Review phim Tro Tàn Rực Rỡ: rắn – chim – lửa – nước

6

Tro Tàn Rực Rỡ (2022) là phim khá hay, lẽ ra tôi sẽ không viết bài – vì tôi rất ít khi viết bài cho phim Việt, nhưng vì trước đây tôi lỡ chê (dù không nhiều) phim khi chưa xem, giờ xem rồi nghĩ thấy mình chê hơi sai nên phải viết bài sửa sai, Chí Blog – “website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật” rất ngoan nha! Làm sai biết sửa nha! Mà cũng oan tí, tôi chê vì đọc nhiều bài viết khác, cứ nghĩ là phim dựng theo hướng một chiều, tội lỗi tội lỗi! Rút kinh nghiệm, lần sau không tin những người xem phim mà không hiểu phim nên nói tầm bậy nữa, mà cũng tội cho đạo diễn thật, người ta hiểu sai thông điệp phim của mình lại rất khó giải thích, chẳng lẽ nói “các bạn hiểu sai rồi, ý tôi không phải như vậy!”. IMDb 7.1 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Phàn nàn 1: đúng như vài trang khác và khán giả có nói, cô nàng Hậu nói chuyện hơi khó nghe làm ảnh hưởng đến việc thưởng thức bộ phim, với lại trong vài đoạn nói chuyện thì âm thanh không rõ ràng vì âm lượng nhỏ. Còn mấy chi tiết khác mà người khác chê thì với tôi không quan trọng lắm.

Phàn nàn 2: không phải là bộ phim mà là những người thường viết bài review phim ở VN, thứ nhất là phần lớn đều có góc nhìn một chiều, bỏ qua phim VN, với phim nước ngoài, khi các đạo diễn dựng phim thì họ luôn cố gắng tìm sự cân bằng, giống như nhiều bài review tôi phân tích, ví như phim phê phán giới thượng lưu đạo đức giả và độc ác như sói thì họ cũng chỉ ra giới bình dân ngờ nghệch như những con cừu hoặc bị biến thành con rối cho người khác giật dây; thứ 2 là họ toàn nhìn vào cái xấu và cái tiêu cực, trong khi bộ phim lại thể hiện rất nhiều cái đẹp và cái tích cực. Có lẽ do họ bị ảnh hưởng bởi quá nhiều kịch bản dở của VN theo kiểu nêu ra cái xấu theo dạng một chiều, tôi có nhận định lầm về bộ phim này cũng vì thế.

Phàn nàn 3: dành cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, để cố gắng hiểu rõ anh đạo diễn muốn nói gì thì sau lần xem đầu tiên hiểu sơ sơ, tôi phải mở ra xem lại mấy cảnh thêm 4 lần nữa cùng với tự “bổ não” thì mới thật sự hiểu, mà hiểu đúng không thì hên xui, vì những “ngôn ngữ điện ảnh” trọng yếu của anh ấy hơi bị mờ nhạt, nếu lần sau anh có làm phim thì nhớ tăng cái tính “tương phản” lên cao một chút, chứ thế này thì làm khó rất nhiều người như tôi á, review phim nghệ thuật VN gì mà khổ gấp mấy lần review phim nghệ thuật nước ngoài.  

Vào phim nào! Phim bắt đầu bằng lời tự sự của Hậu về chuyện cháy nhà, lúc này khán giả sẽ tự hỏi “chuyện gì đã xẩy ra? Nhà vì sao mà cháy? Ai đốt nhà? Nhà cháy sao không ai chạy đến dập lửa a?”, để có câu trả lời thì khán giả phải coi tiếp phim mới biết được, hoặc đọc tiếp bài viết này thì sẽ hiểu rõ căn nguyên của nó, phim nói về 3 cặp đôi là Dương – Hậu, Tam – Nhàn, Khang – Loan. Trước khi đọc bài tiếp thì tôi “cầu xin” các bạn quên đi những nhận định kiểu 1 chiều trong các bài viết khác nhé, vì mấy thứ đó giống như độc dược vậy.

Câu chuyện được “khởi động” lại từ cảnh đám cưới của Tam và Nhàn, họ là một cặp rất đẹp đôi, nhiều người chúc mừng cho họ, nhiều anh chàng ganh tị với Tam vì lấy được người vợ xinh đẹp như Nhàn, trong những người thương thầm Nhàn có Dương, trong khi đó thì Hậu lại thương thầm Dương. Ai ai cũng nghĩ rằng Tam và Nhàn sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi, nhưng chuyện không như người ta thường nghĩ, các bạn có biết vì sao không?

Vì bản chất họ không hợp với miền sông nước này, Tam là một thợ của lò than, anh ấy có thể theo nghề từ nhỏ – giống đứa bé phụ trong nhóm, công việc của anh ấy chỉ có đàn ông mới làm – Tam có mệnh “hỏa”; trong khi đó thì Nhàn là một cô gái bán bia, cô ấy có mệnh “thủy”, chỉ có điều cái “thủy” này không bình thường vì nó có pha cồn, nước còn có một ám chỉ khác, nó là biểu tượng của tiền. Vì kiếm tiền nên cả ngày Tam ở lò than, còn Nhàn thì phải chạy khắp xóm để “bỏ” bia, đã thế Nhàn còn “thích lo chuyện bao đồng – ngồi lê đôi mách”, vậy thì cái nhà ai trông? Không ai cả! Cặp đôi này tượng trưng cho cộng đồng tính theo giới tính. Những nguy hiểm tiềm tàng đã diễn ra trước mắt Nhàn nhưng cô ấy không thấy, đó là cảnh những đứa trẻ tắm sông và cảnh cháy nhà bếp, lẽ ra cặp vợ chồng này nên chú ý đến điều đó nhưng họ không “thấy” vì quen với lửa và nước.

Sau khi tai nạn xẩy ra với đứa trẻ, Tam giống như thứ củi khô bị hấp thành than, cộng với việc Nhàn bởi vì bán bia nên toàn quen với những tên ma men, khi họ say về lại thường nói mấy câu khó nghe càng khiến cho Tam ức chế, trong tình hình khủng hoảng như vậy mà Nhàn còn mua rượu về cho chồng uống, cô ấy đã quá quen với cái thứ nước pha cồn đó. Bởi vì nỗi đau mất con, lại bị chúng bạn xa lánh, nỗi đau của Tam không thể giải tỏa, thế là anh ấy tự đốt mình, và Nhàn đã phát hiện ra chuyện đó. Tôi không biết lần cháy nhà đầu tiên là do ai đốt, có thể Tam, cũng có khi là Nhàn, tại sao? Có khi Nhàn muốn chồng đốt nhà còn hơn là đốt chính anh ấy, trong cái sự đốt nhà của Tam ở những lần tiếp theo còn có sự “khuyến khích” của Nhàn, vì bên trong cô ấy cũng có nỗi đau như Tam, đây là một cặp đôi “đồng lõa” đốt nhà mình.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Con người đâu cần gì quá nhiều, những thứ thật sự quan trọng chỉ chứa đầy 2 cái giỏ xách thôi!

Còn cặp đôi Dương – Hậu thì sao? Nó tương phản hoàn toàn với cặp đôi thứ nhất, Tam – Nhàn ban đầu hạnh phúc chuyển sang khổ đau vì sự ra đi của đứa trẻ, thì Dương – Hậu ban đầu khổ đau chuyển sang hạnh phúc cũng vì sự ra đời của một đứa trẻ. Dương là một người theo nghề biển, trước khi lấy Hậu thì anh ấy đã làm công việc đó, nên tính cách của Dương lầm lì ít nói, cũng chính vì tính cách này mà anh ấy không lấy được Nhàn, sau khi buộc phải lấy Hậu vì đứa trẻ (anh ta có trách nhiệm đấy) thì Dương luôn đối diện với vợ bằng sự im lặng đầy nọc độc, anh ấy có mệnh “rắn” – cảnh con rắn trong đống củi.

Ngược lại thì Hậu có cái tật hay nói nhiều, “cái miệng hại cái thân”, Hậu biết Dương thương thầm Nhàn nên cô ấy rất ghét Nhàn và thường xuyên nhắc đến Nhàn trước mặt chồng để “chì chiết” anh ấy. Tôi rất kinh ngạc là tại sao nhiều người nghĩ rằng Hậu nhắc đến Nhàn là vì muốn có sự quan tâm của chồng, cái đó cũng có đấy, nhưng ít thôi, cái kiểu đánh động “thằng chồng” bằng cách tra tấn “nó” khi cứ nhắc đến “đứa con gái” mà “nó” thương thầm lại không lấy được, có lẽ mấy người đưa ra lập luận đó chưa từng trải qua cái kiểu “đay nghiến” ghen tuông như thế hen, nó khiến người nghe cực kỳ “sung sướng” luôn, cho nên đừng hỏi tại sao mà Dương cứ bỏ chạy miết ra ngoài biển, từ đó thấy được Hậu có mệnh “chim” – con Cưỡng bị nhốt trong lồng, miệng con Cưỡng này độc nhưng lòng không độc, chỉ cần cho nó ăn chuối thì nói gì nó sẽ nghe đó thôi (cảnh trong phim).

Dương – Hậu tượng trưng cho tính cá nhân theo giới tính, vì công việc nên Dương có quảng thời gian dài ra biển, cũng có quảng thời gian dài ở nhà, còn Hậu thì có công việc ép chuối tại nhà, khi phát hiện trong đống củi có rắn thì cô ấy giải quyết ngay cái rủi ro đó bằng cách bảo chồng dọn sạch sàn nhà để tìm con rắn, cho nên không có rủi ro nào đến với đứa trẻ, một điều nữa là cả 2 vợ chồng này đều biết bơi, và có thể con cô ấy cũng biết bơi nên đứa trẻ rất khó bị chết đuối. Nhờ có đứa trẻ, Dương dần dần thay đổi tính tình, cũng nhờ có tật nói nhiều và cái tâm tốt đẹp, ban đầu Hậu nhắc đến Nhàn vì “đay nghiến”, sau đó nhắc đến vì cảm thương, Hậu tháo mái tôn cho Nhàn, Dương cũng tháo dàn khung cho Nhàn, Dương dần dần nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn của Hậu nên có sự chuyển biến vô cùng rõ rệt – đầu phim thì Dương uống rượu ở chòi canh, gần cuối phim thì Dương rửa mặt bằng nước trà, đoạn cuối phim thì Dương chờ Hậu xem nhà cháy trở về và hỏi “mê xem cháy nhà mà bỏ cơm luôn à?”, và cũng nói là anh ấy cùng con gái đã ăn cơm rồi.

Trong cảnh cuối thì Hậu lái ghe ra biển để “nắm đầu thằng chồng này về nhà”, đó cũng là cách trị rắn á, gặp con rắn nào láo cá thì các bạn đừng sợ, không cần nói nhiều, cứ dùng củi đập đầu cho nó hoa mắt, sau đó chụp ngay cái đầu cho nó không há miệng ra cắn là được, mà rắn ở miền tây phần lớn là rắn nước, độc cũng không nặng; bài học đó Hậu học được sau khi nhìn thấy sự đổ vỡ từ gia đình Nhàn, hạnh phúc là do bản thân mình nắm giữ, “thằng chồng” nào thích uống rượu thì lấy chai rượu đập vào mặt “nó” chứ đừng mua về cho “nó” uống.

Còn về vẻ “đẹp” của bộ phim, đó là cảnh sau khi căn nhà cháy, rất nhiều người trong xóm (trong đó có Hậu) đã san sẻ những gì họ có để giúp gia đình Nhàn dựng lại căn nhà, nhưng chẳng ai có thể giúp mãi cho người tự đốt nhà họ, chuyện kết thúc khi chẳng còn gì để đốt vì người đốt cũng hóa tro rồi. Cái đẹp trong phim này là tình làng nghĩa xóm, là giá trị của gia đình, là phải biết giữ gìn căn nhà, còn nếu cứ mãi say mê kiếm tiền thì chẳng khác nào tự đốt nhà mình, giống như chuyện Nhàn thường bỏ nhà đi hoặc cảnh Tam lo bắt ốc mà lạc mất lối về.

Nhà của 2 cặp đôi này đối diện nhau trên một con sông, bên Tam – Nhàn phần lớn là rừng đước sống trong bùn lầy, bên Dương – Hậu là đủ loại cây ăn trái khác nhau.

Còn cặp đôi Khang – Loan thì sao? Đây chỉ là tuyến phụ, chúng ta chỉ cần nhìn sự đảo chiều của họ, Khang trước đó là một kẻ khốn nạn muốn cưỡng hiếp Loan, sau đó anh ta sống như thầy tu; Loan trước đó là nạn nhân, sau đó muốn “cưỡng hôn” hung thủ, sau khi Loan gặp lại Khang thì cô ấy đã bớt điên, Khang bỏ chạy vì anh ta cần thời gian để tha thứ cho chính mình, như vị nhà tu đã nói “khi nắng lên thì anh ta sẽ quay lại thôi”, nếu nạn nhân còn có thể tha thứ cho hung thủ thì mắc gì khán giả cứ phải mang thứ đó trong lòng nhỉ?

Sau khi bạn đọc xong bài này thì có cảm giác gì? Khác biệt một trời một vực với người khác luôn á! Hay là tôi bị điên nhỉ? Còn bạn, bạn muốn hiểu theo cách nào? Là 3 “thằng” đàn ông “bất lực” khốn nạn và 3 cô gái hy sinh một cách ấu trĩ, hay là những gì tôi viết trong bài?

Nếu các bạn thấy bài viết hay thì nhớ chia sẻ bài viết và giới thiệu Chí Blog cho nhiều người, và nhớ “cứu tế” nhé, đừng chỉ đọc xong rồi thôi, như vậy rất dễ làm nản lòng chiến sĩ.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Thời Thơ Ấu Của Ivan – Ivanovo detstvo (1962): đừng sang bờ sự chết – Nghệ Thuật – Sư Tử

Chìa Khóa Về Nhà Tôi – The Occupant (2020): gia đình “hoàn hảo” thời hiện đại – new

Cá Nhỏ – Little Fish (2021): nhớ hạnh phúc – quên khổ đau

Hơn Cả Tiểu Thuyết – Stranger Than Fiction (2006): chúng ta là những Harold

Mẹ – Mother (2017): Chỉ có tình yêu mới tái tạo thiên đường

Sao Y Bản Chính – Certified Copy (2010): quá trình ‘thực chứng’ của bản sao

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

6 thoughts on “Review phim Tro Tàn Rực Rỡ: rắn – chim – lửa – nước

  1. Em mong anh Chí sẽ bỏ chút thời gian ra để đọc hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau đó tham chiếu với bộ phim “Tro tàn rực rỡ” có cùng tuyến truyện và nhân vật như hai truyện ngắn kể trên. Em mong được biết cảm nghĩ của anh Chí về ngay chính cái tựa truyện. Em rất thích đọc những bài viết của anh Chí và đã theo dõi rất nhiều, nhưng với em bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một sự thiếu nhìn nhận và cảm nhận về ngay tựa đề của tác phẩm mình đang chuyển thể ạ. Chưa kể đến là việc em cũng thấy đạo diễn không hiểu gì về các nhân vật từ bản văn học ạ.

    1. Chào bạn, tôi hiểu ý bạn, nhưng có lẽ bạn hơi có lầm lẫn một chút ở đây, tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư là tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư, còn phim Tro Tàn Rực Rỡ của Bùi Thạc Chuyên là phim của Bùi Thạc Chuyên, nghĩa là Bùi Thạc Chuyên chỉ sữ dụng bối cảnh hoặc một phần cảm hứng từ tác phẩm để dựng thành phim, anh ấy có thể biến đổi ý tưởng theo cách của anh ấy, còn nếu bạn muốn bộ phim hoàn toàn giống như tác phẩm văn học thì bạn có thể yêu cầu Nguyễn Ngọc Tư tự làm đạo diễn và tự dựng phim theo sát ý nghĩa tác phẩm văn học của chị ấy. Bạn hiểu ý tôi không? Cho nên, cùng một câu chuyện trong tác phẩm văn học, sẽ có người dựng thành phim y như nguyên tác, có người sẽ biến đổi nó theo góc nhìn của họ, khi bạn xem một bộ phim, bạn đang xem một câu chuyện hoàn toàn tách biệt, không cần phải biết về tác phẩm văn học đó nói gì, vì phim là một sản phẩm độc lập, còn việc đánh giá góc nhìn qua lại giữa phim và tác phẩm văn học thì đó là cá nhân của khán giả, có người thích tác phẩm văn học, có người thích phim. Tóm lại thì Nguyễn Ngọc Tư mượn tác phẩm của chị ấy để thể hiện góc nhìn của chị ấy về cuộc sống, còn Bùi Thạc Chuyên mượn bối cảnh và 1 phần nội dung trong tác phẩm văn học để thể hiện góc nhìn của anh ấy, chúng ta không thể buộc Bùi Thạc CHuyên phải hiểu giống như Nguyễn Ngọc TƯ. Tất nhiên, thông thường thì những người đọc qua tác phẩm văn học không thích bộ phim quá khác biệt với nguyên tác, nhưng như mình nói, phim là một tác phẩm hoàn toàn độc lập, BTC không bị buộc phải theo sát nội dung lẫn góc nhìn của NNT. Còn riêng phần tôi, dù chưa đọc tác phẩm, nhưng chỉ duy việc NNT đặt tên truyện là “Củi Mục Trôi Về” là tôi đã không thích rồi, có vẻ như nhà văn nữ này thù đàn ông hihi.

      1. Em đồng ý với chuyện văn học và phim ảnh là hai dòng nghệ thuật khác nhau nên mình không thể đem ra so sánh nhưng chuyện Bùi Thạc Chuyên có thể biến đổi ý tưởng theo cách của anh ấy thích thì nó chỉ xảy ra nếu đó là “lấy cảm hứng từ một tác phẩm” chứ không phải là “chuyển thể tác phẩm” như thế này ạ. Ví dụ khi lấy cảm hứng thì cái cốt truyện có thể giống nhưng mọi nhân vật và địa lý cần phải thay đổi nếu có định làm khác đi để không nhầm lẫn đó là câu chuyện đã từng được xác định rõ. Gần nhất là chuyện phim “Em và Trịnh’, đạo diễn đang kể một câu chuyện về một người được xác định rõ là Trịnh Công Sơn thì việc đạo diễn đã mua bản quyền và có thể muốn kể Trịnh Công Sơn như thế nào cũng được là không được phép phải không ạ? Vì anh chưa đọc truyện nên việc nói BTC chỉ mượn một phần bối cảnh và nội dung để thể hiện góc nhìn là sai ạ, vì tất cả bộ phim và 2 truyện ngắn đều y hệt nhau, chỉ là BTC đã làm biến tướng đi những hành động bộc phát đẹp đẽ của nhân vật trở nên thành ích kỷ và thiếu tình thương thôi ạ. Và một cái nữa em không ngờ là một người chuyên viết phê bình lại có thể chê trách một chuyện là không thích tác phẩm đó vì cảm giác như tác giả ấy thù hằn đàn ông. Thông tin thêm là “Củi mục trôi về” là tên ban đầu của bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyện đấy ạ. Em cảm ơn về những chia sẻ của anh!

        1. Tôi biết bạn thích tác phẩm của NNT, và bạn hiểu ý comment ở trên của tôi là được, về phần “lấy cảm hứng” hay “chuyển thể tác phẩm” cũng không quan trọng lắm, người duy nhất có quyền quyết định ở đây là nhà văn NNT, nếu NNT không muốn bộ phim được thể hiện nhân vật như vậy thì chị ấy có quyền không để BTC “chuyển thể tác” phẩm của mình, tức việc BTC có quyền biến đổi theo ý anh ấy thì đã qua sự đồng ý của NNT, còn sau đó việc NNT hay người xem có thích sự biến đổi hay không thì là chuyện cá nhân từng người. Việc tôi nói rằng BTC mượn bối cảnh nội dung gì đó là dùng để nói cho bạn hiểu ý tôi muốn nói là giữa tác phẩn văn học và điện ảnh có sự độc lập với nhau thôi, còn việc nó giống nhau thế nào và giống bao nhiêu %, biến đổi bao nhiêu %, và thỏa thuận giữa BTC và NNT như thế nào thì làm sao mà tôi biết được? Tóm lại thì khi bạn xem phim, bạn phải đơn độc đánh giá bộ phim, còn việc so sánh với tác phẩm văn học gốc thì là chuyện khác.
          Cái việc phán đoán 1 tác phẩm trước khi đọc tác phẩm đó chỉ mang tính chủ quan cá nhân của riêng tôi, còn giả như sau khi đọc tác phẩm đó và phân tích tác phẩm đó như thế nào lại là chuyện khác, ví như tôi nói rằng tôi không thích các triết gia hiện sinh vô thần, nhưng sau khi đọc 1 tác phẩm của họ thì tôi luôn cố gắng phân tích sao cho khách quan nhất về tác phẩm đó, sau đó tôi mới có thêm 1 phần riêng biệt dùng góc nhìn cá nhân để nói rằng mình thích hay không thích quan điểm trong tác phẩm đó. Tức việc yêu ghét 1 người là sở thích, còn phân tích tác phẩm của người đó thế nào là chuyện khác. Đó chính là lý do khi phân tích 1 phim thì tôi rất ít khi nhắc đến tên đạo diễn dù thích hay không thích, tôi chỉ phân tích bộ phim đó thôi. Tóm lại thì câu trên của tôi chỉ là thể hiện cái thích và không thích theo phán đoán mang tính chủ quan, nó không liên quan gì đến việc tôi là một người phê bình văn học hay điện ảnh hay không.

        2. Sẵn tiện giải thích luôn tại sao tôi phán đoán NNT thù ghét đàn ông, thứ nhất là tôi chưa đọc truyện ngắn đó, thứ 2 là tôi chỉ hiểu truyện ngắn đó qua những bình luận của người khác về nó, ví như nói lên nỗi đau của người phụ nữ trải qua việc cưỡng hiếp dù bất thành và trở thành người điên, nó thể hiện phụ nữ hy sinh còn đàn ông thì bất lực và bạo lực gì đó, kết hợp với cái tên truyện ngắn là “Củi Mục Quay Về” nên đoán rằng nhà văn xem đàn ông như củi mục, sau đó tôi đưa ra phán đoán rằng nhà văn này có cái nhìn cực đoan về đàn ông và thù ghét đàn ông. Còn nếu sau khi đọc xong tác phẩm mà tác phẩm không có ý đó thì tôi sẽ nhận rằng phán đoán trước đó là sai lầm, giống như việc tôi đã phán đoán sai lầm về bộ phim này của BTC trước khi xem nó mà chỉ đọc qua những phân tích theo tôi là sai về bộ phim.

    2. Không hẳn là Bùi Thạc Chuyên không hiểu nhân vật hoặc nội dung tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư đâu bạn, chỉ là anh ấy chỉ dùng câu chuyện đó để thể hiện góc nhìn riêng biệt của anh ấy thôi, kiểu như mượn nguyên liệu nấu ăn á, cũng bao nhiêu đó nguyên liệu, NNT chế biến món A, còn BTC thì chế biến món B.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Possessor (2020): vật sở hữu không còn linh hồn

T2 Th2 13 , 2023
Possessor là phim kinh dị cực kỳ máu me và bạo lực, trước đây tôi không viết bài cho phim này vì 2 lý do, thứ nhất nó quá máu me, thứ 2 là video của một trang trên youtube đã chạm đến khoản 50% tảng băng trôi (3 phần […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese