Utopia (series – 2020) là phim giật gân – bạo lực – dark, phim cho người xem thấy một thế giới thực vô cùng tàn bạo và phức tạp, nó không phải là sự lý tưởng được thể hiện như trong những câu chuyện cổ tích hoặc truyện tranh dành cho thiếu niên, nó mang đến cái chết thật sự, không phải là cái chết của các nhân vật là những con vật trên tranh vẽ. Tôi thường rất ghét những phim có nội dung về một đám trẻ con cứu thế giới, nhưng với phim này thì khác. IMDb 6.7 , có lẽ bởi phim quá bạo lực nên không được nhiều người (ở phương tây) ưa chuộng, xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nếu các bạn quan tâm về sách, thì “Utopia” là tên một tác phẩm của Thomas More, sách kể về một đảo quốc trong truyền thuyết với hệ thống quản lý nhà nước lý tưởng, và từ khi đó, cái tên “Utopia” là biểu tượng cho thiên đường trên trần thế. Tất nhiên bộ phim này không liên quan gì đến quyển sách đó, ngược lại, nội dung phim sữ dụng “Utopia” giống như sự châm biếm về cái xã hội “thiên đường” đang tồn tại trong đời thực của chúng ta.
Nội dung phim được xây dựng dựa vào “thuyết âm mưu”, rằng những dịch bệnh mà loài người gặp phải đều là do nhân vật có tên là “ngài Thỏ” tạo ra, và câu chuyện được thể hiện trong bộ truyện tranh dành cho thiếu niên. Vậy thì “thuyết âm mưu” là gì? Nó là cách gọi của nhiều người đối với nhưng tai họa có tính bất thường, và người ta nghĩ nó được tạo ra bởi “ai đó” nhưng họ không có bằng chứng để chứng minh điều họ nghi ngờ. Với tôi thì sự thật còn khủng khiếp hơn những gì mà những người bình thường như chúng ta có thể nghĩ đến.
Chúng ta thường thấy gì trong các câu chuyện cổ tích hoặc phim ảnh về việc “giải cứu thế giới”? Chúng ta thấy chuyện đó rất thú vị và hào hứng, những cuộc phiêu lưu, những cảnh chiến đấu mà phần thắng thường nghiêng về những nhân vật chính nghĩa, và cuối cùng thì tất cả mọi người có một kết cuộc tràn đầy hạnh phúc. Vậy nếu điều đó thật sự diễn ra trong thực tế thì nó có tốt đẹp như những gì chúng ta xem? Bộ phim cố gắng thể hiện điều đó theo cách chân thật nhất có thể.
Chuyện kể về một nhà khoa học bị khống chế bởi “ngài Thỏ”, để cứu đứa con gái mà ông ấy tạo ra vô số virus cho kẻ ác, nhưng ông ấy không để bí mật này bị chôn vùi, ông ấy tạo ra một bộ truyện tranh và kể lại nó trong bộ truyện. Khi bộ truyện được phát hành, nó tạo ra sự đam mê đối với những kẻ thích thể loại này, và trong cái đám đông đó đã có vài người thông minh nhận ra thông điệp; thật xui cho họ là “ngài Thỏ” cũng nhận ra điều này, nên một tai họa đã phủ xuống với tất cả bọn họ.
Cũng giống như những gì chúng ta thấy trong những phim về gián điệp, tất cả những kẻ từng nhìn qua bộ truyện Utopia đều bị giết chết theo cách chuyên nghiệp nhất. Như vậy theo cách nào đó, cái ác được mô tả trong truyện theo lối ẩn dụ đã bước vào cuộc sống thật theo cách chân thật nhất và sống động nhất. Chẳng có cái gì mang tính lý tưởng, chẳng có những pha mạo hiểm thú vị dành cho số đông những kẻ hâm mộ; khi họ mở cửa ra, thứ chờ đón họ là một phát đạn vào đầu, đến lúc chết họ cũng chẳng biết tại sao họ phải chết, đó là thực tế.
Vậy thông điệp chính của phim cho chúng ta hiểu rằng, những gì chúng ta đang thấy trong cuộc sống, sự phồn hoa của xã hội, sự văn minh và phát triển, nó giống như cách mà một đứa trẻ đang đọc câu chuyện cổ tích trên sách. “Giải cứu thế giới” không phải là một trò chơi, nó đòi hỏi con người phải trả giá, đó là cái chết của những người thân, bị tra tấn và một con mắt bị móc ra, một người bạn bị xữ tử ngay trước mắt của các thành viên trong nhóm. Còn nhân vật chính của bộ truyện tranh thì hoàn toàn không phải người tốt như nội dung của nó, đó là thực tế.
Chúng ta thường thấy gì về những “siêu anh hùng” trong điện ảnh phương tây? Đa số họ là người da trắng và tóc vàng, thông minh và xinh đẹp; bộ phim này đã dập tắt ngay cái lý tưởng về chủ nghĩa “thượng đẳng” mang tính lý tưởng ấy, những nhân vật sống sót là người da đen, là dân lai giống người “nam châu Mỹ”. Cái chết đến với cô gái cũng thể hiện sự vô nghĩa của nó, cái chết đến ngay tức khắc chỉ bởi một tia nghi kỵ của nhân vật chính trong bộ truyện tranh, nếu nói theo chủ nghĩa hiện sinh thì đó là sự phi lý của đời sống.

