Citizen Kane (1941): tiền có thể mua được hạnh phúc?

Citizen Kane là phim tiểu sử giả tưởng thuộc loại kinh điển của Mỹ, bởi vậy có rất nhiều bài viết về phim này trên mạng, nhưng khi đọc kỹ thì phần lớn chỉ nói về những thông tin “bên lề” chứ không phân tích sâu vào ý nghĩa và thông điệp tạo nên giá trị của bộ phim và khiến nó trường tồn với thời gian. Trong bài này, Chí Blog – “website chỉ dành cho người ở tầng không” sẽ chỉ ra những điều đó, “nội dung” chứ không phải “hình thức”. IMDb 8.3 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Gạt qua hết những vấn đề bên ngoài như câu chuyện giống với cuộc đời của một ông trùm truyền thông nào đó ở Mỹ, hoặc những sự đột phá này nọ về kỹ thuật so với các bộ phim trước đó, thì cần xác định rằng ý nghĩa thông điệp của Citizen Kane trở thành cái “nền” để nhiều bộ phim nghệ thuật sau này học hỏi, nó có phần nào đó tương tự với phim Tár mà tôi rất thích và đã review.

Câu chuyện bắt đầu với cái chết của một ông trùm truyền thông là Kane, người có thể xem từng là nhân vật có quyền lực nhất nước Mỹ vì là chủ của hàng chục tờ báo, và mức độ giàu có của ông ta, hoặc những Scandal chấn động một thời đối với dân chúng …, ngay tại điểm này, bộ phim đã chỉ vào cái bản tính phù phiếm của phần lớn con người, họ quan tâm đến mấy thứ như tiền tài và danh vọng, không chỉ với dân chúng trong phim, những khán giả xem phim Citizen Kane hay các “chuyên gia bình phim” cũng thế – qua các bài viết của họ; nhưng tựa phim là “Công Dân Kane”, không phải là “Ông Trùm Kane”, cũng không phải “Kane, người giàu thứ… của nước Mỹ”, từ “công dân” thể hiện đó là một con người bình thường của một đất nước nào đó và gắn liền với quyền lợi cùng bổn phận trong đất nước đó, tuy nhiên, bởi vì có thêm cái tên “Kane”, chúng ta sẽ thấy rằng đây là một công dân vô cùng đặt biệt, tất nhiên sự đặt biệt không phải từ mấy thứ phù phiếm mà tôi liệt kê ở trên.

Truyền thông mạng từng có cuộc “tranh luận” rất sôi nổi về câu nói “tiền nhiều để làm gì?”, nó khá là nhảm nhí, nhưng xét về tính triết học thì không phải ai cũng có thể đưa ra một câu trả lời vẹn toàn, tiền nhiều để “mua” hạnh phúc chứ làm gì?! Vậy “mua” nó thế nào mới là đúng và thông minh? Các bạn có thấy cái câu hỏi nhảm nhí kia lại liên quan mật thiết đến bộ phim này? Khi người mẹ biết được trong mảnh đất của bà có mỏ vàng rất lớn, bà ấy liền vạch ra cho đứa con trai một con đường có thể nói là khá hoàn hảo để đạt được thành công và hạnh phúc trong tương lai, loại bỏ ông chồng vô trách nhiệm, gửi con trai đến trường danh tiếng, chỉ được hưởng gia tài khi đến tuổi “trưởng thành”, những điều mà người mẹ này làm không có điều gì đáng để chê trách, ngược lại, rất đáng phục và đáng ca ngợi, vì nếu là chúng ta thì cũng sẽ làm vậy (nếu là bậc cha mẹ tốt); thêm lần nữa, bộ phim chỉ ra cho chúng ta thấy một lối mòn tư duy về thứ được gọi là “thành công và hạnh phúc” qua quyết định của người mẹ, đó là gì? Học trường danh tiếng, thành công nghề nghiệp, nhiều tiền, có địa vị cao trong xã hội, phải chăng đó là những thứ sẽ mang lại hạnh phúc cho một con người? Xem đến cuối phim, bạn có thấy Kane đạt được hạnh phúc không? Có và không, nhưng có vẻ như đau khổ nhiều hơn hạnh phúc.

Không khó để nhận ra rằng việc cho Kane học trường danh tiếng (gắn liền với chất lượng giáo dục) đã hình thành cho Kane có một nhân cách và lý tưởng sống cao thượng, đó là sữ dụng “mỏ vàng” kia để phục vụ lợi ích chính đáng cho người dân nước Mỹ, đó là nhiều tờ báo chỉ nói lên sự thật, đồng hành với Kane là những người bạn cùng chí hướng, sau những cố gắng, họ đã thành công. Nhưng … cuộc đời không phải là như vậy, dù bạn có rất nhiều tiền, thường thì ban đầu bạn sẽ “mua” thứ gì đó có vẻ “quý giá” nhất, ví dụ như tình yêu của cô cháu gái tổng thống vừa giàu có vừa quyền lực, rồi thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận ra một sự trống rỗng trong tâm hồn cô ấy, hoặc nó chỉ đẹp về hình thức, hoặc đã bị biến chất khi gắn liền với chính trị, đó là trường hợp của Kane, chính vì thế mà anh ấy phải lòng một cô gái khác với tâm hồn ngây thơ trong trắng có khát vọng trở thành một nghệ sĩ lớn.

Chính tại thời điểm này, chúng ta nhận ra bộ mặt “ngây thơ” của đám đông, họ không nhận ra những điều Kane đang làm là vô cùng ích lợi cho họ, vụ tranh cử thất bại đến từ góc nhìn cảm tính của họ đối với đời sống cá nhân của Kane – bạn có thấy sự giống nhau đó với nhạc trưởng Tár khi cô ấy bị đuổi việc?! Vài ngày trước đám đông tôn vinh Kane như một vị thần, sau một đêm thì họ xem Kane như tội đồ, họ quên rằng Kane cũng là con người như họ, hoặc họ thần tượng Kane chỉ vì anh ấy giàu có – quyền lực – danh tiếng, chứ không phải lợi ích đích thực mà họ đã có hoặc sẽ có nếu anh ấy đắc cử tổng thống.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Dân chúng thích kẻ độc tài hơn là lợi ích họ nhận được!

Sau thất bại này thì Kane có một góc nhìn sáng suốt hơn về xã hội, thế là anh ấy thực hiện một thí nghiệm đối với người vợ sau, dùng quyền lực của mình khiến cô ấy trở nên nổi tiếng, hoàn thành khát vọng trở thành nghệ sĩ lớn, để xem cô ấy có đạt được “hạnh phúc” – thứ “hạnh phúc” giống với điều mà người mẹ đã mong muốn Kane có được. Kết quả cuối cùng đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng! Người vợ thứ 2 trở nên rất khổ đau khi phải sống trong vai trò “nghệ sĩ danh tiếng” mà cô ấy từng mơ ước, vì cái mà cô ấy muốn lại vượt qua khả năng thật sự mà cô ấy có; cũng giống như Kane, lý tưởng chính nghĩa của anh ấy vượt qua khả năng của bản thân dù là người giàu nhất nhì nước Mỹ, và bởi vì bản thân những người mà anh muốn giúp phải biết quý trọng nó nữa, chỉ riêng ý muốn của Kane thôi là chưa đủ.

Khi con người bỏ ra quá nhiều thứ nhưng cuối cùng thứ nhận được là một “cú tát” mạnh từ cuộc đời, người đó sẽ nhìn lại thứ mà họ đã phải đánh đổi, những hạnh phúc đích thực tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng cực kỳ quan trọng, đó là một tuổi thơ hồn nhiên, được sống với người mẹ yêu thương dù khá nghiêm khắc. Chắc hẳn các bạn biết cái từ “Rosebud” chỉ cái gì! Là chiếc xe trượt tuyết, và các bạn còn nhớ món đồ chơi căn nhà tuyết trong khối thủy tinh? Đó là hạnh phúc mà Kane đã phải đánh đổi để đạt được cái “hạnh phúc” giả dối mà người mẹ đã mong muốn – như biết bao người khác nghĩ rằng chúng là “hạnh phúc”.

Phải nói rằng sau bộ phim này thì có rất nhiều “biến thể” mang tính tương tự, mà thật ra thì nó cũng có trong văn học từ rất lâu rồi, cụ thể là loài người chúng ta nhận được một “món quà” nào đó từ Thượng Đế hoặc thiên nhiên, nhưng thay vì dùng nó để tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta lại dùng món quà đó gây ra đau khổ cho nhau, ví như khoa học – nó có thể tạo ra một thế giới giống như thiên đường không người chết đói, nhưng chúng ta tạo ra vũ khí giết nhau, chúng ta hủy hoại trái đất.

Sau thử nghiệm với cô vợ sau, Kane hiểu ra tất cả, nhưng chỉ vì chỉ có riêng ông ấy hiểu nên ông ấy phải sống trong sự cô độc, ông ấy giữ lại và trân trọng mọi món quà mà người khác đã tặng – thứ khiến ông ấy cảm thấy hạnh phúc, là hạnh phúc chứ không phải giá trị tiền bạc của món quà đó nghen các bạn, nhưng người đời đâu hiểu điều đó, sau khi Kane chết thì họ đốt hết mọi thứ mà họ nghĩ là không có giá trị khi quy đổi thành tiền. Ban sơ, chúng ta muốn có được nhiều tiền để mua hạnh phúc, nhưng về sau, chúng ta dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, thật là mĩa mai và nực cười đúng không nào?!

Tôi nghĩ bài viết đến đây là đủ, sẽ còn nhiều thông điệp khác, các bạn tự suy ngẫm nhé. Nhớ tích cực mời mình “cà phê” để có thêm bài viết hay, hoặc “cà phê” cho mình với tên bộ phim bạn muốn mình review – nhớ ghi tên phim trước tiên.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức

Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

The Godfather (1972): giai đoạn mới của gia đình – tội phạm

T2 Th6 3 , 2024
The Godfather là phim hình sự kinh điển của Mỹ, mặc dù phim dài 3 tiếng nhưng cho đến lúc này khi xem lại thì nó vẫn giữ được sự cuốn hút từ đầu đến cuối. Tuy nhiên sau khi xem lại thì Chí Blog – “website khát ‘cà phê’ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese