Review phim Minari: lý do phim đoạt giải quả cầu vàng

Minari (khát vọng đổi đời – 2021) là phim chính kịch, tôi đánh giá phim này có chiều sâu hơn Parasite rất nhiều, dù rằng cả 2 bộ phim đều nói về thực tại đen tối của thế giới ngày nay. Minari khác với Parasite ở chỗ hàm ý của phim được thể hiện theo cách trừu tượng và có tầm nhìn bao quát hơn Parasite. Phim nói về những người nhập cư? Đúng, nhưng đó chỉ là bề nổi, còn phần chìm là gì? Đó là, trong cái thời đại này, khi chúng ta rời bỏ thiên nhiên, thì có ai trong chúng ta không phải là “người nhập cư”? À! Giờ thì bạn đã thấy bộ phim đã đổi khác chưa? IMDb 7.7 , xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp. Bài viết được tài trợ bởi một bạn đã mời Chí Blog “ly cà phê”.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng 5 nhân vật trong bộ phim này là biểu tượng cho toàn bộ thế giới của chúng ta ở hiện tại. Nếu biểu tượng đại biểu cho tính trừu tượng của một hình mẫu chân thật, tôi gọi nó là siêu thực, nhưng nếu nó gắn liền với yếu tố thời gian như “hiện tại” thì tôi gọi nó là “siêu thực tại”. Và 5 nhân vật này đều mang trong họ những “sai lầm” khiến họ phải khốn khổ.

Chuyện kể về một gia đình nhập cư Hàn Quốc mua một nông trại ở cách xa thành thị, đây là quyết định của Jacob – người chồng muốn trở nên giàu có và thoát khỏi cuộc đời công nhân; nhưng Monica – người vợ thì muốn ở lại thành thị để sinh sống, vì nó có nhiều sự thuận lợi đối với cuộc sống gia đình. Bởi vì ý muốn của mỗi người là khác nhau nên giữa họ đã phát sinh mâu thuẫn.

Phim Minari độc đáo ở chỗ nó lồng ghép 2 “câu chuyện” vào nhau, thứ nhất là văn hóa của người nhập cư châu Á, cũng là biểu tượng cho nền văn hóa xưa cũ khi so với văn hóa phương tây; thứ hai là tính bao quát về bản chất xã hội của toàn bộ loài người. Chúng ta sẽ phân tích từng nhân vật trong phim.

Nếu các bạn thường xuyên theo dõi tin tức thời sự thì biết rằng phong trào nữ quyền đang phát triển rất là mạnh mẽ ở phương tây. Thế giới đang đổi thay từng ngày, đàn ông đang mất dần ưu thế của họ trên nhiều phương diện, gia đình, công việc, địa vị xã hội, kể cả chính trị. Chính điều đó đã tạo nên một áp lực rất lớn đối với Jacob. Chúng ta nhận ra điều đó qua những lời mà Jacob đã nói với con trai của anh, rằng họ sẽ bị loại bỏ nếu không có giá trị.

Nên biết rằng quan điểm này của Jacob không hề thể hiện tính tích cực, nó thể hiện tính bi quan của thời đại. Jacob bỏ thành thị về thôn quê vì anh ấy không theo kịp sự đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt của nó. Điều này giống với công việc mà anh ấy đang làm, soi “đít” những con gà mới nở, gà trống thì bị cho vào lò thiêu, lý do là gà mái có thể đẻ trứng và “thịt ngon hơn”. Chú ý chi tiết soi “đít” con gà và câu nói “thịt ngon hơn”, nó có liên quan đến vấn đề tính dục. Đàn ông đang sống trong thời đại mà nếu họ không thành công trong sự nghiệp thì chẳng có gì cả, người vợ sẽ mang theo con cái rời bỏ họ.

Jacob là người vô thần, anh ấy chỉ tin vào khoa học, đó là bản chất của đàn ông – tin vào lý trí. Nhưng kể cả như thế thì niềm tin đó cũng không thể giúp anh ấy thành công trong hiện tại, và khi anh ấy không còn gì để bấu víu, anh ấy bị buộc phải hành động theo sự huyền bí của dân bản xứ, niềm tin đó chẳng dựa trên bất cứ cơ sở nào, như cái kết của bộ phim. Điều đó thể hiện rằng trong thế giới ngày nay thì con người chẳng còn biết tin vào gì.

Người chồng bị ám ảnh bởi sự thành công, rằng tiền bạc có thể giải quyết được tất cả, vì thế lý tưởng của anh ấy vượt quá xa năng lực mà anh ấy có, anh ấy không thỏa mãn với một nông trại rộng 5 mẫu, nó phải là 50 mẫu. Khi gặp khó khăn trong công việc thì anh ấy có thể hy sinh lợi ích của gia đình, vì nếu việc nông trại thất bại thì anh ấy cũng chẳng còn gia đình.

Tính cách của Monica thì hoàn toàn trái ngược, cô ấy chỉ quan tâm đến việc nhà và chăm sóc con cái. Monica tin vào khoa học lẫn tôn giáo, nhưng nếu bạn chú ý kỹ thì cả 2 niềm tin đó đều lầm lạc và không có chiều sâu về nhận thức. Không thể khiến đứa trẻ trở nên khỏe mạnh khi cứ nhắc nhở đứa trẻ rằng nó đang bị bệnh và nó sắp chết, khi cứ dùng cách ám thị đó thì mỗi chén thuốc mà đứa trẻ uống sẽ trở thành một liều thuốc độc, mỗi lời cầu nguyện về “thiên đường” sẽ không ám chỉ sự sống mà ám chỉ sự chết, đây là một “căn bệnh” rất cơ bản của phụ nữ châu Á.

Không khó để hiểu rằng đứa trẻ mắc bệnh khi nó là con của Jacob và Monica, và căn bệnh “tim” cũng mang tính ẩn dụ, nó vừa là căn bệnh của thể xác vừa là căn bệnh của tinh thần, khi mà cha mẹ không biết cách chăm sóc đứa trẻ, và họ đang phải đối diện với sự đổ vỡ vì quan niệm khác nhau. Đứa trẻ bệnh tim là biểu tượng về tương lai của loài người.

Bà ngoại là nhân tố gắn kết gia đình, nhưng bà ấy cũng sắp chết

Bà ngoại là biểu tượng cho lối sống của nền văn hóa cũ. Một người phụ nữ tuy già nua nhưng rất hồn nhiên và vô lo, có chút tham lam đối với những lợi ích vặt vảnh – lấy 1 USD trong nhà thờ, nhưng lại vô cùng bao dung với con cái – cho Monica số tiền tích góp của bà ấy. Những hành động như cắn vỏ hạt giúp cháu, hoặc uống cùng ly nước, nó thể hiện sự gắn kết rất sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình của nền văn hóa cũ, trái ngược hoàn toàn với tính cá nhân của nền văn hóa hiện tại.

Chúng ta có thể phân tích về cách mà bà ngoại nhìn vào sự việc đứa cháu “tè dầm”, với bà ngoại thì lỗi lầm đó không phải là xuất phát từ đứa trẻ, mà nó xuất phát từ “con ciu”, điều này hoàn toàn chính xác, nghĩa là điều đó là do cơ thể của đứa trẻ tạo ra, nó không phải là bản thân đứa trẻ muốn “tè dầm”, đứa trẻ không có lỗi, chúng ta thường nhầm lẫn trong chuyện này. Đây là một chuyện rất nhỏ nhưng bài học của nó rất sâu sắc, ví dụ như vấn đề đồng tính, đó là vấn đề sinh lý tự nhiên.

Có thể nói rằng đứa trẻ nhanh chóng hồi phục là nhờ vào bà ngoại, bà ấy đã giúp đứa trẻ thoát khỏi sự ám ảnh của bệnh tật và chết chóc. Vì sao bà ngoại dành nhiều thời gian để xem TV và chơi bài? Vì con người của thời đại trước không phải quá lo lắng đến chuyện ăn mặc, vì thức ăn dư thừa và thực vật mọc khắp nơi, những loại rau củ dại như loài rau Minari, nó mọc ở những nơi có nguồn nước tự nhiên, người giàu hoặc người nghèo đều có thể ăn.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi chúng ta đối chiếu lại với những gì đang diễn ra trong hiện tại thì sẽ thấy một điều vô cùng nghịch lý, khoa học càng hiện đại thì càng có nhiều người chết đói hơn. Những nông trại cần phải bỏ ra rất nhiều công sức để chăm sóc nhưng gia đình vẫn có thể gặp khó khăn về kinh tế; trong khi loài Minari thì tự nó có thể lớn lên mà chẳng cần phải có ai chăm sóc. Chúng ta đang đi ngược lại với tự nhiên bởi sự tham lam, phun phí, và độc ác – ném những con gà trống vào lò thiêu.

Khi bà ngoại đến vùng đất mới, bà ấy mang lại sự sống cho đứa cháu nhưng bà ấy cũng tạo ra thiệt hại cho Jacob và Monica, vì lối sống xưa cũ đã không còn phù hợp nữa. Có rất nhiều thâm ý trong vụ hỏa hoạn đó, bà ngoại đốt rác và nó đã cháy lan đến cái nhà kho – nơi mà con người dùng để tích trữ nông sản (hoặc của cải – theo nghĩa rộng), cái nhà kho giống như rác rưởi mà con người đã tạo ra, nó là biểu tượng cho sự tham lam, chính nó khiến cho con người phải khốn khổ dù rằng nó khiến con người nghĩ rằng sẽ giúp họ hạnh phúc, và khi nó bốc cháy, khói độc của nó mém chút giết chết Jacob và Monica.

Nếu các bạn chú ý thêm chút nữa, dân bản xứ thường thiếu 1 trong 2 vai trò là vợ hoặc chồng, thế giới mới tạo ra sự chia rẽ đối với nền tảng gia đình. Chỉ có gia đình của Jacob là có đầy đủ 3 thế hệ, nhưng gia đình của “những người nhập cư” này cũng đang đứng trước nguy cơ bị tan rã, người bà sắp chết, vợ chồng sắp chia tay, đứa con thì bị bệnh tim. Và nếu bà ngoại chết thì còn ai có thể cứu những đứa cháu khỏi căn bệnh của thời đại mới?

Còn nhân vật đứa cháu gái thì sao? Đây là nhân vật nhạt nhòa nhất trong phim, nhạt nhòa vì chẳng có gì để nói, hoặc có nhưng tôi không tiện nói khi đứa bé gái đó trưởng thành trong thời đại ưa chuộng vật chất này.

Đó là chưa kể đến vấn đề về đức tin tôn giáo lầm lạc, một người đàn ông mỗi chủ nhật vác thập giá dọc con đường thì không đồng nghĩa với việc ông ấy có khả năng siêu nhiên. Ôi những con người lầm lạc không biết họ đang làm gì, họ chỉ học theo cái hình thức bề ngoài. Đức Jesus từng nói “ai muốn vào nước thiên đường thì vác thập giá mà theo chân thầy”, cảnh trong phim ám chỉ con người hiểu câu đó theo hình thức và nghĩa đen, “vác thập giá” là chia sẻ và giúp đỡ cho tha nhân, cảnh trong phim có ý châm biếm đức tin chỉ có hình thức.

Qua những gì tôi đã phân tích thì bộ phim Minari đoạt giải quả cầu vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là có thể hiểu được, và cũng là lý do vì sao tôi nói phim này đen tối chẳng khác gì Parasite. Tất nhiên là hàm ý phim không chỉ như thế, tôi chỉ tập trung phân tích tính phổ quát của nó, về phương diện “người nhập cư” thì có phần lướt qua, vì nếu chú tâm phân tích sẽ chỉ ra rất nhiều thứ lầm lạc trong văn hóa của châu Á, mà điều đó khá nhạy cảm với chúng ta, ví dụ như phần lớn đàn ông Á đông vô thần, còn phụ nữ thì mê tín.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Thương Nhớ Cố Hương – Nostalghia (1983): khi sự sống phân đôi – Nghệ Thuật

Hòn Đảo Bí Ẩn – The Third Day (series 2020): treo cổ thần học – quỷ học lên ngôi – new

Chìa Khóa Về Nhà Tôi – The Occupant (2020): gia đình “hoàn hảo” thời hiện đại – new

Ngôi Nhà Ma – The Shining (1980): phía sau ánh hào quang

Ngày Tận Thế – Melancholia (2011): nỗi u sầu ẩn giấu – Nghệ Thuật

 Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách – Nghệ Thuật – Cành Cọ Vàng

5 to 7 (2014) và Loveless (2017): yêu thương và không yêu thương

Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm Nghệ Thuật

Dinh Thự – The Nest (2020): nhà là một thực thể sống – new

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bàn về điện ảnh: phân tích điện ảnh Việt

T5 Th3 25 , 2021
Bài này sẽ phân tích tổng quát về nền điện ảnh VN và các vấn đề của nó. Nói chung thì nền điện ảnh nước ta … quá nhạy cảm để có thể nói thật những gì mà tôi đang nghĩ, không cần so với Nhật Bản hay Hàn Quốc, […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese