Bài viết nhân việc một người bạn hỏi về kinh nghiệm điện ảnh. Trước tiên nói rõ là tôi học cơ khí, không phải các ngành về xã hội (cười), còn những gì tôi viết tựu chung lại thì do khả năng nhận thức mà ra chứ không phải từ chuyên môn. Nhưng nếu bạn hỏi thì tôi sẽ nói những gì tôi nghĩ để bạn tham khảo.
1. Giá trị của một bộ phim bị giới hạn trong nhận thức của người tạo ra nó, muốn tạo ra một phim có giá trị cao hơn thì phải luôn nâng cao nhận thức.
2. Giá trị của phim nằm ở nội dung – ý nghĩa – hàm ý – ý tưởng, tất cả những điều này phụ thuộc vào nhận thức. Sau khi có ý tưởng thì câu hỏi tiếp theo là, làm sao để biến ý tưởng thành sản phẩm, lúc này mới vận dụng những công cụ – kỹ năng – phương pháp bạn học ở trường để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ý tưởng là chính, kỹ năng là phụ.
3. Một bộ phim hoàn hảo phải đảm bảo thứ quan trọng nhất, đó là tính logic – sự hợp lý. Phim Việt hạn chế lớn nhất là ở đây, ví dụ trong phim có nhân vật có trình độ và nhận thức tiến sĩ, nhưng người làm phim (biên kịch, đạo diễn,…) chỉ có trình độ nhận thức ở lớp 12 thì không thể xây dựng sâu vào loại nhân vật này được, nên vi phạm tính logic. Hoặc xây dựng nhân vật bác sĩ thì phải có những hiểu biết về y, tính cách phù hợp với bác sĩ, và nó phải thực tế chứ không phải là một hình mẫu có sẵn như phải có đạo đức nghề nghiệp này nọ, không ít bác sĩ ngày nay vô đạo đức.
4. Một bộ phim được tạo ra bởi 4 yếu tố: hoàn cảnh, tính cách nhân vật, sự va chạm giữa các nhân vật với nhau, sự biến đổi về nhận thức trong quá trình va chạm. Bạn có thể thấy rõ nhất là những phim mà người ta đặt một nhóm người vào một căn phòng với các luật lệ, đó là hoàn cảnh; sau đó buộc các nhân vật phải hành động theo tính cách của họ. Lúc này, mỗi nhân vật sẽ hành động trong giới hạn nhận thức của họ và tạo ra các kết quả có logic, nghĩa là một đứa bé thì không thể khôn ngoan như một người lớn, bạn phải suy nghĩ đúng cấp độ của nhân vật và cho họ hành động trong cấp độ đó.
Lưu ý: Không được cưỡng ép kết quả trong sự tương tác đó, tức phải để cho nó diễn ra như nó phải diễn ra để đảm bảo tính logic. Nếu bạn muốn thay đổi kết quả cuối cùng, thứ bạn có thể thay đổi là chỉnh sửa hoặc thêm vào chi tiết của hoàn cảnh, hoặc chỉnh sửa tính cách nhân vật lúc ban đầu. Con người có trí khôn nên có sự rút kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, nhưng nó cũng có giới hạn, tức một người bình thường thì không thể thông minh đột xuất. Sự tương tác càng hợp logic thì bộ phim càng hoàn hảo. Hãy nghiêng cứu thật kỹ những bộ phim dạng này, sau đó thử lên kịch bản cho nó, ban đầu là đơn giản về số lượng nhân vật, hoàn cảnh, tính cách; sau đó thì phức tạp dần. Hãy tìm một nhóm bạn thân thiết trong ngành cùng làm, vì bản thân người xây dựng kịch bản không thể nhìn thấy lỗ thủng của chính họ về logic.
5. Sau khi thuần thục khâu thứ 4 ở trên, bạn có thể dùng những hoàn cảnh mang tính thực tế trong đời sống, cho các nhân vật tự diễn. Nhưng bộ phim thì phải có ý nghĩa đúng không nào, vậy trong quá trình thực hành ở bước 4, bạn phải chú ý đến những nhân tố nào sẽ tạo ra kết quả hạnh phúc hoặc bi kịch, và bạn phải nắm bắt được những nhân tố đó sẽ tác động đến nhân vật thế nào và họ sẽ biến đổi ra sao.
Tôi lấy ví dụ, trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ, nhân vật chính là một tên tù giết người cùng hung cực ác bị chung thân và vượt ngục, xã hội đối xữ với anh ta vô cùng khắc nghiệt, nhưng sau khi anh ta ăn cắp đồ bằng bạc của cha xứ, rồi bị bắt mang đến đến gặp cha xứ, cha xứ khi ấy bảo là những món đó là do ông ấy tặng anh, và anh ta được thả, nếu ngược lại thì anh ta có thể bị treo cổ. Hành động nhân từ của vị cha xứ đã tác động đến toàn bộ tính cách của anh ta và anh ta hy sinh cả cuộc đời để sống như một người tốt, anh ta như được tái sinh. Đó là 1 trong vô số ví dụ về yếu tố tác động mang tính nhân văn.
6. Để cài cắm các nhân tố tăng giá trị bộ phim thì bạn phải biết những nhân tố đó là gì. Tất cả mọi bài viết của tôi chỉ nhằm một mục đích duy nhất để chỉ ra điều này để người đọc hiểu, nên bạn có thể tổng hợp, phân tích và liệt kê từ đó. Sau đó cài cắm nó vào nội dung phim.
7. Như vậy làm phim là một quá trình ngược, nghĩa bạn liệt kê những yếu tố ý nghĩa cần cài vào phim, sau đó tạo ra hoàn cảnh, tạo tính cách và cho nhân vật diễn. các yếu tố đó sẽ cho ra kết quả phù hợp với nó, thông thường thì nhân tốt cho quả tốt, nhưng đôi khi ngược lại vì sự tác động của các yếu tố khác, nhưng cái kết quả không mỹ mãn đó cũng sẽ tạo ra một bài học nào đó có giá trị, nói chung nó phụ thuộc vào nhận thức và trí tuệ của bạn. Nhớ là không được cưỡng ép trái với tính logic.
8. Nếu bạn muốn làm phim thành công thì hãy làm với những vấn đề gần gũi với đời sống của bạn, những bức xúc bạn đang cảm nhận và muốn truyền tải nó đến với người xem, tức trong tầm nhận thức của bạn. Không bao giờ có chuyện tạo ra được một bộ phim mang ý nghĩa vượt quá nhận thức của bản thân, ai nghĩ vậy là ảo tưởng. Cách duy nhất là nâng cao nhận thức của bản thân. Hãy thuần thục trong tính logic trước, sau đó mới nghĩ đến chuyện cài cắm thông điệp nhé. Sau khi bạn giỏi về 2 điều đó, bạn có thể tạo ra mọi hoàn cảnh mà bạn muốn, quá khứ, hiện tại, tương lai, thế giới khác, mọi thứ. Còn cài cắm các yếu tố tâm linh thì đó lại là chuyện khác, nhưng nó cũng nằm trong văn hóa của con người.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:

……………………
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Vài bộ phim tham khảo cho mục 4: The Lighthouse; Annihilation; Girl Interrupted; The Shining; Midsommar; Exam