ kia, giống như cảnh cuối cùng trong phim, chúng ta thấy được 3 cột ánh sáng từ mặt nước, nó phản chiếu ánh sáng phát ra từ hiện thực ở phía trên.
Cảnh đầu phim, Andrei cùng cô gái (thông dịch viên người Ý của hãng truyền thông) đến thăm một thị trấn mà nhà thơ Nga từng sống, chiếc xe không đỗ lại ngôi nhà thờ mà vòng ra xa hơn, cô gái bảo rằng như vậy sẽ được đi dạo để ngắm vẻ đẹp thiên nhiên. Hàm ý của đoạn này nằm ở từ “đi dạo”, vì cô ấy sống ở thành thị chứ không phải thôn quê, nên cảnh thiên nhiên và mọi thứ đều chỉ mang ý nghĩa như thế, kể cả đối với yếu tố tôn giáo cũng vậy, khi vào nhà thờ và trước tượng Đức Mẹ, cô gái đã không quỳ xuống trong khi những người khác đều quỳ; thậm chí khi được hỏi thì điều mà cô ấy muốn lại không phải là xin cho được một đứa con, không có câu trả lời nào được đáp lại từ cô gái, nhưng cô ấy có một câu hỏi, rằng “phải chăng có được một đứa con là điều mà người phụ nữ mong muốn?”.
Cô gái là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại sống trong tự do, không ràng buộc bởi bất cứ thứ gì; gần giống như những cánh chim bay thoát ra từ bụng của bức tượng, cảnh đó thật đẹp, đẹp như cô gái. Còn người phụ nữ đang quỳ thì giống với người vợ của Andrei ở quê nhà, họ là biểu tượng cho thế hệ phụ nữ trước đó, hạnh phúc của họ gắn liền với gia đình và con cái, đức tin tôn giáo, thiên nhiên, làng quê, trách nhiệm và sự hy sinh, sự chung thủy. Mặc dù chúng ta thấy được sự đối lập giữa họ, nhưng sự tự do mà thế hệ sau có được thì lại sinh ra từ sự yêu thương và hy sinh của thế hệ trước, giống như lời nguyện cầu và hành động thả những con chim từ bức tượng thánh của người phụ nữ đang quỳ.
Một cái lông vũ rơi xuống trên đầu Andrei, nó khiến anh ấy nhớ về quê nhà, nơi đó có một thiên thần – người vợ đang sống, hoặc hiểu theo nghĩa khác, chiếc lông vũ đó giống như cô gái thông dịch viên, khi nhìn cô gái và thông qua cô gái, anh ấy nhớ về người vợ. Điều đó cũng tương đồng với lời của Domenico (người đàn ông “điên”) về lời mà Thiên Chúa đã hứa với thánh nữ Catarina thành Siena – vị thánh bảo trợ nước Ý và truyền thông, rằng “Cô không phải là người con gái đó, nhưng ta chính là người con trai ấy”.
Để hiểu câu nói này thì cần biết rằng thánh nữ Catarina đóng vai trò trung gian hòa giải giáo hội La Mã khi đang có sự chia rẽ, về mặt biểu tượng, Chúa Jesus – thay mặt Thiên Chúa ở phàm trần là “người chồng”, còn giáo hội Công giáo La Mã là “người vợ”, như vậy thánh nữ Catarina chỉ được xem như “phù dâu”, nhưng được làm “phù dâu” cho Thiên Chúa thì không phải ai muốn cũng được.
Điều đó cũng tương đồng với vai trò thông dịch viên của cô gái, hoặc cảnh khi cô ấy mang giày cao gót nhưng muốn chạy và bị té, hoặc muốn hiểu thơ Nga nhưng lại đọc thơ qua một bản dịch; cô gái muốn chiếm hữu Andrei nhưng không được, vì cô ấy không phải vợ Andrei và không hề hiểu anh ấy. Muốn hiểu thơ Nga thì không thể đọc qua một bản dịch, thật ra thì cô gái có đọc bằng tiếng Nga thì cũng không hiểu, cô gái hỏi vậy làm sao mới có thể hiểu? Andrei trả lời rằng khi không còn biên giới giữa Nga và Ý, bạn có hiểu câu trả lời có ý gì?
Chúng ta có lời giải thích từ Domenico, một giọt nước cộng với một giọt nước thì không phải là 2 giọt nước mà trở thành một giọt nước lớn hơn, vì chúng hòa làm một. Cô gái sẽ không thể hiểu thơ Nga qua bản dịch, nhưng nếu cô ấy giống như nhà thơ Nga mà Andrei đang tìm tư liệu, nghĩa là đến Nga để sống và học cách hiểu người Nga thì cô ấy có thể hiểu thơ Nga.
Những gì tôi vừa phân tích chỉ là tiền đề để hiểu về sự phân tách của bản thể người và của sự sống mà loài người đang theo đuổi hoặc đang nhìn thấy bằng con mắt của họ. Chúng ta có nước và lửa, khi Domenico muốn hòa 2 thứ đó làm một bằng hành động đốt nến đi qua hồ nước thì mọi người nghĩ ông ấy bị điên và cho rằng hành động đó là nguy hiểm nên ngăn cản.
Nước là biểu tượng cho sự sống và sự thanh tẩy, lửa là biểu tượng cho “ánh sáng trí tuệ”; hãy xem họ đã làm gì hồ nước mà họ ngâm mình, cảnh cái hồ được rút hết nước, phía dưới đáy đầy rong rêu và rác rến, đó là những đồng xu – tham lam và danh lợi, chai rượu – sự mê muội, chiếc xe đạp – nền văn hóa cũ; hoặc cảnh cái thị trấn cũ đổ nát mà Andrei đã đi thăm, sàn nhà chìm trong nước, bức tượng thiên thần bám đầy rong, tòa thánh đường không còn mái nhà. Thị trấn cũ nằm ở núi đá trên cao nhưng bị bỏ hoang, thị trấn mới được dời xuống dưới ngọn đồi, đây cũng là có thâm ý.
Con người đã làm gì với lửa? Cái xã hội được gọi là văn minh đó đã trao bình xăng cho Domenico rồi khuyến khích ông ấy tự thiêu, và khi ông ấy kêu cứu thì họ đứng đó nhìn, những gì ông ấy nói thì họ có hiểu không? không có gì khó hiểu cả, ông ấy nói thì họ nghe, họ giăng băng rôn và biểu ngữ để ủng hộ, nhưng họ khuyến khích ông ấy tìm đến cái chết rồi đứng trơ ra nhìn ông ấy chết, đó là thứ “ánh sáng trí tuệ” mà thế giới loài người trong hiện tại đang theo đuổi, thứ “ánh sáng” dùng để tự sát; trong khi đó họ lại ngăn cản việc ông ấy thấp nến đi qua hồ nước và cho rằng việc đó điên khùng và nguy hiểm, thật là mĩa mai! Nếu nơi đó – quảng trường có nước, hẳn Domenico đã không bị chết cháy.
Con đường mà Domenico đi qua là con đường của nhân loại, trước đó, khi ông ấy nhìn thấy sự phân tách của loài người, sự quay lưng với truyền thống và những nền tảng tốt đẹp, ông ấy muốn hòa 2 mặt của một bản thể lại với nhau thì mọi người ngăn cản. Domenico nhận thức rằng nếu đi theo hướng đó thì loài người sẽ diệt vong, nên để bảo vệ gia đình, ông nhốt họ trong nhà và chờ tận thế, sau 7 năm thì họ được cứu và được tự do. Giờ chúng ta chạm đến 2 mặt bảo thủ và tự do, 2 thứ này đều tồn tại trong cả 2 mô hình TBCN và XHCN, tôi không đề cập đến vấn đề chính trị, nó vượt xa hơn thế, nó thuộc về bản chất của con người.
Không giai cấp là một dạng tự do, tự cô lập là một dạng bảo thủ; phân giai cấp là một dạng bảo thủ, tự do quá đà là một dạng tự do, và trong việc phân ra biên giới giữa các quốc gia vừa thể hiện sự bảo thủ vừa thể hiện sự tự do; ban đầu Domenico tự nhốt bản thân và gia đình để chờ chết là bảo thủ, sau đó ông ấy tự sát và mọi người đứng nhìn mà không cứu là tự do (tìm chết). Bởi vì sự phân tách, con người dùng “ánh sáng trí tuệ” của họ phụ trợ cho việc hủy hoại “nguồn nước sự sống”.
Sự chua chát trong việc mang lại “ánh sáng” thật sự cho người khác ở chỗ họ không cần và không muốn, giống như câu chuyện cười mà Domenico đã kể, rằng khi một người thấy một người khác đang chìm dần trong đầm lầy nên lao xuống và kéo anh ta vào bờ, nhưng sau đó anh ta lại bảo rằng đó là nơi anh ta sống; giống như chuyện người đàn ông thoát ra khỏi cái hang (ngụ ngôn Plato) rồi quay lại cứu những người trong hang thì bị họ giết chết, vì họ không tin rằng có một thực tại khác và một thế giới khác ở bên ngoài những gì mà họ đang thấy.
Vậy thì bản thể thật và sự sống thật nằm ở đâu? Hãy nhớ lại cảnh gần cuối khi Andrei đi ra ngoài khách sạn, cái cổng nằm ở giữa một bức tường bị phân đôi, bên trái cũ và bên phải mới, 2 loại vali cũng chia ra, nó khiến tòa nhà trở nên rất quái dị; nếu kết hợp lối đi với 2 tấm bảng thì nó giống như cây thập tự, cuộc sống con người ở trần thế giống như phải vác lên vai cây thập tự, đó là gánh nặng của đời sống, của sự phân ly; đó là vật chất và tinh thần, bảo thủ và tự do, quá khứ và tương lai, cánh tả và cánh hữu, lý trí và cảm xúc. Sự sống nằm ở giữa!

Trong một cảnh khác, trong căn phòng của Andrei, chúng ta thấy nó cũng được phân làm 2, bên trái là cửa sổ để nhìn ra ngoài, bên phải là phòng tắm với chiếc gương; phần cửa sổ ở vị trí cao hơn, cả 2 nơi đều có nước và ánh sáng. Chúng ta đang thấy biểu tượng cho phía trong và phía ngoài của chúng ta, ở phía trong – lương tâm, ánh sáng và tấm gương giúp chúng ta nhìn thấy bản thân mình và nguồn nước là thứ chúng ta dùng để tẩy rửa bụi bẩn; phía ngoài – thế giới, nước và ánh sáng mang lại nguồn sống cho muôn loài mà trong đó có cả con người. 2 nơi có nước và ánh sáng là nơi chúng ta hoạt động lúc thức, còn ở giữa không có 2 thứ đó thì được đặt chiếc giường để ngủ (u mê – ngu muội).
Bạn có nhớ sau cảnh đó, một con chó (như sói) đã đi ra từ phòng tắm, đó là biểu tượng cho loài người, một con thú hoang đã được thuần hóa, đã bỏ đi cái bản năng giết chóc của tự nhiên. À! cảnh này khiến tôi nhớ lại 2 tác phẩm là Nanh Trắng và Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã của Jack London, nhờ có tình yêu, con sói đã được thuần hóa, sau đó khi mất đi tình yêu, nó (thế hệ sau của nó) đã trở lại cái bản năng ban đầu của loài thú.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Và chúng ta có một cảnh khác, khi Domenico muốn tự sát, con chó đã tru lên, nó muốn chạy đến cứu chủ nhưng người ta đã xích nó vào bức tường của quảng trường trong thành phố, quảng trường đó và sợi xích đó là biểu tượng cho nền văn minh hiện tại; như vậy, cảnh đó nói rằng con người còn không bằng cái con vật bị xích đó. Cái hình ảnh bức tượng dũng sĩ đang cưỡi con ngựa lao về phía trước với ngọn lửa sau lưng quả thật rất ấn tượng, đó là nhân loại.
Vậy việc hợp nhất 2 mặt tương trợ đó thành một bản thể duy nhất có khó không? Đoạn cuối phim đã cho chúng ta thấy nó gian nan đến mức nào, và hãy nhớ rằng Andrei làm điều đó trong hoàn cảnh hồ đã cạn nước và không có con người ở đó; nếu hồ đầy nước, phía trên là sương mù dày đặt, đáy hồ đầy rác rưởi (tham lam – danh lợi – ngu muội), và đông người đang tắm, thì bạn nghĩ Andrei có thể giữ được ngọn nến còn cháy? Tôi nghĩ là vô vọng, hoặc anh ấy sẽ vấp ngã vì rác rưỡi, hoặc anh ấy sẽ lạc hướng vì vừa phải giữ ngọn nến vừa phải tìm lối đi, nhưng điều đáng sợ nhất là ở con người, họ sẽ ngăn cản anh ấy và cho rằng anh ấy bị điên, mà chỉ cần bất cẩn một chút thôi thì ngọn nến sẽ tắt, nó giống như lúc Andrei ngủ quên bên đống lửa, quyển kinh thánh đã bị đốt cháy.
Ý nghĩa kết phim, đó là cảnh mà những điều có ý nghĩa hòa quyện vào nhau, có nước, ánh sáng, ngôi nhà cũ của Andrei ở Nga, ngôi nhà thờ bị bỏ hoang. 3 vệt sáng mà chúng ta thấy từ mặt nước là biểu tượng cho Thiên Chúa 3 ngôi của Kitô giáo, 2 vệt sáng hoàn hảo là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vệt bị đứt đoạn bởi bùn đất là Chúa Jesus khi Ngài nhập thế làm người, theo kinh thánh thì con người được tạo nên từ bùn đất, còn vũng nước là trần thế. Nhưng khi nhìn lên, chúng ta thấy 3 vệt sáng hoàn hảo, trên nữa là một vòng tròn lớn, ý rằng tuy 3 ngôi nhưng là nhất thể. Có thể hiểu rằng Chúa Cha điều khiển mọi thứ, Chúa Thánh Thần là trí tuệ, Chúa Jesus là tình yêu, và 3 ngôi hợp thành một bản thể.
Trần thế là nơi phản chiếu Thiên giới, là con đường dẫn tới Thiên giới, nó vô cùng quan trọng và nó không phải là sự kết thúc khi cái chết đến, quan điểm này tôi gọi là “hiện sinh tôn giáo”, cho nên ở trên tôi mới nói Andrei Tarkovsky là sự kết hợp giữa Tolstoy (tư tưởng gia, nhà văn, nhà thần học) và Dostoyevsky (hiện sinh tôn giáo); Andrei Tarkovsky giống Dostoyevsky nhưng ảnh hưởng của Chính Thống giáo lại lớn hơn Dostoyevsky và ít hơn Tolstoy.
Nhân đây chúng ta trở lại với cảnh người phụ nữ ở trong đền thờ lúc đầu phim, do tình yêu, cô ấy thả những con chim được bay tự do, ý rằng đứa con của cô ấy cũng sẽ được như thế, hạnh phúc bay giữa bầu trời tự do và tràn ngập ánh sáng; nhưng khi nhìn vào sự chọn lựa của cô gái thông dịch thì cô ấy không phải là chim mà trở thành cái lông vũ rớt xuống mặt đất, cái tự do và “ánh sáng” của loài người khiến cô ấy rơi xuống, giống đôi giày cao gót khiến cô ấy bị té.
Những con chim khi được thả tự do thì vẫn là những con chim, nhưng con người được thả tự do thì không bay lên cao mà té xuống đất, vì họ muốn “cao lên” nhờ vật chất là giày cao gót, muốn “bay lên” bằng máy bay chứ không phải bằng “đôi cánh trí tuệ” của tinh thần. Đó cũng là lý do ánh sáng và chim bồ câu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, và Chúa Jesus phải nhờ sự chúc phúc của Chúa Thánh Thần mới hoàn thành được cuộc khổ nạn của Ngài, vì Chúa Jesus cũng là con người, cũng đau đớn và sợ hãi.
Nostalghia dịch thành “thương nhớ cố hương” cũng không sai, nhưng như tôi đã phân tích, “cố hương” ở đây mang tính bao quát như cảnh cuối phim, và đó là nước Nga của trước kia chứ không phải LX mà ông ấy đã rời bỏ, chính xác hơn nữa thì đó là một nước Nga trong tâm tưởng của tác giả, một nước Nga bao hàm những yếu tố cốt lõi của đời sống từ vật chất đến tinh thần.
Trước khi kết thúc bài viết thì tôi muốn nhắc các bạn vài điều, sau khi đọc bài thì hãy cố quên hết những điều tôi vừa nói. Nghĩa là đừng hiểu theo cách tôi phân tích, rằng điều này là biểu tượng cho điều kia, đó chỉ là sự đơn giản hóa, nếu hiểu theo cách đó thì chẳng khác nào cô gái thông dịch viên, có thể dịch 2 thứ ngôn ngữ Nga – Ý, nhưng cô ấy chả hiểu gì về văn hóa Nga hết.
Phải hiểu như vị nhà thơ Nga từng du học ở Ý; còn nếu hiểu như cô gái thì sẽ chẳng khác chi những con người ở quảng trường nơi Domenico tự sát, họ nghe ông ấy nói, ủng hộ ông ấy nhưng để ông ấy chết, nếu họ thật sự hiểu thì họ đã không để ông ấy tự sát hoặc sẽ lao vào dập lửa, khi thật sự hiểu thì phải có những hành động thực tế chứ không phải chỉ đứng nhìn và vỗ tay hoan hô.
Chủ yếu là HÀNH ĐỘNG THỰC TẾ! . Thật ra thì Andrei chả cần phải cầm ngọn nến đi từ bờ này qua bờ kia nếu mỗi người trong hồ đều có một ngọn nến trên tay, khi đó việc cần làm là mồi lửa cho nhau và không ai bị chết cháy vì tất cả đều đang ở trong hồ chứa nguồn nước của sự sống, và cũng không ai bị chết chìm trong hồ khi có ánh sáng để chiếu soi. Bài viết này là tiền đề để bạn có thể hiểu những bộ phim còn lại của Andrei Tarkovsky.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết 1K
Câu Chuyện Tokyo – Tokyo Story (1953): chuyện về thời đại mới 1K
Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì? – Cành Cọ Vàng
Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển
Đi Qua Màn Sương – Landscape In The Mist (1988): về bên Cha … trên trời – Nghệ Thuật – 1k
Cây Lê Dại –The Wild Pear Tree (2018): loài “xương rồng” trên đồi hoang
Cơ Thể Tôi Đâu Rồi – I Lost My Body (2019): giải mã những ẩn dụ
Cô Gái Mất Tích – Gone Girl (2014): sự hoàn hảo dối trá
Ida (2013): không có gì ở phàm trần – Nghệ Thuật – 1k
Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách – Nghệ Thuật – Cành Cọ Vàng 1k