Certified Copy (Sao Y Bản Chính – 2010) là phim tâm lý tình cảm hôn nhân, đề cập nhiều mặt về vấn đề triết lý nhân sinh của nam giới và nữ giới nói riêng, và con người người nói chung. Phim rất thú vị nếu người xem chú tâm vào cuộc trò chuyện cũng như diễn biến cảm xúc giữa 2 nhân vật chính, những gì diễn ra mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và mang tính bao quát trong tính cách của con người, phim phù hợp với những người đang yêu nhau và có ý định kết hôn, cũng như những người đã kết hôn và muốn một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Bạn có thể xem trên vphim(.)net, IMDb 7.3
Phim kể về James – một nhà văn người Anh đến Ý để giới thiệu quyển sách mới của anh ta, tên quyển sách là Certified Copy (bản sao thực chứng), tình cờ anh ấy gặp một phụ nữ (gọi là ‘cô gái’ cho tiện) người Pháp là nhà buôn đồ cổ sống ở Ý, cuộc gặp gỡ đó tạo ra nhiều sự biến đổi đối với James. Xem phim nếu bạn muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Giải thích ý nghĩa tựa phim
Tựa phim – cũng là tên của cuốn sách mang thông điệp trọng yếu cho toàn bộ nội dung phim. Thông thường, một văn bản có giá trị sẽ tồn tại ở 3 dạng, bản chính – bản sao – bản sao thực chứng, trong đó thì ‘bản sao thực chứng’ có giá trị gần bằng hoặc thay thế cho bản chính. Khái niệm về bản chính – bản sao đã có từ rất lâu trong xã hội loài người, ví dụ cụ thể nhất là từ kinh thánh với câu chuyện Thiên Chúa tạo ra loài người, “Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài”, hoặc việc Chúa lấy xương sườn người đàn ông để tạo ra phụ nữ, chuyện này làm tôi nhớ đến câu đố vui là ‘quả trứng hay con gà có trước’, thật ra thì gà mái có trước gà trống (cười).
Khái niệm bản chính – bản sao chỉ tồn tại khi con người xét về những thứ có giá trị, nó có thể là một đồ vật, một thực thể hoặc một điều gì mang tính trừu tượng. Nếu chúng ta đạt đến tầm nhận thức nào đó, chúng ta đều nhận ra rằng bản thân là một bản sao từ tổ tiên của mình, hoặc là sản phẩm được tạo ra từ cái khuôn đúc là nền văn hóa mà chúng ta đang sống; điều đó khiến chúng ta tự đặt ra câu hỏi mang tính triết học ‘liệu chúng ta có giá trị hay không? Và giá trị đó ở điểm nào?’. James đã mượn đề tài nghệ thuật để biện luận rằng tuy mỗi chúng ta là một bản sao, nhưng là ‘bản sao thực chứng’ có giá trị.
Tôi sẽ giải thích rõ hơn một chút, ví dụ về hội họa, bản chính thật sự là ‘người mẫu’ – một thực thể sống động, ‘bản sao thực chứng’ là bức tranh nghệ thuật lột tả được sự sống động đó nên được công nhận là có giá trị, còn bản sao là những bức tranh sao chép lại bức đầu tiên đó. Tuy nhiên, xét theo mặt khác, các tác phẩm phân tích giá trị bức tranh cũng có thể được xem là một bản sao, nghĩa là quá trình từ bản chính đến bản sao cũng có thể hiểu là quá trình đi từ thực thể trừu tượng đến khái niệm mang tính lý thuyết có thể hiểu.
Đó là mặt lý luận, thật ra thì mọi khái niệm về giá trị đều do đánh giá của con người, ví như chuyện chúng ta là bản sao, người chị của cô gái chẳng quan tâm chuyện cô ấy là bản sao hay bản chính, với bản thân thì cô ấy luôn luôn là bản chính. Chúng ta gọi họ là những người suy nghĩ đơn giản, và vì thế nên họ dễ hạnh phúc hơn những người suy nghĩ phức tạp, tuy nhiên họ cũng vì đơn giản nên nếu họ đau khổ thì họ cũng không biết tại sao. Chính vì vậy khi ký tên cho quyển sách, James ghi thêm dòng chữ “Quên bản sao đi, cô là bản chính”, đây là câu nói đùa có thiện ý chứ không phải châm biếm.
