Review phim The Dark And The Wicked: tình yêu và sự chết

The Dark And The Wicked (tà ma và bóng tối – 2020) là phim kinh dị – huyền bí, người xem sẽ cảm thấy khó hiểu vì câu chuyện trong phim được vẽ lên bởi những mảnh ghép không trọn vẹn, vấn đề là chúng ta đã quá quen với sự không trọn vẹn đó nên chẳng biết là nó đang thiếu điều gì. Chí Blog sẽ bù đắp những mảnh ghép đã mất đi đó (do sự cố ý của đạo diễn), không phải trang web nào cũng làm được điều này, vì vậy lâu lâu nhớ “MoMo” cho mình nhé các bạn, đừng chỉ like. IMDb 6.1 , xin nói rõ là phim này không “nhảm” hoặc không như “gì đó” mà một số bạn trẻ “có vấn đề về ngôn ngữ” đã comment trong các trang xem phim.

Phim kể về một gia đình có người cha đang trong tình trạng sắp chết, họ sống trong trang trại có nuôi cừu, cuối cùng thì cả người và cừu đều chết hết. Thật ra thì còn vài con cừu vẫn còn sống, xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Trong những cảnh đầu phim, chúng ta thấy những gì? Một đàn cừu trên đồng cỏ vào chiều tối, một người phụ nữ già may áo cho những con ma-nơ-canh, một ông già sắp chết nằm trên giường, khung sừng của một con nai treo trên tường. Nếu cần phải nói rõ thì chúng ta đang thấy những con vật hiền lành có thể trở thành con mồi béo bỡ cho lũ sói, sự già nua, sự hấp hối, và cái chết. Nếu chú ý hơn, bạn sẽ thấy rằng trong đám cừu ấy thì rất hiếm có con nào đã trưởng thành và có sừng; một đàn những con vật ăn cỏ chưa hẳn sẽ trở thành con mồi cho động vật ăn thịt, vì thiên nhiên luôn có cách giúp chúng có thể tự vệ bằng những chiếc sừng của những con trưởng thành khỏe mạnh.

Tuy nhiên những con cừu ngày nay khá xui xẻo khi sống với con người, vì con cừu nào trưởng thành đều sẽ bị mang đi xẻ thịt; còn lũ sói thì lại khá may mắn nếu nó đủ khôn ngoan để tránh mặt con người. Vậy chúng ta đã xác định được điều đầu tiên bị thiếu, đó là những nhân tố giúp lũ cừu tự vệ, hoặc bảo vệ chúng – ví như chó chăn cừu.

Gần như hầu hết các bộ phim, khi nó muốn truyền tải một thông điệp gì đó mang tính trừu tượng, thì nó luôn thể hiện cho chúng ta một hình ảnh mang tính cụ thể và dễ hiểu, phim này cũng vậy. Chắc chắn có một con sói nào đó, dù chúng ta không thấy nó, mà chỉ thấy được hậu quả do nó tạo ra; đối lập với sói là chó chăn cừu hoặc cừu có sừng. Vậy đối lập với sự già nua, sự chết, sự cô đơn … sẽ là những gì? Đó phải là những đứa trẻ, sự sống, tình yêu thương. Tất cả những điều đó là mảnh ghép còn thiếu trong bộ phim này, nhưng nó không đơn giản như vậy.

Câu hỏi tiếp theo, các bạn có tin vào Chúa hoặc thần thánh không? Nếu xét trên bình diện chung, trừ một số quốc gia đặt biệt nghiêng về tôn giáo, thì phần lớn con người ở phương tây sẽ trả lời là “không”, tôi đang nói về một đức tin thật sự chứ không phải kiểu theo tôn giáo mang tính truyền thống. Đổi câu hỏi khác, các bạn có tin sự tồn tại của ma quỷ hoặc các linh hồn không? hoặc, các bạn có sợ hãi về ma quỷ khi sống trong bóng tối hoặc khi ở một mình không? Nếu phải trả lời đúng như lương tâm thì rất nhiều người sẽ trả lời là “có”, dù họ chẳng tin vào Chúa hoặc thần thánh. Đó là vấn đề đang tồn tại trong niềm tin ngày nay của loài người, họ tin vào quỷ hơn là Chúa. Còn ai đó không tin Chúa và cũng bảo là không tin quỷ thì hãy thử đố họ ra nghĩa địa một mình vào ban đêm thử.

Sẽ quá xa vời nếu mang đức tin tôn giáo để bàn luận, chúng ta hãy chuyển đổi thành “một niềm tin về sự tốt đẹp”, ví dụ như có sự sống phía sau cái chết, hoặc sau khi chết con người sẽ đến được thiên đường hoặc miền cực lạc. Gia đình trong phim này hoàn toàn thiếu vắng điều tôi vừa nói, khi cha mẹ già nua, con cái không cùng sống với họ, vùng đất mà cặp vợ chồng già này đang sống thì hoàn toàn thiếu vắng sự sống, ví dụ như sức sống từ những đứa trẻ; nơi này chỉ còn lại người già và những nấm mồ, sự cô đơn, và những ý nghĩ tiêu cực, đến nỗi người mẹ may một cái áo cưới (cho con gái) mà phải may trên một cơ thể không có sự sống (ma-nơ-canh).

Lẽ ra lúc này họ nên đọc kinh thánh chứ không phải cuốn nhật ký đầy “bóng tối” của người mẹ

Ý nghĩ tiêu cực là một thứ bệnh tinh thần đang bao trùm khắp thế giới ngày nay, nếu ai đó nhìn thấy bóng hình của một người đã chết, họ sẽ không nghĩ rằng họ được gặp lại người thân trong vai trò là một thiên thần, ngược lại, họ sẽ sợ hãi và cho rằng họ đã gặp ma, và “con ma” đó muốn làm hại họ. Thật là khủng khiếp nếu con người không tin vào sự sống, bạn có biết tại sao không? Vì sự tồn tại của cái chết. Câu trả lời có vẻ hơi phi lý nhưng nó rất thực tế, nó giống như những gì bộ phim này đã thể hiện. Khi người mẹ sống trong sự cô độc và đối diện với người chồng sắp chết, thì sự chết sẽ có xu hướng kéo bà ấy theo nó, và khi áp lực tâm lý đủ lớn, nó khiến người sống có hành vi tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân.

Khi nói về Chúa, người có đức tin hiểu rằng Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng khi nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta thấy điều ngược lại, đó là ma quỷ ở khắp mọi nơi, bởi vì chúng ta thấy cái ác ở khắp mọi nơi. Và thật buồn là chúng ta không làm gì cả, chúng ta tự nhủ “mọi thứ đều ổn”, trong khi thực tế không ổn chút nào; rồi khi cái ác hiện hình, chúng ta chọn lựa bỏ chạy chứ không phải chống lại nó, mà chúng ta bỏ chạy được không? Khi cái ác đã ở trong tâm trí chúng ta rồi! Giống như người con trai trong phim, khi anh ta nhìn thấy ảo giác, thứ anh ta mang ra là con dao chứ không phải là cây thập tự; muốn chống lại cái ác của tinh thần thì phải dùng cái thiện của tinh thần, không phải là một con dao.

Khi nhắc đến thập tự, chúng ta nhớ tới nhân vật người y tá, cô ấy có mang cây thập tự, cô ấy đốt nến có hình Đức Mẹ, nhưng cô ấy cũng chết, tại sao? Vì đức tin lầm lạc, một đức tin đúng thì không gắn liền với sự chết, nó phải là sự sống, sự lạc quan, những ý nghĩ hạnh phúc, những hành động thiết thực mang lại những kết quả tích cực. Cô gái y tá thấy người mẹ nói chuyện một mình và chìm vào sự bi quan nhưng không hề khuyên giải; đức tin của cô gái y tá đó không có chiều sâu tinh thần, không có sức mạnh, nên việc cô ấy bị cái ác hoặc thứ tinh thần tiêu cực ảnh hưởng là sự tất yếu.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

À! Vậy cách khôn ngoan nhất là chúng ta trở nên có đức tin để có thể chống lại những ý nghĩ tiêu cực? Nếu nghĩ như vậy thì chẳng khác nào cái cổng của đàn cừu trong phim, những cái chai và móng ngựa được treo, chúng chỉ có thể ngăn đàn cừu ra ngoài, không ngăn được con sói tiến vào. Vấn đề này hơi trừu tượng và siêu hình nhé các bạn, đức tin hoặc niềm tin tích cực thì phải có sức sống thật sự chứ không phải được xây dựng bởi những suy nghĩ mang tính khôn lỏi; ví dụ như muốn chống lại những con sói thì phải nuôi những con chó chăn cừu thật sự, không phải tạc tượng con chó chăn cừu thì có thể ngăn được sói. Giống như người mẹ già trong phim không có niềm tin vào Chúa, dù bà ấy có lượm về những cây thập tự thì cũng không thể tự cứu lấy bà ấy.

Còn về tình yêu? Có tình yêu thôi vẫn chưa đủ, tình yêu chỉ có thể xem như một mối dây liên kết giữa con người với nhau. Điều quan trọng là niềm tin, nếu chúng ta tin vào sự sống, dù người thân đã chết, chúng ta vẫn tin là họ đang sống, và sự sống đó (dù là sau cái chết) cũng sẽ khiến chúng ta sống đẹp hơn ở trần thế này. Còn nếu niềm tin đó là sự chết, hãy nghĩ về hành động của người con trai trong phim.

Những con cừu còn sống là cừu mẹ và vài cừu con, khi chúng được nhốt chung với con cừu đực có sừng để tự vệ, và chúng ở trong cái lồng sắt đã chốt cửa. Khi nhắc về cừu, có rất nhiều sự so sánh đàn cừu với con người, đàn cừu trở thành mồi cho sói vì không có được chủ ngăn nhân lành; còn về con người thì sao? Là do họ tự muốn rời bỏ những điều có thể bảo vệ họ, không ai buộc họ làm thế cả.

Nếu các bạn hiểu những gì mà tôi vừa viết, hãy cẩn thận khi xem quá nhiều phim về giết chóc hoặc kinh dị, liệu tinh thần của bạn có đủ ánh sáng để chống lại những cái ác đang được thể hiện? Quá nhiều người thể hiện sự tự tin hơn khả năng họ có, kết quả là thế giới ngày nay khi mở bất cứ phim nào cũng đều là nói về cái chết và cái ác, đặt biệt là phim của phương tây, sự già nua, cái chết, sự cô độc, sự vô cảm … trở thành nỗi ám ảnh khôn cùng.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Hòn Đảo Bí Ẩn – The Third Day (series 2020): treo cổ thần học – quỷ học lên ngôi – new

1408 (2007): nỗi đau – oán hận – địa ngục

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa

Phù Thủy – The Witch (2015): nơi mà cái ác thành hình – Nghệ Thuật

Đứa Con Của Rosemary – Rosemary’s Baby (1968): thế giới không đức tin

Thủy Quái – Leviathan (2014): Khi sự huyền bí không còn

Nỗi Đau – Calvary: nơi phúc lành ra đi

Ida (2013): không có gì ở phàm trần – Nghệ Thuật –

Đi Qua Màn Sương – Landscape In The Mist (1988): về bên Cha … trên trời – Nghệ Thuật –

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Nomadland: thiên đường dang dở

T7 Th1 16 , 2021
Nomadland (kẻ du mục – 2020) là phim chính kịch đoạt giải Sư Tử Vàng và nhiều giải thưởng khác, phim gợi nhớ cho chúng ta về phong trào Hippie trong quá khứ, nhưng ở thời điểm hiện tại, bản chất của phong trào này đã thay đổi hoàn toàn, […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese