Phim Gone Girl (Cô Gái Mất Tích – 2014) còn hơn là một câu chuyện về hôn nhân thông thường, vì chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều yếu tố thuộc về bản chất của con người và xã hội. Phim như một vở hài kịch kinh dị nhưng rất thực tế và diễn ra hằng ngày trong đời sống của chúng ta, khác chăng là chúng ta quan sát được vở kịch cả ở trên sân khấu lẫn bí mật phía sau, trong khi ở thực tế thì chúng ta chỉ như khán giả trước sân khấu hoặc màn hình mà thôi. IMDb 8.1
Một buổi sáng đẹp với bầu trời trong xanh và cao vút, Nick thong thả về nhà để chuẩn bị cho kỷ niệm 5 năm ngày cưới, anh ấy dự định tặng vợ một món quà vô cùng bất ngờ, đó là tuyên bố sẽ được tự do thoát khỏi cô ấy. Nhưng Nick đã gặp được một bất ngờ còn lớn hơn, người vợ “yêu dấu” đã mất tích. Ai? Ai đã làm gì? Ai đã bắt cóc cô ấy? Trong “cơn hoảng loạn” với nhịp tim bình thường, Nick đã gọi ngay 911 để cảnh sát đến ngay hiện trường, trong lúc chờ đợi, có lẽ anh ấy đã cầu mong sao cho cô ấy bình an … ra đi mãi mãi. Sự thật thì không dễ thế đâu anh chàng ngây thơ à! Vì khi đã đặt chân vào thì rất khó rút ra!
Đàn ông thông minh?
Thế nào là một người đàn ông hoàn hảo trong mắt của một phụ nữ xinh đẹp – thông minh – thành công? Đó phải là một anh chàng tương đối đẹp trai, thông minh, vui tính, lãng mạn và sâu sắc, có sự chân thành, không cần quá thành công hoặc giàu có. Nick hoàn toàn hội đủ những yếu tố mà tôi vừa nêu, nên anh ấy đã thành công trong việc chinh phục Amy. Nhưng rất nhanh sau đó, sau khi lấy được một cô vợ hoàn hảo nhiều tiền, Nick nghĩ rằng bản thân đã có thể thảnh thơi để hưởng thụ cái thành quả mà anh ấy đạt được, anh ấy trở nên tác tệ hơn lúc mà họ còn yêu nhau, rồi khi bắt gặp thái độ không vừa lòng từ vợ, anh ấy đã tìm thấy một cô tình nhân trẻ trung và xinh đẹp nhờ trí thông minh của mình.
Nick thật sự không hiểu rằng thời đại đã hoàn toàn đổi thay, trí thông minh không còn là đặc quyền chỉ có ở đàn ông. Nếu nhờ nó mà Nick có thể lừa được vợ và vài cô gái ngây thơ khác, thì Amy cho Nick biết rằng cô ấy đủ thông minh để đưa anh đến “giá treo cổ” và lừa được hầu hết mọi người trong xã hội. Nếu Nick có thể diễn vai một anh chàng hoàn hảo trong tình yêu, thì Amy có thể diễn vai một cô vợ ngoan hiền bị chồng hành hạ và bị sát hại, cô ấy có thể đóng vai người chết một cách hoàn hảo, và trở thành một “khán giả” để xem người chồng phản bội phải lao đao trước công chúng. Đàn ông thông minh hơn? Tôi không chắc điều đó lúc này và ở thời đại này.
Chúng ta hoàn hảo?
Không! Hẳn là bạn sẽ không tin vào điều đó khi nhìn vào chính bạn, nhưng tại sao tất cả chúng ta đều đòi hỏi sự hoàn hảo đó ở người khác? Đó là một sự phi lý của con người và của xã hội, chính nó là yếu tố cốt lõi tạo ra mọi bi kịch và tội ác trong bộ phim này. Khi xã hội tìm kiếm sự hoàn hảo, cha mẹ của Amy đã làm giàu bằng cách hủy hoại đứa con gái của họ bằng cách biến cô bé thành hoàn hảo. Hủy hoại bằng cách nào? Họ bắt cô bé Amy phải diễn, không phải diễn trên sân khấu, mà là diễn trong đời sống thật, đó là một việc vô cùng khủng khiếp và mệt mỏi từ tinh thần cho đến thể xác.