Phân tích ý nghĩa thông điệp
James là người Anh, bản tính của quốc gia này thuần về lý trí và thực tế; cô gái là người pháp, bản tính của quốc gia này là giàu tình cảm và lãng mạn; nơi họ gặp gỡ là nước Ý – trung tâm nghệ thuật thế giới. Bạn thấy sự thú vị chưa? Nghệ thuật có thể được xem là một ‘bản sao thực chứng’ vì nó mô tả được sự sống động của thực thể sống, nó là cầu nối trung gian giữa sự trừu tượng và điều có thể hiểu, và cũng có thể là cầu nối giữa cảm xúc và lý trí, hoặc giữa hiện thực và lý thuyết.
Như lời tâm sự của James, anh ấy viết quyển sách để cố thuyết phục bản thân về giá trị của mỗi con người – điều mà anh ấy nhận ra là mỗi chúng ta chỉ là một bản sao. Nhưng phim cho chúng ta thấy rằng những điều James nghĩ chỉ mang tính lý thuyết chứ anh ấy không thật sự tin vào nó, ví dụ như anh ấy không xem trọng bức tranh ‘bản sao đầu tiên’. Con người đặt vấn đề về giá trị tự thân khi họ có sự nghi ngờ về những giá trị cốt lõi trong cuộc sống, ví dụ như tình yêu và hôn nhân, họ không tin rằng những giá trị này mang tính vĩnh cữu, đó là bởi vì gánh nặng của cuộc sống, và sự thay đổi của con người theo thời gian, nó khiến tình yêu chết đi và con người đau khổ.
Nói cho rõ ràng hơn thì trong James có sự mâu thuẫn, một mặt thì anh ủng hộ quan điểm của đứa trẻ về cách sống hạnh phúc, nửa khác thì anh ấy không tin vào điều có thể khiến anh ấy hạnh phúc, và nó được chứng thực bằng cuộc hôn nhân đã tan vỡ trước đó. Nhưng đâu là hiện thực? Đứa trẻ nói “nếu con chết, thì sao?”, về lý thuyết đó là bí quyết sống hạnh phúc và James ủng hộ, nhưng thực tế là nếu đứa bé bị bệnh thì cô gái (người mẹ) chính là người phải khắc phục hậu quả. James giống đứa trẻ nhưng thua cả đứa trẻ, vì đứa trẻ tin những gì nó nói và nó hạnh phúc, còn James không tin những gì anh ấy viết, anh ấy chỉ giỏi lý luận.
Điều thú vị nhất của bộ phim là nó chứng minh rằng tất cả chúng ta đều là bản sao, ví như đoạn James và cô gái trò chuyện với nhau như 2 vợ chồng đã sống chung 15 năm, bởi những cuộc tranh luận hay cãi vả đó đều sẽ diễn ra với mọi cặp vợ chồng sau thời gian dài bên nhau. Sự khác biệt về tính cách khiến họ giận dỗi và có thể làm hôn nhân tan vỡ, khi họ hòa thuận, họ nói cùng một thứ ngôn ngữ, bằng tiếng Anh khi cô gái muốn chìu lòng James, bằng tiếng Pháp khi James muốn chìu lòng cô gái, và bằng 2 thứ ngôn ngữ khác nhau khi họ nóng giận và bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng cái bí quyết giúp con người vượt qua được sự xung đột; bí quyết đó là gì?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần quay lại chuyện bản chính và bản sao. Muốn biến bản sao thành có giá trị thì chúng ta phải đến nơi có thẩm quyền để công chứng, đối với điều trừu tượng trong cuộc sống thì sao? ‘Nơi có thẩm quyền’ là gì hoặc là ai? Đó tất nhiên là Thượng Đế, mà Thượng Đế theo nghĩa chung là biểu tượng cho những giá trị nền tảng tạo nên hạnh phúc của con người. Mọi diễn biến trong phim thực chất là một quá trình ‘thực chứng’ để một bản sao – đại diện là quyển sách hoặc tư tưởng của James chỉ mang tính lý thuyết, chuyển biến thành một ‘bản sao thực chứng’ có giá trị, nghĩa là anh ấy cuối cùng tìm được hạnh phúc cho mình, đó là cô gái.