Còn những thực tế nào khác được thể hiện trong bộ phim này? Đó là câu chuyện về “ngài Thỏ”, nhà khoa học – cha của Jessica Hyde, hoặc nguồn gốc của những dịch bệnh. Cả 2 nhân vật này đều thuộc về “hệ thống”, còn những con virus này cũng được lai tạo trong các phòng thí nghiệm của “hệ thống”. Sau đó thì một kẻ thì bị hệ thống phản bội, kẻ khác thì bị người trước khống chế. Bạn hẳn nhớ đoạn phim về bộ truyện tranh, cái vòng đu quay với những con ngựa là biểu tượng về “hệ thống”, sau đó “con ngựa” biến thành “ngài Thỏ” và “nó” thoát khỏi vòng đu quay.
Số phận của những con người trong “hệ thống” cũng giống như những con thỏ trong phòng thí nghiệm, người ta tiêm dịch bệnh vào con thỏ, sau đó họ tiêm vào nó vaccine chữa bệnh, nếu may mắn thì con thỏ đó còn sống, và người ta gọi hành động vô nhân đạo với những con thỏ ấy bằng một thứ từ ngữ rất đẹp, “hy sinh vì một mục đích tốt đẹp đối với thế giới”. Những con người trong “hệ thống” hoặc “ngài Thỏ” cũng bị như thế, và “ngài Thỏ” giống như con thỏ mang mầm bệnh thoát được phòng thí nghiệm, “nó” gieo rắc bệnh tật khắp nơi, đó là câu chuyện về tính nhân quả đối với những gì mà chúng ta đã tạo ra.
Cái thế giới mà “ngài Thỏ” tạo ra, nó được gọi là “nhà”, ông ta nuôi dưỡng những đứa trẻ, đầu độc tư tưởng của bọn chúng, khiến chúng hoàn thành mục đích của ông ta. Điều mà “ngài Thỏ” làm thì giống như một bản sao của điều mà “hệ thống” đang làm. À! Đừng hiểu nhầm là tôi có tư tưởng phản xã hội đấy nhé, đó là sự thật về xã hội loài người chúng ta suốt chiều dài lịch sử, nó luôn là thế và vẫn là thế trong tương lai, nó tồn tại ở cấp độ gia đình, trong các công ty, các tổ chức, các mô hình xã hội.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Những thực tế khác mà chúng ta cũng có thể thấy trong phim, đó là cách mà con người hoặc đám đông nhìn nhận một sự việc. Một nhà virus học có lương tâm, ông ấy không màng danh lợi, ông ấy vẫn giữ lập trường rằng vaccine chỉ được sản xuất hàng loạt sau khi được đảm bảo là an toàn với con người, nhưng chỉ nhờ vào một màn kịch khéo léo, ông ấy và cả một đám đông dân chúng đều bị lừa.
“Ngài Thỏ” là sản phẩm lỗi của “hệ thống”, vậy thì như một hệ quả, những đứa trẻ do “nhà” tạo ra cũng sẽ xuất hiện những “sản phẩm lỗi” đối với mục đích ban đầu của ông ta và thoát khỏi sự khống chế của ông ta. Có lẽ ban đầu con người sẽ bị khống chế bởi sự đầu độc tư tưởng, nhưng khi họ tiếp xúc nhiều với thế giới, nhận thức của họ biến đổi, họ sẽ biết tự mưu cầu hạnh phúc cho chính họ và tìm cách thoát khỏi trói buộc. Tuy nhiên những bất ổn trong sự giáo dục sai lầm đó vẫn còn tồn tại trong những “con thỏ” thoát khỏi “phòng thí nghiệm”, nó như mầm bệnh bị gieo rắc khắp nơi, nó khiến xã hội ngày càng hỗn loạn.
Khi loài người đứng trước một thảm họa diệt vong giống như đại dịch do virus tạo ra, làm cách nào để “giải cứu thế giới”? Tìm ra thứ vaccine điều trị? Không phải! Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu những con thỏ mang mầm bệnh cứ thoát ra từ phòng thí nghiệm. Cách tốt nhất là tìm cách kiểm soát tốt phòng thí nghiệm, đừng để nó thí nghiệm bừa bãi, đừng để nó biến con người thành những con thỏ, đừng để nó nhốt những đứa trẻ vào những chiếc hộp và bị nuôi dưỡng như những con vật. Tiếp theo là vạch mặt cái thiên đường giả dối được tạo ra từ những “ngài Thỏ”.
Tại sao những nhân vật “giải cứu thế giới” lại là các thiếu niên? Bởi vì chỉ có họ là còn tin vào những điều tốt đẹp, còn những người được gọi là trưởng thành thì bị trói buộc quá nhiều với những dục vọng của họ, gia đình của họ, công việc của họ, và tài sản của họ. Sẽ chẳng có thiên đường nào tồn tại nếu người ta không tin vào nó và không nỗ lực vì nó. Sự tồi tệ được thể hiện trong bộ phim này không phải được tạo ra từ những đứa trẻ, nó được tạo ra bởi những bộ óc đã già nua, bởi những tâm hồn đã mục rữa và tràn đầy sự chết. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi điều đó.
Thực tế chúng ta đang thấy ngoài đời thực là gì? Khí hậu trái đất đã giảm nhiệt sau hơn 1 năm diễn ra đại dịch, ấy vậy mà trước đó người ta vẫn không tin là trái đất nóng lên là do con người tạo ra. Thế mới thấy được khả năng ghê gớm của ngành truyền thông, nó có thể nói “có” thành “không”, khiến con người có mắt mà như mù, dù rằng sự thật hiện ra rất rõ ràng trước mắt họ.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Kiếp Ảo – Upload (Series 2020): khi thiên đường mua bằng tiền – new
Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ? – new
Thấy – See (2019): nhìn bằng mắt hay trái tim? – new
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu – The Silence of the Lambs (1991): người, cừu, và nhộng – Oscar
12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate
Ngày Tận Thế – Melancholia (2011): nỗi u sầu ẩn giấu – Nghệ Thuật