Review phim The Devil All The Time: phức tạp như trò Rubik

Trên cơ bản thì phim The Devil All The Time (Vùng Đất Bị Ruồng Bỏ – 2020) tương đối dễ hiểu. “Xạo!” – đó sẽ là câu trả lời của những người theo dõi Chí Blog thường xuyên dành cho tôi (cười), vì tôi rất hiếm khi viết bài cho những phim thuộc loại dễ hiểu hoặc đơn giản. Tất nhiên có vài phim nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản thật đấy, nhưng khi phân tích sâu hơn, nó không hề đơn giản như người ta tưởng. Thậm chí sau khi đọc bài này, người đọc cũng khó lòng cảm nhận được mức độ phức tạp thật sự của nó; tâm lý đó giống như khi chúng ta gặp một bài toán cùng với lời giải kèm theo, sau khi đọc lời giải thì chúng ta nghĩ “thì ra nó là như vậy”, nhưng giả sử không có lời giải thì sao? Phần lớn sẽ cho ra kết quả sai. Tôi thường nói đùa rằng “nếu bạn đọc tất cả các bài tôi viết, bạn sẽ hiểu phim dễ dàng hơn”, đó cũng không phải là lời nói đùa, nhưng ít người tin lời tôi, hoặc xem nó như tôi đang tự quảng cáo cho mình (cũng đúng hen – cười). IMDb 7.3

Phim này giống như khối Rubik sau khi đã bị vặn loạn xạ, nhìn bề ngoài thì tưởng các câu chuyện chẳng liên quan gì nhau, nhưng nếu vặn đúng phương cách, nó sẽ trở thành một thể thống nhất mang tính toàn vẹn. Phần lớn nội dung phim kể về quá trình trưởng thành của Arvin, bối cảnh trong giai đoạn sau thế chiến thứ 2 đến khoản năm 1965 khi nước Mỹ quyết định tham chiến ở Việt Nam. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp, phim khá u tối và bạo lực nhé các bạn.

Phân tích ý nghĩa thông điệp

Như mọi khi, tôi sẽ không tóm tắt nội dung. Phim được bắt đầu bằng lời dẫn về một thị trấn dường như bị con người quên lãng ở nước Mỹ, về những kỳ thị đối với người bên ngoài mà chủ yếu là do sự dốt nát tạo ra; sau đó là cảnh một người lính trở về từ chiến trường châu Âu, ở trên xe, anh ấy khoe với người cho đi nhờ về khẩu súng của Đức, anh ấy không hề biết rằng bản thân vừa thoát được lưỡi hái của tử thần, vì 2 kẻ cho anh đi nhờ là những tên giết người hàng loạt. Sau đó anh ấy gặp một cô gái, anh ấy yêu, lấy cô ấy làm vợ, và sinh ra Arvin. Thường thì đoạn đầu phim sẽ cho chúng ta vài chìa khóa để giải phần tiếp theo, chìa khóa ở đây là “sự dốt nát” và khẩu súng, nó báo hiệu về những cái chết, hoặc có gì đó “sai”.

Cái sai đầu tiên và là thông điệp cốt lõi nhất trong phim này nằm ở cách mà người cha hướng dẫn Arvin cầu nguyện trước cây thập giá. Khi nhìn vào cây thập giá thì bạn thấy gì? Bạn thấy “một người đầy máu me” bị treo trên đó, là Đức Jesus, hình ảnh đó sẽ gợi lên cho người nhìn hướng về 2 ngã khác nhau; thứ nhất là vì tình yêu thương với nhân loại nên Đức Jesus đã chịu cực hình; thứ 2 là tội ác của người Do Thái ngày xưa đã làm với Đức Jesus. Nếu nhìn theo cách 1 thì người đó sẽ cảm nhận được tình yêu thương; nếu nhìn theo cách 2 thì người đó chỉ cảm nhận được sự thù hận và chết chóc. Bởi sự ám ảnh từ chiến trường, điều mà người cha thấy thì chỉ có sự chết chóc; nói theo cách khác, thứ mà anh ta thấy chỉ là xác chết chứ không phải là Đức Jesus, nếu anh ta thấy Đức Jesus, anh ta sẽ nhớ rằng sau đó Ngài đã sống lại từ cõi chết, sẽ là sự sống chứ không phải cái chết.

Những gì diễn ra với người đàn ông cuồng tín sợ nhện cũng vậy, nhờ sức mạnh đức tin, anh ta vượt qua nỗi sợ với những con nhện, nhưng thay vì rời bỏ những con nhện và bóng tối, thì ngược lại, anh ta lại lao đầu vào chúng để minh chứng cho đức tin đó. Đức tin theo cách của 2 người này là một thứ đức tin bệnh hoạn và dốt nát, vì Thiên Chúa là biểu tượng cho tình yêu, ánh sáng, sự sống; còn trong bóng tối và cái chết, thứ mà con người tìm thấy chỉ là quỷ dữ. Còn về sự hy sinh, không phải hy sinh bằng cách hủy diệt sự sống hoặc hủy hoại những gì mà chúng ta yêu thương, mà là tạo ra được nhiều yêu thương và sự sống hơn. Về mặt hình thức thì 2 điều đó gần giống nhau nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Cho nên tôi luôn nói “biết nội dung và hiểu thông điệp là 2 cấp độ nhận thức khác nhau”.

Không phải cứ cầm kinh thánh thì là mục sư chân chính

Người chồng giết con chó để xin cho người vợ lành bệnh, người đàn ông giết vợ rồi tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp cô ấy sống lại; Thiên Chúa thật không đòi hỏi những gì họ làm, việc đó là quỷ dữ ám ảnh con người, mà quỷ thì làm sao có thể mang lại sự sống? Quỷ chỉ mang đến cái chết. Nếu đức tin của 2 người đàn ông thể hiện sự lầm lạc trong suy nghĩ – thứ khó nhìn thấy, thì vị linh mục trẻ cho chúng ta thấy một con quỷ thật sự đang mang mặt nạ của một thiên thần. Chúng ta sẽ tìm thấy tính tương đồng đó ở vị cảnh sát trưởng biến chất, hình thức khác nhau nhưng bản chất y như nhau. Chúng ta cũng có một cặp khác, tính tương đồng về đức tin bệnh hoạn trong tôn giáo và sự đam mê nghệ thuật còn bệnh hoạn hơn của 2 vợ chồng giết người hàng loạt.

Phim còn cho chúng ta thấy nhiều sự so sánh khác, 2 cặp anh em; vị cảnh sát trưởng biến chất bảo vệ cô em gái của gã chỉ vì lợi ích của chính gã; trong khi Arvin bảo vệ em gái là vì sự yêu thương thật sự. Kết quả cho thấy, một cô thì trở thành kẻ giết người hàng loạt, còn cô kia thì giữ được sự hồn nhiên ngây thơ. Sau đó là 2 cặp vợ chồng, cha mẹ của Arvin thật sự yêu nhau nên khi người này chết thì người kia muốn chết theo; còn cặp vợ chồng giết người hàng loạt chỉ đến với nhau vì dục vọng bệnh hoạn, nên cả 2 cùng phản bội nhau và cùng đưa nhau đến cái chết.

Cặp vợ chồng ác nhân gặp 4 người, trong đó có 2 người lính, một người là lính chưa ra chiến trường – bị giết, một người là lính về từ chiến trường (cha Arvin) – sống sót, gã đàn ông giết vợ – bị giết, Arvin – sống sót. Bạn có biết yếu tố nào quyết định việc họ sống hay chết không? Anh lính mới và gã giết vợ vì quá ngây thơ nên bị giết; cha của Arvin có kinh nghiệm giết chóc và có súng nên cặp vợ chồng không muốn mạo hiểm; Arvin sau tất cả mọi chuyện trước đó, cậu ấy học được kinh nghiệm nhận ra bản chất con người nên không những thoát chết còn có thể giết được họ. Chúng ta thấy được 3 cấp độ khác nhau, ngây thơ nên bị giết, thoát chết nhưng không nhận ra cái ác; nhận ra cái ác và tiêu diệt cái ác.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Phim cũng cho chúng ta thấy một cặp đôi khác nữa, đó là 2 cuộc chiến tranh, thế chiến thứ 2 – người Mỹ đã thành công, cuộc chiến Việt Nam – người Mỹ đã thất bại. Sự thành công và thất bại của 2 cuộc chiến cũng nói lên rất nhiều thứ, ví như mục đích tham chiến, cái thứ nhất thì chống cái ác thật sự và có phần lớn thật sự vô tư, cái thứ 2 thì mục đích chính nghĩa cũng có nhưng vì lợi ích của nước Mỹ cũng có.

Với chuyện Arvin bảo vệ em gái, khi Arvin sữ dụng bạo lực với 3 gã côn đồ, Arvin có thể ngăn chặn chúng, nhưng đối với những kẻ như vị linh mục trẻ thì bạo lực chẳng giải quyết được gì, vì phải nhận ra bản chất thật thì mới đề phòng được, mà khi đó thì đã quá trễ, cô em gái đã chết. Chúng ta cũng thấy sự tương đồng đó ở người cha của Arvin, anh ta biết chiến đấu nên không chết ở chiến trường, không bị cặp vợ chồng giết, nhưng chỉ vì đức tin lầm lạc – không hiểu bản chất đức tin phải hướng về tình yêu và sự sống nên đã tự sát.

Việc người mẹ của Arvin chết đi cũng hàm ý rằng khi tình yêu không còn, thì thứ còn lại chỉ là cái chết, những cái chết khác trong phim cũng thế; nhưng nếu chỉ có tình yêu thì chưa đủ, mà cần thêm một thứ nữa, đó là đủ khôn ngoan thể nhận ra bản chất mọi thứ, vợ của người đàn ông cuồng tín hoặc em gái Arvin đều chết vì ngây thơ khi nhìn vào vẻ bên ngoài.

Bàn sâu hơn về đức tin một chút, Thiên Chúa đối lập với quỷ dữ, sự đối lập này thuộc về bản chất chứ không phải hình thức. Nói cho dễ hiểu thì, đối lập theo hình thức sẽ giống như cảnh ác quỷ và thiên thần đều trang bị gươm đao sáng loáng, rồi lao vào nhau chặt chém đầu rơi máu chảy, nếu như vậy thì thiên thần chả khác chi ác quỷ, trong chiến tranh thì bên nào cũng nghĩ mình chính nghĩa còn kẻ địch là phi nghĩa; đối lập theo bản chất thì bên này cứu người còn bên kia giết người, hoặc bên này tràn ngập yêu thương còn bên kia tràn đầy thù hận. Bạo lực chỉ có thể là biện pháp cuối cùng, và nó chỉ xẩy ra khi người ta không sữ dụng những biện pháp khác trước đó, ví dụ như giúp con người thoát khỏi sự dốt nát – hận thù – tham lam – cực đoan.

Lật lại lịch sử, khi nước Đức phát triển, nếu các nước còn lại không vì tham lam muốn giữ lấy lợi ích của họ, nếu không bỏ mặc chủ nghĩa Phát Xít phát triển ở Đức thì làm gì có chuyện Hitler lên nắm quyền và gây ra thế chiến thứ 2? Tình hình bất ổn chính trị thế giới trong hiện tại cũng đang bước vào vết xe đổ cách đây gần 100 năm (nói ít hiểu nhiều hen). Hoặc bàn về sự bệnh hoạn trong nghệ thuật, các bộ phim ngày nay có quá nhiều giết chóc và bạo lực, nhiều đến nỗi nó đầu độc người xem, phim nào ít cảnh chặt chém thì khán giả không thích xem, việc đó chẳng khác chi cảnh người cha sau khi trở về đã mang theo khẩu súng và nó được truyền lại cho Arvin, lẽ ra ông ta nên mang về những món quà thể hiện niềm hạnh phúc của người dân Paris khi được giải phóng chẳng hạn thì sẽ tốt hơn.

Sau những gì tôi đã phân tích, bạn có công nhận bộ phim này như tiêu đề tôi viết “phức tạp như trò Rubik”, và có kết cấu chặt chẽ. Phim còn nhiều ý nghĩa khác nhưng tôi dừng ở đây. Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

…………………………

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Tiểu thuyết: Thiên Đường Tận Thế – (Minh Chí) Mục Lục

Những phim cùng chủ đề:

Chiếm Hữu – Possession (1981): cơn vật vã của sự tách biệt

Lồng Chim – Bird Box (2018): con người thua cả chim

1408 (2007): nỗi đau – oán hận – địa ngục

Nữ Anh Hùng Misery – Misery (1990): khi con người yêu hạnh phúc 3 xu

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa

Bên Dưới Làn Da – Under the Skin (2014): ‘thức ăn’ của những vì sa

Báo Cáo Thiểu Số – Minority Report (2002): mắt thấy chưa hẳn là thật

Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)

Thảm Họa Diệt Vong – Cloverfield (2008): cuộc sống thật đẹp khi camera không rung

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Scent of a Woman: thử thách đầu đời

T2 Th9 21 , 2020
Scent of a Woman (Hương Đàn Bà – 1992) là phim tâm lý có tác dụng giải độc cho tâm hồn, sau khi bạn đã xem quá nhiều phim nói lên bản chất đáng thất vọng nơi con người, đó là tác dụng của những bộ phim mà chúng ta […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese