Review phim Weathering With You: kệ con.. khỉ nó thời tiết

Phim Weathering With You (Đứa Con Của Thời Tiết – 2019) giống như một sự phản kháng mãnh liệt của người trẻ đối với sự xuống cấp về tình người và văn hóa ở Nhật. Đó là thông điệp được ẩn giấu phía sau tình yêu trong sáng và lãng mạn của Hodaka và Hina, phải nói rất rất rất nhiều người đã không hiểu được. Tôi thích bộ phim hoạt hình này, vì phim dám nhìn thẳng vào vấn đề xã hội Nhật Bản, quan trọng hơn là, kết thúc phim có hậu chứ không nửa vời, và ít ra thì cũng có một phản ứng quyết liệt trước hiện thực cuộc sống, điều thú vị ở chỗ phản ứng đó lại đảo ngược 180 độ nếu so với các phim của phương tây (đọc hết bài sẽ hiểu vì sao như vậy – cười). IMDb 7.6

Phim kể về Hodaka – thiếu niên 16 tuổi bỏ nhà để đến Tokyo kiếm sống, khi đến thành phố rộng lớn xa hoa và thiếu tình người này, mọi thứ đều trở nên khó khăn. Có lẽ Hodaka có thể chết đói nếu không có sự giúp đỡ của Hina và một người bạn trung niên là Keisuke. Sau khi tìm được việc làm và tình cờ cứu được Hina khỏi tay bọn ma cô, tình cảm giữa Hodaka và Hina dần dần phát sinh. Trong bài này tôi sẽ không đi sâu vào việc mô tả tình yêu giữa họ trong sáng và sâu đậm thế nào (vì nhiều bài viết khác trên mạng đã nói quá nhiều), tôi chỉ tập trung phân tích những thông điệp được ẩn giấu trong phim. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết, hoặc đọc bài tiếp.

Sự khác biệt văn hóa Đông và Tây

Bạn có biết sự khác nhau quan trọng nhất trong xã hội giữa phương Đông và phương Tây là gì không? Đó là việc đặt nặng và tôn trọng lợi ích cá nhân hay tập thể. Nói đến đây chắc chúng ta cũng biết là phương Tây chú trọng lợi ích cá nhân, phương Đông chú trọng lợi ích tập thể. Cái nào tốt hơn cái nào? Rất khó để phân biệt, nhưng cá nhân tôi nghiêng về việc tôn trọng lợi ích cá nhân hơn, vì sao? Vì khi lợi ích cá nhân được tôn trọng, tự nó cũng đảm bảo lợi ích của tập thể, nghĩa là khi quyền tự do cá nhân của tôi không bị xâm phạm, thì cũng đồng nghĩa với quyền của tất cả mọi người trong tập thể đó cũng vậy, và cuối cùng là cả tập thể được bảo đảm.

Còn khi con người chỉ chú trọng lợi ích tập thể, hẳn nhiên cá nhân ở trong tập thể đó cũng được hưởng lợi, tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên nguy hiểm đối với cá nhân nếu cái tập thể ấy muốn hy sinh bạn để quyền lợi của nó đạt được lớn hơn. Lúc này, thì bạn sẽ chẳng có quyền gì mà phản kháng cả, vì lợi ích tập thể là trên hết, không thảo luận và không thỏa hiệp gì cả, cái tập thể đó có thể mang bạn đi “tế thần” nếu nó muốn, và từ “bạn” mà tôi vừa nói thì có thể là bất kỳ ai trong tập thể đó. Đấy là tôi đang nói khi nó vận hành một cách hoàn hảo, nếu không hoàn hảo thì thế nào? Thì những kẻ thấp bé nhất trong xã hội sẽ bị “tế thần” trước tiên.

Nói như thế không có nghĩa là việc tôn trọng lợi ích cá nhân sẽ không xẩy ra tiêu cực, nhưng nếu cái tập thể muốn chạm vào bạn thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều, vì mục đích của xã hội ấy đặt ở việc bảo vệ lợi ích cá nhân. Nhật Bản là một nước theo CNTB, tuy nhiên nền văn hóa của nước này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa tập thể mà tượng trưng là chủ nghĩa dân tộc, và từng có thời chúng ta gọi là phát xít Nhật. Bạn nghĩ nhờ đâu mà kinh tế nước Nhật lên nhanh như diều gặp gió sau chiến tranh? Có biết bao cá nhân đã phải hy sinh, họ làm việc như một cái máy công nghiệp, mọi cảm xúc và ham muốn cá nhân đều bị dập tắt vì mục đích kinh tế chung. Cái giá phải trả là rất đắt chứ không phải bình thường.

Phân tích ý nghĩa thông điệp

Hodaka đã bỏ nhà đi, bộ phim không nói gì về gia đình của cậu ấy, nhưng chúng ta vẫn có thể suy diễn. Một đứa con chỉ bỏ nhà đi khi nó cảm thấy không có được hạnh phúc, và điều khiến con người không hạnh phúc là vì thiếu vắng tình yêu và sự quan tâm, hoặc thậm chí là bị ghét bỏ và bị đánh đập. Khi Hodaka ở trên thuyền, chúng ta thấy mặt cậu ấy dán rất nhiều băng cá nhân; khi con thuyền gặp bão, Hodaka không hề sợ mà còn chạy lên bon để tắm mưa, điều này nói rằng đây là một chàng trai gan lì, dũng cảm và không sợ sóng gió cuộc đời. Rồi một cơn sóng lớn ập đến như muốn ném cậu ấy xuống biển, một người đàn ông đã đưa tay níu giữ, sau đó Hodaka đã phải đãi cho vị tiền bối này một bữa ăn khá thịnh soạn nếu so với số tiền mà cậu ấy có, cả đoạn này ý muốn nói rằng giới trẻ Nhật Bản đã sống sót nhờ sự cố gắng của các thế hệ đi trước, nhưng đó không phải là thứ có thể cho không.

Tokyo to lớn, rất đẹp với những tòa nhà cao và những bảng hiệu đầy màu sắc. Nhưng cái thành phố ấy lại vô cùng lạnh lẽo về tình người, mọi thứ đều được tính bằng tiền, cái gì cũng tiền. Khi chúng ta gắn Tokyo với chữ “tiền”, các bạn có thấy một thứ khác cũng có rất nhiều trong bộ phim này? Đó là trời mưa! Giờ thì bạn đã hiểu rồi đấy, những cơn mưa là biểu tượng cho đồng tiền ở Tokyo, lúc nào cũng chỉ toàn là mưa, mưa đến lạnh cả người, mưa tối tăm mặt mũi, mưa khiến con người không thở nổi, mưa lấy đi tất cả niềm vui sống, mưa khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Lạ nhỉ? Lẽ ra việc sống trong một thành phố tràn ngập tiền thì người ta phải hạnh phúc hơn chứ?

Hãy giữ lấy “ánh nắng” trong tay chúng ta

Khi nói về những truyền thuyết xưa cũ, đúng là dân tộc nào cũng có những pháp sư có khả năng làm biến đổi thời tiết, nhưng có một điều khác biệt ở đây, gần như tất cả các pháp sư đó lập đàn làm phép là để “cầu mưa” chứ không phải “cầu nắng” (cười). Họ cầu cho mưa thuận gió hòa để ruộng đồng được tươi tốt và được mùa, từ đó mới có tiền để sinh sống. Nhưng ở Tokyo lại khác, bất cứ thứ gì cũng đòi tiền, nên nó giống như những cơn mưa tầm tả suốt tháng và suốt năm. Nếu mưa là tiền thì nắng là gì? Ở trên tôi có phân tích đấy, sự đánh đổi, nắng chính là tình người, là cảm xúc, và là tình yêu.

Các pháp sư cầu mưa hầu hết là nam, vậy thì pháp sư cầu nắng sẽ là nữ. Đó cũng là thực tế đang diễn ra ở Nhật, khi những người đàn ông phải đè nén cảm xúc để tạo ra tiền, họ sẽ “làm gì” để “giải nén”? Họ vào các quán Bar, vũ trường, các câu lạc bộ sexy, và ở những nơi đó họ cần những cô gái trẻ phục vụ, càng trẻ càng tốt. Vì chỉ có ở những cô gái trẻ mới còn giữ được sự hồn nhiên và vô tư. À! Nếu bạn nhiều tuổi một tí, khi nhắc đến Nhật Bản thì bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Là công nghệ sex, đó là thực tế, không có quốc gia nào có công nghệ sex khủng khiếp như là Nhật, các nước châu Âu cũng còn kém xa. Trong phim cũng thể hiện một phần cái thâm ý đó, phần lớn các công việc đều do đàn ông làm chủ, các cô gái trưởng thành thì để lại ấn tượng nhất là gái điếm, hoặc nhân viên phục vụ; hoặc khi Hodaka xin việc ở văn phòng của Keisuke thì cậu ấy tưởng cô gái là tình nhân của Keisuke.

Nơi nào có nhiều nước thì sẽ có cá, vì nước mang lại nguồn sống cho thế gian. Nhưng thứ nước đang đổ xuống Tokyo lại khác, nó cũng có cá, tuy nhiên lại là những con cá trong suốt, những con cá chỉ mang hình hài của cá chứ không có được sức sống như những con cá thật, sau một thời gian thì loài cá ấy vỡ tung nhưng bong bóng nước. Câu hỏi tiếp theo, những con cá đó tượng trưng cho thứ gì? Đó chính là những con người trong cái xã hội chỉ sống vì tiền đó, họ mang hình người nhưng không phải là người, vì họ hoàn toàn thiếu vắng tình yêu.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Hina là một cô bé tràn đầy tình yêu thương, cô ấy ban phát nó cho tất cả mọi người (thể hiện qua ánh nắng), nhưng ban phát càng nhiều thì mất đi cũng càng nhiều, vì thứ mà họ có thể trả cho Hina chỉ là tiền chứ không phải là tình yêu thương. Các bạn có nhớ khi Hina làm phép, có những con cá trong suốt vờn quanh, hoặc khi cô bé ở trên đám mây, có một đàn cá bao phủ lấy Hina như muốn hút lấy linh hồn cô bé, nếu Hodaka không đến kịp để cứu thì bọn cá ấy sẽ hút hết sức sống bên trong và Hina sẽ tan biến và vỡ tan hoàn toàn. Chính tình yêu của Hodaka đã cứu Hina thoát khỏi cái định mệnh khủng khiếp đó, chính tình yêu của cậu ấy bù đắp vào những phần “trong suốt” mà Hina đã lấy sức sống ra để ban phát cho mọi người. Ban phát để làm gì khi mà đó là một “lũ cá” chỉ biết đến sự ích kỷ của chính “nó”. Thành ra tôi rất thích điều mà Hodaka đã nói, tức là Kệ Cái Con.. Khỉ Nó Thời Tiết! Cứ để cho cả Tokyo chìm trong ngập lụt vì mưa, mà mưa đó cũng được tạo ra bởi “lũ cá” đó, vậy thì cứ để “bọn chúng” sống trong thứ nước không sức sống ấy.

Thật ra thì không phải chỉ có Hina mới có thể mang đến ánh nắng, nỗi cô bé như Hina là một pháp sư thời tiết, nhưng họ đã bị cái xã hội ấy làm biến đổi, và chỉ có Hina là còn giữ được một trái tim biết yêu thương, cô bé bị đuổi khỏi chỗ làm vì thường mang bánh cho những người bị đói, và cũng chỉ có một cậu bé còn giữ được tình yêu thương là Hodaka mới cứu được Hina. Còn những cảnh sát, hoặc hệ thống xã hội, lẽ ra nhiệm vụ của họ là bảo vệ những con người thật sự, nhưng điều họ làm là chĩa súng vào Hodaka – tương lai của họ. Không lạ khi Hina tuy chưa 16 nhưng phải nói dối là gần 18, vì đó là cách để có thể tồn tại trong xã hội vô tình này.

