Departures (Người Tiễn Đưa – 2008) là phim chính kịch của Nhật, Chí Blog không thích nói về sự chết, viết bài này vì có quá nhiều thứ đang tồn tại trong sự sống của con người. Sinh tử là chủ đề lớn nhất đối với mỗi chúng ta, chúng ta tìm đến sự sống và trốn tránh sự chết, nhưng có thật vậy chăng? Oscar phim, IMDb 8.1 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Cảnh mở đầu của phim là Kobayashi đang lái xe trong sương mù giữa mùa đông lạnh giá, anh ấy đến để tẩm liệm cho một “cô gái” tự sát. Bạn biết đấy, đôi khi một hình ảnh đưa ra để truyền tải hàm ý, người đồng tính không hẳn là người đồng tính, “cô gái” rất đẹp và cô ấy đã chết, đó là cái chết của phần nữ tính – cảm xúc nơi con người nói chung và ở người Nhật nói riêng, và “cô gái” chết bởi khí CO2 trong chiếc oto giữa mùa đông, một cái chết không đau đớn nhưng kéo dài, vì “ngạt thở” và “lạnh giá”. Trong nhiều năm, “cô gái” bị người cha phản đối, và cô ấy chỉ được là chính cô ấy sau khi đã chết.
Diễn biến tiếp theo, chúng ta sẽ thấy một hoàn cảnh khác về mặt hình thức nhưng bản chất cũng giống y như vậy, và nó diễn ra ở cấp độ lớn lao hơn, cấp độ xã hội, đó là khi dàn nhạc cổ điển bị giải thể vì ngày càng có ít người hiểu và yêu thích thể loại này. Sự sống và cái chết, tinh thần và vật chất, chúng được biểu hiện trong sự đối lập ở biểu hiện Kobayashi chuyển từ nhạc công sang việc tẩm liệm. Nếu cần thứ gì đó biểu tượng cho sự sinh động và huyền diệu của sự sống, thì nhạc giao hưởng là phù hợp nhất, còn về sự chết, đó là xác chết.
Tôi vẫn thích nói về “bộ 3”, chú ý cảnh lúc Kobayashi nghe tin dàn nhạc giải thể, anh ấy trong trang phục nhạc công và đang ôm đàn, bên trái là chiếc áo khoác, bên phải là cái vỏ của cây đàn. Bạn có cần tôi nói rõ ẩn ý của nó? “Hữu” là đại diện cho cá nhân tính, như cảm xúc, tính cách sở thích, lý tưởng, âm nhạc, nghệ thuật; “tả” là đại diện cho cộng đồng tính, tình bằng hữu, sự yêu thương, lòng trắc ẩn; “giữa” là đại diện cho sự giao hòa của tinh thần và xác thịt. Vậy thì sau đó Kobayashi trong vai trò nhạc công bị vứt bỏ và cây đàn cũng bị bán đi, một cây đàn nếu không hoạt động thì nó chẳng khác chi xác chết – cây đàn chết.
Khi Kobayashi trở về nhà, khung hình dừng lại một thoáng ở tấm ảnh, chúng ta thấy “bộ 3” của sự sống, bên phải anh ấy là cây đàn, bên trái là người vợ. Như vậy, sự sống giờ đây bị co rút lại từ phạm vi xã hội xuống phạm vi cá nhân, ở nhà thì Kobayashi vẫn còn cây đàn cũ có thể chơi nhạc và người vợ “sống”.
Tại sao Kobayashi nói rằng chuyện mất việc nhạc công lại khiến anh ấy như trút được gánh nặng? Vì theo đuổi nghệ thuật quả thật là một gánh nặng quá lớn đối với mỗi con người chúng ta, thời gian và chi phí cho nó, Kobayashi phải ra nước ngoài theo học, và để có thể cảm nhận được giá trị của nhạc cổ điển cũng không dễ. Nói sao cho dễ hiểu đây? Trong bài viết về phim Youth (2015) thì tôi có nói rằng mỗi chúng ta là một phần trong bản giao hưởng của sự sống, nhưng chúng ta không ý thức được điều đó, muốn nhận ra thì nhận thức phải nhảy lên một cấp độ cao hơn, mà Kobayashi trong giai đoạn này chỉ là một nhạc công chơi đàn theo sự chỉ huy của nhạc trưởng mà thôi.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Có sự tương đồng trong câu chuyện về người cha của Kobayashi và chuyện Kobayashi tìm việc. Cha của anh ấy sau khi xây dựng một quán cà phê nhạc thì bỏ tất cả để theo một phụ nữ đẹp, mẹ của Kobayashi đã kinh doanh quán cà phê đó để có tiền cho Kobayashi sang nước ngoài học làm nhạc công, phải nói là hình ảnh về người mẹ này tuyệt đẹp; người phụ nữ đẹp về xác thịt, người mẹ đẹp về tâm hồn. Còn công việc tẩm liệm thì sao? Người ta dùng nhiều chiêu trò để quảng cáo cho nó, “một công việc giúp cho các chuyến đi”, và đặt biệt hơn hết thì nó “không đòi hỏi kinh nghiệm”, Kobayashi đã nhận luôn khoản lương khá cao ngay khi đến xin việc dù chưa làm gì. Nhưng vẫn có sự khác biệt ở đây, người cha tự nguyện rời bỏ gia đình và lý tưởng để theo đuổi cái “đẹp” phù du, còn Kobayashi thì bị đời sống thực tế cưỡng ép.
