Chê ít:
Phim có nội dung đơn giản, thuần giải trí, hình thức chưa đột phá, vẫn còn ở ngưỡng “kịch”, chưa thật sự bước qua “chất” điện ảnh nên sẽ khó đi xa để bước vào thị trường quốc tế. Phim vẫn còn tồn tại một số câu thoại “triết lý” nhưng không quá đà và có thể thông cảm vì trọng tâm phim là phục vụ khán giả trong nước, ngoài ra thì mấy câu thoại này còn có mục đích khác.
Khen nhiều:
Khi đọc thấy chữ “khen nhiều” chắc nhiều người sẽ phải cau mày khó chịu, bởi vì phim này gắn với nội dung khá nhạy cảm là nói về ngành “gái”, rồi thì cái tên Ngọc Trinh – một cô gái mà rất nhiều phụ nữ ghét khi nhắc đến, còn với đàn ông thì sao? Phần lớn đàn ông bề ngoài sẽ cố tỏ ra chê bai và khinh thường, nhưng trong lòng của họ có say mê nhan sắc của cô ấy không? Có quá đi chứ! Chí Blog nói có đúng không?! Tất nhiên tôi dùng từ “say mê” chứ không dùng từ “yêu”, tôi chỉ không thích tỏ ra cái vẻ đạo mạo thường thấy ở văn hóa Á đông của chúng ta.
Vậy thì tại sao tôi khen về bộ phim này? Vì phim tuy đơn giản nhưng có chiều sâu và có “ngôn ngữ điện ảnh”, thông điệp phim khá thú vị. Nhiều bài viết trên mạng bảo rằng không hiểu thông điệp thật sự của phim là gì, họ chê rằng Ba Trà được mô tả là phụ nữ mưu trí nhưng lại bị Tư Nhị qua mặt quá dễ dàng, rồi thì phim chỉ thể hiện những người phụ nữ lao vào cấu xé nhau để tranh giành ngôi vị đệ nhất mỹ nhân Sài thành, hoặc lý tưởng của những cô “gái” sau khi có tiền chuộc thân sao mà tầm thường đến vậy, có cô còn trở thành tú bà và mở động “gái”; những nhận xét này đều đúng cả nhưng nó lại là những gì đang diễn ra vô cùng thực tế trong xã hội của chúng ta, chỉ là chúng ta còn sống trong cái “mặt nạ” đạo đức nhiều quá nên khó chấp nhận điều đó là sự thật.
Tôi sẽ không lượt lại nội dung mà đi thẳng và thông điệp và “ngôn ngữ điện ảnh” luôn nhé. Đây là một phim mang tính trào lộng châm biếm, trọng tâm đánh vào 3 thứ là tiền – sắc – danh mà xã hội luôn chạy theo , nên thoại và hình ảnh trong phim luôn xoay quanh chúng qua những câu “trả giá” để chơi “gái”, hoặc việc khoe thân của nhân vật Tư Nhị, hoặc các chiêu trò mua danh của 2 nhân vật chính.
Đối với phim này thì nhân vật Tư Nhị mới là nhân vật chính, và tôi thích cách diễn của Ngọc Trinh, vì sao? Vì cô ấy không “giỏi diễn”, thật buồn cười là một diễn viên không “giỏi diễn” ở VN lại gần với chất điện ảnh nhất, trong khi mấy diễn viên “giỏi diễn” thì lại quá “kịch”, bởi vì Ngọc Trinh không “giỏi diễn” nên sự ngây ngô của cô ấy từ khuôn mặt đến lời thoại lại vô cùng phù hợp với vai Tư Nhị – một cô gái thuộc giới bình dân bị bán vào động “gái”; Vũ Ngọc Đãng rất biết chọn diễn viên, vừa đáp ứng khả năng kéo doanh thu, vừa hợp vai.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Tại sao ở cảnh đầu thì Tư Nhị lại cầm guốc mà không mang? Tại sao cô ấy xối cả xô nước lên người? Tại sao cô ấy cúi xuống giả vờ trò chuyện rồi ăn cắp đôi “hài” đẹp của người khác? Vì cô ấy muốn để dành tiền để chuộc thân, sau khi có tiền từ việc ăn vạ Ba Trà, điều đầu tiên cô ấy làm là dùng tiền mua xô nước để “tẩy trắng” mấy thứ “bùn đất” trên người, và cô ấy có được đôi “hài” mới nhờ “ăn cắp”; cảnh mở đầu đã tóm lượt toàn bộ nội dung phim, Tư Nhị lợi dụng Ba Trà để có tiền chuộc thân và ăn cắp danh hiệu “đệ nhất” của Ba Trà. Khi xem đến cảnh “xối nước” tôi cảm thấy rất thú vị, khán giả nam xem đến cảnh này thì chú ý của họ đều tập trung đến “gì đó” chứ làm gì còn đủ tâm trí để giải mã hàm ý của đạo diễn haha.
Tiếp theo chúng ta cần chú ý đến cách dùng tiền của 2 nhân vật chính, khi này xã hội sẽ phân làm 2 mảng là bình dân và giàu có, phải nói rằng Tư Nhị rất biết dùng tiền, số tiền lừa được từ Ba Trà thì cô ấy đều dùng vào mục đích chuộc thân, số tiền đó có thể không là gì với Ba Trà nhưng nó lại là quá lớn đối với những người thuộc giới bình dân như Tư Nhị, cho nên khi cộng thêm một chút “mưu hèn kế bẩn” thì Tư Nhị đã đạt được mục tiêu đề ra – cô ấy được tự do, điều này cho thấy sự cách biệt quá lớn giữa 2 tần lớp, với số tiền “nhỏ”, Tư Nhị có thể điều khiển cả giới bình dân, còn Ba Trà dùng tiền để điều khiển cả “hệ thống” phục vụ cho ý thích của cô ấy.
Tiếp theo là 2 người mẹ của Tư Nhị và Ba Trà, lúc này tôi chợt nghĩ đến cái mâu thuẫn về văn hóa truyền thống Á đông có nền tảng Khổng giáo, văn hóa này khinh bỉ ngành “gái” là mạt hạng, nhưng lại khen ngợi và khuyến khích người phụ nữ bán thân để báo hiếu cho cha mẹ, vậy rốt cuộc là cái văn hóa này muốn phụ nữ làm “gái” hay không làm “gái” đây?! Tư Nhị bán thân cứu mẹ, nhưng người mẹ này sau khi nghe tin thì tức giận mà chết luôn – một bà mẹ bình dân nhưng có tình mẫu tử lớn lao, còn mẹ của Ba Trà thì muốn con mình “bán thân” để có tiền phục vụ bà ta – một bà mẹ độc hại và không khác chi tú bà.
Tiếp theo là chú ý đến màu sắc trên áo các nhân vật từ chính đến phụ, mặc dù các “gái” của giới bình dân làm nghề “mạt hạng”, nhưng họ được mặc màu áo trắng tinh, và tâm hồn của họ rất hồn nhiên dù là ngây ngô, những lý tưởng của họ cũng “tầm thường” – hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh nhân vật, nếu ai đó muốn nâng tầm lý tưởng thì sai logic nhé các bạn; còn lý tưởng của các cô gái thuộc giới giàu có là muốn trở thành đệ nhất mỹ nhân thì cũng chẳng lớn lao là bao, nó cũng phù hợp thực tế, cứ nhìn mấy cái cuộc thi “hoa hậu” mọc lên nhiều như nấm là biết. Những cô gái thuộc giới giàu có được mặc áo nhiều màu, bình dân thì mặc áo màu nâu, trong xã hội này chỉ những ai có tiền và có danh mới được “làm người”, Ba Trà là đệ nhất mỹ nhân nên mặc áo đỏ, Tư Nhị là đệ nhị nên mặc áo xanh, sau khi Tư Nhị loại được Ba Trà thì cô ấy mặc áo đỏ.
Biểu tượng tú bà, cũng như Tư Nhị đã nói, dù là “gái” bình dân hay “đệ nhất mỹ nhân” thì cũng là gái mà thôi, nói rộng hơn thì tần lớp giàu có cũng chẳng cao quý và tốt đẹp hơn gì tần lớp bình dân, cái này dẫn đến kết phim, ban đầu Tư Nhị là “gái” bình dân, quản lý cô ấy là tú bà với mức chia 7:3, sau khi loại bỏ Ba Trà thì Tư Nhị là “gái” hạng sang, lúc này người đòi cô ấy chia tiền là Ba Trà với mức 9:1, như vậy về hình thức thì Ba Trà không phải tú bà nhưng bản chất là tú bà, trước hay sau thì Tư Nhị vẫn không thể thoát được kiếp làm “gái”.
Đừng nghĩ phim chỉ tập trung vào việc châm biếm phụ nữ, “Ai” đã biến phụ nữ thành “gái”? Là đàn ông chứ ai! Không chỉ như vậy, đàn ông còn “thất đức” hơn, những người đàn ông bình dân bỏ tiền ra chơi “gái”, sau đó thì phần lớn số tiền đó lại dùng để đút lót cho những gã đàn ông của “hệ thống”, cái đám đàn ông này về bản chất cũng chẳng khác chi tú bà, Ba Trà thoát khỏi “gái” hạng sang nhưng sau đó cô ấy đã thăng cấp làm tú bà – mặc trang phục như đàn ông, Ba Trà cũng đâu khác chi một nhân vật “gái” bình dân sau khi tự do đã trở thành tú bà, tú bà bình dân mới này còn nhân đạo hơn nhiều, cô ấy chỉ cần chia 2:8.
Trong phim chỉ có một nhân vật “gái” là có thể thoát được kiếp làm “gái”, đó là cái cô mập và già nhất trong nhóm, cô ấy thoát được vì không dính dáng gì đến 3 thứ tiền – sắc – danh, chi tiết cô ấy ăn ở quán của người đàn ông mà không cần trả tiền – một cảnh ngắn nhưng đắt giá.
