(1k) The Truman Show là một chương trình truyền hình lớn được phát sóng trên toàn thế giới, phát sóng 24/24 với hàng tỉ người xem, nó chiếu về cuộc sống của một anh chàng tên Truman, mà trong thế giới ấy tất cả mọi người đều là diễn viên chỉ trừ anh ta. À mà bạn đã xem phim này chưa nhỉ? Hẳn là những ai vào đọc bài cũng đã xem rồi, vì thế tôi cho qua phần giới thiệu hen. Đối với các bộ phim thuộc loại tầm cỡ thế này, thì đừng nghĩ đến chuyện xem một lần là hiểu, tôi thích chúng cũng vì thế, vừa xem vừa nghiềng ngẫm, vì mỗi câu nói, mỗi hình ảnh đều như một biểu tượng ẩn chứa hàm ý, để khi hiểu ra thì ta sẽ nhảy cẫn lên hoặc vỗ đùi cái chát rồi thốt lên “Móa! có cần độc thế không!” (cười)
Truman, Truman … nghe có vẻ như đang nói về một anh chàng của sự thật, khi anh bước ra cửa, một cái đèn pha hiệu Sirius từ trên trời rơi xuống, đoán không lầm thì nó chính là “ngôi sao” sáng nhất “bầu trời” đêm. Một “vì sao rơi” là sự khởi đầu cho sự ám chỉ nào đó của “thế giới” dành cho Truman, tiếc thay sự ám chỉ kỳ diệu ấy lập tức bị một thứ vô cùng tầm thường dập tắt – chiếc radio. Với vài lời giải thích, sự kỳ diệu và lạ lùng đó biến mất ngay khỏi đầu anh, đừng cười, vì chúng ta cũng thế mà, chúng ta có xu hướng chấp nhận lời giải thích có sẵn, tôn giáo nói thế này, khoa học nói thế kia..
Một người bạn nói với tôi rằng, bộ phim giống như cuộc sống của chúng ta, chính xác là vậy. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi người sẽ thủ một vai, là cha mẹ, là vợ chồng, là bè bạn hay đồng nghiệp, cảnh sát, giáo viên, giám đốc… ; mỗi vai diễn sẽ có những lời kịch riêng, nếu bạn không diễn tròn vai thì sẽ bị loại, như cô gái trong phim. Lúc Truman khám phá ra sự thật khi ngồi trong xe, những diễn viên cứ đi theo vòng tròn, đi mãi cái vòng tròn ấy, chẳng có gì mới, vẫn những câu nói ấy và hành động ấy.
Mỗi buổi sáng Truman cứ gặp những con người – diễn viên đó, nên dù anh không phải diễn viên thì anh vẫn bị bắt buộc phải diễn, bắt buộc nói những câu trả lời đó. Hãy ngẫm lại, khi giám đốc đi vào cơ quan, ông ta nói một câu chuyện cười nhạt nhẽo, thế mà cả cơ quan ai cũng cười rũ rượi cứ như là rất lý thú, ban đầu bạn cười để lấy lòng, dần dần bạn cười như quán tính, như thói quen. Cả thế giới chúng ta ở đâu cũng thế, hoàn cảnh nào cũng vậy, hình thức có thể thay đổi nhưng nội dung chỉ có một, và nó bắt chúng ta phải diễn.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Ta sẽ không ngạc nhiên khi Truman Show trở thành chương trình truyền hình ăn khách nhất và phát sóng trên toàn thế giới. Vì cái mà thế giới thật bên ngoài đang thiếu lại chính là một con người thật đang sống trong cái thế giới giả kia, đó là điều hết sức mĩa mai. Tại sao chúng ta phải diễn? Ồ nhìn vào các diễn viên vây quanh Truman xem, để quảng cáo sản phẩm ra thị trường, để bán được nhiều hơn chứ làm gì! “Đây là con dao bào tốt nhất cho gia đình, đây là loại beer khiến bạn thành đàn ông” hoặc “đây là trang blog viết những bài review độc nhất vô nhị trên internet” – ví dụ thế (cười), bạn không thấy trên facebook à? Toàn là quảng cáo. Người ta đi tìm sự thật trong thế giới giả tạo của Truman Show, phóng chiếu bản thân vào con người thật Truman.
Khi Truman tìm ra sự thật thì show truyền hình ấy phải chấm dứt, vì vậy cả thế giới sẽ không bao giờ để một con người nhìn ra sự thật, nếu nhìn ra sự thật thì cũng không thể sống thật. Nhưng sự giả tạo có một điểm yếu của nó, đó là nó chỉ có thể diễn ra theo kịch bản có sẵn, bất cứ sự việc gì không có trong lộ trình sẽ khiến cho sự thật phơi bày. Sự mạo hiểm, sự vượt quá giới hạn, sự bất ngờ, sự dấn thân … đều có trong mỗi chúng ta từ khi còn bé, rồi thì nó bị mài mòn dần, bị mài mòn bởi … những người thân yêu nhất.
Khi bé Truman muốn leo qua đống đá để nhìn phía bên kia thì cha cậu đã chặn lại, khi chàng Truman muốn đi du lịch thì cô vợ và bà mẹ bàn ra, cả chương trình TV cũng bảo là nằm nhà cũng có thể biết được thế giới bên ngoài. Họ tạo ra những giới hạn, sự sợ hãi, hiểm nguy để ngăn trở (ở đại lý bán vé, tấm poster máy bay bị sét đánh có gi dòng chữ “it could happen to you” khiến tôi bật cười) . Ngẫm lại xem, khi bạn muốn thoát khỏi cái vô vị của đời sống thì ai là người ngăn cản đầu tiên?
Trong cuộc phỏng vấn ông đạo diễn, có 2 vấn đề rất đáng suy nghĩ:
“Tại sao Truman chưa từng khám phá ra bản chất thực sự của thế giới quanh anh ấy cho tới lúc này” – vị MC
“Chúng tôi chấp nhận thực tế của thế giới mà chúng tôi đang giới thiệu, đơn giản thế thôi” – đạo diễn
Khi chúng ta chấp nhận sự giả tạo như một thực tế hiển nhiên, thì chính là lúc sự thật hoàn toàn tiêu biến đi, mà không có sự thật thì lấy gì để khám phá ra cái đang phơi bày chỉ là đồ giả. Thành ra con người sống trong một thế giới lừa dối thì luôn u mê.
“Ông có quyền gì lấy một đứa trẻ và biến cuộc sống của nó thành một thứ nhạo báng chứ?” – cô gái (Truman yêu)
“Tôi đã cho Truman cơ hội được sống một cuộc sống bình thường. Cái thế giới… cái nơi mà cô đang sống … là một nơi bệnh hoạn, Seahaven (thế giới của Truman show) chính là một thế giới lý tưởng” – đạo diễn
“Anh ấy không phải diễn viên, anh ấy là một tù nhân” – cô gái
“Tôi nghĩ điều thật sự làm cô buồn bực, đó là cuối cùng Truman vẫn thích nhà giam của mình hơn, như cách mà cô gọi” – đạo diễn
Đây là vấn đề khá hóc búa đối với xã hội, đó là “điều gì mới là tốt cho Truman (hoặc cho ai đó) ?”. Là yên ổn trong sự lừa dối hay chật vật trong sự thật, hoặc là sống thật như mình muốn hay chấp nhận bản chất thế giới là giả tạo rồi sống giả tạo? Sống thật thì nghèo đói khó khăn, trở nên cô độc, mà lương tâm thanh thản; giả tạo thì giàu sang phú quý, mọi người vây quanh, nhưng lương tâm bất an. Các bậc cha mẹ sẽ muốn con mình đi theo đường nào?
Sống trong thế giới giả tạo thì vô vị, còn sống thật thì tràn đầy ý nghĩa, nhưng để bước qua cái ranh giới ấy cần vượt qua 2 rào chắn, thứ 1 là sự sợ hãi của bản thân và thứ 2 là sự ngăn cản của xã hội. Làm được điều này cần 2 thứ khác, 1 là tình yêu, 2 là hiểu rõ bản chất xã hội. Trong khi mọi người lừa dối Truman, từ cha mẹ cho đến bạn bè thì một cô gái xa lạ lại giúp anh tìm ra sự thật, chỉ có tình yêu mới đủ sức mạnh khiến cô làm thế, chỉ có tình yêu mới khiến Truman nhớ mãi không quên và tìm cách thoát khỏi cái thế giới anh đang sống. Nhờ sự cố gắng, anh đã khám phá sự thật, để rồi biết cách “diễn” mà trốn thoát.
Truman trốn, cả thế giới thật và giả đều hoảng loạn, đó cũng là lúc “mặt trời” phải mọc lên, rồi “con bão” tới, khi Truman vượt qua được nỗi sợ và bất chấp tất cả thậm chí là cái chết, thuyền anh chạm đến “đường chân trời”, anh đi dọc đường biên như đang “đi trên mặt biển”, anh đi lên những “bậc thang” và mở “cánh cổng” … tất cả đều mang tính biểu tượng. Tình yêu cho ta sự thật, mặt trời là một tương lai mới bắt đầu, cơn bão là sóng gió cuộc đời phải vượt qua, chân trời là bến bờ tự do, đi trên mặt biển là niềm tin (khi đủ niềm tin thì môn đệ chúa Jesus cũng có thể đi trên mặt biển như Ngài), cầu thang dẫn đến cổng thiên đường – nơi ta sẽ tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu.
Khi anh trong cơn bão, mọi người như đang đấu tranh chống lại nó cùng anh, khi anh đến nơi, mọi người reo hò và khóc mừng rỡ như chính họ chiến thắng. Chỉ có điều … cái thế giới ấy quả thật là đúng như ông đạo diễn nói, “bệnh hoạn”, rất “bệnh hoạn”! Hãy nhìn họ, một ông già trần truồng xem TV trong bồn tắm, 2 bà già cả ngày ngồi xem TV, cái quán bar đầy những kẻ nghiện rượu , 2 anh chàng bảo vệ thức đêm … Bạn nhìn thấy có quen không? đó là chúng ta đấy!
Chương trình kết thúc thì chuyện gì diễn ra tiếp theo?
Anh chàng bảo vệ hỏi bạn:
“Cậu ăn miếng nữa không?“
“Còn gì xem nữa không nhỉ“
“Quyển lịch phát sóng đâu rồi“
Ha ha! Khi xem đến đây tôi bỗng cười ầm lên. Ừ thì thế giới vẫn cứ diễn ra như bản chất của nó. Nhưng tôi sẽ khác, để rồi xem!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Người Truyền Ký Ức – The Giver (2014) : một xã hội lý tưởng
Dị Biệt – Divergent (2014): tương lai của thế giới
Ngài Không Ai Cả – Mr Nobody (2009): đâu là điều ta mong muốn?
Chuyện Người Hầu Gái – The Handmaid’s Tale (2017): Ta chỉ quý những gì đã mất
Vân Đồ – Cloud Atlas (2012): Con đường của nhân loại
Người 200 Tuổi – Bicentennial Man (1999): giá trị của một con người