Có khá nhiều những cảnh thể hiện sự đối lập sinh tử, và hướng đi của xã hội, ví dụ con đường “lên dốc” (sự phát triển) để đến công ty tẩm liệm, hoặc cái sân khấu lẽ ra nên diễn những vở kịch hoặc nhạc cổ điển, nay thì dùng để làm quảng cáo cho việc tẩm liệm người chết, hoặc chi tiết Kobayashi đóng vai người chết, anh ấy đau đớn khi bị bịt hậu môn (để tử khí không thoát ra khỏi xác chết), da anh ấy chảy máu khi bị lưỡi dao cắt vào lúc cạo mặt vì hắt hơi, hoặc sự thối rữa sau 2 tuần của xác người phụ nữ già.
Sau tất cả những trải nghiệm đó thì Kobayashi chuyển biến như thế nào? Anh ấy khát khao sự sống và sự sạch sẻ, điều đó thể hiện qua việc tắm rửa, ham muốn đối với vợ, và việc dùng lại cây đàn cũ để chơi nhạc. Bản thân sự chết là vô nghĩa, kinh hãi và gớm ghiết, nhưng nó cho chúng ta thấy giá trị của sự sống mà chúng ta đang có. Kobayashi đi từ cấp độ 1 là theo nghề nhạc công chỉ vì đó là lý tưởng, sang cấp độ 2 là trải nghiệm và thấu hiểu, ở cấp độ sau thì anh ấy không cần nhạc trưởng chỉ huy nên chơi nhạc thế nào.
Chúng ta thấy gì qua những người chết? Bối cảnh của người chết không phải ngẫu nhiên mà kịch bản đưa ra cho có, một người nam có tâm hồn nữ tính tự sát, một phụ nữ già bị con cái bỏ rơi, một người vợ đau khổ vì người chồng cục cằn, một người treo cổ tự sát, một cô gái bị tai nạn giao thông khi được người yêu chở, bà chủ khu nhà tắm công cộng, một người đàn ông lớn tuổi hạnh phúc, và cha của Kobayashi.
Tỉ lệ tự sát quá cao trong xã hội Nhật; tỉ lệ người chết là phụ nữ cũng cao so với đàn ông – tất nhiên tỉ lệ chết nam/nữ là như nhau, chữ “cao” ở đây thể hiện ở nguyên nhân đặt biệt tạo nên cái chết. Khi phụ nữ chết, cả đám đàn ông ngồi nhìn người lạ tẩm liệm, khi người đàn ông chết (cảnh ông già), những người phụ nữ xúm vào chăm lo, kể cả người cha của Kobayashi chết cũng được chính Kobayashi liệm xác. Điều này cũng nói lên sự phân biệt đối xữ, và cách sống của nam giới và nữ giới trong xã hội Nhật.
Gạt qua chuyện đối lập sinh tử, giờ chúng ta bàn đến nghề tẩm liệm, vậy thì “tẩm liệm là cho người chết hay người sống?” mà tôi viết ở tiêu đề. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sợ hãi cái chết và sợ chạm vào xác chết, nhưng chúng ta không sợ khi chạm vào những con cá chết hoặc gà chết sau khi được “mần” sạch sẻ để nấu xào thành thức ăn, và chúng ta càng háo hức hơn khi những nguyên liệu đó đã trở thành thức ăn, không phải ngẫu nhiên mà phim có nhiều cảnh ăn uống.
Vẫn câu nói cũ của tôi “hình thức khác nhau, bản chất như nhau”. Phần lớn chúng ta tin rằng sẽ còn sự sống đằng sau cái chết, một số trong đó cố gắng để tin vì họ cần vượt qua nỗi sợ chết, tuy nhiên phải chăng người chết hay bản thân xác chết cần chúng ta làm đẹp? Không phải, việc tẩm liệm đó là phục vụ người sống, để giúp họ vơi đi sự đau khổ vì người thân ra đi, hoặc xóa mờ phần nào lỗi lầm trong cách mà họ từng đối xử với người đã chết, hoặc giúp họ trốn tránh sự kinh sợ với bản thân cái chết. Chế biến thức ăn là về vật chất (ăn uống), tẩm liệm xác chết là về tinh thần, và cả 2 công việc này đều cần thiết cho người sống hoặc sự sống.
Để hiểu ra cái bản chất mà tôi vừa nói là không phải dễ, khi người ta đứng ngoài mà nhìn, họ ghét bỏ nghề tẩm liệm, sự ghét bỏ này sinh ra từ sự kinh hãi đối với cái chết, nhưng khi họ là người trong cuộc, khi cái chết đến với người thân của họ và họ không thể trốn tránh sự đối diện đó, họ mới biết bản thân cần người tẩm liệm và cảm thông với nghề này. Sự việc đó diễn ra với bạn của Kobayashi, với người vợ, khi bà chủ nhà tắm công cộng chết đi, đó là một người phụ nữ tốt.
Bản thân vật chất không mang sự sống, nó chỉ “sống” khi chúng ta trao cho nó một tinh thần hoặc một tâm hồn hoặc một ý nghĩa. Giống như chuyện Kobayashi không nhận ra người cha đã chết, Kobayashi chỉ nhận ra ông ấy sau khi tìm thấy “tinh thần” của ông ấy nhờ vào hòn đá cảm xúc, hoặc hòn đá nào thì cũng như nhau, nó chỉ khác biệt khi chúng ta trao cho nó một ý nghĩa, hoặc cây đàn chỉ là gỗ và kim loại, nhưng khi có người sữ dụng nó, nó đang sống.
Bộ phim đưa ra 2 nghề đối lập là nhạc công và tẩm liệm, người ta khâm phục nhạc công nhưng vì thứ nhạc cổ điển này quá cao siêu nên nó chết dần, người ta ghét nghề tẩm liệm vì nó gắn liền với sự chết nhưng vì con người đang lao đến sự chết nên nghề này ngày càng phát triển, thật lạ lùng làm sao! Bất cứ ngành nghề nào chính đáng đều phục vụ sự sống, nhưng nó còn tùy thuộc vào việc con người yêu thích thứ gì, nếu họ yêu vật chất, thì cũng giống như bộ phim này, sẽ có những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên kịch, đạo diễn … phải bỏ nghề để làm đầu bếp, bồi bàn, người bán hàng, nhân viên quảng cáo, tài xế taxi. Nói thế không phải tôi coi thường những nghề sau, nghề nào cũng phục vụ sự sống, tôi nói đến người được phục vụ chứ không phải người đang phục vụ.
Vì sao con cá hồi bơi ngược dòng dù phải đối mặt với cái chết? Chúng bơi ngược dòng để đẻ trứng và sau đó chết đi, ở nơi chúng chết đi thì sự sống được nẩy nở gấp trăm ngàn lần, đó là cách vượt qua sự chết, dù biết là phải chết. Giống như 2 người mẹ trong phim, mẹ của Kobayashi dù chúng ta không thấy bà ấy, và mẹ của bạn Kobayashi – bà chủ nhà tắm công cộng.
Sự kết hợp sinh tử của con cá hồi, những điều 2 người mẹ đã làm là cùng bản chất. Quán cà phê nhạc là một nơi phục vụ cộng đồng về vật chất (thức uống) và tinh thần (âm nhạc), lợi nhuận đó được trao cho Kobayashi (cá nhân) để theo đuổi ước mơ âm nhạc. Nhà tắm công cộng cũng vậy, tắm cho sạch thân xác và giúp tinh thần được sảng khoái, phục vụ cộng đồng và nuôi lớn người con. Nhưng sau khi mẹ Kobayashi chết, quán cà phê nhạc đóng cửa, và mẹ người bạn chết thì nhà tắm có lẽ cũng đóng cửa nốt.
Phim có nhắc đến nước và lửa và gỗ, nước quá lạnh trở thành sương mù và tuyết có thể mang đến cái chết, lửa trong phim dùng để thiêu xác chết nằm trong hòm gỗ, nhưng khi kết hợp 3 thứ này, sẽ tạo ra nước nóng để nhiều người tắm rửa.
Sau khi đọc xong bài này thì bạn muốn trở thành gì? Là hòn đá như mọi hòn đá, hay là một hòn đá “cảm xúc”? Và giờ thì bạn đã biết tại sao phim này đoạt giải Oscar rồi đấy, và nhớ là Chí Blog là website duy nhất ở Việt Nam chuyên phân tích phim nghệ thuật nhé, đừng để cho website phải “chết” vì sự thờ ơ!
Phim tương tự:
Top 250 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Tuổi Trẻ – Youth (2015): sức sống của tâm hồn – Nghệ Thuật
Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết
Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (2003): trên vai Phật – Nghệ Thuật
Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm – Nghệ Thuật
Bên Dưới Làn Da – Under the Skin (2014): ‘thức ăn’ của những vì sao – Nghệ Thuật
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526