Nếu các bạn chú ý, Tokyo rất rộng lớn và nhiều màu sắc nhưng hoàn toàn thiếu cây xanh và hoa cỏ, chúng chỉ mọc ở vài nơi như nhà của Hina, nhà của bà lão, và trên sân thượng tòa nhà có cánh cổng mà luồng ánh sáng chiếu xuống. Tòa nhà có cánh cổng mang hàm ý gì? Đó là một tòa nhà cao nhưng đã cũ, đó là khi những vị tiền bối người Nhật cố gắng xây dựng kinh tế nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống và tình người, nhưng ngày nay thì “tòa nhà” đó đã trở thành cũ nát và sắp sụp đổ, có nhiều tòa nhà cao hơn và mới hơn đã mọc lên, chỉ là chúng chỉ mang đến “mưa” chứ không phải “nắng”. Những tòa nhà mới mọc lên càng nhiều thì “mưa” càng nhiều và đã khiến cả thành phố ngập lụt. Tokyo ngập lụt cũng mang tính biểu tượng, nó tương đồng với hàm ý trong câu nói của bà lão, 200 năm trước nơi đó là biển, hiện tại ngập lụt thì cũng là chuyện bình thường của trời đất. Nói chính xác hơn, Tokyo đang tồn tại thật đấy, nhưng vì bản thân cái thành phố đó không có tình yêu, thì nó khác chi là không tồn tại và bị chìm trong biển nước.

Như vậy có thể nói rằng bộ phim này kết cấu hết sức chặt chẽ chứ không rườm rà và dư thừa như vài người đã nhận xét, chẳng qua là để thật sự hiểu được thâm ý trong đó lại không dễ dàng gì, hoặc nói đúng ra thì quá khó khăn. Về phần “phản ứng” trong phim này trái ngược với các phim phương Tây ở chỗ các phim của Âu – Mỹ thì kêu gọi cá nhân nên biết hy sinh vì cộng đồng chứ đừng sống ích kỷ cho bản thân mình (cười), nó khác với “Kệ Cái Con.. Khỉ Nó Thời Tiết” hen! Đó là do văn hóa khác biệt, phương Tây vì quá chú trọng quyền lợi cá nhân nên họ cũng trở thành vô cảm và thiếu tình người, họ chỉ biết bản thân họ. Nói chung thì cá nhân cực đoan hay tập thể cực đoan đều sinh ra sự vô cảm. Tuy nhiên đối với bản thân nước Nhật lúc này thì khác, bởi vì bản thân con người trong xã hội này cần tìm kiếm lại “chính mình”, tìm lại cảm xúc đã đánh mất, cho nên mấy thứ như “vì một nước Nhật vĩ đại” gì gì đó cần phải dẹp bỏ.

Cuộc sống cũng giống như thời tiết vậy, có nắng có mưa mới đều hòa, giống như phải có nam và có nữ (cười). Về tựa phim, tiếng Nhật dịch ra nghĩa là “Thời Tiết Trẻ Em” – là tình yêu và cảm xúc có trong những đứa trẻ, lúc nắng lúc mưa, là sự cân bằng; tiếng Anh dịch là “Phong Hóa Với Bạn”, phong hóa là sự tác động của thời tiết lên thứ gì đó và làm nó biến đổi, bài phân tích cũng nói rõ rồi hen, khi con người chỉ biết đến tiền thì con người sẽ biến thành những con “cá” trong suốt. Tóm lại là kiếm tiền thì vẫn kiếm nhưng đừng đánh mất tình yêu nhé … Chúng Ta.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Tên Cậu Là Gì – Your Name (2016): ta thấy em trong tiền kiếp

Câu Chuyện Tokyo – Tokyo Story (1953): chuyện về thời đại mới

Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì? 

Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển

Ký Sinh Trùng – Parasite (2019): từ cộng sinh đến ký sinh

Người Soát Vé – Kontroll (2003): đợi chờ nàng Thỏ thiên thần

Quái Xế – Taxi Driver (1976): chứng nhân thời đại

Capernaum (2018): hãy trở thành siêu anh hùng của đời thực

Vẻ Đẹp Mỹ – American Beauty: vũ điệu cơn gió xoáy

Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa

Vùng Hủy Diệt – Annihilation (2018): ung thư hay tiến hóa?

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Moon (2009): tất cả chỉ là ảo ảnh

T4 Th6 10 , 2020
Moon (Mặt Trăng – 2009) là phim giả tưởng – tâm lý – siêu thực, tôi chỉ thật sự hiểu ra điều đó sau một thời gian dài ngẫm nghĩ. Sau khi xem phim lần đầu, chúng ta hiểu nội dung đang nói về chuyện nhân bản con người và […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese