Review phim Babylon (2022): thông điệp sâu sắc, thể hiện quá đà

Babylon là phim hay nhưng việc bị “ngã ngựa” là chuyện tất yếu khi “thể hiện” của nó vượt qua ranh giới nghệ thuật, Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ, không LẤY CHỒNG ĐẠI GIA, không CẢNH NÓNG, không BODY ĐẸP, không BẦU BÌ, không TRĂM TỈ, không MỌI THỜI ĐẠI, không PHÁ KỶ LỤC, không GIẬT TÍT, nhưng có thể giải mã phim nghệ thuật” sẽ phân tích rõ nhận định vừa rồi. IMDb 7.4 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Trước tiên chúng ta bàn về lý do “ngã ngựa” của Babylon, phim dựng với kinh phí cao nhưng có doanh thu thấp bởi vì nó đã ném “shit” vào mặt khán giả. Người ta có thể nghĩ rằng một thứ gì đó ví dụ như nền điện ảnh – hiện thực cuộc sống – xu hướng xã hội … như “shit”, nhưng khi dùng một công cụ nghệ thuật để “thể hiện” thì không nên làm việc đó bằng cách phô ra một đống “shit” cho khán giả “thưởng thức”, việc đó đáng kinh tởm và nó giống như dùng nghệ thuật “hiếp dâm” khán giả.

Chuyện thể hiện những cuộc vui hoành tráng và trụy lạc trong nền điện ảnh thế giới không hề ít, các bạn có thể tìm thấy nó trong phim Gatsby Vĩ Đại hoặc The Great Beauty; trong những cảnh đó, chúng ta hoàn toàn thấy được sự sa đọa, sự hào nhoáng, sự mục rỗng, sự giả dối, tính xác thịt, cái bản năng, cái hư vô, cái trần trụi, trong một góc nhìn “đẹp” mà nghệ thuật có thể tạo ra.

Hoặc trong phim Everything Everywhere All At Once, chủ nghĩa hư vô đang lan rộng trong thế giới ngày nay, nó giống như con người đang đội “cửa hậu” lên đầu, nhưng cái ý đó được thay thế bằng hình ảnh cái “bánh vòng” chứ không phải là một cái “cửa hậu”; hoặc khi nữ chính du nhập vào thế giới song song mang tính xác thịt, thì cô ấy dùng những vũ khí có hình sextoy để chiến đấu, nó vừa thể hiện thông điệp vừa khiến ta cảm thấy hài hước chứ không phải là kinh tởm.

Hoặc chúng ta phải phân biệt rõ ràng một bộ phim nghệ thuật có yếu tố tính dục thì khác với một bộ phim sex, ví như điện ảnh Pháp, họ để các đạo diễn tự do sáng tạo khi có yếu tố tính dục, nhưng phim của Pháp thể hiện được vẻ đẹp nghệ thuật chứ không dung tục. Trong khi đó Babylon lại “thể hiện” những thứ tôi vừa nói theo cách trần trụi quá mức và tởm lợm, nên dù ý nghĩa thông điệp có sâu sắc tới đâu đi nữa thì nó sẽ không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật ở những thứ tởm lợm đó, tất nhiên là có những “thể hiện” không quá đà khác trong phim sẽ được công nhận.

Những gì tôi vừa nói cũng là bài học kinh nghiệm đối với phim Việt, thể hiện tính hiện thực cuộc sống là cần thiết, nhưng không có nghĩa là bê nguyên xi cái trong hiện thực vào phim, đạo diễn phải biết cách “nghệ thuật hóa” nó, hoặc làm “mềm” nó. Nhưng có vẻ như loài người chúng ta không biết đâu là ranh giới, càng ngày càng có nhiều phim vượt giới hạn, ví như thể loại kinh dị, càng máu me tàn bạo thì khán giả càng thích.

Không lạ khi Babylon được tạo ra bởi một đạo diễn người Mỹ gốc Pháp, đó là sự kết hợp bởi cái tự do và thẩm mỹ của người Pháp và cái sự thô lậu của người Mỹ. Nếu kịch bản này được đặt trong tay của một đạo diễn Ý hoặc Pháp hoặc Tây Ban Nha thì nó đã khác rất nhiều, có khi sẽ giật giải cao nhất ở Cannes – Berlin – Venice – Oscar cũng nên. Tại sao tôi nói vậy? Vì tính đa thông điệp sâu sắc và tính biên niên sử về điện ảnh của bộ phim.

Nếu tính cho chính xác, thì phim này là câu chuyện của 5 nhân vật, trong đó có 3 tuyến chính, Manny – người Mêxicô nhập cư, Jack – diễn viên đang nổi, Nellie – ngôi sao mới; và 2 tuyến phụ, Zhu – nghệ sĩ gốc Hoa, Sidney – nghệ sĩ kèn Jazz gốc Phi. Bối cảnh phim được vào giai đoạn nước Mỹ đang trong thời kỳ hoàn kim về kinh tế, nền điện ảnh – một thể loại nghệ thuật mới bùng nổ với thể loại phim câm.

Câu chuyện bắt đầu với cảnh Manny cần vận chuyển một con voi lên biệt thự trên đỉnh đồi cho buổi dạ tiệc của một ông chủ giàu có, con voi là biểu tượng cho một sự phát triển của công nghệ điện ảnh, nó sẽ tác động sâu rộng đến toàn thể xã hội chứ không riêng ngành điện ảnh. Cảnh tiếp theo là buổi tiệc xa hoa phù phiếm của ông chủ nhà giàu, tôi ghi là “nhà giàu” chứ không phải “thượng lưu” nhé các bạn, 2 thứ này khác nhau về bản chất, buổi tiệc xa hoa và trụy lạc này gồm đủ các thành phần, giới nhà giàu, giới nghệ sĩ, người gốc Phi, gốc Á, người nhập cư, cô gái đẹp thuộc giới bình dân, nói tóm lại thì nó là biểu tượng thống nhất của một xã hội Mỹ lúc bấy giờ, trong nó vừa hàm chứa sự trụy lạc phù phiếm, vừa thể hiện một sức sống tươi trẻ mãnh liệt, lại đầy ắp những cơ hội để trở thành một “ngôi sao sáng” – như chuyện cái chết của một nữ diễn viên và người ta chỉ định ngay người thay thế trong buổi tiệc đó.

Nền điện ảnh Mỹ khi đó cũng như vậy, chúng ta thấy một phim trường cực kỳ rộng lớn và hỗn loạn, nó có vẻ hỗn loạn thôi, nhưng khi nhìn vào từng khu vực và từng bộ phận nhỏ cấu thành lên cái tổng thể to lớn đó, thì chúng ta thấy được sự cống hiến hết mình vì nghệ thuật, nó tràn đầy sức sống và sự sống, nó chân thực và sống động như hơi thở vậy. Có thể nói đây là cảnh đẹp nhất và nghệ thuật nhất bộ phim này, khi chúng ta nhìn vào cách mà nó đang hoạt động.

Để thể hiện rõ hơn là 3 phân cảnh sau đó, Nellie bị ném vào một cảnh quay mà cô ấy không biết gì về kịch bản phim, cô ấy chỉ được nữ đạo diễn bảo rằng diễn vai một cô gái làng chơi trong quán rượu, thế là cố ấy cứ diễn theo cái cảm xúc và bản năng có sẵn, đạo diễn bảo khóc thì cô ấy khóc, không thể phủ định rằng Nellie vốn đã có sẵn bản chất của một “ngôi sao”; tiếp theo là cảnh Manny cấp tốc chạy vào thành phố để thuê chiếc máy quay, đó là một cuộc rượt đuổi với thời gian để hoàn tất phân cảnh cuối cùng cho bộ phim hiệp sĩ, một chuyện có vẻ tầm thường nhưng phấn khích và mạo hiểm phi thường – nó mang tính hiện sinh; và phân cảnh thứ 3 là sau khi Manny mang máy quay về kịp lúc, ông đạo diễn đang khóc lúc bỗng mừng rỡ chạy đến, Jack đang say xỉn nhưng khi nghe hô “diễn” là anh ấy diễn như thần, một hiệp sĩ trở về, ném đi thanh gươm, đến bên công chúa và trao cho nàng một nụ hôn ngọt ngào trong buổi chiều tà tuyệt đẹp – một kết thúc có hậu kinh điển.

Những thập niên đầu tiên của nền điện ảnh thì nó chỉ mang hình hài của một loại hình nghệ thuật thông thường dành cho đại chúng, nghĩa là mức độ chuyên nghiệp hoặc tính nghệ thuật chưa cao, nhưng trong nó lại mang nhiều hơi thở của sự sống và gần gũi với con người, nó không có bề dày lịch sử và chuyên sâu như nhạc thính phòng – kịch sân khấu – hội họa – điêu khắc …; rồi chợt công nghệ điện ảnh bùng nổ với việc người ta có thể ghép âm thanh vào phim, phong cách làm phim chuyên nghiệp hơn với nhiều góc máy sáng tạo, và người ta có thể sữ dụng nó trên những phương diện khác như truyền hình – truyền thông hoặc tổ chức các buổi hòa nhạc, sức ảnh hưởng của nó lan rộng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Bộ mặt “tăm tối” của nền điện ảnh và xã hội ngày nay

Thế là một thời đại mới được sinh ra, nó mang đến nhiều cái mới và loại bỏ nhiều cái cũ, và trong nỗi buồn của thứ bị loại bỏ lại chính là cảm xúc chân thật của con người – đây là thông điệp quan trọng nhất của phim này. Kể từ đó bộ phim càng về sau càng bị hắc hóa, điều này hoàn toàn hợp lý, nó thể hiện trong 2 phân đoạn, Jack đã diễn bộ phim với một cảm xúc gần như chân thật, đó là điểm mạnh của anh ấy, nhưng bởi vì phim được lồng tiếng, khán giả không nhìn vào anh ấy, họ xem xét bộ phim bởi những thứ khác như giọng nói hoặc kỹ thuật làm phim; phân đoạn thứ 2 là cảnh Nellie cứ diễn đi diễn lại cho chính xác với vị trí camera và âm lượng máy thu âm và từng câu từng chữ trong kịch bản, sự sống động của cô ấy hoàn toàn bị “giết chết”, cô ấy biến thành một robot được lập trình.

Khi một thứ nghệ thuật nào đó mà điển hình là điển ảnh trở nên quá phổ biến, nó lan rộng đến mọi tần lớp xã hội thì nó càng mất tự do nhiều hơn, nó bị xiềng xích trong vô số định kiến từ xã hội, giống như cách cô vợ mới của Jack – một nghệ sĩ kịch sân khấu danh tiếng, cô ấy đã phê bình kịch bản của anh ấy kém sâu sắc khi so với những kịch bản sân khấu dựng từ những tác phẩm kinh điển. Hoặc chuyện Nellie phải tỏ ra tính “quý tộc” trong bữa tiệc của đám “thượng lưu” đạo đức giả bằng cách nói tiếng Pháp, cô ấy không còn là chính mình nữa.

Giới thượng lưu đã nhảy vào nền điện ảnh, và chúng ta thấy những bộ phim về họ, sau đó là chuyện một tên trùm tội phạm cực kỳ bệnh hoạn cũng có hứng thú với điện ảnh, hắn ta dẫn Manny đến thăm “nhà” của hắn, đó là những tần “địa ngục” tăm tối nhất của con người – ám chỉ dòng phim kinh dị máu me tởm lợm mà vô số khán giả ngày nay đam mê.

Jack và Nellie là 2 ngôi sao đúng nghĩa, nhưng thời đại mới đã giết chết họ, vậy thì Manny là người thế nào? Anh ấy là dân nhập cư, anh ấy có thể “uốn lưng” theo sự biến đổi nên đã rất thành công trong giai đoạn đầu, nhưng bản chất anh ấy không phải là kẻ vô cảm và hám lợi, anh ấy còn biết yêu, anh ấy cũng có lý tưởng và nhận ra cái đẹp, nên đến giai đoạn cuối của sự chuyển đổi thì anh ấy vẫn cứ bị loại bỏ không thương tiếc khi đối diện với thứ bóng tối sâu thẳm nhất của con người – gã trùm tội phạm.

Như tôi đã nói, bộ phim không chỉ nói về điện ảnh Mỹ, nó còn nói đến xã hội Mỹ, sự đột phá từ công nghệ điện ảnh đã tác động gián tiếp đến xã hội Mỹ, nó là “con voi” ở đầu phim đã phá nát buổi tiệc gồm nhiều thành phần, tiến trình đó cũng được thể hiện qua sự biến đổi của phim trường, ban đầu nó là một tổng thể quy mô rộng lớn không ngăn cách, nhưng sau đó những khu nhà xưởng mọc lên, nó phân cách con người sau những bức tường, nó biến con người thành robot và thành công cụ nghệ thuật, việc đó cũng tương ứng với việc xã hội Mỹ bị phân hóa càng ngày càng lớn.

Chuyện đó được thể hiện ở cảnh Sidney phải tham gia bữa tiệc của giới nghệ sĩ “cao cấp”, họ làm Sidney cảm thấy bản thân là kẻ kém cỏi khi đánh giá con người qua việc họ xuất thân từ đâu và học ở trường danh tiếng nào, hoặc anh ấy phải dùng xi đánh giày bôi đen lên mặt để đồng bộ hơn với những nghệ sĩ da đen khác – có ý châm biếm phong trào “thiên tả” mang tính cực đoan ngày nay, có một điều kỳ lạ là khi chúng ta càng chống phân biệt giới, chống phân biệt chủng tộc, thì sự phân biệt và sự ngăn cách đó càng sâu sắc hơn và khủng khiếp hơn, người da đen càng “đen” hơn.

Riêng về 2 tuyến phụ, là Sidney và Zhu, họ thể hiện điều gì? Nhân vật của họ tương đối mờ nhạt, nhưng chúng ta cũng thấy được phần nào về bản tính của họ – hoặc nền văn hóa mà họ đại diện là Phi và Á, đó là trước sau họ vẫn như một, sự hào nhoáng và phù phiếm không làm họ biến đổi, họ vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, trong khi 3 nhân vật chính đều bị lạc lối và đánh mất bản thân. Nhân vật Zhu cũng cho chúng ta thấy điều mà tôi thường nói hen, phương tây đánh giá phụ nữ châu Á cao hơn là đàn ông đấy.

Trong đoạn cuối, bộ phim lượt qua những bộ phim từ kinh điển đến hiện tại mà đại diện là Avatar 2, nó vừa là sự tôn vinh vừa là ám chỉ một tương lai đen tối của nền điện ảnh, ở điểm nào? Ở Avatar 2, nền điện ảnh hoặc xã hội loài người đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, bản chất và cảm xúc con người đang dần biến mất, Avatar 2 đã thể hiện điều đó rất rõ ràng, những nhân vật trong phim sống động như người thật, lúc này người ta còn cần sự biểu hiện cảm xúc gián tiếp từ diễn viên là con người, nhưng tương lai sẽ không, AI sẽ trở thành diễn viên thay thế hoàn toàn, ở các công xưởng trên thế giới cũng vậy, robot đang trở thành nhân công thay thế.

Sau khi đọc xong bài này thì bạn cảm thấy thế nào? Có phải nếu được thay thế bởi một đạo diễn danh tiếng người Ý thì nó sẽ khác? Chúc các bạn xem phim vui vẻ, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog với nhiều người, và “cứu tế” để tôi để có thêm nhiều bài viết hơn.

Nếu muốn hiểu rõ giá trị bài viết trên Chí Blog, bạn có thể thể so sánh bài của tôi với mọi bài khác trên các trang ở VN lẫn các trang nổi tiếng ở nước ngoài – đôi khi bài của họ cũng toàn nói nhảm thui hà.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Gatsby Vĩ Đại: bên bờ ảo vọng

Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra? – Nghệ Thuật

Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Tro Tàn Rực Rỡ: rắn – chim – lửa - nước

T4 Th2 8 , 2023
Tro Tàn Rực Rỡ (2022) là phim khá hay, lẽ ra tôi sẽ không viết bài – vì tôi rất ít khi viết bài cho phim Việt, nhưng vì trước đây tôi lỡ chê (dù không nhiều) phim khi chưa xem, giờ xem rồi nghĩ thấy mình chê hơi sai […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese