Review ý nghĩa phim The Outsider: “con quỷ” đói khát sự sống

TV series The Outsider (Kẻ Ngoại Cuộc – 2020) được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị của Stephen King, tôi không thích phim kinh dị, nhưng thích những thông điệp được truyền tải của nó, đặt biệt là những phim được chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng này, bằng chất kinh dị, ông ấy đã cụ thể hóa cái ánh sáng hoặc bóng tối trong con người thành những thực thể mà chúng ta có thể nhìn thấy được và hình dung được, và như vậy, những thứ trừu tượng trở nên rõ ràng hơn, giúp chúng ta dễ nhận ra hơn trong đời sống của con người. Bằng cách đọc những bài viết trên Chí Blog, dần dần bạn sẽ thấy để hiểu được hàm ý của những phim kinh dị – giả tưởng – hack não thì không phải là điều gì quá khó khăn, chỉ cần hiểu những tính chất cốt lõi tác động – cản trở – thúc đẩy sự tiến bộ của con người là đủ. IMDb 8.0

Giải thích phim

Để theo dõi phim, tôi sẽ giải thích sơ về nội dung của nó giúp bạn dễ hiểu hơn, còn việc đi sâu vào chi tiết thì sẽ có nhiều bài viết trên các trang mạng khác làm chuyện đó, tôi chỉ chú trọng ý nghĩa, không phải chi tiết. Sự việc bắt đầu từ một vụ án giết người, nạn nhân là một đứa bé trai, cách giết người vô cùng tàn bạo, đứa bé ấy giống như bị một con thú dữ tấn công và ăn mất một phần cơ thể, vấn đề là hung thủ không phải là thú mà là con người, và có một điều rất kỳ lạ là sau khi gây án thì hung thủ dường như đang cố ý lộ diện trước nhiều người lẫn camera ghi hình. Tại sao hung thủ làm điều đó?

Do đã có đủ mọi bằng chứng nên kẻ tình nghi nhanh chóng bị bắt giữ để điều tra và buộc tội, trớ trêu thay, anh ta có bằng chứng ngoại phạm cũng thuyết phục không kém. Vậy điều gì đang diễn ra? Sự việc trở nên bế tắt trước sự kỳ bí của nó, bởi tuy các bằng chứng mâu thuẫn nhau nhưng lại vô cùng xác thực, từ video, nhân chứng, dấu vân tay cho đến mẫu ADN. Thế là ông cảnh sát phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nhà ngoại cảm nổi tiếng dù rằng ông ấy không tin vào sự tồn tại của phép lạ hay quỷ dữ.

Từ rất xa xưa, trong truyền thuyết của nhiều dân tộc đã nói về một loài quỷ dữ chuyên ăn thịt trẻ con, với VN chúng ta cũng không hề xa lạ, đó là “ông Ba Bị” thường được các bà mẹ dọa khi những đứa trẻ không biết nghe lời. Loài quỷ này sinh tồn bằng cách ăn thịt đứa trẻ, sau đó hút lấy sự sống trong gia đình của nạn nhân bằng nhiều cách, cuối cùng thì hậu quả là gia đình bị “nguyền rủa” ấy không ai sống sót. Quá trình “gây án” của con quỷ trải qua 8 bước: 1/ khống chế một người bạn của gia đình nạn nhân, buộc người đó làm đồng phạm, 2/ lây nhiễm “kẻ tình nghi”, 3/ xem phim sẽ rõ – không tiết lộ vì rất mấu chốt để xem phim, 4/ giết đứa trẻ, 5/ giết bà mẹ bằng sự đau khổ, 6/ giết anh hoặc chị nạn nhân bằng sự thù hận, 7/ giết người cha bằng cô độc và đau buồn, 8/ giết người bạn của gia đình bằng sự hối hận.

Sự biến dạng – hàm ý về sự chuyển hóa bóng tối từ người này sang người kia

Giải mã các biểu tượng, thông điệp và ý nghĩa

Đoạn đầu bài viết tôi có nói là tác giả kịch bản đã cụ thể hóa cái trừu tượng, giờ chúng ta đảo ngược quá trình đó, từ cái cụ thể hóa mà nhìn ra cái trừu tượng qua những hành động của các nhân vật trong phim. Luật pháp đã nói gì đối với những con người thuộc về diện tình nghi? Rằng một người sẽ không bị xem là tội phạm trước khi có đủ bằng chứng và bị phán là có tội trước tòa, quy định đó thể hiện tính nhân đạo đối với con người, vì kẻ tình nghi thì chưa chắc là hung thủ thật sự, nhưng con người đã hành động thế nào trong những sự việc đó? Con người luôn phán xét kẻ khác theo hướng tiêu cực nhất trước khi biết được sự thật. Đó là cách mà vị cảnh sát điều tra đã làm, vì ông ấy quá tin tưởng vào những chứng cứ tìm được, ông ta đã “kết án” nghi phạm trước cả tòa án. Chính những hành động đó đã tạo ra những hậu quả thảm khốc tiếp theo.

Người anh của đứa bé nạn nhân thì sao? Bởi trong lòng mang sự thù hận quá lớn, anh ta muốn “ai đó” phải trả giá cho cái chết của em trai, sự thù hận khiến con người trở nên mù quáng, nó thúc đẩy con người phải giải tỏa ngay tức khắc nỗi oán hận đang chất chứa trong lòng bằng cách tàn phá một ai đó hoặc thứ gì đó, mục tiêu của nó được đánh giá theo cách vô cùng đơn giản và hời hợt, và nó cũng bất chấp cả hậu quả gây ra. Nếu ông cảnh sát không bắt kẻ tình nghi ngay giữa đám đông thì người anh của đứa trẻ cũng không xác định ngay rằng kẻ bị bắt là “hung thủ”. Một phán định sai lầm cộng với sự thù hận đã tạo ra 2 cái chết, mà trong đó cũng có sự góp phần của bà mẹ trước đó đã chết vì quá thương con.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Từ một tai nạn duy nhất đã dẫn đến cái chết của tất cả các thành viên của gia đình, vấn đề nằm ở đâu? Thương con là điều phải lẽ, căm thù và muốn hung thủ trả giá cũng là điều bình thường, nhưng con người đã chọn theo cách tiêu cực nhất khi đối diện với nó, và vì thế nó đã hủy hoại chính bản thân người đó, sau đó tiếp tục hủy hoại những người thân khác nữa. Nếu cái thứ tiêu cực đó được cụ thể hóa như một thực thể thì có phải nó giống như một dịch bệnh đang lây nhiễm từ người này qua người kia?! Hoặc nó sẽ giống như một con quỷ có hình hài đang dạo khắp nơi để gieo rắc cái chết, vì khi có sự giao tiếp, con người sẽ tác động lên nhau.

Những suy nghĩ tiêu cực cũng có thể được xem như tính ích kỷ và vô trách nhiệm, sự ích kỷ không chỉ được định nghĩa là chỉ biết mang lại lợi ích cá nhân, mà còn thể hiện qua sự tự hủy hoại bản thân người đó. Tại sao tôi nói về tính ích kỷ? Trong phim có một đoạn, đứa trẻ hỏi người cha rằng, Chúa sẽ cho đội nào chiến thắng khi cả 2 đội bóng đều cầu nguyện với Ngài? Người cha trả lời rằng đó là “đội của chúng ta”; khi trả lời như vậy, ông ấy đã hủy hoại hình tượng của Chúa công bằng trong lòng đứa trẻ, và dạy đứa trẻ về sự ích kỷ, về sự thiên vị trong phá xét của bản thân, mọi hành động của các nhân vật trong phim đều thể hiện điều đó.

Tại sao con quỷ chỉ sống được khi ăn thịt những đứa trẻ? Sự sống là gì? Sự sống là những yếu tố tích cực nơi con người, ví dụ như yêu thương, công bằng, sự thật, trách nhiệm; mà những thứ đó chỉ tồn tại trong những tâm hồn tinh khiết của trẻ nhỏ, còn người lớn thì đã mất hết cả rồi. “con quỷ” là bóng tối và sự tiêu cực, nó chỉ tồn tại được khi hủy hoại sự tinh khiết đó nơi trẻ nhỏ. Nói rõ hơn thì, khi người cha dạy sai cho đứa con, điều đó tương đồng với hình tượng là có một “con quỷ” từ trong người cha đang “ăn thịt” đứa bé đó, ăn mất những yếu tố tạo nên sự sống trong đứa bé đó. Sau đó thì sao? Đứa trẻ sau khi đã bị hủy hoại sẽ lớn lên với “con quỷ” bên trong, lập gia đình, và tiếp tục “ăn thịt” những đứa trẻ thuộc thế hệ tiếp theo, “con quỷ” nhờ vậy mà trở nên bất tử.

Tựa phim The Outsider – Kẻ Ngoại Cuộc có ý nghĩa gì? Nó nói rằng, nguyên nhân hoặc “hung thủ” gây ra tội ác chỉ là một kẻ ngoại cuộc trong sự bất hạnh liên tiếp nhau sau đó của chúng ta. Ngoài sự bất hạnh ban đầu, con người đã tự tạo ra cho nhau và cho chính họ một chuỗi dài những bất hạnh khác, bằng những suy nghĩ tiêu cực và ích kỷ của bản thân. Khi vị thanh tra hỏi cô gái có khả năng tâm linh rằng làm cách nào mà cô ấy tìm ra con quỷ, cô ấy trả lời rằng, có lẽ vì cô ấy là kẻ ngoại cuộc nên có thể nhận ra kẻ ngoại cuộc khác (con quỷ). Cô gái là kẻ ngoại cuộc mang ánh sáng điều thiện, “con quỷ” là kẻ ngoại cuộc mang bóng tối điều ác. Vậy khi chúng ta nhận ra được đâu là thiện ác, chúng ta cũng trở thành kẻ ngoại cuộc, và nhờ đó chúng ta sẽ tránh được việc trở thành nạn nhân, tránh việc tự hủy hoại bản thân và những người thân.

Nói thì dễ, làm không dễ đâu, vì để trở thành kẻ ngoại cuộc thì con người cần rất nhiều sự can đảm để sống, hành động, và trả giá. Cái giá phải trả cũng rất lớn, đó là sự khác biệt, sự cô độc, sự nguy hiểm, sự chối bỏ của những người thân vì họ không hiểu. Đó cũng là ý nghĩa trong lời mà Đức Jesus đã nói:

“Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ của ta được”

Trở thành môn đệ của Đức Jesus, Đức Phật, hoặc vị tôn sư nào đó thì rất khó. Tôi không định bỏ cha mẹ mình, cũng không định sống độc thân cả đời (cười), nhưng tất cả chúng ta có thể giúp nhau trở thành kẻ ngoại cuộc mang ánh sáng, bằng cách giúp nhau nâng cao nhận thức của chúng ta và của người thân nữa, thế là không ai phải bỏ ai và cùng nhau sống hạnh phúc, cùng nhau tạo thành một binh đoàn diệt quỷ (cười).

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

……………

Nhớ Share bài viết này để gia tăng thành viên trong binh đoàn diệt quỷ của chúng ta nhé, và nhớ Like Chí Blog (facebook) nếu bạn cũng muốn cùng nhau trở thành kẻ ngoại cuộc mang ánh sáng.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Những phim cùng chủ đề (series, tâm linh, tác giả…) :

Rũ Bỏ – Unorthodox (2020): thoát khỏi truyền thống

Tân Giáo Hoàng – The New Pope (2020): con người cần phép màu

Chuyện Người Hầu Gái – The Handmaid’s Tale (2017): Ta chỉ quý những gì đã mất

Chú Hề Ma Quái – It (2017 vs 1990): nỗi sợ vs “bóng tối”

Dặm Xanh – The Green Mile (1999): gánh nặng của phép màu
Ngôi Nhà Ma – The Shining (1980): phía sau ánh hào quang
Ký Ức Kinh Hoàng – Doctor Sleep (2019): thiện – ác, cuộc chiến muôn thuở

Hãy Đứng Bên Tôi – Stand by Me (1986): điểm tựa của cuộc đời

Đại Dịch Đậu Mùa – Variola Vera (1982): dịch bệnh từ Virus hay con người?

Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Vivarium: giãi mã về ... nơi nuôi thú

CN Th4 5 , 2020
Vivarium (Chỗ Sống – 2020) là phim giả tưởng nói về chúng ta và “nơi” chúng ta sống, từ “nơi” là để chỉ ngôi nhà – gia đình, hoặc xã hội – nhiều gia đình. Ai đã xây lên những ngôi nhà để chúng ta sống? Là chính chúng ta? […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese