Review ý nghĩa phim Somewhere: động lực không ở “đầu” xe

Nói ra có lẽ bạn sẽ không tin, phim Somewhere (Nơi Nào Đó – 2010) sở dĩ đạt được Sư Tử Vàng vì nó đã khiến cho ban giám khảo cười, tất nhiên là khi nhìn vào số điểm IMDb 6.3 khiêm tốn thì nụ cười đó không phải ai cũng có được, ngược lại, phần lớn người xem chỉ cảm nhận được sự nhạt nhẽo mà phim đã cố tình thể hiện. Sau khi viết trên 200 bài review thì đây là bộ phim thứ 3 có thể khiến tôi cười, bộ thứ 4 sẽ viết sau bài này, 2 bộ khác là Pulp Fiction và Lucy; còn phim có thể khiến tôi khóc thì có hơn chục bộ. Pulp Fiction mang đến sự hài hước bởi lời thoại, Lucy là do cốt truyện, còn phim này thì bởi sự ám thị trong hình ảnh lên tâm lý con người – rất hợp với những ai thật sự quan tâm đến nghệ thuật điện ảnh.

Phim kể về cuộc sống của Johnny – một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, anh ấy có vợ và một đứa con gái 11 tuổi nhưng không sống chung với họ. Xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Phân tích ý nghĩa thông điệp

Sẽ rất khó khăn để tôi có thể giúp bạn cảm nhận được sự thú vị của phim này và có được nụ cười hiếm hoi mà tôi nhắc đến ở trên, vì nó đòi hỏi khá nhiều đến trí tưởng tượng trong sự hóa thân thành nhân vật chính trong phim để hiểu anh ấy, sau khi đã hiểu, bạn phải đứng ở góc nhìn khán giả đang cảm nhận phim, sau đó lại tách mình ra để quan sát bản thân đang ở vai trò khán giả. Phức tạp đúng không nào?

Chìa khóa hiểu phim này là đoạn đầu tiên, trên sa mạc có con đường nhựa rộng và thoáng, bạn đang sở hữu một chiếc xe đua đắt tiền với bộ máy vô cùng mạnh mẽ, điều đó sẽ khiến bạn vô cùng háo hức trong việc cưỡi nó để phóng thả ga. Vòng thứ nhất bạn sẽ nghĩ “Đây quả là một chiếc xe tuyệt vời, một con chiến mã”, vòng thứ 2 thì sự háo hức đó vơi đi một nửa, vòng thứ 3 chẳng còn lại gì, vòng thứ 4 bạn cảm thấy chán ngấy cái việc cứ chạy vòng vòng như thế và bạn dừng lại (cười), nó giống như quả bóng bị xì hơi. Đừng nói là chiếc xe xịn, dù có lái đĩa bay của UFO thì cũng vậy thôi.

Phân đoạn thứ 2 khiến tôi cảm thấy thú vị nhất trong phim là cảnh 2 cô nàng song sinh đang múa cột; phải nói là đối với hầu hết đàn ông, lẽ ra khi xem vũ điệu sexy đó đều cảm thấy vô cùng hứng khởi, nhưng khi chiếu đến cảnh Johnny đang nằm trên giường với nụ cười ũ rũ và buồn ngủ thì cảm giác hứng khởi đó rớt cái vèo; đã vậy đó lại là căn phòng chật hẹp tù túng, trang phục của 2 cô nàng thì đơn điệu thô cứng như bộ pijama cũ với màu sắc và hoa văn nhạt thếch ra, lại kết hợp với màu da và màu của bức tường cũng có phần tương tự, điệu vũ chậm chạm như ru ngủ. Quả là Johnny cần điệu vũ đó để ru ngủ thật; nếu bạn là đàn ông mà xem đi xem lại cảnh này thì có khi sẽ sinh ra chuyện “bất lực” chứ chẳng chơi. Sau khi xem xong phim, lúc nhớ đến cảnh này là tôi cảm thấy buồn cười, cứ như đang lái một chiếc xe cà tàng lên con dốc, tay đã nhấn hết ga nhưng nó cứ bò rì rì hụt hơi.

Cũng không trách được Johnny có cảm giác đó, vì anh ấy quá nổi tiếng, đi đến đâu cũng gặp mỹ nhân, và tự họ cứ muốn lao vào vòng tay của anh ấy mà chẳng cần sự cố gắng nào, nó giống như mỗi ngày đều ăn cùng một món tôm hùm, dù nó có ngon đến mức nào đi nữa thì cũng đến lúc bạn sẽ cảm thấy chán ngấy đến tận cổ. Phân đoạn nhảy Sexy lần 2 có chút đặc sắc, nhưng khi nhìn vào sự kết hợp giữa màu da nâu và màu trắng của trang phục thì cũng chẳng khá hơn tí nào. Tôi nhắc đến những cảnh này không có ý gì khác ngoài việc phân tích cho bạn hiểu cách mà đạo diễn thao túng tâm lý chúng ta bằng sự sắp đặt và kết hợp màu sắc vô cùng hợp lý.

Phim bao gồm một chuỗi những hình ảnh tương phản giữa cái bên ngoài và bản chất bên trong. Ví như Johnny là một người trưởng thành nhưng cuộc sống của anh ấy chẳng khác chi là của đứa trẻ, anh ấy bị gãy tay vì té cầu thang, muốn ngủ thì phải có người nhảy sexy; trong vai trò làm cha cũng thế, Johnny bất an khi lái xe vì lo lắng có người theo dõi và phải nhờ con gái trấn an, chúng ta không biết Johnny là cha hay đứa con gái trở thành “mẹ” của anh ấy, cảnh cô bé nấu ăn, khi ở khách sạn ở Ý thì cô bé bơi trong phần hồ dành cho người lớn còn Johnny “bơi” trong phần dành cho trẻ con, cảnh trên bàn ăn buổi sáng thì cô bé ngồi giữa làm việc với chiếc laptop. Mọi thứ trong cuộc sống của Johnny đều bị người khác sắp đặt và anh ấy cứ như một tên ngố chẳng biết gì.

Đây là ai? Chúng ta đấy!

Có lẽ cảnh thể hiện rõ nhất bản chất thật trong cuộc sống của Johnny chính là lúc người ta đắp phần silicon lên mặt anh ấy, nó vô cùng quái dị và hỗn độn, mù lòa, cái miệng méo xệch, phần mũi như của con lợn và chỉ chừa ra 2 cái lỗ đen để thở – thứ gắn kết duy nhất với sự sống. Và từ cái khuôn ấy, người ta hóa trang Johnny thành một lão già đang sắp chết và mục rửa – nó thể hiện chính xác tâm hồn của anh ấy, già nua và trống rỗng.

Một con người như Johnny với tâm hồn mục rửa của sự già nua, bị cuộc sống dắt mũi như trẻ con, lại đạt được giải Con Mèo Vàng (nhại giải Sư Tử Vàng) cao quý của thế giới thì quả là rất mĩa mai, đó là cách mà phim thể hiện, hiện thực thì thế nào? Bạn nhớ đoạn khi Johnny xem tin tức về Gandhi chứ? Gandhi tẩy chay quần áo sản xuất của châu Âu, ông ấy tự thiết kế bộ “Khadi” và nó trở thành biểu tượng quyền tự chủ của Ấn Độ, đoạn này không có hàm ý châm biếm Gandhi, mà nó châm biếm cả nhân loại chúng ta; bạn có cảm thấy mĩa mai khi quyền tự chủ của một dân tộc lại được quyết định bởi một biểu tượng giống như trò trẻ con. Bạn có hiểu ý tôi? Tôi không cười Ấn Độ, vấn đề là một biểu tượng mang tính trẻ con như thế luôn là hình mẫu trong gần như hầu hết các cuộc cách mạng của loài người chúng ta.

Có vẻ như loài người chưa bao giờ đấu tranh để giành lấy giá trị cuộc sống bởi chính bản thân giá trị đó, họ luôn cần một thứ hình tượng đơn giản hơn để thúc đẩy, một thứ bề ngoài gì đó mới có thể tạo ra động lực. Phần đầu phim và phần cuối phim đều có hình ảnh chiếc xe hiện đại – biểu tượng cho xã hội loài người. Bạn biết chiếc xe này có gì đặt biệt không? Động cơ của nó không ở “đầu” mà là ở “đít” (cười) – rất thâm thúy hen. Để tôi nói thẳng ra, chúng ta đều biết nếu tất cả mọi người cố gắng làm việc, trở nên có trách nhiệm, tôn trọng các giá trị như yêu thương – tự do – bình đẳng thì sẽ tạo ra một thế giới hoàn hảo và phát triển; nhưng không, phần lớn không ai quan tâm đến nó, cho nên xã hội phải nhờ đến sự thúc đẩy của sự cạnh tranh – đấu tranh sinh tồn, của luật pháp và mô hình xã hội – sự ép buộc và sắp đặt, của đam mê và dục vọng; động lực không đến từ “đầu” mà đến từ “đít” của “chiếc xe”.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Phim cho chúng ta thấy 2 hình tượng cơ bản là người cha và đứa con gái, người cha tuy trưởng thành nhưng bản chất không khác chi một đứa trẻ, và thua cả đứa trẻ vì đã đánh mất động lực sống; trong khi đứa con gái thì tràn trề sinh lực. Vậy thì điều cần làm là trở về với bản chất trẻ thơ, yêu mọi thứ với sự hồn nhiên và vô tư thuở ban đầu là được. Suy nghĩ sâu xa hơn, người lớn chúng ta sỡ dĩ không hoàn toàn lạc hướng là hoàn toàn nhờ vào trẻ nhỏ, chúng ta không tàn phá thế giới nhiều hơn, chúng ta ít tự giết nhau hơn, chúng ta ít làm những điều xấu xa hơn, đó là vì trẻ nhỏ vẫn còn ở bên chúng ta; nếu không có trẻ nhỏ thì chúng ta đã diệt vong từ “đời tám hoánh” nào rồi (cười).

Phim dùng hình ảnh châm biếm là giải Con Mèo Vàng nhưng lại đoạt được Sư Tử Vàng, ít ra thì điều đó cũng cho thấy loài người vẫn còn giữ được những thứ giá trị và đẹp đẽ, đặt biệt là ở phương diện nghệ thuật.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Cyclo (1995): tâm hồn người Việt  Nghệ Thuật – Sư Tử Vàng 1K

Joker (2019): nụ cười của nỗi đau – Nghệ Thuật – Sư Tử Vàng 1k

Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười) 1k

Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao – Cành Cọ Vàng

Lồng Chim – Bird Box (2018): con người thua cả chim

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

Nữ Anh Hùng Misery – Misery (1990): khi con người yêu hạnh phúc 3 xu 1k

Nhãn Lực Siêu Nhiên – Midnight Special (2016): cuộc thương khó của đứa trẻ nhân loại 1k

Đời Sống Thượng Lưu – La grande bellezza (2013): ta thấy gì khi cúc áo cô gái mở ra? – Nghệ Thuật

Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết 1K

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phân tích phim Night on Earth: những "kinh đô" có gì lạ?

T3 Th10 6 , 2020
Night on Earth (Một Tối Ở Địa Cầu – 1991) là phim nghệ thuật – hài kịch, sẽ đưa chúng ta dạo chơi bằng taxi vào ban đêm, qua 5 “kinh đô” của thế giới. Los Angeles – điện ảnh, New York – tự do, Paris – ánh sáng, Rome […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese