Suỵt! Chúng ta hãy nhỏ giọng thì thầm về bộ phim này, vì sự thật thì ít người muốn biết và ít ai tìm đến, những gì ý nghĩa cũng vậy, nó không dành cho số đông, đặt biệt là với người Việt. Ngày qua ngày người Việt đi tìm gì đó chứ không phải là những mảnh tâm hồn đã lạc mất từ rất lâu. Cyclo là một bản hòa ca gồm nhiều mảnh hồn của hiện thực mà người ta muốn chối bỏ hoặc cố tình lãng quên. Một bộ phim sâu sắc đến cùng cực, không bất ngờ khi phim này đoạt giải Sư Tử Vàng ở liên hoan phim Venice 1995.Tôi đã xem phim này cách đây cũng 10 năm, nhưng lúc ấy chưa thật sự hiểu, giờ xem lại mới thấy là quá hay. Thật không ngờ rằng một bộ phim như thế lại của người Việt, nhưng cũng đúng thôi, vì chỉ có người Việt mới hiểu người Việt đến mức độ này.
Nếu bạn xem vô số phim từ nhiều quốc gia khác nhau, bạn sẽ nhận ra một đặc điểm của phim Việt khác với tất cả, đó là những khoản lặng, đó là lời nói cứ như bị vỡ vụn ra, chúng không liền lạc như bất cứ nước nào, kể cả phim đoạt giải này. Nếu ngày trước thì tôi cho rằng đó là do vấn đề kịch bản, nhưng đến giờ thì tôi phải xem nó như một đặc trưng về tâm hồn và tính cách. Một điểm khác nữa, đó là mỗi khoản đứt đoạn trong suy nghĩ hay lời nói đó luôn gắng liền trực tiếp với cuộc sống thường ngày, những gì sát sao nhất, giống như bài Bắc Kim Thang mà bọn trẻ ca trong lớp học, hay như những lời cuối cùng mà nhân vật đàn anh (Lương Triều Vĩ đóng) đã thì thầm trước khi tự sát.
Tôi chưa từng thấy phim nào mang nhiều biểu tượng ẩn dụ như phim này, kể cả so với những phim nghệ thuật nổi tiếng của nước ngoài đi nữa. Mỗi hình ảnh, mỗi trường đoạn là một ẩn dụ, là một câu chuyện về tâm thức và về tâm hồn. Tôi sẽ điểm qua vô số mảnh ghép này để bạn hiểu, sau đó việc phải làm là chấp vá tất cả lại, bạn sẽ thấy một bức tranh tổng thể về chính chúng ta, nếu bạn hiểu, bạn sẽ khóc cho điều đó.
Cảnh anh Cyclo đến xin tiền tài trợ dành cho người nghèo, những gì anh nói là sự khốn khổ cùng cực của cái nghèo, nhưng khuôn mặt của vị công chức cứ trơ ra như nghe một chuyện bình thường, mà chuyện đó quả là thường khi hồ sơ của anh được xếp vào một trong nhiều chồng hồ sơ cao ngất. Nhìn cảnh đó thì ta cũng hiểu là sẽ chẳng có hồi âm gì trong tương lai.
Cảnh thanh toán tiền cuối ngày, chỉ còn lại 2000 bỏ túi, vì phải trả đủ thứ tiền, tiền thuê xe, tiền ăn trong ngày, tiền sửa xe. 2000 còn lại đó cũng không phải của anh mà nó là khoản góp vào để nuôi gia đình. Nghĩa là không có bất kỳ khoản dư nào cả, anh sẽ đạp Cyclo cho đến khi không còn sức để làm nữa thì thôi.
Cảnh không được đón khách ở những bến bãi khác vì khu đó đã được bảo kê, hãy nghĩ, một nghề lao động bằng sức người thuộc loại bần cùng nhất trong xã hội mà vẫn bị một số người ăn chặn tiền mồ hôi nước mắt, người Việt sống bằng máu người Việt.
Cảnh nhóm Cyclo nói về bệnh tật, và việc xương cốt của ông nội ngày càng đau hơn, họ sẽ làm việc cho đến khi bệnh và chết, không có khoản tiền nào dành cho việc trị bệnh đâu.
Cảnh người chị phải làm việc cả ngày, sáng và chiều gánh nước, về nhà thì có việc nhà, tối phải phụ bán quán ăn, đó là số phận người phụ nữ VN. Cả gia đình từ trẻ đến già đều phải lao động mới đủ sống, đó là số phận gia đình nghèo VN.
Cảnh cái cân bị khách bỏ quên, 2 thành viên trẻ muốn dùng nó kiếm tiền nhưng ông nội bảo cứ chờ để trả lại. Một phân cảnh khác là vị đàn anh mang tiền bất chính về thì bị người cha đánh tét cả cây roi. Hiện tại, sau 25 năm thì chúng ta khấm khá hơn thật đó, nhưng sẽ không còn ai cầm roi đánh ta khi cầm tiền bất chính nữa đâu, vì thế hệ còn giữ được lương tâm đó thì chết sạch cả rồi.
Cảnh những căn phòng chung cư, biết bao người thuộc về cả 3 thế hệ cùng sống trong những chiếc hộp như thế. Những chiếc hộp đó là nơi sống, nơi dạy học, nơi sinh hoạt, nơi ăn cơm, nơi ngủ, nơi đọc kinh, nơi lao động.
Cảnh 2 người cụt chân đi hát dạo, đó là hình ảnh còn lại của những người lính sau chiến tranh, cuộc chiến nam – bắc, cuộc chiến biên giới 1979. Họ không còn sức lao động, nhưng vẫn phải bán tiếng ca để lấy tiền khi quá nghèo khổ. Giờ chúng ta hết thấy vì họ cũng chết cả rồi. Ở đây ta thấy sự tương phản, người bỏ lại một phần thân thể cho đất nước phải phục vụ cho những kẻ hưởng được hòa bình. Có 3 thành phần trong quán ăn – nhậu, kẻ giàu, người hy sinh vì nước, và bọn trẻ cùng khổ.
Cảnh vào quán bar, con đường đọng nước vì dột và từng cuộn dây điện bên tường, bên trong lại là vũ trường nơi người ta phun phí tiền bạc và cuộc đời. Cảnh cuối, bên cạnh khu người giàu sống với hồ bơi và sân tennis là một đống rác rưởi và hoang tàng, bên dưới là con đường bẩn thỉu. Cảnh ở hồ con rùa, người mẹ giàu có dắt đứa con đi một hướng, đứa trẻ ở trần dắt cô gái đi hướng khác, có sự trái ngược ở người chủ động, người lớn dắt đứa trẻ hướng về tương lai giàu có nhưng có lẽ lạc mất lương tâm, đứa trẻ dắt cô gái về tương lai khốn khổ nhưng sẽ giữ lại được gì đó cho tâm hồn.
Cảnh anh Cyclo chở cô học sinh đến trường, cả 2 đều mặc áo trắng, họ đều trong trắng như nhau và gần tuổi nhau nhưng một người được đi học và một người thì đạp Cyclo. Còn 1 cái áo trắng nữa, đó là tên cướp đi xe máy và ăn mặc bảnh bao như trí thức, bên ngoài trí thức, bên trong là cướp. Hãy nhớ đến chiếc áo trắng của anh Cyclo, chỉ một chiếc áo duy nhất, khi dơ phía trước và đầy mồ hôi sau lưng thì anh quay ngược nó lại, cái dơ chạy ra sau và mồ hôi sẽ khô ở phía trước.
Cảnh cô gái đứng đái cho tên nhà giàu xem, nhân cách người nghèo bị chà đạp, nhân cách kẻ giàu trở thành biến thái và bệnh hoạn.
Cảnh anh Cyclo muốn cứu người say chết đuối nhưng bị nắm đầu kéo đi, cái xã hội nơi muốn cứu người lại không ai cho cứu. Muốn sống bằng lao động chân chính mà người ta cũng không cho, vì chủ cho thuê Cyclo cũng là chủ của băng cướp Cyclo. Cô gái kiếm tiền không phải bằng cách làm đĩ nhưng cuối cùng cũng bị mất trinh vì cưỡng hiếp, người cưỡng hiếp cô thì nhìn giống như trí thức vậy.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Cảnh bà chủ ở trên giường tâm sự với vị đàn anh và cảnh anh Cyclo làm hồ sơ xin tiền chính phủ, hoặc những lời kể về tuổi thơ của vài người khác, tất cả chỉ đang nói về quá khứ; khi kết hợp với sự im lặng và tiếng ồn ào trong thực tại, 2 sự tương phản này nói rõ một điều, rằng với người Việt, thực tại là sự câm lặng trong tâm hồn, là giấc ngủ mê của thể xác, và họ chỉ nhận ra sự bất hạnh đó sau khi nó trôi qua, họ luôn sống trong quá khứ chứ không phải thực tại, giàu hay nghèo đều thế, giàu thì lao vào kiếm tiền, như cảnh vị đàn anh lấy tiền bỏ vào hộp đồng hồ, còn người nghèo phải lo kiếm sống, thời gian đâu để “sống” trong thực tại?!
Cảnh anh Cyclo bị cho uống nước pha thuốc tẩy (hình như thế) vì trừng phạt khi muốn cứu người, sau đó đốt nhà xích lô (có lẽ của đối thủ) và phải trốn xuống mương đầy bùn đất giòi bọ, khi muốn vào băng nhóm thì mặt dính máu, cuối cùng hối hận thì tẩm sơn xanh. Các màu sắc ấy đều mang tính ẩn dụ, thuốc tẩy là bị đầu độc, bùn đất là cuộc sống đang chìm xuống, máu là chìm vào tội ác, màu xanh là ước muốn trở lại thuở ban đầu.
Rồi hình ảnh con cá vàng, nó sống trong nước, nước là môi trường của nó, nhưng người ta đổ thuốc tẩy vào – môi trường nhiễm độc, bùn đất trộn lẫn vào, môi trường đục ngầu, cuối cùng không còn nước và con cá chết ngộp. Con người sống trong xã hội có khác khi con cá ấy.
Hoặc như cảnh giết người, được ngồi vào ghế nhưng tay bị trói, miệng vẫn thấy nhưng bị dán bằng băng keo trong nên không nói được, sắp bị giết lại được nghe bài hát ru ngủ, những vết sẹo có được thời bảo vệ đất nước thì nay được xem như chiến tích dùng trong tra tấn và giết người.
Hình ảnh con thằn lằn, cái thân nó chết cứng đơ ra, chỉ còn cái đuôi nó hoạt động – thứ hoạt động dạng lập trình không mang sự sống, đời sống con người cũng y như thế. Đời sống đó cũng như bài hát phát ra từ khẩu AK47, bài hát đời sống là một chuỗi liên tiếp của một nốt duy nhất, đó là tiếng nổ khi viên đạn thoát ra khỏi nòng, thứ âm thanh vô cảm.
Cảnh quán cà phê nghe bản Em Ơi Hà Nội Phố, đây là cảnh êm dịu và đẹp nhất của cả bộ phim, bài hát này cũng có thể xem như bài chủ đề của phim, nó kể về những điều rất đẹp nhưng chúng chỉ có trong quá khứ, chỉ còn là hoài niệm. Và những con người đó đang ngồi nghe bên dưới chiếc máy bay của thời chiến.
Không một lời nói hay một bài hát nào trong phim là sự ngẫu nhiên hoặc thừa thải, tất cả đều mang dụng ý. Tôi chưa từng thấy phim nào có sự kết hợp tỉ mỉ như phim này, kể cả hình ảnh.
Cảnh anh Cyclo chuyển ma túy (độc dược) trong xác heo – thực phẩm. Lẽ ra anh đã bị bắt, nhưng lại xuất hiện chuyện gian hồ đâm chém nên chuyến ấy trót lọt. Có quá nhiều vấn đề đang tồn tại trong xã hội, ngăn chặn thứ này thì để lọt thứ kia.
Về thằng khùng con bà chủ, nó bằng tuổi anh Cyclo, nó là con bà mẹ giàu bất chính nhưng bị khùng, mẹ nó hát cho nó nghe những bài của lòng từ ái nhưng nó có hiểu gì đâu, nó tẩm vào thân một nước sơn mà vàng – màu da của người Việt. Anh Cyclo không khùng, tâm trí anh bình thường nhưng sống trong nghèo khổ. Thằng khùng chết vì bị xe cứu hỏa thật đụng khi hoảng loạn bởi tiếng pháo trong xe cứu hỏa đồ chơi, đời sống nó vô nghĩa, cái chết nó phi lý. Đó phải chăng là sự quả báo?
Trong tất cả các nhân vật trong phim, chỉ duy nhất một người nhận thức được những gì đang diễn ra, và lạ lùng thay, nhân vật này được chọn lại không phải là người Việt, dù anh đóng vai người Việt. Nếu để ý kỹ thì anh cũng là nhân vật mang tính chủ động nhất, những khi bọn đàn em muốn trừng phạt anh Cyclo thì vị đàn anh này xen vào giữa, khi cô gái muốn kiếm tiền thì anh cho cô làm một việc khác với đĩ, khi cô bị cưỡng hiếp thì anh giết tên cưỡng hiếp, khi anh Cyclo muốn vào băng đảng thì anh nóng giận, khi nghe bà chủ kể chuyện quá khứ thì anh ôm ấp an ủi. Bạn có thấy anh đốt thuốc liên tục? Đó là sự tự hủy hoại, đốt cháy cuộc đời khi biết mình đang sống trong tội lỗi, và cuối cùng, anh chủ động chấm dứt cuộc sống vô nghĩa ấy.
Hãy nhớ đến cái cầu giao điện nơi cây cột, từng người từng người bị nó giật, nhưng nó vẫn cứ phơi bày trần trụi ra đó, chẳng ai nghĩ đến chuyện sửa chữa cả, chẳng ai cả!
Cảnh những cô gái đùa nhau bắn súng nước, đó là sự đùa vui như bọn trẻ con vẫn đùa, nhưng cái bình đã vỡ. Ôi! Nhiều lúc tôi nghĩ cuộc chiến nam – bắc của chúng ta cứ như trò chơi của bọn trẻ vậy, anh em giết nhau, nhưng sau cái trò ấy là một đất nước tan hoang.
Cảnh anh Cyclo được buông tha (khi cả người phủ sơn xanh), tên đàn em chúc một năm con heo tốt đẹp, ừ thì sau đó cũng sống như những con heo, lo việc ăn và chờ chết.
Cảnh gần cuối, hàng biết bao người đổ xô nhau đi chùa cầu phúc, vì ngoài việc trông chờ vào thần thánh thì họ biết trông chờ vào ai? Nhưng kể cả ở nơi linh thiêng này cũng không an toàn, có đầy bọn trộm cắp. Tấm ảnh bị trộm mang nhiều ý nghĩa, tuổi thơ con người bị đánh cắp, kể cả một tấm ảnh dùng để hoài niệm về cái tuổi thơ ấy cũng bị đánh cắp luôn, mất sạch!
Phim này có IMDb là 7.3 , số điểm cao nhất mà người nước ngoài chấm cho phim Việt, nhưng bởi vì họ không hiểu người Việt đấy thôi. Nếu họ hiểu, số điểm không như vậy. Còn tôi? Tôi sẽ chấm phim này là 9.9 . Giờ thì bạn đã ghép được một bức tranh tổng thể về tâm hồn Việt chưa? Đầy mảnh vỡ và mảnh vá. Tôi cứ mãi hỏi, ai sẽ sắp xếp lại các mảnh linh hồn và khâu lại? Bao giờ mới tìm lại hết những mảnh hồn đẹp và trong đã bị đánh mất hoặc bị phai tàn? Người Việt rất thích cười, nhưng tôi lại thường khóc. Ờ thì khóc có lẽ sẽ giúp tôi thanh thản hơn cười.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
……………..
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Bạn có thể xem phim này trên Youtube.
Phim cùng chủ đề: Vợ 3
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) .