Vài người bảo rằng tại sao Ba Trà khôn ngoan thế nhưng dễ bị Tư Nhị lừa? Sự thật thì cái sự khôn ngoan của 2 nhân vật này cũng chỉ thuộc dạng khôn lỏi mà thôi, một người vẫn không thoát được kiếp “gái”, một người thăng cấp từ “gái” lên tú bà. Tại sao Ba Trà lại tin Tư Nhị đến vậy, cái này hoàn toàn hợp logic và tâm lý, khán giả xem phim nên biết việc Ba Trà mém chết đuối và được Tư Nhị cứu chỉ là trò lừa, nhưng hãy thử nghĩ nếu đặt bản thân vào vị trí Ba Trà, nghĩa là trải qua lằn ranh sinh tử thật sự, không tin tưởng kẻ xả thân cứu mình mới là có vấn đề.
Tóm lại thì điều đáng khen ở phim này là tuy đơn giản nhưng diễn biến nó mượt mà, có hài nhưng không nhảm, có “kịch” nhưng không lố, hình thức giống như có liên quan đến “nữ quyền” nhưng thông điệp là châm biếm xã hội, tóm lại thì đạo diễn Vũ Ngọc Đãng làm rất mát tay, vừa đảm bảo doanh thu vừa có tính nghệ thuật, “ngôn ngữ điện ảnh” khá tốt, như những gì tôi liệt kê hoặc cảnh 2 nhân vật chính múa trong hồ nước giống như 2 con cá “đá” nhau trong chậu, nước là tiền, cái hồ nước là thứ khiến họ không có tự do và họ chỉ là cuộc mua vui của những người đàn ông giàu có.
Tại sao tôi đánh giá phim này hoàn toàn trái ngược với bài review phim Thanh Sói đăng trong facebook? Vì Vũ Ngọc Đãng biết anh ấy phục vụ ai và giới hạn của anh ấy ở đâu, trong khi Ngô Thanh Vân lại chọn một hướng đi vượt quá tầm của cô ấy, giống như một học sinh lớp 10 lại muốn giải bài toán của lớp 12, nên phim của NTV có quá nhiều lỗ thủng. Trong rất nhiều bài Bàn Về Điện Ảnh tôi từng nói là nên làm một bộ phim đơn giản thôi, học lại từ đầu, nội dung có thể dở nhưng không được sai logic hoặc thiếu tự nhiên, và phải có thông điệp mang tính phổ quát.
Sẵn tiện nhắc đến anh Lý Hải và Trấn Thành, đây là 2 “đạo diễn” kiêm nhà sản xuất sáng giá để tạo ra những bộ phim mang lại doanh thu lớn ở thị trường VN, nhưng để có thể nhảy vào thị trường thế giới thì hơi bị khó, vì sao? Vì tầm nhận thức của họ phải nhảy lên một cấp độ cao hơn hiện tại, mọi thứ có thể mua được bằng tiền, nhưng có một thứ rất khó nếu không biết cách mua, đó là sự giác ngộ chân lý.
À! Đừng nghĩ tôi khen Ngọc Trinh hoặc phim này vì những cảnh nóng trong phim nha, mấy cái cảnh nóng đó mà so với các bộ phim nghệ thuật của phương tây thì chỉ bằng cái móng tay thôi.
Để có thêm bài viết chất lượng:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Những bài review phim VN:
Review phim Tro Tàn Rực Rỡ: rắn – chim – lửa – nước
Review phim 578 (2022): đạo diễn quốc tế – khán giả quốc nội
Review phim Mùi Đu Đủ Xanh: cũ – mới , xanh – vàng
Cyclo (1995): tâm hồn người Việt – Nghệ Thuật – Sư Tử Vàng
Vợ 3: số phận người phụ nữ thời phong kiến
Bàn về điện ảnh: phân tích khán giả trẻ “trâu” VN
Em thấy việc mọi người chê phim rằng hai người phụ nữ tranh đấu nhau trong khi hiện tại mấy cái phong trào về nữ quyền đang được diễn ra cũng là hay
Khi mọi người nghĩ về phim này thì họ sẽ nghĩ rằng phụ nữ nên cầm tay nhau để được sự tự do và dành lấy “hào quang rực rợ ” chứ không phải là đạp hoặc kéo người khác xuống để mình leo lên
Chính xác như bạn nói, và đó cũng là mục đích của bộ phim nhắm tới, nghĩa là châm biếm và phơi bày hiện thực để người ta thấy chính họ cũng như nhân vật trong phim để mà sửa đổi, để những người phụ nữ thay vì “giết” nhau, giành nhau thì nên biết cách thương nhau, liên kết nhau, khi đó thì cái bọn “tú ông” làm gì còn kẽ hở chui vô mà bốc lột họ chứ.
Nhưng vấn đề ở chỗ họ coi phim mà họ không hiểu, nên họ cứ chê là phim dở, tức họ không nhìn ra phim mang tính châm biếm chứ không phải nói về “nữ quyền”, cái “nữ quyền” lệch lạc trong phim chỉ có ý trào lộng châm biếm thôi.