Nếu phân tích sâu hơn, Nick chinh phục được Amy là vì anh ấy đã chạm đến được nơi sâu nhất trong trái tim của cô ấy, nhưng Nick không hiểu điều đó, anh ấy nghĩ rằng Amy như mọi cô gái khác. Rồi khi Amy thấy Nick phản bội, niềm tin của cô ấy vào tình yêu chân thật đã héo tàn. Chúng ta cũng không thể hoàn toàn trách Nick, vì Amy đã quen sống với sự giả dối như một thứ bản năng, dù tình yêu trong cô là có thật. Ở đây chúng ta cần hiểu rằng, một người diễn giỏi là người có thể khống chế và làm chủ được cảm xúc của người khác. Amy đã làm điều đó với Nick mà bản thân cô ấy không hề biết.
Chỉ bởi vì chúng ta cứ diễn cái vai hoàn hảo của mình như một thứ bản năng sinh tồn, nên chúng ta không biết chúng ta thật sự là “ai” và người mà chúng ta yêu thương là “ai”. Trong thoáng chốc, khi 2 sự chân thành tình cờ bộc lộ và gặp gỡ nhau, chúng ta yêu nhau, nhưng sau đó nó bị thay thế bằng sự hoàn hảo dối trá nên trái tim chúng ta không còn “thấy” nhau dù đang sống cùng nhau. Đó là điều đã diễn ra trong cuộc hôn nhân của Nick và Amy, hoặc của hầu hết chúng ta. Điều đáng nói là cả Nick lẫn Amy đều quá thông minh, con người càng thông minh mà sống giả dối thì càng khó chữa khỏi “căn bệnh” đó trong tâm hồn họ.
Nhiều người nghĩ rằng Amy trở về tiếp tục cuộc hôn nhân với Nick vì cô ấy còn yêu, tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ tình yêu đó đã chết khi Amy biết Nick phản bội. Với một “diễn viên” phải diễn từ bé cho đến lớn như Amy thì một người chồng lý tưởng sẽ như thế nào? Đó sẽ là một bạn diễn có cùng đẳng cấp với cô ấy, và điều đó đã được chứng minh trong đoạn thời gian Nick bị tình nghi giết vợ. Amy đủ thông minh để hiểu rằng Nick không còn yêu cô ấy, thậm chí còn cảm thấy kinh tởm vì cô ấy đã giết người. Và từ đó, cuộc chiến trong hôn nhân này sẽ không có hồi kết.
Amy là biểu tượng về xã hội của chúng ta
Trên cơ bản, tôi không nghĩ những điều Amy thể hiện là bản chất của người phụ nữ, mà cô ấy chỉ là biểu tượng cho những đam mê dục vọng và bản chất xã hội. Khi chúng ta còn trẻ và bước vào đời, chúng ta mơ về sự thành công, nhưng chỉ khi tiếp xúc với nó, chúng ta mới hiểu rằng những gì bị che giấu mới đáng kinh tởm làm sao. Không bao giờ có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng” hoặc “tiền bạc từ trên trời rơi xuống”, nó luôn cần sự trả giá, và thứ mà chúng ta phải trả thì không phải tốt đẹp như ý nghĩ lúc ban đầu. Càng lên cao, càng thành công thì càng phải biết lừa lọc và giả trá. Tôi không bi quan đâu nhé (cười)
Có những thứ khi bạn đặt chân vào, nếu rút ra, bạn sẽ chết chắc, chết vô cùng hợp lý trong mắt mọi người, giống như cái vở kịch mà Amy đã làm đối với Nick. Để sống sót, cách tốt nhất là chúng ta phải tiếp tục chơi theo luật của nó, và khi sự thành công càng lớn thì kỹ năng diễn phải càng cao, đòi hỏi sự thông minh càng nhiều hơn. Tương đồng, chúng ta sẽ biết thêm nhiều bí mật, giống như Nick biết về Amy, ban đầu cô ấy chỉ giả vờ đóng vai cô bé hoàn hảo, sau đó là vai nạn nhân bị người yêu cưỡng hiếp, sau đó là vai người vợ bị giết để trả thù chồng, cuối cùng thăng cấp thành kẻ giết người.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Công chúng là ai? Chúng ta là ai?
Không khó để nhận ra rằng công chúng hoặc đám đông có thể giúp bạn thành công và cũng có thể giết chết bạn. Nếu muốn thành công, chỉ cần làm vừa lòng họ, họ muốn một người vợ hiền, hãy sẵn sàng đóng vai vợ hiền, họ muốn một nạn nhân, hãy đóng vai nạn nhân, họ muốn một người chồng phản bội biết hối lỗi, cố gắng mà diễn cho đạt; Sau đó họ sẽ là bạn thân của chúng ta, là kẻ bảo vệ chúng ta, là đao phủ để chúng ta giết kẻ thù. Công chúng không cần sự thật, họ muốn sự thật theo ý của họ. Trước đó họ là kẻ thù của bạn, nếu chìu lòng họ, họ sẽ yêu bạn hết cả tâm hồn.
Khi nói về công chúng, nhiều người sẽ cười, đừng cười, vì công chúng đó chính là chúng ta. Nhưng khi “chúng ta” xét theo phương diện từng cá thể riêng lẽ thì “chúng ta” bỗng chốc hóa thành nạn nhân của công chúng. Đó chính là vì sao mà câu nói cuối cùng trong phim là “Chúng ta đã làm gì nhau vậy? Chúng ta sẽ làm gì?”.
Khi Nick còn là nạn nhân của công chúng, anh ấy bị cảnh sát điều tra đuổi theo từng bước như muốn đưa lên giá treo cổ, nhưng sau đó dù họ biết được Amy là kẻ giết người, họ cũng quay mặt làm ngơ, vì Amy đang được công chúng yêu thương. Đó là sự vô trách nhiệm của bản chất xã hội. Cô phóng viên yêu cầu Nick cười lên khi chụp cùng tấm ảnh người vợ mất tích, rồi cũng chính họ công kích anh ấy vì nụ cười đó. Tất cả chúng ta đang trên cùng một sân khấu của trò chơi, chỉ cần biết luật chơi và thông minh, chúng ta đều có khả năng hóa nguy thành an.
Bàn luận thêm
Trong bài viết này có khá nhiều bóng tối, mà tôi thì không thích bóng tối (cười). Viết ra không phải để khuyến khích người đọc đi vào bóng tối, mà muốn chỉ ra để tất cả chúng ta cùng tránh xa nó. Ví như khi tôi biết tôi vừa là công chúng và vừa là nạn nhân, thì tôi sẽ có trách nhiệm hơn khi phán xét người khác.
Ngoài đám đông khán giả đang đứng xem nạn nhân của họ diễn vai mà họ muốn, thì còn một loại khán giả nữa nhưng với số lượng ít hơn rất nhiều, những người đó không muốn đóng vai khán giả lẫn vai nạn nhân, và họ rất ghét phải diễn, thế nên họ sẽ len lén núp ở đâu đó để nhìn ra, họ ghi ghi chép chép và viết những bài review như thế này, sau đó đăng lên cho những ai giống họ để cùng đọc. Tôi đang tự hỏi là nếu số lượng những người như thế có nhiều hơn, thì phải chăng thế giới này sẽ yên bình hơn?
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Mystic River : mặt tối của cuộc đời
I Daniel Blake (2016): đừng biến chúng tôi thành kẻ tìm sự bố thí
Triangle: làm tổn thương chính mình
Nobody Knows: giá phải trả cho sự phát triển
The Truman Show: … quyển lịch phát sóng đâu rồi?
Vẻ Đẹp Mỹ – American Beauty: vũ điệu cơn gió xoáy
Hay tks tác giả giúp tôi hiểu thêm ý nghĩa mà bộ phim mang lại