Trong phim có 2 câu chuyện kể, James thấy cảnh người mẹ luôn đi trước đứa trẻ, nhưng khi đến ngã rẽ thì người mẹ dừng lại chờ con, sau khi đã rẽ thì người mẹ lại đi trước; James không biết tại sao lại như vậy, bạn có biết tại sao? Câu chuyện thứ 2 là về vị thần đèn, người đàn ông lạc trong sa mạc ước có chai coca không bao giờ cạn, nhưng sau đó anh ta quên mất và điều ước thứ 2 là có thêm chai nữa để giải khát, bạn có hiểu hàm ý của chuyện này? Cả 2 đều rất thâm thúy đấy (cười).
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trong cảnh người mẹ và đứa con, khi đi và ngồi vào bàn, đứa trẻ luôn cầm chiếc điện thoại, nhưng nó vẫn luôn nghe những gì người mẹ nói, nó biết người mẹ thích James qua việc chỉ giới thiệu ‘tên’ nhưng không ghi ‘họ’; việc đứa bé cầm điện thoại nhưng vẫn nghe cũng giống như việc cô gái xin chữ ký nhưng mục đích chân thật là cô ấy muốn tiếp cận James. Chúng ta thường dùng một việc này để che giấu cho một việc khác.
James tưởng rằng bản thân anh ấy biết rất nhiều nhưng thực chất thì anh ấy không biết gì cả và anh ấy bị cô gái xỏ mũi dắt đi như một đứa trẻ; James chỉ là nhà văn – lý thuyết, trong khi cô gái là nhà buôn đồ cổ thật sự – hiện thực. Khi cô gái chạy xe loanh quanh, James bảo là “tốt nhất nên có mục đích rõ ràng” và cô gái nói là có một ý tưởng – chú ý đoạn này, khi vừa nói xong, cô ấy nhìn về người xem phim và cười nháy mắt – nụ cười thứ nhất.
Ban đầu cô gái bàn về quyển sách – lý thuyết thuần túy, nói bằng tiếng Anh, đó là chìu lòng người đàn ông mà cô ấy chọn; sau đó họ nói về nghệ thuật – giai đoạn trung gian, và bỗng chốc hóa thành ‘vợ chồng’, họ cãi nhau, nói bằng 2 thứ ngôn ngữ; sau đó nữa họ làm lành, nói bằng tiếng Pháp, đến giáo đường và vào khách sạn, lúc này James muốn chạy đi thì đã quá muộn vì chuông đồng hồ điểm 8h tối, đã không kịp đến sân ga đón tàu lúc 9h, vì phải đi bộ đến bãi đậu xe (đoạn này khá xa vì họ phải dùng cả buổi để dạo ở thị trấn du lịch), chưa kể đoạn đường đi xe tầm nửa giờ (đó là cô gái nói, thời gian thực tế sẽ lâu hơn), và sự chênh lệch múi giờ (nếu có); lúc James có ý định bỏ đi thì cô gái đã hơi mỉm cười – nụ cười thứ hai (Ngươi sẽ không thoát khỏi lòng bàn tay ‘bà’ kkkk)
Bạn đã có lời giải cho chuyện thứ nhất, người mẹ luôn đi trước con vì cô ấy biết cô ấy đi đâu, nhưng không hối đứa trẻ để nó có cảm giác là nó tự do làm những việc mà nó thích, tuy nhiên khi đến chỗ rẽ thì phải dừng lại để nó không bị lạc mất lúc nó cứ chú tâm vào thú vui cá nhân, đối với người chồng thì đó là công việc. Về câu chuyện thứ 2, bản chất của nam hay nữ đều sẽ không hoặc khó lòng biến đổi, thế nhưng con người vẫn cứ thích ước có ‘chai coca’ thứ 2 để giải khát, trong khi đã có chai thứ nhất ‘uống mãi không hết’ (cười), bạn có thấy ngớ ngẫn không nào?
Trở lại câu hỏi đầu tiên, bí quyết sống hạnh phúc là gì? Là sự thấu hiểu và bao dung, cuộc cãi vả giữa James và cô gái đã cho chúng ta hiểu về sự khác biệt giữa nam và nữ, nam lý trí, nữ giàu cảm xúc, và nên bình tĩnh để hiểu nhau chứ không phải đập bàn bỏ đi. Và bạn có nhớ đoạn đôi vợ chồng già trò chuyện với họ? Người đàn ông bảo rằng ông ấy có thể xem James như con trai và truyền lại chút bí quyết để làm lành, đó là dùng tay chạm nhẹ vào vai ‘người vợ’, và bạn thấy thái độ của cô gái đã chuyển biến 180 độ sau khi James nghe theo lời khuyên đó (cười).
Người đàn ông đó rất hiểu vợ, và vì hiểu nên ông ấy không cần phải lý luận cùng vợ mà làm điều người vợ muốn, đó là thể hiện sự bao dung, bỏ qua cái tôi ích kỷ; một điểm sáng khác nữa, điều ông ấy làm không phải chỉ là hình thức, khi cô gái hỏi người phụ nữ nói về bức tượng, bà ta đã quên – phụ nữ dễ giận dỗi nhưng lại mau quên, nhưng người chồng lại nhớ lời vợ nói và nhắc lại lời đó; cuối cùng là cảnh đôi vợ chồng rất già bước ra từ giáo đường – cảnh này mang hàm ý sâu sắc, bạn không thể hạnh phúc đến tuổi đó nếu không có đức tin, đó có thể không đơn thuần là đức tin về tôn giáo, mà là đức tin về những giá trị cao đẹp vĩnh cữu – tôn giáo là biểu tượng cho sự vĩnh cữu đó. Vậy là chúng ta đã có bí quyết để trở thành bản chính hạnh phúc, chuyến đi cũng thế, ban đầu họ đi như bạn, như tình nhân, gặp gỡ đám cưới, đến giáo đường, đến khách sạn … đó là quá trình ôn lại hạnh phúc để nhận ra và tìm lại hạnh phúc.
Phim cho chúng ta bao nhiêu nhân vật? Đứa trẻ, đôi vợ chồng mới cưới, James và cô gái, đôi vợ chồng già, đôi vợ chồng rất già. Tất cả họ thể hiện quá trình sống của chúng ta, có thể xem đứa trẻ là ‘bản chính’ hạnh phúc, sau đó là giai đoạn hạnh phúc lý tưởng, giai đoạn đối diện hiện thực nên sinh ra hoài nghi – nghĩ bản thân là bản sao, sau khi vượt qua thì trở thành ‘bản sao thực chứng’ hạnh phúc và ‘họ đã sống hạnh phúc bên nhau đến già’ như kết thúc của những câu chuyện cổ tích, tất nhiên nó không phải là cổ tích, nhiều nền văn hóa tin vào đó và họ đã làm được, ví dụ như văn hóa Ý.
P/s: Ai đang điều khiển thế giới này? Chúng ta cần suy ngẫm lại về câu hỏi này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
……………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Trước Lúc Bình Minh – Before Sunrise (1995): tình yêu có chiến thắng được thời gian?
Trước Lúc Hoàng Hôn – Before Sunset (2004): sự đời nghịch đảo
Trước Lúc Nửa Đêm – Before Midnight (2013): những khó khăn cuối cùng
Ngày Chuột Chũi – Groundhog Day (1993): ngày để ta bước sang xuân
Bóng Ma Sợi Chỉ – Phantom Thread (2017): độc dược tình yêu
Cá Lớn – Big Fish (2003): bí mật của hạnh phúc
Forrest Gump (1994): theo gió mà bay
Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc
Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách
Thời Niên Thiếu – Boyhood (2014): văn hóa gia đình thời hiện đại